Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước những phân tích cởi mở, thẳng thắn của các chuyên gia về thi cử

Với sự tạo điều kiện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều chuyên gia giáo dục đã có 2 buổi trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Đây là cuộc gặp trực tiếp mà rất nhiều chuyên gia giáo dục cũng như cộng đồng chờ đợi.

Thành phần cuộc gặp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị mọi chuyên gia thẳng thắn, cởi mở cho ý kiến.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị mọi chuyên gia thẳng thắn, cởi mở cho ý kiến.
Điều rất thú vị, tuy chủ trì cuộc gặp nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không ngồi ở vị trí "long trọng" như các phiên họp thường kỳ mà tất cả mọi người ngồi với đúng hình thức bàn tròn.

Tham dự cuộc trao đổi cùng Phó Thủ tướng có GS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch Nước hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lãnh đạo của ĐH Quốc gia  HN, ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế quốc dân HN, ĐH Thăng Long, một số chuyên gia đã từng có ý kiến phân tích về kỳ thi như GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, GS. Phạm Tất Dong, GS. Nguyễn Lân Dũng, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, TS. Lê Trường Tùng, TS. Quách Tuấn Ngọc, TS. Lê Thống Nhất, TS. Lương Hoài Nam và một số chuyên gia giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các chuyên gia giáo dụcBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các chuyên gia giáo dục
Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.

Nội dung trong Giấy mời dự cuộc gặp của Phó Thủ tướng với các chuyên gia.Nội dung trong Giấy mời dự cuộc gặp của Phó Thủ tướng với các chuyên gia.

Những tài liệu phát cho các đại biểu

Mỗi đại biểu dự cuộc gặp được phát các tài liệu:
1) Các ý kiến liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT: Gồm 30 ý kiến tập hợp khá đa chiều từ báo chí, mạng xã hội không chia theo vấn đề mà chỉ ghi số thứ tự (xem file đính kèm dưới bài viết).
2) Bảng so sánh các ưu điểm, nhược điểm của việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, cao đẳng qua các thời kỳ từ trước năm 1970 đến năm học 2017 - 2018 (xem bảng dưới)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước những phân tích cởi mở, thẳng thắn của các chuyên gia về thi cử
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước những phân tích cởi mở, thẳng thắn của các chuyên gia về thi cử
3) Thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học ở một số nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore.
4) Thư của GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu các ý kiến của mình vì tiếc là không thể ra dự được.

Cuộc gặp gỡ trao đổi cởi mở, thẳng thắn

Tinh thần của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là không áp đặt bất cứ điều gì và mong muốn tất cả các đại biểu tham dự trao đổi một cách hết sức cởi mở và thẳng thắn. Chúng tôi xin không tường thuật chi tiết ý kiến của từng đại biểu, mà tóm lược những ý kiến chính trong cuộc trao đổi.
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An và GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểuNguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An và GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu
1) Đề thi THPT quốc gia 2018 là khó và quá khó đối với học sinh, không chỉ các môn Toán, Tiếng Anh hay Tổ hợp KHTN mà kể cả Ngữ văn và Lịch sử.
2) Quy chế xét tốt nghiệp THPT bảo gồm cả điểm học bạ và điểm thi nên mặc dù tỷ lệ điểm thi trên trung bình thấp nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn cao, cả nước có tỷ lệ 97,57%.
TS. Lê Trường Tùng và nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻTS. Lê Trường Tùng và nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ
3) Phần mềm chấm thi trắc nghiệm có nhiều "kẽ hở" về bảo mật, phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách nên đã làm cho tiêu cực dễ hơn như vụ việc ở Hà Giang. Quy trình sao dữ liệu ra đĩa CD thực ra cũng không cần thiết vì hoàn toàn dữ liệu quét phiếu trả lời có thể truyền ngay về cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT nếu như quy trình ban đầu có điều này thì hoàn toàn có thể tổ chức thực hiện được.
4) Vấn đề coi thi ở các địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có những "kẽ hở" cho việc gian lận.
5) Căn bệnh thành tích còn trầm trọng và phổ biến thể hiện ở việch đánh giá kết quả học tập của các nhà trường đã tạo "phao cứu sinh" cho xét tốt nghiệp THPT.
PGS Hoàng Minh Sơn và GS. Nguyễn Hữu Đức phát biểuPGS Hoàng Minh Sơn và GS. Nguyễn Hữu Đức phát biểu
6) Đào tạo Đại học ở một số trường chưa quản lý tốt chất lượng, có hiện tượng cứ vào là sẽ ra và có bằng cử nhân làm thúc đẩy hiện tượng tiêu cực ở đầu vào. Tuy nhiên vẫn có những trường Đại học làm tốt việc quản lý chất lượng, hàng năm đã loại nhiều sinh viên không đáp ứng được các yêu cầu về năng lực học tập.
7) Nếu nhìn áp lực trong việc đi thi trước năm 2015 mới thấy việc cải tiến thi cử theo hướng giảm chi phí cho các gia đình, giảm tiêu cực cho hiện tượng quay cóp, giảm số lần thi liên tiếp trong một thời gian là cần thiết và cấp bách nhất trong các việc cần đổi mới của giáo dục, thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Đảng. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của các kỳ thi những năm vừa qua và cũng là lý do chúng ta không thể quay trở lại những hình thức thi trước năm 2015.
8) Mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu là để xét tốt nghiệp THPT và phấn đấu thế giới công nhận bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam. Theo Điều 31 của Luật Giáo dục hiện hành thì học sinh học hết 12 năm phải thông qua kỳ thi để được công nhận tốt nghiệp do Bộ GD&ĐT quy định. Bởi vậy không thể bỏ được kỳ thi này. Có thể nghiên cứu sửa đổi Luật Giáo dục nhưng điều quan trọng của kỳ thi còn để đánh giá việc dạy và học ở các đơn vị giáo dục. Do đó nhiều ý kiến yêu cầu bỏ kỳ thi chỉ cần xét học bạ sẽ dễ dẫn đến tình trạng học lệch ngay từ đầu cấp THPT do tâm lý "thi gì, học nấy" đã ăn sâu vào tiềm thức của học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp TS. Quách Tuấn Ngọc, TS. Lê Thống Nhất trong giờ giải laoBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp TS. Quách Tuấn Ngọc, TS. Lê Thống Nhất trong giờ giải lao
9) Theo Điều 34 Luật Giáo dục Đại học thì các trường Đại học được tự chủ, đề xuất phương án tuyển sinh, kể cả việc sử dụng hay không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia.
10) Với tâm lý từ Bộ GD&ĐT lo đề thi với mục tiêu "2 trong 1" nên đã không ổn định về nguyên tắc ra đề thi. Năm 2017 thì bị kêu quá nhẹ và năm 2018 đã nâng độ khó lên làm cho xã hội nghĩ rằng kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tuyển sinh Đại học. Điều này không đúng với yêu cầu của kỳ thi THPT. Trước kỳ thi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: "Kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu là thi tốt nghiệp THPT." Cần quán triệt và truyền thông đầy đủ đúng mục tiêu của kỳ thi, không gọi tắt "2 trong 1" để dư luận hiểu sai.
11) Phương án tuyển sinh của Đại học, Học viện theo Luật Giáo dục Đại học là hoàn toàn tự chủ, Bộ GD&ĐT không ép các đơn vị này phải dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và trong thực tế đã có những trường hoàn toàn tự chủ, chỉ lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia khi còn tin tưởng và có thể bổ sung các tiêu chí khác, thậm chí những khảo sát riêng bằng nhiều hình thức để quyết định tuyển sinh.
Trong bữa trưa Phó Thủ tướng vẫn chia sẻ với các chuyên giaTrong bữa trưa Phó Thủ tướng vẫn chia sẻ với các chuyên gia
12) Ngân hàng đề thi trắc nghiệm chưa chất lượng, các tổ ra đề còn chưa được đào tạo chuyên nghiệp về ra đề trắc nghiệm, thậm chí còn chưa biết phát huy ưu điểm kiểm tra rộng kiến  thức hơn so với thi tự luận. Điều đặc biệt quan trọng là đề thi trắc nghiệm rất khó kiểm tra bề sâu của kiến thức hay những sáng tạo của học sinh giỏi mà chỉ thích hợp với việc đánh giá ở mức độ theo chuẩn kiến thức kỹ năng cho đại trà.
13) Cần rà soát lại quy trình thi sao cho "không thể gian lận, không dám gian lận" và cần nâng cao việc quản lý chất lượng ở đào tạo đại học sao cho ở việc tuyển sinh đầu vào sẽ "không muốn gian lận, không cần gian lận" như kinh nghiệm về cải tiến thi cử ở Singapore.
14) Một số đề nghị mua ngân hàng đề thi của những đơn vị khảo thí nước ngoài có uy tín nhưng họ đã đầu tư nhiều chục năm với những khoản tiền rất lớn, họ không bán, không cho thuê và đặc biệt không cho Việt hoá và họ phải kiểm soát việc sử dụng để bảo đảm uy tín. Bởi vậy, ngoài việc Bộ GD&ĐT phải tích cực xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm thì cần phát huy từ các đơn vị doanh nghiệp, tất cả thầy cô đóng góp ngân hàng đề thi có chất lượng. Việc này bước đầu đã có giải pháp thực hiện.
TS. Lê Thống Nhất xin phát biểuTS. Lê Thống Nhất xin phát biểu
15) Ý kiến từ Hiệu trưởng trường THPT là rất cần một kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi nếu không có kỳ thi thì nhà trường không thể chỉ đạo được hoạt động học tập của học sinh.
16) Ngoài việc giám sát bằng con người trong khâu coi thi có thể trang bị công nghệ giám sát, tuy nhiên việc này khó có thể thực hiện đồng loạt ngay.
17) Việc giám sát coi thi vẫn rất cần thiết tới lực lượng từ các trường Đại học, Học viện tham gia nhưng phải có quy chế ràng buộc chặt chẽ cùng chịu trách nhiệm khi tiêu cực xảy ra.
18) Chịu trách nhiệm tổ chức thi ở các địa phương là UBND các tỉnh thành nên tiêu cực xảy ra thì trước hết là trách nhiệm của UBND chứ không chỉ là Sở GD&ĐT. Cần xử lý nghiêm minh nhưng không để ảnh hưởng đến học sinh.
19) Bộ GD&ĐT cần công bố lộ trình về đổi mới hình thức thi cử để xã hội được biết.
20) Tâm lý chung của các trường Đại học còn ngại trong việc tự ra đề riêng để tuyển sinh, bởi vậy vẫn muốn kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đáng tin cậy để dựa vào kết quả kỳ thi xét tuyển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp những ý kiến bổ íchPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp những ý kiến bổ ích

Thi cử những năm tới như thế nào?

1) Những năm 2019, 2020 thực hiện 1 kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chính là công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Bởi vậy ổn định môn thi và hình thức thi như đã thông báo trước đây. Bộ GD&ĐT cần bám sát mục tiêu này trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt về đề thi, chấm thi trắc nghiệm.
3) Các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng có phương án tuyển sinh tự chủ của mình, không bắt buộc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
2) Nghiên cứu tiến tới đánh giá chính xác trình độ học sinh, có thể thi trên máy tính với ngân hàng đề thi tốt đảm bảo với một thí sinh dù ngẫu nhiên gặp đề nào cũng phải có kết quả như nhau về đánh giá năng lực. Xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ và chứng chỉ này đủ uy tín để các trường Đại học, Học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong những yêu cầu tuyển sinh của mình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có ý kiến như thế nào tại cuộc gặp?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến và chia sẻ quan điểm Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến và chia sẻ quan điểm

Đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi có dư luận phân tích phê phán những vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy sự cầu thị của Người đứng đầu ngành giáo dục mà cụ thể với cương vị là Bộ trưởng. Không chỉ trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức mà ngay trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm. Cuối buổi chiều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu cảm ơn các ý kiến của Phó Thủ tướng cùng các chuyên gia trong 2 buổi làm việc trong ngày 30/7/2018 và khẳng định:

"Trước hết về những thiếu sót mà Bộ GD&ĐT xin chịu trách nhiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018:
- Đề thi chưa phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia (đề khó so với yêu cầu của thi THPT), việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao.
- Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu.
- Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận.
Những điều cần sửa ngay để đảm bảo cho chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới:
- Xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.
- Tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi mà những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường Đại học, Học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn Ngữ văn cũng theo hình thức này, các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào."

Cuối cùng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tổ chức cuộc gặp gỡ để lãnh đạo Bộ GD&ĐT được trao đổi, làm rõ những điều đã đạt được, những ưu điểm của kỳ thi và đặc biệt là những thiếu sót của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ trưởng cũng đã cảm ơn các chuyên gia đã phân tích góp ý cởi mở, thẳng thắn.
Bộ trưởng cũng mong rằng, trong việc sửa chữa các vấn đề để kỳ thi năm tới tốt hơn, lấy lại niềm tin của nhân dân sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý, giúp sức của các chuyên gia cùng cộng đồng quan tâm tới giáo dục.

Lê Thống Nhất (ghi chép)

Bản ghi chép trên đã được sự góp ý để hoàn chỉnh của GS. Nguyễn Hữu Đức, TS. Quách Tuấn Ngọc, TS. Lê Trường Tùng và xác nhận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Các báo chí được quyền đăng lại với điều kiện đăng nguyên văn.

BigSchool: Sau khi ghi chép xong bài trên và đợi các chuyên gia góp ý, TS. Lê Thống Nhất đã tự tặng bản thân bài thơ:

THƠ TẶNG MÌNH

Hai bài thơ và một lá thư 
Tám bài báo tưởng như vô vọng 
Có những lúc mặt trào bao sóng 
Có những đêm cứ ngóng lên trời

Để nhàn thân thì sẽ mặc kệ đời 
Để thư thái thì sẽ chơi cho sướng 
Để bảo trọng thì tìm nơi tĩnh dưỡng 
Nhưng giật mình khi nhìn những cháu yêu

Và nhìn ra bao đứa trẻ sớm chiều 
Chẳng được học biết bao điều cuộc sống 
Bị ép học mà kỹ năng vẫn trống 
Cứ quay cuồng mà chẳng rộng, chẳng cao
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cởi mở chia sẻ cùng thầy Lê Thống NhấtPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam cởi mở chia sẻ cùng thầy Lê Thống Nhất

Năng lực kia cứ bị đánh lộn nhào 
Dù bơi giỏi, đứa ôm phao cướp mất 
Dù khá hơn, giấy báo kia bị giật 
Chẳng lẽ nào cứ ngủ gật không hay

Nghĩ được gì là chia sẻ ra ngay 
Bao nhiêu lần đã loay hoay gây dựng 
Nghĩ gì công bởi bao giờ cho xứng 
Kệ cho người đua tranh những hư danh

Tuổi cao rồi sống ra đạo đàn anh 
Dẫu bất bình, chẳng hoá thành thù oán 
Càng nhiệt huyết lại càng nhiều khi chán 
Chỉ mong sao người là bạn với mình

Lời thẳng ngay nhưng vẫn biết chân tình 
Lòng cởi mở chẳng có binh, có pháp 
Lúc buồn quá chỉ biết nghêu ngao hát 
Chỉ sợ mình bị trôi dạt niềm tin...

Kẻ xấu mười, nhưng người tốt có nghìn 
Cứ như thế để lung linh hy vọng 
Mình chẳng cần mũ mão hay ô lọng 
Mà chỉ cần thêm từng giọng sẻ chia!

P/S: Sau 1 ngày thẳng thắn và cởi mở - Nhẹ hơn...

Lê Thống Nhất

 

Ý kiến bạn đọc: (2)

Hoàng Dũng Theo ý kiến của tôi thì nên chia kì thi tốt nghiệp và đại học ra, vì 2 kì thi ghét thành một rất khó phân luồng học sinh trung bình, khá và giỏi. Ngoài ra bộ giáo dục cũng nên xem xét các trường tư vì có một số trường được phép thi chỉ có học sinh của trường mình, rồi tự ý sửa ba rem điểm của bộ giáo dục để nâng điểm học sinh của trường mình, thay vì học sinh đó chỉ đạt điểm 3 thì có thể sửa lại điểm 5 do ba rem điểm đã sửa, tuy nâng điểm ko nhiều nhưng chủ yếu các trường tư tập trung là làm sao cho tất cả đều đổ tốt nghiệp để chỉ tiêu đạt 100% để trở thành trường luôn có thí sinh đổ tốt nghiệp cao, từ đó mà lấy được lòng tin của phụ huynh để gửi con vào trường tư học như vậy là không công bằng với học sinh trường công , tôi biết được điều là do một số học sinh ở trường đó nói, hiện nay có những trường đại học không xét điểm và xét theo học bạ học 3 năm học, như vậy cũng ko được, vì điểm đó không chính xác, cứ xét tuyển đại học kiểu như vậy thì ai cũng có khả năng học đại học, vậy hàng năm cả nước việt nam sẽ có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp, cung thì quá nhiều nhưng cầu thì quá ít dẫn đến thất nghiệp hàng loạt, hầu như hiện nay có nhiều bạn đổ tốt nghiệp trường công mà ra trường vẫn chưa có việc làm, đề nghị bộ giáo dục xem xét

· Trả lời · · 5 năm trước

Duong Phan 1. Tôi thích bảng phân tích cách tổ chức thi qua các thời kỳ, nếu được thì bảng này nên có thêm 1 cột nữa về bối cảnh chung về GD ĐT của đất nước, để thấy rằng việc tổ chức như thế phù hợp như thế nào với hoàn cảnh.
Nếu nói về hoàn cảnh hiện nay thì giáo dục đã bước đầu có thị trường: đào tạo con người cho thị trường lao động, cùng một ngành nghề có nhiều trường cung cấp dịch vụ đào tạo. Bộ GD ĐT hoàn toàn có thể đẩy mạnh việc tự chủ đại học, từ đó các trường đại học phải tự chủ tuyển sinh và giảm nhẹ gánh nặng cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.Làm theo cách này, khả năng gian lận, lạm quyền trong tuyển sinh đại học sẽ không cao như thời kỳ 1991-2002.

2. Tổ chức bộ máy của GD phổ thông quá mỏng, Bộ không có đủ người để đảm bảo sự thống nhất về GD trên toàn quốc, giám sát sự lạm quyền của các địa phương. Nếu tách thi tốt nghiệp ra khỏi tuyển sinh đại học thì Bộ không thể huy động nhân sự từ các trường Đại học.
Nên chăng nhân sự các tỉnh cần có một số bộ phận quản lý theo ngành dọc, ví dụ như thanh tra, khảo thí… để đảm bảo các quyết định của Bộ được thực thi đúng mức, đúng cách?
Chia sẻ quan điểm từ bài viết sau đây trên vnexpress:
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/chi-trich-bo-truong-3785336.html

· Trả lời · · 5 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.