Ý kiến Bộ GD&ĐT về trò chơi tập thể nhạy cảm trong hoạt động của nhà trường

  • 25/08/2018 | 07:00 GMT+7
  • 7.200 lượt xem

Đã từ lâu, một số công ty tổ chức sự kiện đã đưa vào trong hoạt động tập thể của các đơn vị những trò chơi tưởng rằng vui vẻ nhưng lại rất nhạy cảm, thậm chí rất phản cảm. Nay có trò chơi đã tổ chức trong một trường học. Bộ GD&ĐT có ý kiến như thế nào?

Trò chơi nhạy cảm đã lọt vào trường học

Kể cả với lứa tuổi đã trưởng thành, đã đi làm thì những trò chơi như thế cũng không nên tổ chức bởi có rất nhiều trò chơi lành mạnh, trí tuệ để các đơn vị tổ chức chơi tập thể cũng rất vui vẻ.

Tuy nhiên, từ những video và hình ảnh trên mạng xã hội, những trò chơi nhạy cảm đã bắt đầu lọt vào trường học. Do nhận thức của một số lãnh đạo Đoàn Thanh niên chưa đúng nên cũng đã coi những trò chơi này mang lại sự vui vẻ khi tổ chức sân chơi tập thể. Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường cũng quá tin vào lãnh đạo Đoàn Thanh niên, bởi vậy không kiểm soát chặt chẽ nội dung các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức.

Dư luận xã hội những ngày qua lại phản ứng gay gắt khi trường Trung học phổ thông (THPT) Thực hành Sư phạm (Đại học Cần Thơ) tổ chức trò chơi như thế trong hoạt động tập thể của mình.
Hình ảnh lấy từ video quay lại trò chơi nàyHình ảnh lấy từ video quay lại trò chơi này
Ngày 19/8/2008 trên mạng xã hội facebook xuất hiện 1 đoạn video các em học sinh của trường THPT Thực hành Sư phạm tham gia một trò chơi mà có nhiều cặp nam nữ nằm chồng lên nhau và lăn lộn trên mặt đất.
Không chỉ ôm nhau, các cặp học sinh nam nữ còn dùng miệng chuyền cho nhau một chiếc thẻ mỏng, xung quanh là tiếng hò hét cổ động của các học sinh khác. 

Sáng 24/8, trường THPT Thực hành Sư phạm (Đại học Cần Thơ) tổ chức họp báo thông tin về việc trên mạng xã hội xuất hiện video trò chơi của các em học sinh của trường này.

Ông Trần Văn Minh – Hiệu trưởng trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ) cho biết: "Trò chơi trên có tên là "chuyền thẻ bằng mặt", xuất phát từ nước Nhật, với thử thách là người chơi dùng mặt của mình để chuyền 1 thẻ từ người này sang người khác.
Ông Trần Văn Minh – Hiệu trưởng trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ) tại họp báoÔng Trần Văn Minh – Hiệu trưởng trường THPT Thực hành sư phạm (ĐH Cần Thơ) tại họp báo
Theo quy định thì mỗi cặp chuyền thẻ phải là nam – nam hoặc nữ - nữ. Tuy nhiên, việc xuất hiện hình ảnh nam nữ chồng lên nhau, lăn lộn trên mặt đất là do số lượng học sinh tham gia quá đông (trên 400 em), trong khi số cán bộ đoàn điều hành trò chơi lại quá ít (20 người) nên không thể quản lý theo đúng như quy định của trò chơi lúc ban đầu".

Ông cũng cho biết, sau khi video lan truyền, nhà trường đã làm việc với học sinh đăng tải nội dung này và được biết em ghi lại những hình ảnh trên mục đích chỉ để làm kỷ niệm và đăng lên mạng để chia sẻ với mọi người. Nhà trường cũng đã đề nghị em này gỡ clip xuống.

Ông Trần Văn Minh thừa nhận: "Tôi cũng đã nhìn nhận sự thiếu sót của Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Đoàn trường khi để sự việc xảy ra. Trò chơi đúng ra sẽ phù hợp hơn đối với các em sinh viên, nhưng đối với các em học sinh thì khá nhạy cảm. Vụ việc sẽ được báo cáo về Sở GD&ĐT Cần Thơ".

Dư luận nói gì sau cuộc họp báo của trường THPT Thực hành Sư phạm?

Lê Hoàng Hải, du học sinh người Việt tại Nhật Bản đã gửi thư tới ông Trần Văn Minh qua đường Bưu điện và qua hộp thư điện tử, cùng với đăng bức thư lên mạng xã hội, về xuất xứ trò chơi bức thư viết:

"Bắt đầu, tôi muốn minh xác một điều rằng, trò chơi mà các ông tổ chức cho học sinh ngày 19/8 vừa rồi, chính là một trò chơi mang tính kích dục. Nước Nhật có rất nhiều trò chơi như vậy chiếu trên truyền hình vào ban đêm, là chương trình cho người lớn."

Tác giả bức thư phân tích tác hại của trò chơi: "Ở lứa tuổi này, chỉ cần một sự kích thích nhỏ về tình dục cũng có thể dẫn tới những hành vi không kiểm soát, để lại những hậu quả khôn lường."

Tác giả bức thư cho rằng những ý kiến của Hiệu trưởng trường THPT Thực hành Sư phạm phần lớn là biện minh cho việc làm sai trái của trường, tuy nhận trách nhiệm nhưng chưa rõ thể hiện việc nhận này cụ thể ra sao, đặc biệt là đối với những ai trực tiếp tổ chức trò chơi này.

Tác giả bức thư cũng mong muốn rằng: Làm sao để những trò chơi kiểu này không tiếp diễn trong tất cả các trường học và giáo dục học sinh mạnh hơn để biết giữ phẩm giá của bản thân.

Nhiều bạn trên mạng xã hội còn phân tích: Trò chơi còn rất mất vệ sinh khi dùng miệng để chuyền cho nhau tấm thẻ mỏng.

Các cơ quan quản lý đã vào cuộc như thế nào?

Thành Đoàn TP Cần Thơ

Ngày 24/8/2018, ông Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành Đoàn thành phố Cần Thơ, thay mặt Ban Thường vụ Thành Đoàn cũng đã gửi báo cáo nhanh gửi các đơn vị quản  lý, trong đó có Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Báo cáo cho biết đã làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Kham, Bí thư Đoàn trường THPT Thực hành Sư phạm (Đại học Cần thơ) để xác minh sự việc và đánh giá tình hình. Được biết đây là hoạt động nhằm chào mừng các học sinh mới vào lớp 10 của trường. Trò chơi không dùng miệng chuyền thẻ mà áp mặt vào nhau giữ thẻ và lăn một vòngvòng, từng cặp chơi chọn ngẫu nhiên qua bốc thăm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ý kiến của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT về sự việc xảy ra tại trường THPT Thực hành Sư phạm (Trường Đại học Cần Thơ):

Tiếp nhận thông tin do báo chí phản ánh, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Vụ GDCT và CT HSSV), Bộ GD&ĐT đã làm việc và nhận được báo cáo ban đầu của Trường Đại học Cần Thơ và Sở GDĐT Cần Thơ về sự việc trường THPT Thực hành Sư phạm (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) tổ chức trò chơi "Chuyền thẻ bằng mặt", nằm trong chuỗi các hoạt động đầu năm học mới với mục đích giúp các em học sinh đầu cấp học giao lưu, làm quen với các bạn bè, trường lớp và giáo viên.

Theo báo cáo, Trường THPT Thực hành Sư phạm đã tổ chức hoạt động trên vào ngày 19/8/2018, một học sinh của Trường đã quay clip với mục đích lưu giữ kỷ niệm và sau đó đã đăng tải lên mạng để chia sẻ với bạn bè, với nhận thức đây là hoạt động vui chơi bình thường của học sinh… Xem video clip có thể thấy một số động tác của trò chơi trên khá nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi học sinh THPT, một số học sinh bị gò bó, không thoải mái khi tham gia trò chơi. Nguyên nhân: trường THPT Thực hành thuộc trường ĐH Cần Thơ khi vận dụng trò chơi của một số nước vào trong hoạt động của nhà trường đã thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện không đúng, máy móc, quản lý lỏng lẻo, thiếu giám sát chặt chẽ khi tổ chức trò chơi để đảm bảo tính giáo dục; công tác tổ chức trò chơi chưa đạt yêu cầu. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là:

Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; hoạt động tập thể đầu năm học cho học sinh là cần thiết, nhằm tạo không khí vui tươi trong nhà trường, tạo cơ hội cho HS tìm hiểu môi trường học tập, rèn luyện mới, giao lưu các bạn bè mới; tuy nhiên Ban Giám hiệu trường THPT Thực hành Sư phạm, cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được giao quản lý hoạt động trên cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc chỉ đạo, phê duyệt; quản lý và giám sát tổ chức hoạt động này; đã không kịp thời cho học sinh dừng tham gia trò chơi khi các điều kiện tổ chức không đảm bảo; không đảm bảo ý nghĩa giáo dục của trò chơi, không phù hợp với văn hóa Việt Nam; đặc biệt là chưa nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các học sinh khi tham gia… Điều này đã gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, uy tín của nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh.

Theo Vụ GDCT và CT HSSV, tất cả các trò chơi (trên mạng và trực tiếp), cũng như các hoạt động liên quan đến HSSV mang tích chất nhạy cảm, bạo lực… không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tâm sinh lý lứa tuổi, mục tiêu giáo dục toàn diện người học đều không được tổ chức trong các cơ sở giáo dục.

Để xảy ra vụ việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban Giám hiệu, Đoàn trường Trường THPT Thực hành Sư phạm của Trường Đại học Cần Thơ. Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học Cần Thơ, Sở GDĐT Cần Thơ tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc; làm rõ mức độ vi phạm của các tổ chức , cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo về Bộ GDĐT trước ngày 30/8/2018.

Qua đây, Vụ GDCT và CT HSSV cũng đề nghị lãnh đạo các cơ sở đào tạo, các sở GD&ĐT trong toàn quốc tăng cường chỉ đạo các phòng ban liên quan, tổ chức Đoàn-Hội-Đội, cán bộ Đoàn, cán bộ lớp nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu tham mưu tổ chức hiệu quả các hoạt động đầu năm học mới 2018-2019 và trong cả năm học thiết thực, ý nghĩa và mang tính giáo dục cao, truyền tải tốt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi người học, nhu cầu, mong muốn của học sinh… Đồng thời, các nhà trường cần tăng cường tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hoạt động câu lạc bộ cho HSSV về các kỹ năng sống, kiến thức pháp luật (Luật An ninh mạng…) để HSSV khai thác hiệu quả, ứng xử phù hợp với internet, mạng xã hội… phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học và giải trí lành mạnh…

BigSchool: Chúng tôi sẽ thông tin nhanh nhất về việc xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan. 

 

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.