Xúc động tiễn đưa GS. NGND Ngô Thúc Lanh về nơi an nghỉ cuối cùng

  • 28/03/2019 | 17:09 GMT+7
  • 1.539 lượt xem

Lễ tang GS. NGND Ngô Thúc Lanh đã được tổ chức vào lúc 9h30' ngày 28/3/2019 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng. Gia đình và nhiều thế hệ học trò, bạn bè của những người thân trong gia đình đã tới tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng.

GS. NGND Ngô Thúc Lanh (1923 - 2019)GS. NGND Ngô Thúc Lanh (1923 - 2019)

Danh sách Ban Tang lễ GS.NGND Ngô Thúc Lanh

1. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Trưởng Ban
2. PGS.TS Đặng Xuân Thư, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Phó Trưởng ban
3. PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, uỷ viên
4. GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trưởng Khoa Toán-Tin Trường ĐHSP Hà Nội, uỷ viên
5. PGS.TS Lê Văn Hiện, Phó Trưởng Khoa Toán-Tin Trường ĐHSP Hà Nội, uỷ viên
6. PGS.TS Nguyễn Công Minh, Phó Trưởng Khoa Toán-Tin Trường ĐHSP Hà Nội, uỷ viên
7. Ông Ngô Trung Việt, Trưởng nam, uỷ viên.

Điếu văn GS. NGND Ngô Thúc Lanh

Giờ phút Truy điệu GS. NGND Ngô Thúc Lanh Giờ phút Truy điệu GS. NGND Ngô Thúc Lanh
Do PGS.TS Đặng Xuân Thư, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đọc tại Lễ Truy điệu GS. NGND Ngô Thúc Lanh:
 

Kính thưa anh linh GS. NGND Ngô Thúc Lanh!

Kính thưa các quí vị đại biểu đại diện cho các tổ chức, các cơ quan, đoàn thể!

Kính thưa các Cụ, các Ông, các Bà, thân bằng cố hữu, học trò, đồng nghiệp của GS NGND Ngô Thúc Lanh!

Kính thưa toàn thể tang quyến!

Vào hồi 8h14' ngày 26/3/2019, tức ngày 21/2 năm Kỷ Hợi, GS. NGND Ngô Thúc Lanh đã từ biệt chúng ta, về với cõi vĩnh hằng, trở thành người thiên cổ. Trong giờ phút thiêng liêng này, những đồng chí, đồng nghiệp, học trò, cùng các cơ quan đoàn thể, bà con lối xóm, và toàn thể gia tộc nội, ngoại của Thầy cùng tề tựu về đây, tiễn biệt Thầy với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn.

Kính thưa toàn thể quí vị cùng tang quyến!

GS. NGND Ngô Thúc Lanh sinh ngày 21/2/1923 trong một gia đình nho học, tại thôn Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội - vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Thời niên thiếu, Ông được các cụ thân sinh chăm lo, cho theo học tại các trường tiểu học rồi trung học ở quê nhà và ở Hà Nội.

Trong những năm 1943-1946, Ông là sinh viên Trường Cao đẳng khoa học.  

Từ năm 1947 đến năm 1950, Ông là giáo viên của Trường Trung học kháng chiến Chu Văn An ở Phú Thọ.

Từ năm 1950 đến năm 1953, Ông là giáo viên của Trường Sư phạm trung cấp trung ương.

Từ năm 1953 đến năm 1954, Ông là giảng viên của Trường Sư phạm cao cấp.

Từ năm 1955 đến năm 1957, Ông là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm khoa học và Đại học tổng hợp Hà Nội.

Từ năm 1958 đến năm 1992, Ông là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, từ năm 1992, Ông được Nhà nước cho nghỉ hưu trí.

Ông là cha đẻ của ngành sư phạm toán học khi năm 1958, ông cùng với GS. Nguyễn Cảnh Toàn xây dựng khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cũng đã là Chủ nhiệm Khoa Toán trong một thời gian dài, từ năm 1966 đến năm 1972. Đó là những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Trường ĐHSPHN phải sơ tán dài ngày. Vượt lên mưa bom bão đạn, vượt lên khó khăn, khoa Toán dưới sự lãnh đạo của Ông đã làm việc nghiêm túc, dạy dỗ chuẩn mực, học tập và lao động hăng say, đã được công nhận là Khoa Lao động XHCN đầu tiên của Nhà trường. Vượt lên những thiên kiến đánh giá của thời kì đó, Ông rất rộng lượng, ghi nhận, khuyến khích những cán bộ, sinh viên trẻ có tài và ham học hỏi. Ông đã tạo nên được không khí hăng say tìm tòi cái mới trong khoa học của khoa Toán.

Năm học 1957-1958, ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm thực tập sinh.

Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Ông còn dành nhiều tâm sức để viết giáo trình cho sinh viên, viết sách giáo khoa cho học sinh. Ông đã chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 40 đầu sách, bao gồm: sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành đại số. Ông là tác giả cuốn sách đại số đầu tiên ở Việt Nam. Những cuốn sách của Ông luôn được viết súc tích với trình độ sư phạm rất cao, đã là sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trên toàn quốc.

Ghi nhận những đóng góp của Ông cho khoa học và đào tạo, Ông được Nhà nước phong tặng: học hàm Phó Giáo sư toán học năm 1980; học hàm Giáo sư toán học năm 1984; danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1988.

Với những cống hiến bền bỉ và to lớn ở nhiều lĩnh vực, GS. NGND Ngô Thúc Lanh đã được Đảng, Nhà nước công nhận và trao tặng nhiều danh hiệu cao quí, nhiều Giấy khen, Bằng khen.

Say mê và tận tụy với công tác nhưng GS. NGND Ngô Thúc Lanh luôn là người con hiếu thảo trong gia tộc, là người chồng thủy chung, người cha mẫu mực của các con, người ông đáng kính của các cháu. Với bà con lối xóm GS NGND Ngô Thúc Lanh luôn là con người chân thành, tình nghĩa.   

Kính thưa toàn thể quí vị cùng tang quyến!

GS. NGND Ngô Thúc Lanh đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng dư âm các bài giảng của Thầy còn vang mãi trong tâm trí bao thế hệ học trò. Thầy mãi là tấm gương cho nhiều thế hệ học trò. Đó là tấm gương về nhân cách lớn của một trí thức yêu nước, thuỷ chung với nghề cao quý- nghề dạy học, trồng người; luôn trọng Tín-Nghĩa trong công việc và cách sống đời thường.

Trái tim GS. NGND Ngô Thúc Lanh đã ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô vàn đối với tất cả chúng ta.  

Nhưng, Than ôi! Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật của Trời. Chúng ta hãy dằn nén nỗi thương đau để vong hồn Thầy được an ủi và siêu thoát cõi vĩnh hằng!

GS. NGND Ngô Thúc Lanh ra đi, nhưng anh linh còn lại và mãi tạo phúc cho gia đình, dòng tộc, mãi độ trì cho bằng hữu, đồng nghiệp, huynh đệ, sư sinh!

Trong giờ phút thiêng liêng này, thay mặt cho Đảng ủy, BGH Trường ĐHSPHN, Đảng ủy và Ban Chủ nhiệm Khoa Toán-Tin cùng tập thể cán bộ giảng viên trường ĐHSP Hà Nội và thay mặt cho toàn thể sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trên mọi miền đất nước của Khoa Toán-Tin, tôi xin được gửi tới toàn thể tang quyến GS NGND Ngô Thúc Lanh lời chia buồn sâu sắc nhất.  

Xin vĩnh biệt GS NGND Ngô Thúc Lanh vô cùng yêu kính của chúng ta.

Một phút mặc niệm bắt đầu!

Lời cảm ơn của Trưởng Nam Ngô Trung Việt 

Trưởng nam Ngô Trung Việt đọc lời cảm ơnTrưởng nam Ngô Trung Việt đọc lời cảm ơn
Kính thưa Ban lãnh đạo và các vị đại diện của trường Đại học sư phạm Hà Nội và Khoa Toán-Tin.

Kính thưa các ông bà, cô bác, họ hàng nội ngoại, thông gia, bạn bè, xóm giềng gần xa và thân bằng cố hữu. 

Sau khi mẹ tôi ra đi, sức khoẻ của bố tôi đã sa sút nhanh. Ông đã phải nhiều lần nhập viện và đã được các bác sĩ rất tận tình cứu chữa, tuy nhiên, vì tuổi cao, sức yếu, bố tôi đã mãi mãi ra đi. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên mà sớm muộn thế nào mình cũng phải đối diện, thế nhưng gia đình chúng tôi vẫn không tránh khỏi bàng hoàng và đau buồn trước sự mất mát này. 
Từ khi bố chúng tôi bị lâm bệnh, cho tới những phút cuối cùng, chúng tôi rất biết ơn sự tận tâm chữa trị của các bác sĩ các bệnh viện để cho chúng tôi thêm chút thời gian được ở bên cạnh bố. Mỗi một ngày chúng tôi đều được chứng kiến sự đấu tranh không mệt mỏi của của nguồn sống mạnh mẽ trong bố. Nhiều người bạn thân, họ hàng, những học trò yêu quí của bố chúng tôi nghe tin cụ mệt nặng đã tới thăm hỏi và động viên. Tuy nhiên do tuổi đã cao, sự suy giảm đã không thể đảo ngược được và bố tôi đã nhẹ nhàng và thanh thản ra đi vào lúc 8 giờ 14 phút ngày 26/3/2019, hưởng thọ 97 tuổi. 
Trong buổi lễ tiễn biệt này, thay mặt cho anh em con cháu trong gia đình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới tất cả các cơ quan đoàn thể, bà con dân phố, ông bà, cô bác, anh chị em, con cháu, đồng nghiệp, bạn bè và các học trò của bố tôi đã gửi lời viếng, gửi điện, vòng hoa, email, tin nhắn chia buồn cũng như tới viếng và chào tiễn biệt bố chúng tôi hôm nay. 
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban lãnh đạo Trường ĐHSP, lãnh đạo Khoa Toán-Tin và tập thể các giáo viên và sinh viên của Khoa và nhà trường về sự quan tâm và giúp đỡ hết sức nhiệt tình trong việc tổ chức buổi lễ tiễn biệt bố tôi ngày hôm nay. 
Xin chân thành cảm ơn Nhà tang lễ Bộ quốc phòng đã tận tình hỗ trợ chúng tôi trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành buổi lễ.
Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ suất, gia đình chúng tôi xin được niệm tình lượng thứ.
Xin chân thành cảm ơn.

Một số hình ảnh tại Lễ Viếng GS. NGND Ngô Thúc Lanh

Dòng người nhìn Thầy lần cuối cùng trước khi di quan

Phút đưa linh cữu của Thầy rời Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòngPhút đưa linh cữu của Thầy rời Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng

Linh cữu GS. NGND Ngô Thúc Lanh được hỏa táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển; an táng tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, tỉnh Hòa Bình.

Cầu mong Thầy sớm siêu thoát ở Cõi Vĩnh hằng!

 

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.