Xử phạt học sinh như thế nào để giáo viên không bị kỷ luật ?

Gần đây dư luận trao đổi khá nhiều về những sự việc giáo viên sử dụng hình phạt với học sinh rồi phụ huynh tố cáo giáo viên trên mạng xã hội hoặc kiện giáo viên. Cuối cùng giáo viên bị đuổi việc, cảnh cáo toàn ngành, đình chỉ dạy và giải trình.

Thử nhìn lại vấn đề này và giải pháp nào cho vấn đề kỷ luật học sinh để giáo dục phát triển, giáo viên yêu nghề, học sinh tiến bộ? Bài viết hơi dài vì có nhiều chi tiết cần quan tâm, mong các bạn thông cảm.

Hình phạt ngày xưa tại sao lại được ủng hộ?

  • Thời đi học mẫu giáo ngày xưa, tôi học thầy Thanh Bình ở phố Hai Bà Trưng (Nam Định). Khi tôi viết cẩu thả, thầy bảo để bàn tay phải lên mặt bàn và thầy gõ cho 3 nhát thước vuông. Khi tôi nói chuyện riêng, thầy nhốt tôi vào căn bếp nhà thầy và bố tôi phải đến xin phép thầy đón tôi về (khi đó thấy con chưa về là bố đến chứ chưa có điện thoại để thầy gọi). Bố tôi còn nói với thầy: "Phải nghiêm như thế cháu nó mới học được!". Cả nhà tôi, tôi và tất cả những ai đã học thầy đều kính trọng, nhà thầy không đủ chỗ để nhận học sinh mà phụ huynh đến xin.
  • Tôi lại đọc được một bài viết của tác giả Phú Thị: "Cho đến nay, rất nhiều người ở tuổi trên 40 tại một thành phố trên Tây Nguyên, hẳn chưa quên một đám tang với hàng ngàn bạn trẻ cùng tham gia đưa tiễn vào năm 1995. Hình ảnh ấn tượng nhất của đám tang là hàng người đủ lứa tuổi dài cả cây số đứng dọc hai bên đường im lặng đưa tiễn người thầy thân yêu về cõi vĩnh hằng. Một người thầy "dữ có tiếng" của phố núi, học trò học thầy rất dễ bị ăn roi từ những lỗi nhỏ nhất, giỏi cũng bị đòn để nhớ mà không lặp lại những lỗi vô duyên, kém thì bị đòn để chăm học hơn. Học thầy, học sinh đứa nào cũng sợ. Vậy mà khi thầy qua đời, bao nhiêu thế hệ học trò của thầy từ những lứa đầu tiên năm 1966, 1967 đến thế hệ cuối cùng thầy đang dạy dở dang cùng chen nhau đến viếng thầy, cùng sát bên nhau dọc đường để đưa tiễn thầy lần cuối với lòng biết ơn và tiếc thương. Phải chăng học sinh của thầy không biết đau khi bị thầy đánh? Hay là mặc dù đau nhưng tại sao vẫn yêu mến và tôn kính thầy?"
  • Bạn Nguyễn Trường Sơn, nguyên là học sinh trường THPT Chuyên Trần Phú tâm sự: "Ngày xưa học các thầy Nguyễn Khánh Nguyên, Khúc Giang Sơn bị mắng phạt suốt mà có trò nào không yêu quý các thầy đâu."

Giáo viên đang lúng túng về hình phạt ngày nay như thế nào?

  • Trên trang "Chúng tôi là giáo viên" ở FB, quản trị trang đã chia sẻ với cộng đồng cả một bảng hình thức xử phạt tương ứng với các lỗi tương ứng: "Admin không khuyến khích việc phạt học sinh, tuy nhiên khi cần thiết, quý thầy cô có thể sử dụng như cách làm cuối cùng:
    - Học sinh nói chuyện riêng nhiều lần, làm phiền các bạn xung quanh => phạt ngồi riêng lên đầu lớp trong vài ngày. 
    - Học sinh đánh nhau => Phạt lao động/trực nhật cùng nhau.
    - Học sinh không làm bài cũ => Phạt học thuộc và giảng bài lại cho cả lớp. 
    - Học sinh mất trật tự ảnh hưởng đến lớp học => Phạt xin lỗi từng người trong lớp.
    - Học sinh chửi bậy => Phạt đứng cúi đầu xin lỗi 20 lần.
    - Học sinh xúc phạm giáo viên => Mời phụ huynh lên làm việc và khen ngợi trước, sau đó mới nói về vấn đề giáo viên bị xúc phạm. Học sinh tự xấu hổ và chủ động xin lỗi thầy cô (tâm phục khẩu phục). 
    - Học sinh bị điểm kém => Phạt chép bài nhiều lần. 
    - Học sinh trốn học đi chơi game => Phạt trực nhật đầu và sau giờ học, chép bài cũ đã trốn.
    - Học sinh chửi bố mẹ => Phạt viết thư cảm ơn bố mẹ.
    - Học sinh hiếu động, nô nghịch (tiểu học) => Phạt đứng xó.”
  • Tuy nhiên các bình luận ở dưới cũng rất đa chiều, ủng hộ có mà phản đối cũng có:
    - Phạt ngồi riêng lên đầu lớp trong vài ngày nhưng cứ quậy phá thì cả lớp sẽ bị mất tập trung học tập và khi ấy sẽ phải làm gì với học sinh này?
    - Phạt trực nhật hay lao động cũng không ăn thua. Nhiều khi học sinh ấy trực nhật làm qua loa, lớp không sạch lại bị mất điểm thi đua.
    - Bắt cúi đầu 20 lần nhỡ học sinh choáng mà lăn đùng ra (có khi giả vờ) thì giáo viên "ăn đủ". 
    - Chép bài nhiều lần cũng từng bị dư luận lên án dữ dội và tác dụng cũng chưa cao.
    - Học sinh đã xúc phạm giáo viên thì khó mà tự "xấu hổ".

Tóm lại: Với những học sinh ngoan nhưng lỡ vi phạm thì nhiều khi chỉ cần nhắc là được, nhưng có những học sinh ngỗ ngược, quá hư thì nói cũng vô ích vì chính ngay bố mẹ cũng không nói được nhưng dùng hình phạt sẽ rất "nguy hiểm" cho giáo viên.

Những hình phạt đã bị lên án mà giáo viên tuyệt đối không mắc lại

Một nguyên tắc mà mỗi thầy cô phải tự kiềm chế để không đưa ra những hình phạt gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Những hình phạt đã từng bị dư luận xã hội lên án:
- Nam 2018, một giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng vì em mất trật tự trong lớp. Giáo viên đã bị nhà trường ngừng ký hợp đồng 3 năm.
- Năm 2009, một giáo viên ở TP HCM bắt học sinh "thụt xì dầu" 100 lần đến mức phải nhập viện đã bị cho thôi việc, giáo viên kiện Sở GD&ĐT nhưng Toà đến phiên phúc thẩm vẫn khẳng định Sở GD&ĐT cho thôi việc là đúng! Mới đây một thầy giáo dạy thể dục bắt học sinh "thụt xì dầu" 20 lần đã bị cảnh cáo toàn ngành.
- Tháng 11/2018, một giáo viên ở Quảng Bình yêu cầu 23 bạn lớp 6 cùng lớp tát vào má em nói tục, mỗi người 10 cái. Công an đã khởi tố vụ việc này. Cuối năm một giáo viên dạy lớp 2 ở Hà Nội lại yêu cầu một học sinh tát bạn gây ồn ào trong lớp 50 cái, đến cái thứ 20 học sinh bật khóc vì đau đớn thì cô mời cho dừng lại. 

Xung quanh hình phạt quỳ đối với học sinh

Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện cô giáo Lê Thị Quy Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối. Sự việc trên cũng có nhiều chia sẻ và đồng cảm với áp lực của giáo viên và phản đối sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc giáo dục con. 
Cô giáo Lê Thị Quy Cô giáo Lê Thị Quy

  • Thầy giáo Đinh Hương chia sẻ: "Không lạm phát các hình thức, mức độ và chỉ sử dụng khi đã trao đổi với cấp quản lý giaos dục và phụ huynh. Khi chưa đạt được được sự đồng thuận thì ông thầy phải tự tiết chế cảm xúc, mà nhiều khi phải nuốt cay đắng vào trong dạ, thậm chí phải xem đối tượng đang ngồi trong lớp có như không (đuổi chúng ra ngoài, chúng nghịch ngợm, bỏ đi còn phiền toái hơn). Đời dạy học gần 40 năm kể cả ở những lớp chọn, trường THPT Chuyên danh tiếng, mà cũng không ít lần tôi gặp phải chuyện này rồi!"
    Nhà giáo Đinh Hương Nhà giáo Đinh Hương
  • Nhà thơ Vương Trọng cho rằng: "Học trò thì thời nào cũng hiếu động và nghịch ngợm, nhưng hỗn láo thì chưa bao giờ có như bây giờ.Chuyện một số em phá đám trong lớp, nói át lời cô giáo không còn cá biệt, hơn thế nữa có em cãi lại, mắng chửi, thậm chí đánh lại giáo viên đã xẩy ra nhiều nơi. Trong khi đó, ngành giáo dục không cho giáo viên một quyền gì cụ thể để kỷ luật học sinh ngoài việc phê bình, khiển trách, báo cáo với phụ huynh... là những hình thức kỷ luật mà học sinh hư không coi là gì! Một cô giáo phạt quỳ học sinh rồi bị kiểm điểm, phê bình vì đã "làm tổn thương" học sinh! Thế thì có cách nào để giáo viên duy trì kỷ luật giờ học, trước sự phá phách của những học sinh cá biệt? Đánh đập thì rõ ràng không nên, khuyên giải thì các em đó không nghe, luôn phá đám, gây cười...mà có khi chủ đề lại là quần áo, thái độ của giáo viên đang dạy trong giờ học đó!Gần đây ngành giáo dục sử dụng hai chữ "tổn thương" rất lạ tai. Một giáo viên bị kỷ luật vì bắt quỳ học sinh là vì đã làm tổn thương học sinh! Chính những quan niệm tổn thương lạ lùng này đang phát nát ngành giáo dục! Tôi có người bạn là giáo viên dạy giỏi nổi tiếng, nhưng đã xin nghỉ hưu non, dù kinh tế gia đình rất eo hẹp. Hỏi lý do thì được biết người thầy đó hoàn toàn bất lực vì học sinh hư. Với những quyền được phép hiện nay, tôi tin nhiều giáo viên tự trọng sẽ hành động như thế!" Hãy dành cho giáo viên một số hình thức trừng phạt học sinh hư, trong đó có phạt quỳ và đuổi ra khỏi lớp, nếu không, giáo viên sẽ bất lực trong rất nhiều tình huống khi lên lớp."
    Nhà thơ Vương Trọng Nhà thơ Vương Trọng
  • Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT chia sẻ: "Mẹ mình thường dạy: "Cha mẹ dữ thì con ra tiên, cha mẹ hiền thì con ra ma"...vấn đề kỷ luật học sinh khá nhạy cảm, phụ thuộc nhiều vào cách và hiệu quả chúng ta mong muốn giáo dục...Trừng phạt nhiều khi làm trẻ nhờn thuốc, nhưng ở mức độ nào đó của trừng phạt sẽ mang lại tác dụng mong muốn...Sốt ruột và vội vã trừng phạt trẻ không tìm cho ra nguồn cơn và động cơ vi phạm của trẻ sẽ gây phản ứng tiêu cực...Bạn có thích một đứa trẻ bảo ngồi đâu biết ngồi đó không? Chắc hẳn là không vì chỉ có thể là trẻ tự kỷ hoặc đần độn...Mấy bậc cha mẹ cả đời kiên trì không đánh đòn con mình khi dạy bảo nó không nghe lời...mình tin là không nhiều...Thật là khó cho giáo viên quản lý lớp học quá đông và quá đa dạng...không thể bắt trẻ đồng phục trong tư duy được..."
    TS. Hoàng Ngọc Vinh TS. Hoàng Ngọc Vinh
  • Có giáo viên tâm sự: "Chúng em bất lực thầy ạ. Buồn lắm…Nhưng vì nghiệp nên phải theo. Có khi đành làm ngơ, buông bỏ để yên ổn bản thân thôi. Nếu thế lại buồn thêm vì mình đã làm giáo dục giả vờ để lấy lương. Con chúng em chẳng đứa nào chịu theo nghề bố mẹ. Mai kia không hiểu những học sinh chọn ngành sư phạm sẽ là ai?”
  • Cô giáo Lê Thị Quy (giáo viên Trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội): "Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng đây là bài học xương máu. Hiện nay, tôi cũng chưa định hướng ra được sẽ viết những gì trong bản tường trình.”
  • Nhà giáo Phạm Phúc Thịnh,Phó hiệu trưởng, Điều phối viên chương trình Việt Nam (Trung học phổ thông) Hệ thống Trường Quốc tế Tây Úc chia sẻ: "Tâm trạng mình thật buồn, buồn hơn nữa với kết luận của đoàn kiểm tra do Phòng GD&ĐT huyện về làm việc tại trường : "hành động của cô Quy không đúng quy định của ngành, vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh giáo viên". Đọc những thông tin này, nhớ lắm cô bé học trò cũ của mình - Susan - đã từng là giáo viên, đã tự bỏ nghề dạy học vì bị bắt buộc phải xin lỗi học sinh và gia đình học sinh, vì đánh một thước vào mông học sinh ấy, chỉ vì học sinh ấy ỷ mình là con lãnh đạo lớn quậy phá trong lớp học làm ảnh hưởng đến những học sinh khác. 
    Em bỏ nghề dạy học ở Việt Nam để qua một nước láng giềng (Singapore)  và trở thành chuyên gia giáo dục cho tổ chức giáo dục quốc tế phụ trách vùng Đông Dương. Ở nước đó, người ta vẫn áp dụng hình phạt trung cổ là đánh roi giữa quảng trường đông người và người ta đang là một trong những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới.”Nhà giáo Phạm Phúc Thịnh Nhà giáo Phạm Phúc Thịnh
  • Bình luận về chuyện học sinh quỳ, thầy Phạm Phúc Thịnh cho rằng: "Nhìn quanh các nước thuộc cỡ con rồng châu Á thì thấy Thủ tướng Nhật bản quỳ gối xin lỗi vì lỡ để dân phải khổ trong thảm họa, Tổng thư ký Quốc hội Hàn Quốc quỳ gối cảm tạ nhân viên vệ sinh nhân dịp đầu năm mới. Đức giáo hoàng qùy gối hôn chân vì Hòa Bình.... và nhiều nhiều trường hợp quỳ xuống như thế. Chính vì họ biết quỳ xuống như vậy mà đất nước của họ đang là những vùng đất mơ ước của bao nhiêu người trong chúng ta. Còn ở ta thì quỳ là làm “tổn thương” người quỳ?”

Giáo viên mặc kệ học trò, buông tay giáo dục

Trên khá nhiều diễn đàn giáo viên những tâm sự về học sinh cá biệt thời nay rất nhiều. Các thầy cô tranh luận khá nhiều là quyền của mình đến đâu để có thể giáo dục học sinh tiến bộ. Khá nhiều ý kiến thầy cô khuyên nhau: đừng "dây" vào những học sinh ấy, những học sinh cá biệt mà phụ huynh thì lại ghê gớm. Chẳng may bị phụ huynh tố cáo trên mạng là nguy. Sau đây là ý kiến các một số nhà giáo dục:

  • TS. Hoàng Trung Học,Trưởng Khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Việc cô giáo phạt học sinh quỳ là hành động chưa đúng dưới phương diện nguyên tắc giáo dục, đạo đức nhà giáo, có biểu hiện xúc phạm nhân phẩm, danh dự của học trò. Tuy nhiên, cũng cần nhìn thêm ở một chiều hướng ngược lại, là dù sai nhưng cô giáo trong trường hợp này vẫn đang "loay hoay" tìm cách giáo dục học trò, hướng các em đến những điều tốt đẹp hơn, dù cách làm chưa đúng. Theo tôi, nếu dư luận nhìn nhận không thực sự công bằng, sẽ làm tổn thương đến nhiệt huyết của nhiều nhà giáo đang đứng lớp, có thể dẫn dến xu thế mặc kệ học trò để tìm đến sự an toàn cho bản thân. Điều này thực sự nguy hại cho các em và cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.
    TS. Hoàng Trung Học TS. Hoàng Trung Học

 

  • TS. Trịnh Xuân Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đảng Du lịch Hà Nội có ý kiến: "Là giáo viên, tôi hoàn toàn đồng ý với cách phạt học sinh quỳ của cô giáo. Cần lên án người đưa hình ảnh để tố cô giáo. Chúng ta không thể chấp nhận những học sinh và gia đình học sinh làm như vậy được. Theo tôi, cô giáo làm như vậy cũng vì động cơ mong trò giỏi, ngoan, còn nếu vì động cơ cá nhân của cô, thì cô cứ giảng ai muốn làm gì thì làm. Cuối năm ai cũng được lên lớp. Cô cũng được thành tích và hậu quả là gia đình, xã hội gánh chịu."
    TS. Trịnh Xuân Dũng TS. Trịnh Xuân Dũng

Đây cũng là điều tôi rất lo khi chúng ta chưa có đủ hành lang pháp lý cho giáo viên đưa ra các hình phạt hợp lý, bởi bất cứ hình phạt nào cũng tạo nên "nguy hiểm" cho chính giáo viên. Giáo dục sẽ ra sao khi các thầy cô phải bất lực trước học trò. Thậm chí có thầy cô đã phải chia tay với nghề dạy học để tìm một nghề khác.

  • Một giáo viên trẻ đã nhắn tin cho tôi: "Thầy ơi! Em nghĩ đến chặng đường còn lại mà nản thầy ạ! Hôm qua chúng em ngồi nói chuyện với nhau thay vì bàn bạc chuyên môn lại nhắc nhau cẩn thận kẻo lại đứt gánh giữa đường!"

Nhìn ra các nước về hình phạt học sinh

Theo báo Nghệ An cho biết:

  • Luật Giáo dục Nhật Bản năm 1947 đã quy định cấm hình thức phạt về thân thể đối với học sinh. Tuy nhiên, một phán quyết từ tòa án tối cao Tokyo năm 1984 cho biết điều luật này không cấm các hình phạt khác bao gồm đứng trong lớp, quỳ gối hay chép phạt. Cuộc khảo sát năm 2017 của tổ chức Save the Children khẳng định hơn 70% phụ huynh Nhật Bản cảm thấy hình phạt bằng roi là "có thể chấp nhận" và "nên áp dụng trong các trường hợp đặc biệt".
  • Chủ tịch Hiệp hội ngành Giảng dạy Malaysia Kamarozaman Abd Razak cho biết: “Dù hình phạt thân thể là điều không nên khuyến khích nhưng hiện nay, đó vẫn là điều không thể với các giáo viên phải quản lý các lớp học có sĩ số ngày càng tăng”.
  • Tháng 8/2010, Giám đốc Sở Giáo dục Seoul đã ban hành một luật cấm với mọi hình thức về thân thể trong lớp học. Sau đó 2 tháng, luật này được tỉnh Gyeonggi áp dụng và đã nhanh chóng tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc (KAFTA). Trong một khảo sát đầu năm 2011 của tờ Yonhap, hơn 60% giáo viên cho biết đó là quyết định không thể thực hiện khi áp lực điểm số và quy mô lớp học ngày càng lớn. Đó cũng là lý do đến nay, luật cấm các hình phạt thân thể tại trường học chỉ có hiệu lực tại Seoul và Gyeonggi.
  • Tại đảo quốc sư tử, hình phạt bằng roi được coi là hợp pháp ở hầu hết các trường học. Đến tháng 4/2017, theo một khảo sát của chính phủ, 53% các trường trung học và 13% các trường tiểu học công khai trên website sẽ áp dụng hình phạt này để phụ huynh có thể tham khảo. Luật Giáo dục Singapore quy định rất chặt chẽ các mức vi phạm nội quy cần phải phạt roi, khi phạt cần 1 nhân chứng. Sau đó, toàn bộ thông tin về trường hợp bị phạt sẽ được lưu lại trong kho dữ liệu của hiệu trưởng.
  • Ở Trung Quốc và Philippines, các hình phạt thường được áp dụng là bắt học sinh quỳ trên các hạt đậu (đã đông lạnh), hạt bắp và gạo sống, cá biệt còn có hình phạt bắt học sinh chổng ngược kiểu trồng cây chuối và đi bằng tay.
  • Theo một tài liệu của Văn phòng Nhân quyền Mỹ, hiện nay, 19 bang tại quốc gia này cho phép hình phạt về thân thể với học sinh. Còn ở bang khác thì thầy giáo Max Lush cho biết: "Tại bang Kansas, giáo viên đánh học sinh đều bị đuổi việc ngay lập tức". Ở châu Âu, Pháp và CH Séc là hai quốc gia cuối cùng vẫn duy trì tính hợp pháp của hình phạt này.
    Hình phạt học sinh ở 19 bang của MỹHình phạt học sinh ở 19 bang của Mỹ

Cần làm gì để không xảy ra những tranh cãi về xử phạt học sinh?

Xin đưa ra những đề nghị cụ thể:

  • Các đơn vị giáo dục từ trường, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT cho tới Bộ GD&ĐT cần có Hội thảo về "Giáo dục học sinh cá biệt", "Xử phạt học sinh như thế nào?". Thưởng và vinh danh cho những sáng kiến kinh nghiệm được phổ biến trong toàn ngành.
  • Tăng cường rèn luyện kỹ năng sư phạm cho giáo viên trước những tình huống cụ thể. Có thể tổ chức những cuộc thi dưới hình thức giao lưu trong cộng đồng giáo viên về chủ đề này.
  • Liệu có nên đưa một số hình phạt cụ thể nào đó vào các hình thức kỷ luật học sinh? Cần tham khảo các hình thức xử phạt của các nước hiện nay để quyết định. Điều này sẽ giúp giáo viên không "co lại", "buông tay" với những vi phạm của học sinh khi mà việc kiểm điểm không có tác dụng.
  • Hiện nay, căn cứ chủ yếu để xem xét, kỷ luật học sinh là Điều lệ Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011) và Thông tư số 08/1988/TT - BGDĐT từ năm 1988 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh phổ thông đã quá lạc hậu (đã 31 năm) so với tình hình thực tế cần được sửa đổi gấp cho thích hợp. Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: "Bộ đang tích cực hoàn thành Dự thảo Quy chế sửa đổi để xin ý kiến đóng góp."
  • Các quy chế hay luật cần sửa đổi để trả lại cái uy ngày xưa của thầy cô giáo.
  • Những học sinh mà nhà trường bất lực cần đưa vào trường giáo dưỡng với hình thức giáo dục riêng, phù hợp hơn không để là gánh nặng cho nhà trường, thầy cô.
  • Luật Hình sự nên bổ sung những điều dành cho học sinh vị thành niên khi mắc phải những lỗi hình sự. Khi đó hành vi của học sinh không chỉ do Quy chế của Bộ GD&ĐT điều tiết mà còn có sự chi phối của Luật Hình sự.
  • Phụ huynh tố cáo, nói xấu thầy cô trên mạng xã hội không phải là giải pháp tích cực. Điều này có nên bổ sung vào Quy tắc ứng xử trong nhà trường không? Tôn trọng sự dân chủ nhưng phụ huynh nên ứng xử thế nào khi giáo viên sai trái? Tại sao phụ huynh không phản ánh với cơ quan quản lý giáo viên ấy mà vội tung lên mạng xã hội? Phụ huynh có trái tim chung nhịp đập với giáo viên thì mới có thể giáo dục được con em thuộc nhóm học sinh cá biệt.
  • Báo chí cũng cần định hướng rõ việc đăng tải các thông tin này hay là thông tin cho các cấp quản lý trực tiếp tránh tình trạng nóng vội làm hoang mang trong xã hội cùng như sự dao động trong cộng đồng giáo viên. Có những bài báo cho rằng sự việc phạt học sinh quỳ là "bạo lực học đường" liệu có nhầm lẫn gì không?

Rất mong các chuyên gia giáo dục, các thầy cô và các bậc phụ huynh cùng trao đổi về một vấn đề đang cần giải quyết triệt để để môi trường giáo dục lành mạnh hơn và tác dụng tích cực hơn.
Các bạn có thể đọc thêm những bài viết liên quan tới vấn đề này đã đăng trên BigSchool mà chúng tôi đã gợi ý bên bài viết này.
Cảm ơn sự quan tâm của các bạn.

Lê Thống Nhất.

Nói thêm: Bài viết có tổng hợp từ nhiều nguồn, có những trường hợp chưa liên hệ được, nếu có điều gì xin các tác giả cho phép hoặc phản ánh lại. Cảm ơn.

Ý kiến bạn đọc: (5)

hoalinh Để có những lình xình trong việc xử phạt học sinh là lỗi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Với lỗi này Bộ trưởng có thể bị phạt cách chức Bộ trưởng (tương đương với đuổi học đối với học sinh).
Nhưng vì bộ trưởng chưa bị phạt nên học sinh cũng chưa thể bị phạt, do đó thày cô giáo khi phạt học sinh hãy coi chừng.

· Trả lời · · 4 năm trước

Hạnh Phạm Công Theo tôi Bộ giáo dục nên có bộ quy chuẩn về xử phát học sinh để các thày cô tực hiện xử phạt học sinh. Mục đích của việc xử phạt là để học sinh tốt nên, xã hội tốt nên.

· Trả lời · · 4 năm trước

BigSchool.vn Bài đã nêu: "Liệu có nên đưa một số hình phạt cụ thể nào đó vào các hình thức kỷ luật học sinh? Cần tham khảo các hình thức xử phạt của các nước hiện nay để quyết định."

· Trả lời · · 4 năm trước

Viết Dũng Bài viết khá đầy đủ và chi tiết nhưng theo tôi cần nhìn nhận thêm các vấn đề sau
Hiện nay báo chí và mạng xã hội đã làm cho một sự việc nhiều khi rất nhỏ trở nên rối rắm, phức tạp và vì thế hoc

· Trả lời · · 4 năm trước

BigSchool.vn Bài đã nêu: "Báo chí cũng cần định hướng rõ việc đăng tải các thông tin này hay là thông tin cho các cấp quản lý trực tiếp tránh tình trạng nóng vội làm hoang mang trong xã hội cùng như sự dao động trong cộng đồng giáo viên. Có những bài báo cho rằng sự việc phạt học sinh quỳ là "bạo lực học đường" liệu có nhầm lẫn gì không?". Cảm ơn bạn.

· Trả lời · · 4 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.