Xin các thầy góp ý, chỉ giáo vì lợi ích của các cháu bé khi học đánh vần

Vấn đề đánh vần khi học môn Tiếng Việt theo tài liệu "Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục" đang rất nóng trên các diễn đàn, báo chí. Đã có những thư kiến nghị gửi tới nhiều cấp lãnh đạo đề nghị xem xét việc này. Xin chia sẻ ý kiến của chuyên gia để cùng trao đổi.

NÊN DẠY TRẺ HỌC CHỮ VÀ HỌC ĐÁNH VẦN THẾ NÀO?

TS. Nghiêm Thuý HằngTS. Nghiêm Thuý Hằng
Mấy hôm đi dự hội thảo quốc tế về bảo vệ tài nguyên ngôn ngữ tại Quế Lâm, hoàn toàn không vào được Facebook, về nhà thấy dân tình bàn tán xôn xao về sách công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại và cụ Phạm Toàn, căn nguyên dường như vì trong clip dạy theo công nghệ giáo dục, cô giáo bảo phụ huynh rằng 3 chữ cái c,k, q đều đọc là cờ /k/.

Dân tình hình như nổi giận vì 3 lý do

- Thứ nhất là cách dạy của công nghệ giáo dục khác truyền thống, đã thế GS. Hồ Ngọc Đại còn tuyên bố với cách dạy này chỉ cô giáo mới dạy được, phụ huynh không dạy được con, người ta tức giận là phải.
- Thứ 2 là cái công nghệ giáo dục theo mô hình thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại và của nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn lãnh đạo mới chỉ là sản phẩm thử nghiệm với một số các cháu trường thực nghiệm và các tỉnh miền núi, ví dụ dùng nhiều từ lạ hoắc xa lạ với cả trẻ con lẫn người lớn, trong quá trình học cũng đã có dư luận phụ huynh hài lòng và không hài lòng nhiều ngang nhau, nay dân tình lo lắng nó chả may được nhân rộng "rơi trúng vào đầu con mình", không biết lợi hại thế nào. Nhiều người còn nghi ngờ có vấn để của nhóm lợi ích, muốn bán sách và lo chính sách giáo dục bị bắt cóc bởi nhóm lợi ích . Sau mấy chục năm là nạn nhân của cải cách, nhiều vụ chữa lợn lành thành lợn quẻ, dân tình lo lắng cũng phải.
- Thứ 3 là tính khoa học của cái cách đánh vần này thực sự có vấn đề, dân cũng rất tinh, chẳng có cái lý nào cho phép 3 đứa con khác nhau với những kết hợp mang tính phân bố khác nhau, tức là lấy 3 cô vợ khác nhau rồi ở 3 cái nhà khác nhau, mang ý nghĩa khác nhau, có vỏ ngữ nghĩa chuyển tải những ý nghĩa khác nhau lại có chung cùng một âm, chả hoá ra năm xưa khi sinh chúng ra là thừa hay sao? Dân tình không kêu ca mới là chuyện lạ.

Chuyện thứ nhất thứ hai, các báo nói nhiều rồi không nói lại, riêng chuyện thứ 3, sau 2 lần phong ba về cải cách Bùi Hiền và việc dân chúng lo âu, nổi giận với cách đánh vần của công nghệ giáo dục, thấy có lẽ cần thiết phải trao đổi lại dưới góc độ chuyên môn sâu để làm rõ thêm về thực tế , về tính hợp lý của chữ quốc ngữ đến đâu, nên dạy đánh vần thế nào cho các cháu bé.

Bàn về tính khoa học cách đánh vần theo âm vị của công nghệ giáo dục

Anh Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học lên báo bênh tài liệu công nghệ giáo dục, bảo 3 chữ cái c,k,q đều ghi âm vị /k/ nên cách dạy của công nghệ giáo dục là đúng. Mặc dù rất quí anh, năm xưa học cùng một lò, một lớp, một thầy với anh, về ngữ âm đều học thầy Hoàng Cao Cương, thày Đoàn Thiện Thuật nhưng sau này em khác anh, học thêm cụ Lý Vinh, cụ Vương Lực , cụ Nguyễn Tài Cẩn , các thày âm vận học và âm hệ học của Trung Quốc nên nhất định phải tranh cãi và phản biện vì quyền lợi của các cháu bé.

Trong cuốn " Ngữ âm tiếng Việt", sách dạy ngữ âm hàng kinh điển gối đầu giường của nhiều thế hệ nhà ngôn ngữ học Việt Nam, thày Thuật bảo chữ quốc ngữ là thứ chữ ghi âm âm vị học nhưng còn nhiều thiếu sót vì có hiện tượng nhiều con chữ như c,k,qu ghi cùng 1 âm vị; o, u ghi cùng một âm đệm; ....Thày Bùi Hiền cũng cho rằng chữ quốc ngữ có thiếu sót thật, mà thói thường, người làm khoa học thì khi có thiếu sót phải tìm cách sửa, kết quả là gây sóng gió và tổn thất khá nhiều đến uy tín khoa học của thày Bùi Hiền.
Kỳ thực, từ góc độ âm vận học, chữ quốc ngữ không chỉ là thứ chữ ghi âm âm vị học mà chính xác hơn, nó là thứ chữ ghi âm đến cấp độ âm tố, các biến thể kết hợp khác nhau thì có cách ghi âm khác nhau. Chữ k đi với các vần bắt đầu bằng các nguyên âm dòng trước i, ê, e , âm vận gọi là tề xỉ hô, chữ c đi với các nguyên âm dòng giữa và dòng sau như a, ô, ơ, u, âm vận gọi là khai khẩu hô, chữ qu kết hợp với các vần có âm đệm tròn môi, âm vận gọi là hợp khẩu hô, chúng là các âm tố khác nhau, có thể được qui thành các biến thể âm vị với các chùm nét khu biệt khác nhau rất nhỏ nhưng vẫn khác nhau chứ có lẽ không phải cùng một âm vị như anh Tình hay thày Thuật quan niệm.
Tất nhiên quan niệm của thày Thuật hay anh Tình cũng không sai, nhưng nó là quan điểm ngữ âm phương Tây, dĩ Âu vi Việt là không phù hợp. Các cụ thời truyền bá chữ quốc ngữ có cả Hán học nên cái nhìn có thể sẽ phân biệt được rõ hơn thế hệ các thầy Tây học và cách đánh vần thời các cụ có độ hợp lý nhất định . Xin mạo muội thẳng thắn bày tỏ với thày Thuật và anh Tình, nếu sai xin thày và anh thứ lỗi, chỉ giáo rõ hơn xem nhận thức của em sai ở đâu, được không ạ?

Theo quan niệm âm hệ học cổ điển của Trung Quốc thì Hán Việt ngữ có 36 tự mẫu đại diện cho 36 phụ âm chứ không chỉ có 22 phụ âm như trong sách thày Đoàn Thiện Thuật, mà âm hệ của Hán Việt ngữ thì nằm lọt hoàn toàn trong lòng âm hệ Tiếng Việt hiện đại, từ vựng cũng vậy. Ba anh em sinh ba dẫu có giống nhau thì họ vẫn cần có 3 cái tên, dùng chung một tên sao được ạ. Khi dạy có thể nhắc các cháu bé lưu ý đến sự khác nhau này để các cháu phân biệt cho rõ, mang ý nghĩa ra để giải thích từng anh đi với những nghĩa nào, có thể dạy qui tắc chính tả, nhưng bảo các cháu c,k,qu là một vừa không chính xác, vừa không khoa học. Cái thứ ngữ âm học của Tây đâu có đủ để khu biệt ngữ âm của tiếng Việt ta đâu anh Tình? Anh bênh sách công nghệ giáo dục rồi bọn trẻ phải học theo cách đó, tội cho chúng. 3 chữ đi với các vần khác nhau, mang ý nghĩa khác nhau, các cháu hoàn toàn có thể nhận thức được điều này.

Cần phải trao đổi thêm về tính hợp lý của chữ quốc ngữ

Cần phải khẳng định lại, chữ quốc ngữ không có thiếu sót nào đáng kể, thực ra nó vô cùng kỳ diệu và hợp lý. Bằng việc thiết kế tỉ mỉ đến cấp độ âm tố với các thế phân bố rõ ràng, rành mạch, nó đã giúp tiếng Việt hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc phải mượn hình chữ Hán như tiếng Nhật, nó tạo ra nhiều âm tiết và khuôn vần cho phù hợp với thứ tiếng "như chim hót" và có nhiều sắc thái biểu cảm như tiếng Việt mà hệ thống âm vị vẫn không bị trở nên cồng kềnh, lại còn khéo léo thoát được khỏi vấn nạn đồng âm bủa vây tiếng Hán, tiếng Nhật. Nên cám ơn nhiều thế hệ giáo sĩ phương Tây và người Việt vì điều kỳ diệu và cái áo rất vừa vặn này chứ không nên xoáy sâu vào "tính bất hợp lý " của nó, nên hiểu cái lý của nó và giải thích cho các thày cô nắm được, điều chỉnh khi dạy học trò và tìm cách dạy dễ hiểu nhất có lẽ sẽ hơn.

Về chuyện dạy cho các cháu mẫu giáo 5 tuổi và lớp 1

Theo em, nên tách việc dạy chữ và dạy đánh vần. Việc dạy chữ nên dạy tại lớp mẫu giáo 5 tuổi, dạy các nét cơ bản mỗi nét cho các cháu viết 1 trang , các chữ cái mỗi chữ viết 1 trang. Lứa tuổi mẫu giáo tô chữ là phù hợp, theo nghiên cứu bất cứ cái gì, kể cả đồ hình mà có tên gọi, lặp đi lặp lại 7 lần tái hiện trong bộ nhớ thì sẽ được nạp vào bộ nhớ vĩnh viễn .

Việc dạy đánh vần nên tuân thủ mô hình cấu trúc 2 bậc của âm tiết tiếng Việt, việc ghép vần theo chữ bao nhiêu thế hệ người Việt vẫn đang học, tiếp thu một cách dễ dàng thì chả có lý do gì phải thay đổi. Biến trẻ em thành các nhà ngữ âm học bất đắc dĩ, rồi thì bắt chúng nhắc đi nhắc lại những câu vô nghĩa như những đứa loạn thần kinh, đi phân tích những câu thơ thành những âm tiết vô hồn, băm nát tâm hồn trẻ nhỏ, bắt chúng đọc như cái máy chính là tội ác.

Còn nhớ, sách học vần thập kỷ 70 thế hệ chúng tôi học cực kỳ dễ dàng, rất mỏng chứ không dầy cộp rồi phân tận 2 tập như bây giờ, không phải học trước ở nhà, về nhà cũng không bao giờ phải giở sách ra học. Thế mà cho đến hơn 40 năm sau tôi vẫn nhớ những bài kinh điển: con mèo kêu "meo, meo", con dê kêu "be be", "sếu bay", "kéo dây". Đến giờ tôi vẫn nhớ những câu thơ rất đẹp như:
"Mẹ ơi tại sao/ Hoa hồng lại khóc/ Không phải đâu con/ Đấy là hạt ngọc/ Người gọi là sương/ Sao đêm gửi xuống/ Tặng cô hoa hồng."
Tôi cũng nhớ mẹ tôi dạy những câu kinh điển từ thời của mẹ như: "i tờ tờ 
i ti", tôi không biết chữ, tôi đi lội bùn; "o tròn như quả trứng gà, ô thời có mũ ơ thời thêm râu".
Các thày cô viết sách cải cách năm 2000 hay sách công nghệ giáo dục, sao không điều tra, học hỏi phỏng vấn người dân xem cách nào tốt, cách nào dễ hiểu thì học hỏi mà giữ lại, gạn đục khơi trong chứ lần nào cũng viết sách như mới, sáng tạo thì nhiều thứ bị người dân kêu la, "lợn lành chữa thành lợn què" thì sáng tạo nhiều làm gì。Giáo dục cần ổn định kế thừa , "gạn đục, khơi trong" hơn là "đập cũ, xây mới", nhất là khi xây mới lại còn sai, mình tưởng đúng chứ chắc gì đã đúng.

Nhiều người lấy cớ cần cải cách vì học sách 2000, nhiều cháu bị tái mù chữ hoặc viết sai chính tả, xin thưa, nếu viết sai chính tả thì tại sách cải cách năm 2000 chứ không phải tại cách ghép vần theo chữ có vấn đề. Năm xưa thế hệ chúng tôi học theo sách cũ, không học thêm học nếm gì, tôi nhớ chính tả tôi luôn được 10, đến bây giờ vẫn rất hiếm khi viết sai chính tả và bạn bè tôi cũng đều thế cả. Cùng với thời gian, có thể giải thích luật chính tả cho các cháu, giải thích cho các cháu các chữ khác nhau tạo ra các chữ đồng âm khác nghĩa như thế nào, nhưng không phải là theo cái cách phản cảm hò hét như trong một số clip dạy theo công nghệ giáo dục trên mạng thực hiện tại các tỉnh gần đây. Trên thực tế sau giai đoạn ghép vần từng chữ quen rồi, các cháu sẽ tri nhận toàn bộ khuôn vần kèm theo thanh điệu cùng một lúc, việc phân tích cấu trúc âm tiết không có ý nghĩa nhiều, thậm chí còn cản trở tốc độ đọc. Điều cốt yếu là giữ cho các cháu bé hăm hở học, không sợ học, thích học và nhớ được những điều hay ý đẹp trong sách, biết thương yêu ông bà bố mẹ bạn bè chứ không phải là đi học tư duy khoa học ở độ tuổi sớm như vậy.

Đọc bài viết của GS. Nguyễn Văn Lợi, thấy thầy nói đã hỏi thầy Nguyễn Minh Thuyết và thầy Thuyết xác nhận: sách giáo khoa mới không soạn theo công nghệ giáo dục, thấy yên tâm hẳn. Tuy nhiên thầy Thuyết năm xưa chính là giáo viên của trường Thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại, cũng là một trong những tác giả thiết kế và biên soạn bộ sách cải cách năm 2000 gây tranh cãi, liệu những thiếu sót năm xưa có lặp lại, những thành tựu nghiên cứu mới có được áp dụng thành công hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Mình rất quí mến, kính trọng thầy Thuyết, thầy Thuật, anh Tình , nhưng vấn để chuyên môn liên quan đến hàng trăm nghìn, hàng triệu cháu bé thì không thể xuê xoa và bỏ qua dễ dàng được. Có lẽ vẫn nên trao đổi và bàn thảo kỹ, tránh sai lầm lặp đi lặp lại hoặc cùng nhau tìm giải pháp ưu việt có thể sẽ có ích cho nhận thức của cộng đồng.

Khi bạn Siêu nhân nhà mình học lớp 1, bạn ấy rất hay hỏi mẹ "sờ nặng" hay "sờ nhẹ", tội ghê cơ, may bạn ấy không bao giờ phải hỏi mình viết "c,k hay qu" vì luật chính tả đã quá rõ.

Thời đại FB được cái kết nối rất tiện , các thày đều là các nhà khoa học đức cao vọng trọng, chuyện trao đổi quan điểm khoa học nếu có khác nhau cũng chỉ là chuyện bình thường nên làm, nếu có thể xin các thầy góp ý, chỉ giáo vì lợi ích của các cháu bé, trong đó có con cháu em, con cháu các thày nữa ạ. Em xin cám ơn trước.

TS. Nghiêm Thuý Hằng
Chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng
(Khoa Đông Phương học, trường ĐHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội)

BigSchool: Trao đổi thêm với TS. Nghiêm Thuý Hằng, được biết luận án tiến sĩ của tác giả nghiên cứu về so sánh quan hệ tương ứng ngữ âm giữa Hán Việt ngữ và tiếng Hán hiện đại. Khi hỏi tác giả là tài liệu công nghệ giáo dục nói đến 3 chữ cái c, k, q cùng đọc là cờ chứ không nói bộ 3 chữ c, k, qu như trong bài viết thì TS. Nghiêm Thuý Hằng giải thích: "Không phải đâu anh, q trong tiếng Việt không bao giờ đứng một mình, âm tố đó được biểu thị bằng 2 chữ cái là "qu", đọc là "quờ" anh ạ. Chính những cái hiểu không đến nơi đã dẫn đến các quan điểm và nhận thức thiếu chính xác nhiều chục năm nay rồi!". Khi được hỏi: "Có chủ trương dạy chữ cho trẻ 5 tuổi không?", tác giả cho biết: "Dạ có chứ anh. Như thế sẽ đồng bộ với chính sách mới của Bộ, thực chất là khôi phục lớp vỡ lòng."

So với nguyên bản bài của tác giả, chúng tôi chỉ xin lược những điều không thuộc lĩnh vực chuyên môn. Cảm ơn tác giả đã cho phép! Mong nhận được sự chỉ giáo của các thầy cô, các nhà chuyên môn.

Chúng tôi cũng tìm hiểu thêm thì sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 hiện hành (cải cách năm 2000) cũng dùng 3 chữ cái c, k, q để ghi chung cho âm "cờ". Xin các bạn đọc bài viết tại đây.

Ý kiến bạn đọc: (2)

Đoàn Thu Vũ đừng quan trọng hóa vấn đề, dẫn đến máy móc. học đánh vần nó chỉ là phương tiện để giúp trẻ bước đầu tiến tới biết đọc biết viết, xong rồi hãy quên nó đi, chẳng có ai đọc sách, đọc chữ mà lại cứ đánh vần như thế thì có mà tâm thần. hoan nghênh chủ trương của giáo dục là một trương trình nhiều cách dạy

· Trả lời · 4 năm trước

Phuoc Thinh Pham Cảm ơn Cô đã phân tích và chia sẽ lý do, cội nguồn và cách thức để thấy cái riêng và đặc biệt của tiếng Việt
Tôi yêu tiếng Việt vì cả nghĩa đen, nghĩa bóng của nó làm cho những bài thơ, bài hát của các Cụ ngày xưa mãi thâm thúy và đọng lại trong lòng
Xin đừng trần tục hay lột trần hóa tiếng Việt bằng hai chữ CÔNG NGHỆ vì vốn dĩ không thể CÔNG NGHỆ HÓA NGÔN NGỮ

· Trả lời · 5 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.