Hồi hộp bao nhiêu thì khi biết điểm thi THPT quốc gia 2018 lại có bấy nhiêu niềm vui, nỗi buồn xen lẫn...nhưng đặc biệt hơn là những nghi ngờ đã nổi lên trong xã hội. Nhiều tin nhắn gửi về báo tin, rồi xin ý kiến. Đã định không trả lời, nhưng thấy không đành...
- Bất ngờ đầu tiên là từ danh sách mà Bộ GD&ĐT công bố các em điểm cao nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2018.
14 đứng đầu về điểm môn Toán THPT quốc gia 2018. Ảnh: VTC News
- Báo Vietnamnet cho biết: Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT: Em Vương Xuân Hoàng (tỉnh Bắc Ninh) là thí sinh có tổng điểm 3 môn khối A cao nhất cả nước với 29,05 điểm (Toán 9,8; Vật Lý 9,5 và Hóa học 9,75).
Xếp thứ 2 là em Nguyễn Thế Bảo (tỉnh Hải Dương) khi giành được tổng 28,65 điểm (Toán 9,4; Vật lý 9,75; Hóa học 9,5).
Tiếp sau đó là các em Tống Kiều Trang Thảo (tỉnh Hà Giang) với 28,6 điểm (Toán 9,6; Vật lý 9,5 và Hóa học 9,5).
Em Đỗ Quang Huy (tỉnh Tuyên Quang) với 28,45 điểm (Toán 9,2; Vật lý 9,75; Hóa học 9,5).
Em Nguyễn Khương Duy (tỉnh Bắc Giang) với 28,45 điểm (Toán 9,2; Vật lý 9,5 và Hóa học 9,75).
Em Phạm Tuấn Minh (tỉnh Hà Giang) với 28,4 điểm (Toán 9,4; Vật lý 9,75; Hóa học 9,25).
Em Phạm Quốc Hưng (tỉnh Hòa Bình) với 28,4 điểm (Toán 9,4; Vật lý 9,5 và Hóa học 9,5).
Em Dương Minh Ngọc (tỉnh Lai Châu) với 28,35 điểm (Toán 8,6; Vật lý 10; Hóa học 9,75).
Em Trần Khánh Tùng (tỉnh Bạc Liêu) 28,3 điểm (Toán 9,8; Vật lý 9; Hóa học 9,5).
Em Hoàng Đức Thuận (tỉnh Phú Thọ) 28,25 điểm (Toán 10; Vật lý 9,5; Hóa học 8,75).
- Sự bất ngờ là những địa phương có điều kiện học tốt hơn, lâu nay có thành tích tốt hơn, đặc biệt là các thành phố lớn có quá ít học sinh điểm cao. Rất nhiều câu hỏi đặt ra khi có tỉnh miền núi chiếm ưu thế về số học sinh điểm cao (xem tại đây).
- Báo Thanh Niên cho biết:
- Tại sao lại có những bất ngờ?
Nhiều người cho rằng có vấn đề trong chuyện coi thi, chấm thi. Tuy nhiên để xác minh điều này rất khó vì biên bản phòng thi năm nay nói chung đã khẳng định: nghiêm túc.
Quan điểm của cá nhân thì tôi thấy nguyên nhân sâu xa vẫn là ở đề thi. Khi đề thi không chuẩn (quá nặng so với thời gian làm bài, "trắc nghiệm hoá" các bài thi tự luận), tức là cái thước đo không chuẩn thì mọi kết quả đo đều có thể xảy ra mọi chuyện bất ngờ. Điều này là chứng minh được.
Đáng lưu ý là phát biểu của học sinh (với báo Thanh Niên):
Đỗ Xuân Long, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét: "Đề thi năm nay không còn là đề thi tốt nghiệp nữa mà thực sự nó đã biến thành đề thi để thử độ may mắn của chúng em". Theo Long, hầu hết các bạn trong lớp chuyên toán đều không thể làm hết bài thi. "Tất cả những bạn mà em hỏi đều cho biết họ đều phải khoanh bừa ở khoảng 7 - 8 câu, có bạn là 10 - 15 câu cuối", Long cho biết (xem toàn bài tại đây).
- Phân tích phổ điểm về mặt toán học mà Bộ GD&ĐT cung cấp cho tất cả báo chí nó lại rất sai về mặt thực tế vì phổ điểm là từ thống kê điểm sinh ra mà điểm số lại phản ánh sai năng lực học sinh thì phân tích toán học đã dựa trên số liệu sai về năng lực.
Phân tích phổ điểm của Bộ GD&ĐT cung cấp cho các báo
Bởi vậy, tôi đã khẳng định từ trước khi thông báo điểm: "Phổ điểm không chứng minh điều gì về đề thi!" (xem tại đây) và bây giờ khẳng định thêm: "Phổ điểm cũng không phản ánh điều gì về năng lực học sinh!". Nếu có bất ngờ về điểm số thì đó chỉ là hậu quả do đề thi và cách chọn hú hoạ khi thi trắc nghiệm tạo ra. Xin mọi người cũng nhìn ra sự thật để bớt vui, bớt buồn trong những ngày này.
Các thầy cô cũng có nhiều băn khoăn khi điểm thi lệch với điểm học bạ quá nhiều. Đâu là điểm thật của học sinh? Ở bài viết trên báo Tuổi Trẻ mới chỉ là điểm thi thấp hơn điểm học bạ quá nhiều (xem bài tại đây). Nhưng còn chuyện điểm thi cao hơn điểm học bạ nhiều cũng xảy ra với khá nhiều em.
Chỉ có một lý lẽ như trên mới thuyết phục về những bất ngờ đang xôn xao dư luận.
Giống như một cái cân "oái ăm" lúc thì già, lúc thì non mà chẳng bao giờ chính xác thì trọng lượng của các vật đem cân không nên so sánh với nhau.
Có lẽ đã đến lúc cần Hội thảo thực sự để các chuyên gia giáo dục, các thầy cô có kinh nghiệm dạy và kiểm tra đánh giá năng lực phải nói thật, tranh luận thực sự để xã hội biết được sự thật là gì?
Không thể để tình trạng, Bộ GD&ĐT cầm cân, nảy mực kỳ thi và rồi lại tự đánh giá việc làm của mình như hiện nay. Cũng không để những bài viết của những ai không hiểu gì về giáo dục, về dạy học, về kiểm tra đánh giá lại đang làm nhiễu dư luận.
Nếu không làm rõ vấn đề trên thì các thầy cô sẽ không biết dạy kiểu gì, học sinh không biết học kiểu gì và phụ huynh cũng không biết lo kiểu gì...
Nếu không có sự trao đổi gì hơn một cách khoa học thì có lẽ đây là bài viết cuối cùng của tôi về chuyện thi THPT quốc gia năm nay và có lẽ cũng không bao giờ bàn về giáo dục nữa.
TS. Lê Thống Nhất
BigSchool: Tin cập nhật tối 12/7/2018
Công văn của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. Ảnh: Zing
Ý kiến bạn đọc: (1)