Vô cùng thương tiếc tác giả "Bài ca người giáo viên nhân dân"!

  • 04/02/2018 | 07:39 GMT+7
  • 14.316 lượt xem

Chúng tôi vừa biết được TIN BUỒN: nhạc sĩ Hoàng Vân mới từ trần vào hồi 4h sáng 4/2/2018 tại nhà riêng hưởng thọ 88 tuổi. Tác giả của ca khúc "Bài ca người giáo viên nhân dân" mà biết bao thế hệ nhà giáo đã hát với niềm tự hào nghề nghiệp!

Nhạc sỹ Hoàng Vân (1930 - 2018)Nhạc sỹ Hoàng Vân (1930 - 2018)

Nhạc sỹ Hoàng Vân và khúc ngành ca của giáo dục

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930. Năm 1946 ông tham gia Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế rồi phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc của đài. Ông là một trong những người sáng tác nhiều bài hát về các ngành nhất, trong đó bài nào cũng được coi là truyền thống, ví dụ: Tôi là người thợ lò (ngành khai thác than), Bài ca xây dựng (ngành xây dựng), Bài ca người giáo viên nhân dân (ngành giáo dục), Bài hát về cây lúa hôm nay (ngành nông nghiệp). Các bài khác cũng rất nổi tiếng, như: Hò kéo pháo, Bảy sắc cầu vồng, Chim vành khuyên, Quảng Bình quê ta ơi, Tình ca Tây Nguyên, Tình ca Hà Nội, Tình ca Vũng Tàu,…

Nhạc sỹ Hoàng Vân được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. 

Năm 2012, ông được nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".

Bài hát "Bài ca người giáo viên nhân dân" được sáng tác vào những năm 70 của thế kỷ trước. Ngành giáo dục rất cần những bài hát viết về sự khởi sắc và những con người mới trong môi trường sư phạm. Hoàng Vân viết bài này không hẳn chỉ là hưởng ứng cuộc thi sáng tác mà ông muốn ca ngợi tôn vinh những cô giáo bước lên bục giảng, vinh dự được gánh vác trọng trách "trồng người".

"Bài ca người giáo viên nhân dân" đã đi cùng năm tháng"Bài ca người giáo viên nhân dân" đã đi cùng năm tháng

Nhạc sĩ Hoàng Vân hoàn thành bài hát khá nhanh, viết một mạch chỉ trong vòng một vài giờ, sau đó cũng không phải chỉnh sửa nhiều. Ngay sau đó, bài hát tự nhiên được lan truyền trong ngành sư phạm trước khi chính thức thu thanh, phát trên sóng. Người đầu tiên hát bài hát ấy rất thành công là ca sĩ Mỹ Bình. Từ đó bài hát trở nên rất phổ biến. Trong nhiều hội diễn, liên hoan văn nghệ ngành giáo dục, "Bài ca người giáo viên nhân dân" được nhiều thầy cô chọn để biểu diễn trên sân khấu.

Đã nhiều năm qua đi, nhưng bài hát vẫn luôn trẻ mãi như tâm hồn của người giáo viên, được ngành giáo dục coi như "ngành ca".

Mỗi lần nghe "Bài ca người giáo viên nhân dân", chúng ta lại bồi hồi xúc động và tự hào về người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đó là các thầy, cô giáo. Và cũng đã từ lâu rồi, cứ vào dịp tháng 11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, người ta lại nghĩ nhiều hơn về người thầy với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc, thầm cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác được một bài hát sống mãi cùng năm tháng. Những lời ca rất đỗi quen thuộc: "Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân. Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ" ... "Em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn, noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời. Tuổi trẻ bên em là tương lai Tổ quốc lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam".

Xin vĩnh biệt Ông! Một nhạc sỹ đã cho cuộc sống rất nhiều bài hát đi cùng năm tháng trong đó "Bài ca người giáo viên nhân dân" sẽ còn mãi vang lên từ các thầy cô giáo Việt Nam!

Tâm sự của nhà văn Nguyễn Quang Vinh 

Khi nghe tin nhạc sỹ Hoàng Vân qua đời, nhà văn Nguyễn Quang Vinh (quê Quảng Bình) đã tâm sự:

"Ông là nhạc sĩ lớn của đất nước.
Quảng Bình của tôi, chỉ với ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi", cống hiến của ông cho mảnh đất gan góc, thương mến, dũng khí và tài hoa này là khó tính đếm được, nó vượt lên cả một ca khúc thông thường, nó là chân dung đầy đủ nhất về quê hương yêu dấu của tôi, nó có sức thu hút lạ kỳ với bất cứ ai nghe ca khúc này, nó là niềm cảm hứng liên tục, bất tận cho mỗi dòng, mỗi chữ khi tôi viết về làng quê của mình.
Năm 2018, tôi và Giám đốc Sở du lịch Quảng Bình đã chốt xong một ý định, tổ chức một chương trình nghệ thuật thật lớn, thật đặc biệt, thật mới mẻ, kể lịch sử hơn 400 năm của mảnh đất Quảng Bình qua giai điệu tầng tầng lớp lớp của ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi", và tôi muốn trong buổi trình diễn đặc biệt đó, có mặt nhạc sĩ Hoàng Vân, vì có lẽ chưa có chương trình nghệ thuật nào chạy suốt 2 tiếng đồng hồ chỉ bằng một ca khúc. Nay ông đã mất nhưng tôi vẫn quyết làm, càng phải quyết làm vì quê hương, vì để tri ân ông, nhạc sĩ Hoàng Vân vô cùng yêu dấu.
Với ca khúc này, đi xa hay ở ngay chính quê mình, giai điệu bài hát luôn làm tôi ngân ngấn nước mắt, tôi nhớ quê ngay khi đã đặt chân lên miền cát nơi mình sinh ra.
Đau đớn chia tay ông nhưng tiếng vọng giai điệu ông tặng Quảng Bình còn ngân xa nữa, xa nữa.
Vô cùng thương tiếc.
Hãy nghe bản ghi âm đầu tiên ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" do nghệ sĩ Kim Oanh và tốp ca Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày.

 Vô cùng thương tiếc tác giả "Bài ca người giáo viên nhân dân"!
Vô cùng thương tiếc tác giả "Bài ca người giáo viên nhân dân"!
Vô cùng thương tiếc tác giả "Bài ca người giáo viên nhân dân"!

Bản nhạc "Quảng Bình quê ta ơi!"Bản nhạc "Quảng Bình quê ta ơi!"

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.