BigSchool xin chia sẻ với các bạn bài viết của cô giáo Nguyễn Thanh Thúy (Đại học Hà Nội) về quan điểm kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh.
Một trong nhiều điều mình nhận thấy chính là cái kiểm tra đánh giá dạng summative assessment (đánh giá chất lượng cuối mỗi giai đoạn) có sự khác biệt giữa các độ tuổi từ tiểu học đến người lớn.
Nguyên tắc đánh giá của mình:
- Cuối mỗi đơn vị bài
- Không cho ôn tập dưới dạng làm quen đề bài
- Bài kiểm tra đủ dài với thời gian vừa đủ sức (với người lớn bị giới hạn thời gian nhưng cũng chỉ để tham khảo; trẻ con thì cho làm theo sức)
- Kiểm tra ít nhất 4 mặt: nghe, nói, ngữ pháp + từ vựng và đọc. Với trẻ em có thêm phần viết, nhưng phần viết này hoàn toàn có thể đọc thông số thông qua bài ngữ pháp + từ vựng.
Kết quả:
1, Cùng thông qua một chuỗi các hoạt động có mục tiêu rõ ràng, thường xuyên nhận góp ý từ cô giáo cho hầu hết tất cả các hoạt động, nhưng bao giờ nhóm người lớn cũng tiến bộ nhanh hơn cả, đặc biệt là những học viên đi học đều đặn và nỗ lực chủ động áp dụng những thứ đã học cho TỪNG hoạt động mình tham gia. Điểm thú vị hơn cả, học viên tiến bộ xa nhất (so với khởi điểm) lại nhờ yếu tố "đi học đều" chứ không phải độ tuổi (nhiều trong số những người đạt kết quả cao lại ở tầm 40 tuổi). Và cái này xét chủ yếu trên phương diện ngữ pháp nói, còn ngữ pháp viết thì không có nhiều khác biệt, chỉ khác biệt lớn nhất ở phần từ vựng (do xuất phát điểm đa số người lớn điểm ngữ pháp viết đã cao sẵn, chỉ yếu từ vựng).
Trong khi đó, nhóm trẻ em (7-10t) không xét được yếu tố đi học đều do các em được bố mẹ đưa đón đều đặn và không có lý do gì để nghỉ học. Khi đó, kết quả kiểm tra cho thấy rất rõ ràng mối liên kết giữa nói và viết: nói mà sai thì để tự viết chắc chắn cũng sai như thế và ngược lại, sửa được nói thì viết sẽ sửa được. Những phần về từ vựng tuy được học với thời lượng ít hơn so với ngữ pháp (qua các hoạt động) nhưng các em thường nắm chắc chắn hơn rất nhiều so với ngữ pháp - càng phản ánh rõ ràng cái khó khăn trong việc dạy ngữ pháp cho giai đoạn này. Cụ thể là:
- Các em có thể hiểu về nó, nhưng không tự có ý thức về form (dạng thay đổi theo mẫu của ngữ pháp)
- Rất dễ bị lẫn giữa những thứ tưởng như quá dễ và rõ ràng với người lớn (ví dụ: do/does với ngôi thứ 3 số ít hay ngôi thứ nhất; không chia khi động từ trong câu hỏi...)
- Nếu giới thiệu nhiều hơn một hiện tượng ngữ pháp trong khi hiện tượng kia chưa được luyện tập đủ để có phản ứng (chưa phải phản xạ) khi nói thì chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng lẫn/trộn (điển hình là cái to be + V do trộn thì hiện tại đơn giản với hiện tại tiếp diễn)
2, Một trong những cái "thần kỳ" của việc áp dụng kiểm tra đánh giá không báo trước và hướng vào phần tự produce ngôn ngữ (cái P thứ 3) khiến cho kết quả đánh giá cực kỳ sát với những biểu hiện của người học mà giáo viên có thể quan sát thấy ngay trên các hoạt động trên lớp. Có nghĩa là năng lực của người học thực sự như thế nào sẽ được phản ánh cực kỳ chính xác thông qua bài kiểm tra. Vì vậy mình có mấy ý thế này:
- Nếu như nhà trường bỏ đi một loạt các danh hiệu thi đua vốn gây áp lực cho giáo viên và học sinh trong việc chạy đua thành tích, thì giáo viên và học sinh sẽ khôgn phải quá lo lắng dẫn đến cắt xén thời gian DẠY và HỌC, dồn thêm thời gian cho việc LUYỆN dạng đề kiểm tra --> kết quả kiểm tra đánh giá sẽ SÁT với thực tế và có nhiều ý nghĩa hơn cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như nhìn nhận thực lực cá nhân.
- Các bài kiểm tra nên ở dạng KHÔNG BÁO TRƯỚC và kết quả kiểm tra KHÔNG TẠO ÁP LỰC thì sẽ có tác động tích cực tới quá trình học tập của người học.
Một vài ý sơ bộ, hy vọng có ích cho mọi người
Ý kiến bạn đọc: