Là sinh viên khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh khoá 2, năm 21 tuổi, thầy Vương Đình Huấn bắt đầu sự nghiệp dạy toán của mình. Thế nhưng nghiệp thơ đã quấn vào thầy, lôi thầy đi, có lúc trắc trở, có lúc thăng hoa để bây giờ thi đàn Việt Nam có một tác giả danh tiếng: Thạch Quỳ.
Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh ngày 8/8/1941 tại thôn Đông Bích, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An, nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Thân phụ là người thông thạo Hán học, thân mẫu tuy không biết chữ nhưng lại thông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, truyện Kiều... Năm 1960, ông học ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Vinh, cùng năm này, ông có bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí "Văn nghệ quân đội" có tựa "Mà thương cũng nhiều".
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông có một thời gian làm giáo viên Toán cấp 3 tại Nghệ An. Sau đó ông công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, ông là Hội viên Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với giải ba cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ năm 1972 và nhiều giải thưởng của tạp chí Văn nghệ quân đội, giải hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An. Hiện ông sống ở thành phố Vinh, Nghệ An.
Nhà thơ Thạch Quỳ (đứng thứ 2 từ phải sang) và các văn nghệ sỹ tỉnh nhà năm 1984
Bài thơ nổi tiếng với bao sự suy diễn làm ông trắc trở một thời là bài "Với con".
Hôm nay, ngày 8/8/2017, sinh nhật lần thứ 76 của nhà thơ Thạch Quỳ. Trong các bài thơ nổi tiếng của ông có một bài thơ liên quan tới một khái niệm cơ bản của Hình học, đó là Đường thẳng.
Hôm qua, BigSchool tìm mãi trên mạng nhưng không có, đành liên hệ với ông để xin. 7h38' hôm nay, nhà thơ đã gửi tới BigSchool, không chỉ bài thơ liên quan tới Toán học mà thêm một bài thơ liên quan tới một con người nổi tiếng: GA-LI-LÊ.
BigSchool chúc mừng Sinh nhật Nhà thơ Thạch Quỳ!
Xin chúc nhà thơ luôn khoẻ để tiếp tục có những vần thơ mới cho đời. Trân trọng giới thiệu với các bạn 3 bài thơ nhân dịp sinh nhật ông.
Con ơi con, thức dậy giữa ban ngày
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua con đường đất đến con đường rải đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.
Con ơi con, nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Vì thế nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi, trên ấy Ngân Hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hoặc đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu lên cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn to lên.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!
Mẹ hát lời cây lúa ru con
Cha cày đất làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
Vì thế những lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.
Tháng 6/1979
"Đường thẳng là một khái niệm không định nghĩa. Các giáo viên dạy toán, bằng các tính chất, phải làm hiện hình bản chất của nó”
PÔ-LI-A
Cái đường thẳng nằm trong hình học
Theo suốt đời, âm ỉ tận trong tôi…
Là sợi tơ chẳng có chất tơ
Mà chăng được từ đây đến đấy
Lúc thô vụng sờ tay lên mặt giấy
Lại nhận ra bóng dáng cái vô hình
Lúc nghĩ về tia sáng mỏng manh
Lại thấy nó chiếu đi rất thẳng
Như tia mắt em nhìn về anh
Không bị chắn bằng cây, bằng núi
Như ý nghĩ những người đi tới
Không nghỉ, không ngừng, không dừng điểm cuối
Từ chân trời nối với chân trời
Qua những đám mây
Từ hôm qua nối với hôm nay
Qua những bàn tay, luống cày và súng
Trong sách vở tôi chỉ tìm thấy bóng
Giữa cuộc đời nó bỗng hiện hình ra
Tiếng con ve gọi nắng dưới cành đa
Nối rất thẳng với mầm cây của đất!
Nhưng đường thẳng vẫn là đường ngắn nhất
Cái lối mòn trên ruộng bước tắt ngang
Vết xe lao qua trọng điểm chiến trường
Những bờ thửa, bờ vùng lên thẳng tắp…
Cái đường thẳng hiền lành và chân thật
Nơi âm thanh, tiếng nói biết đi về
Từ phương này nối với phương kia
Là đường thẳng của tình bè bạn
Đường ta đi từ quá khứ đến ngày mai
Hiện đang bắc qua mỗi tấm lòng trăn trở
Trên trang sách, dưới ngón tay lật mở
Trên luống cày gieo vãi, nghĩ suy
Từ Ơ-cơ-lit đến Lobasepxky
Đường thẳng bắc qua hai trụ lớn
Là chiếc cầu của những vệ tinh đi!
Đường thẳng luôn bài xích những cong queo
Và gạt bỏ những lối mòn có sẵn
Đường thẳng nói về những miền vô tận
Mà nghe như âm ỉ giữa tim mình
Đường thẳng mời bước chị, bước anh
Mà chỉ nói : TÔI LÀ ĐƯỜNG THẲNG !
9/1972
Trái đất tròn – Ga li lê phát hiện
Một mình ông, chỉ một mình thôi
Cái thời ấy, nếu đưa tay biểu quyết
Cả hành tinh chống lại một Con Người !
3/1980
BigSchool: Xin trích đăng lại bài viết của nhà báo Võ Minh Châu đăng trên báo Tiền Phong ngày 9/11/2008 về câu chuyện liên quan tới bài thơ "Với con":
Hồi ấy nhiều người chép tay chuyền nhau đọc thuộc lòng, bàn luận gần như là một thứ của cấm. Câu chữ trong bài là vậy nhưng có người “luận” ra: “Con” được hiểu là nhân dân; “Chim hót” được hiểu là Đài tiếng nói Việt Nam, rồi phân tích: Bài thơ “Khuyên dân” đừng mải mê mà nghe đài nói...
Tiếp tục suy diễn chủ quan, có người còn cho rằng bốn nhân vật: “mẹ”, “cha”, “chú bộ đội”, “ bác công nhân” là thành phần trụ cột: Công - Nông - Binh - Trí thức cũng chưa đưa lại niềm tin...
Cứ theo cách hiểu như thế, bài “Với con” bị coi là có vấn đề và một cuộc họp đã diễn ra để kiểm điểm tác giả.
Nói thật, mất nghề.
Nhà thơ Thạch Quỳ với các bạn văn nhân Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII ( 8/2010).
Chúng tôi đã tìm gặp lại nhà thơ hiện nghỉ hưu tại Đường Phong Định Cảng, TP Vinh, Nghệ An. Tôi gợi lại chuyện cũ: Thưa anh chuyện nói “Với con” của anh thời ấy chẳng biết... những “đứa con” đã lĩnh hội được gì qua lời dạy bảo... nhưng “ông bố” đã lắm phen lao đao?
Nhà thơ Thạch Quỳ cười vui kể lại:
“Thời ấy đất nước vừa thoát ra từ những cuộc chiến tranh, nhiều người cứ thấy rằng chúng ta đã thắng lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc nên lý tưởng hóa cuộc sống cho rằng sau 15 - 20 năm đất nước và cuộc sống của người dân mình sẽ là thiên đường.
Hồi đó, nông dân thu hoạch mỗi ngày chưa được một lạng thóc, nhưng trong khi đó phải ăn một ngày ít nhất là hai lạng gạo. Công nhân, trí thức hầu hết ăn hạt bo bo; đến nỗi 9 chị em phụ nữ ngồi bình nhau một cái quần phíp; 10 cán bộ công nhân viên chia nhau một cái xích xe đạp…
Bài thơ “Với con” là nói với con cái trong nhà nhưng thực ra là muốn tâm sự với tất cả mọi người về hiện thực lúc đó. Khi viết bài thơ này tôi rất thận trọng vì đụng vào sự thật ấy là chuyện lớn, không đùa được.
Bài thơ ấy không viết bằng thơ mà được viết bằng Toán. Bởi vì Toán là chỉ có những mệnh đề khẳng định hoặc phủ định, chính xác, rõ ràng, minh bạch. Còn thơ là ý niệm, gợi mở, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Bài thơ được viết theo chủ nghĩa gián cách của Brếch (văn học Đức), là viết bằng đầu, nói bằng trí chứ không phải như thơ ca phương Đông là viết bằng cảm xúc gợi mở để cho người ta lĩnh hội “ý tại ngôn ngoại” đâu!
Bài thơ này có hai tầng. Tầng một chẳng có vấn đề gì. Đó là những lời nói với con trong nhà và bám vào những chi tiết thực tế. Ví dụ: Con đi học thì đừng nhìn cây, nhìn cỏ, nghe chim hót mà chậm giờ... Còn nàng Bạch Tuyết con say mê đọc trong cổ tích cũng không thể thay việc chăm chút của mẹ con hàng ngày. Đằng nào rồi cũng phải mẹ thôi.
Hay là những chuyện như quả đất tròn, vầng trăng tròn mơ mộng cũng chưa cần thiết, cái quan trọng, gần gũi, thiết thực hơn vẫn là cái bánh đa vừng nuôi sống con người. Nghĩa đen chỉ như vậy.
Mọi vấn đề đều nằm ở tầng hai, nhưng ở tầng hai cũng không đơn giản, phân tích, phê phán chỉ tên tác giả, nếu “lơ mơ” sẽ thành suy diễn. Cho nên do cách hiểu áp đặt qua bài thơ, mọi việc bùng lên thành những chuyện phức tạp. Trong thời điểm bấy giờ sự cố ấy xẩy ra cũng là một lẽ tự nhiên thôi mà”.
Thạch Quỳ kể tiếp:
“Từ một bài thơ “Với con” nói chuyện trong nhà nhưng bị đưa ra cuộc họp cho là chống chủ trương, chính sách... Ở thời điểm đó, tôi thấy mình lâm vào hoàn cảnh nan giải phải nghỉ việc cơ quan.
Tôi không dám đến nhà ai, bởi đến đâu, gặp ai cũng có thể gây phiền. Tôi sắm một cái cần câu, từ sáng sớm đi lang lang ra hồ Thạch, cuối chiều thì về. Câu cá mãi mấy tháng liền cũng chán, trong người thấy quá mệt mỏi.
Nhân lúc có việc nhà, tôi đã lên tàu ra Hà Nội. Mới sáng sớm chưa rõ mặt người đến nhà người em trai đang là cán bộ giảng dạy, mới nằm khoảng 15 phút đã có tiếng gõ cửa. Một anh công an khu vực đã đến kiểm tra hộ khẩu.
Thạch Quỳ kể với ngữ điệu buồn buồn.
Nhà thơ Thạch Quỳ và Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Tôi gợi lại một chuyện liên quan: “Hồi ấy nhà thơ Xuân Diệu về Nghệ Tĩnh, tại buổi giao lưu ở Hội Văn nghệ có người hỏi về bài thơ “Với con” của anh, Xuân Diệu nhận xét: “Chuyện tiếp nhận văn chương trái ngược nhau ở đâu mà chẳng có, việc đấu đá nhau cũng là lẽ thường tình, có điều là sân hẹp nên các hiệp đấu diễn ra tất yếu là căng thẳng và dữ dội hơn...”.
Nhà thơ Thạch Quỳ lý giải thêm:
“Vì bài thơ ấy đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam nên nhiều người ở Hà Nội đều biết. Ở Hà Nội dư luận có hai chiều. Nhiều người nói rằng bài thơ ấy cũng bình thường, chẳng cần phải làm to chuyện lên như trong này.
Sau đó Hội Nhà văn đã cử một đoàn 6 người vào tổ chức một hội thảo văn học. Đưa thêm một số tác giả như Hồng Nhu, Bá Dũng, Xuân Hoài... ra để cùng thảo luận, đánh giá.
Bản thân tôi được một số nhà văn nhắc đến nhiều tác phẩm đã viết trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và khẳng định tư tưởng các tác phẩm ấy đều phục vụ cách mạng. Không ai đào sâu vào bài thơ “Với con” nữa...
Cuối năm 1980, báo Nhân Dân đã in lại bài thơ “Với con” kèm theo cả ảnh và tiểu sử tác giả. Bầu không khí xung quanh bài thơ ấy loãng dần ra nhưng bản thân tôi vẫn tiếp tục gặp nhiều phiền toái.
Vì mãi đến năm 1988, Hội nhà văn Liên Xô mới có giấy mời Hội Nhà văn Việt Nam cử một đoàn 10 người sang học tập và tiếp thu tinh thần đổi mới. Hội Nhà văn Việt Nam bỏ phiếu kín chọn những người có tinh thần đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, tôi được chọn làm một trong số 10 nhà văn được sang Liên Xô học.
Nhưng vấn đề là việc khai lý lịch để làm hộ chiếu. Vượt qua cửa ải này không phải là chuyện dễ. Cơ hội để xuất ngoại cứ ngỡ như không bao giờ thành hiện thực...”.
Cái bóng ám ảnh và tấm lòng nhân văn.
Nhà thơ Thạch Quỳ với TS. Lê Thống Nhất trưa 24/11/2014
Nhà thơ Thạch Quỳ kể tiếp:
“Tôi lên gặp anh Toàn, chiến sĩ công an phụ trách. Xưa nay tôi làm việc ở Hội Văn nghệ, không biết bên công an. Bây giờ có công văn cho sang học ở Nga, tôi đến hỏi anh về việc làm hộ chiếu... có khó khăn gì không?
Anh Toàn im lặng một lúc rồi trả lời: Chuyện của anh một thời như thế. Bây giờ nếu đưa vấn đề này lên cấp trên thì tôi tin họ sẽ không giải quyết. Vì vậy để tôi suy nghĩ thêm, có cách gì đó sẽ trao đổi lại với anh sau.
Biết mình đã rơi vào cảnh “có vấn đề” về nhân thân, tôi đã bộc bạch tâm tư và nhờ anh Toàn giúp đỡ.
Hôm sau tôi lên gặp, anh Toàn nói:
"Đúng là có nhiều báo cáo về anh, một số không tốt lắm, cho nên bây giờ rất khó khăn. Chỉ có một cách nói lại là: Nguồn tin cho các báo cáo đó không chính xác, không đúng với bản chất một người trước đây từng là thầy giáo dạy Toán ở nhiều trường cấp ba và trường sư phạm, sau đó là một nhà thơ.
Nay tôi viết tường trình báo cáo ấy là sai, tôi xin chịu trách nhiệm về sự cả tin của mình. Chỉ có như vậy mới đảo ngược tình thế, có thể tạo điều kiện cho anh... Và quả thật tôi thấy anh cũng chẳng có gì xấu”.
Nghe anh Toàn nói vậy, tôi cảm thấy đồng chí công an này có tấm lòng thật lớn lao, lâu nay tôi đã có cách nhìn khác về anh, bây giờ tiếp cận với sự thật mới thấy anh ta thật dũng cảm, độ lượng và nhân văn.
Anh Toàn đã làm văn bản và lên trình bày lên cấp trên. Thủ trưởng cơ quan anh chấp nhận. Trước lúc tôi lên đường sang Liên Xô, công an còn đến tặng quà…
Nhân lúc anh dừng giọng, uống nước tôi hỏi tiếp:
- Sau tai nạn nghề nghiệp ấy anh có rút ra được bài học gì? Những sáng tác của anh sau này theo hướng nào?
Nhà Thơ Thạch Quỳ lại tiếp tục triết luận:
“Bài thơ “Với con”, thời đó tôi dám viết lên sự thật, tôi không tính thiệt hơn, được gì, mất gì cho bản thân. Ở thời điểm nào cầm bút viết, thì tôi cũng phải viết những vấn đề bức xúc mà cuộc sống dội vào. Tôi đã không đầu hàng khi đã nhận thức ra bản chất của sự việc. Đó không riêng là nỗi bức xúc của cá nhân mà là sự thúc bách của thời đại, phải khơi dòng mở đường cho sự phát triển.
Hầu hết các vấn đề tôi viết đều là những bức xúc của đời sống, bài nào cũng mang những câu hỏi lớn cần được trả lời. “Với con” không phải là bài thơ hay vì nó được viết bằng Toán.
Là một nhà văn đối diện với cuộc sống, thấy vấn đề gì bức xúc, tôi dồn tâm huyết vào để góp phần tháo gỡ những vấn đề cho toàn dân chứ không phải chỉ là những vui buồn nhỏ của riêng mình".
Tháng 11/2008
Võ Minh Châu
BigSchool: Sau ngày gặp gỡ với nhà thơ Thạch Quỳ, TS. Lê Thống Nhất đã viết tặng ông bài thơ, trong bài thơ nhắc tới tên các bài thơ, các tập thơ của ông (có dấu ngoặc kép trong bài).
Ông tâm sự: "Bài thơ của nhà thơ LTN chắc chắn là gia đình sẽ giữ lại và in lại làm kỷ niệm lâu dài". Xin chia sẻ với các bạn bài thơ này.
Kính tặng Anh yêu - Thạch Quỳ, nhớ cuộc rượu sau 20 năm
Ba năm rồi đoạn tuyệt với ma men
Ngỡ đời anh sẽ chẳng thèm uống nữa...
Bỗng một trưa, chẳng gió Lào quạt lửa
Bao chén kia rót như đổ lửa vào...
"Tảng đá" núi Quỳ cứ chan chát mày, tao
Một thời "Với con" suýt lộn nhào cuộc sống
Khi ngoài đời "Giấy loại" đang chất đống
Khi ngoài đời bao kẻ giống "Con sên".
Năm tháng "Cái nghèo" bám chặt chẳng quên
Đến "Bức tượng" cũng phải rên thảm thiết
"Bán mặt trời" cũng chẳng qua cùng kiệt
"Cửa sổ" mở ra, có kẻ khép dữ dằn
"Đêm Giáng sinh" đọc thuộc những lời răn
Mong thành "Viên bi" để lăn tránh đạn
Cũng chẳng yên.... đành "Tôi như đá rắn"
Để thoát ra khỏi rào chắn bức tường
"Mà thương cũng nhiều" nên chẳng thiếu yêu thương
Giữa góc gai vẫn thấy hương "Hoa dứa"
Giữa nắng thiêu vẫn "Quạt cho bà ngủ"
Giữa bon chen vẫn "Bên mộ Nguyễn Du"
"Gạch vụn thành Vinh" cũng chẳng để báo thù
"Mây trắng mùa thu" cũng chẳng đu để sướng
"Cuối cùng vẫn một mình em" tận hưởng
"Đêm vườn rừng" ta chẳng cưỡng nổi ta
"Gom nhặt trên bãi bom B.52" được câu chuyện sâu xa
Chẳng thể nào vào vai "Ông già nghễnh ngãng"
"Lời nghìn năm" vọng về sao lãng đãng
"Trở lại Lan Châu" lúc chạng vạng bầu trời
Bao thời gian trôi qua cũng là "Nửa phần đời"
"Các nhà thơ uống rượu với nhau" cho tiếng cười sướng nhất
"Qua đền Cuông ghi chuyện cũ" để đừng quên sự thật
Bài học "Sơn tinh, Thuỷ tinh" hiểu được mất là gì...
"Điệu hát nguồn sống và đất" chẳng thể thầm thì
"Nguồn gốc cơn mưa" trôi đi cát sỏi
"Tảng đá nhành cây" quấn nhau chống chọi
"Sao và đất" kia chói lọi tận cùng
"Người lặn biển" biến đại dương thành cả không trung
Như nhà thơ biến mắm tép và cà thành tiệc tùng khao đãi
Chắt chiu từng từ dù xác xơ thân dại
Viết chẳng giống ai, kệ đời gọi Đồ Gàn..
Thêm chén nữa nào! Uống rượu đừng gian
Chẳng được như xưa mình làm mấy lít
Sống ở trên đời bạn nhiều hay ít
Quan trọng hơn là máu thịt cùng nhau....
Biết là thời gian năm tháng trôi mau
Những lúc khổ đau dãi dầu như đá
Nắng mưa cuộc đời hung hăng phong hoá
Anh vẫn là Anh ôm cả núi Quỳ....
Sáng 25/11/2014
Lê Thống Nhất
Ý kiến bạn đọc: