TS. Lê Thống Nhất: Hội thi giáo viên dạy giỏi bỏ hẳn hay sửa? Sửa điều gì?

  • 17/01/2019 | 07:31 GMT+7
  • 35.751 lượt xem

Chiều 17/1/2019, TS. Lê Thống Nhất đã tham gia chương trình "Dòng chảy sự kiện" phát trực tiếp trên VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam và cùng trao đổi với TS. Hoàng Đức Minh xoay quanh việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi trước những câu hỏi của phóng viên.

Hình ảnh chiều 17/1/2019 tại Đài Tiếng nói Việt NamHình ảnh chiều 17/1/2019 tại Đài Tiếng nói Việt Nam

Do thời lượng của chương trình nên có những điều còn vắn tắt. Xin chia sẻ rõ hơn các vấn đề liên quan tới câu chuyện này.

Bất cập, không phù hợp là rõ ràng

Giám khảo có chấm đúng không?
Rất nhiều nhà giáo cho rằng, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi suốt thời gian qua đã không còn phù hợp. Điều này tôi đã phát hiện ra khi được mời vào Ban Giám khảo chấm Hội thi Giáo viên giỏi tiểu học cấp quốc gia cho khu vực miền Nam tổ chức ở Tây Ninh. Trên phiếu chấm giáo viên dạy có nhiều mục và giám khảo phải cho điểm từng mục. Thực ra dự trong 1 tiết 35 phút chính tôi cũng rất khó cho điểm. Điều rõ nhất là giáo viên trở thành diễn viên, bởi trong thực tế tôi cũng không dạy theo kiểu "lên gân" ấy. Hầu như giáo viên nào cũng trình chiếu để tỏ ra áp dụng công nghệ thông tin, bởi thang điểm chấm có chuyện này. Tôi cũng chưa dạy theo kiểu trình chiếu này bao giờ. Cuối tiết, ban giám khảo có cho bài kiểm tra 15' để đánh giá học sinh nhưng bài làm của học sinh liệu có phải là kiến thức trong tiết vừa học hay không cũng khó mà khẳng định. Điều lưu ý là các giám khảo địa phương cho điểm thấp hơn các giám khảo là các chuyên gia do Bộ GD&ĐT mời. Đây cũng thêm một chút nghi ngờ về tính "ăn thua" trong chấm thi. Tôi không đồng tình với kiểu diễn này để đánh giá năng lực giảng dạy của giáo viên.
Tự nguyện hay vẫn ép giáo viên?
Được biết, từ cách đây 3 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn lưu ý "việc tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức". Vậy nhưng, theo phản ánh của không ít giáo viên ở các địa phương, thực tế không có nhiều thay đổi. Các thầy cô vẫn chịu áp lực rất lớn vì phải "diễn" trong các hội thi dạy giỏi và vẫn phải chạy theo thành tích.
Công văn này mâu thuẫn với thông tư khác, chẳng hạn thông tư 59/2012/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó quy định: có ít nhất 50% giáo viên dạy giỏi cấp trường mà trong đó ít nhất 20% đạt danh hiệu cấp huyện trở lên. Nhiều giáo viên không muốn thi nhưng bị ép thi vì chỉ tiêu mà trường cần đạt được. Chính vì điều này mà có khi cả trường tập trung lo sáng kiến kinh nghiệm và tiết dạy cho giáo viên đi thi.
Rất nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Bà Phạm Thị Kim Anh ở Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ ra mâu thuẫn, "dù mệt mỏi vì các kỳ thi và danh hiệu, nhưng giáo viên nào không chạy theo guồng máy thành tích, thì bị coi là cá biệt, có biểu hiện chống đối".
Bởi vì dân chủ trong trường học đang có vấn đề, điều này các hội thảo đã chỉ ra. Khi dân chủ không có thì ai dám cưỡng lại "guồng máy" ấy?

Sửa Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi

Giảm áp lực cho giáo viên
Nếu lấy mục tiêu là nâng cao năng lực giảng dạy, kích thích động viên tinh thần sáng tạo của giáo viên thì Hội thi kiểu này chẳng có tác dụng gì và chỉ gây áp lực cho giáo viên. Việc gì cũng thế, để không thấy cảm lực thì giáo viên phải thấy đó là việc làm cần thiết như "cơm ăn, nước uống" hàng ngày. Người ta vẫn say sưa trau dồi mà thấy vui vì tay nghề nâng lên. Bởi vậy cần thay đổi cách làm và nghĩ ra tiêu chuẩn phù hợp để trao danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi'. Bởi vậy giảm áp lực không phải là bỏ bớt mà cần phải đưa ra Điều lệ thật "trúng". Đôi khi giáo viên cảm thấy bị áp lực do chính sự đánh gía không công bằng, khi mà có giáo viên được gọi là giáo viên dạy giỏi mà thực chất lại không giỏi, không đáng làm gương, không được đồng nghiệp trong trường "tâm phục, khẩu phục".
Tiêu chí xếp loại giáo viên dạy giỏi

Trước hết phải khẳng định để đánh giá năng lực giỏi của một giáo viên thì cần những tiêu chí nào? Theo tôi phải căn cứ vào 3 tiêu chí:
- Kiến thức chuyên môn giỏi
- Phương pháp sư phạm giỏi
- Hiệu quả giảng dạy tốt (thông qua đánh giá sự tiến bộ của học sinh).
Trong 3 tiêu chí trên thì tiêu chí cuối cùng chính là quan trọng nhất vì đó là mục tiêu của dạy học. Để xếp loại được cho giáo viên về hiệu quả dạy học thì then chốt là phải có cách đánh giá khách quan về sự tiến bộ của học sinh tại 2 thời điểm: giáo viên bắt đầu dạy học sinh cho tới khi thực hiện việc xếp loại hiệu quả dạy học của giáo viên.
Đây lại là điều mà chúng ta còn lúng túng ngay cả với kỳ thi THPT quốc gia.
Trong một số thảo luận của các chuyên gia khảo thí, qua kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới thì cần có một đơn vị khảo thí độc lập, có uy tín thực hiện. Chưa gỡ được việc đánh giá khách quan học sinh thì việc đánh giá công bằng, khách quan cho giáo viên khó có thể tìm ra cách làm hợp lý.
Còn đối với 2 tiêu chí về kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm cần có ngân hàng đề thi để tiến hành đánh giá khách quan trên máy tính, tránh tình trạng học tủ, lộ đề, nể nang, chạy điểm.
Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi cần sửa điều gì?
- Bỏ yêu cầu: "Giáo viên dạy giỏi phải có sáng kiến kinh nghiệm", bởi giáo viên có thể tiếp thu sáng kiến, tiến bộ của khoa học giáo dục ở Việt Nam và trên thế giới để áp dụng vào việc dạy học đạt hiệu quả tốt chứ không hẳn phải tự nghĩ ra. Đưa yêu cầu này vào vừa không thực tế, vừa tạo nên sự gian dối khi sao chép hoặc nhờ người khác, thậm chí cả một tập thể để viết.
- Bỏ việc dạy 2 tiết để hội đồng giám khảo đánh giá, bởi đánh giá giáo viên dạy giỏi không cần và không đủ qua 2 tiết dạy.
- Đưa ra phương pháp đánh giá 3 tiêu chí đã nêu ở trên thông qua việc nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia về khảo thí.

Đề nghị với Bộ GD&ĐT

Nếu cần thời gian để sửa Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi thì trong thời gian này, Bộ GD&ĐT nên cho tạm dừng các Hội thi các cấp. Tránh tình trạng sửa chắp vá như trước đây để Hội thi giáo viên dạy giỏi "được ít, mất nhiều" như những năm vừa qua.
Khi đưa ra Điều lệ sửa đổi cần công khai xin ý kiến để có những điều chỉnh hợp lý trước khi công bố chính thức.

LÊ THỐNG NHẤT 

BigSchool: Nhưng ý kiến ở bài trên chỉ là một góc nhìn cá nhân của TS. Lê Thống Nhất, chưa hẳn đã chuẩn xác. Rất mong các bạn cùng trao đổi để chúng ta cùng Bộ GD&ĐT tìm ra cách đúng nhất để Hội thi giáo viên dạy giỏi tránh được các bất cập như đã xảy ra và cũng tránh được những bất cập mới sẽ sinh ra.
Các bạn có thể nghe toàn bộ chương trình "Dòng chảy sự kiện" phát trực tiếp trên VOV1 chiều 17/1/2019 với 2 khách mời: TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục và TS. Lê Thống Nhất tại đây. 
Chúng tôi rất cảm ơn các bạn đã trao đổi rất nhiều ý kiến khi đọc bài viết Hãy lắng nghe chúng tôi nói: Cần hạ màn vở diễn "Thi giáo viên dạy giỏi"! . Sau 12 giờ đăng bài, đã có hơn 17.000 lượt đọc và được rất nhiều bạn chia sẻ về trang cá nhân.

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.