TS. Lê Hữu Tỉnh viết trong niềm thương tiếc nhà giáo, nhà thơ TS. Nguyễn Trọng Hoàn

  • 30/04/2020 | 16:53 GMT+7
  • 2.889 lượt xem

Ai thân với TS. Nguyễn Trọng Hoàn, dù biết nhà giáo, nhà thơ đã mắc bệnh hiểm nghèo từ mấy tháng nay, nhưng vẫn bất ngờ khi nghe trái tim người bạn, người anh, người thầy, người em đã ngừng đập lúc 21h25' ngày 28/4/2020 tức ngày 6 tháng Tư năm Canh Tý.

TS. Lê Hữu Tỉnh viết trong niềm thương tiếc nhà giáo, nhà thơ TS. Nguyễn Trọng Hoàn

Chiều ngày 30/4/2020, TS. Lê Hữu Tỉnh, nguyên Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã viết trong niềm thương tiếc nhà giáo, nhà thơ, TS. Nguyễn Trọng Hoàn bài viết mà chúng tôi xin phép được chia sẻ để chúng ta hiểu thêm về Một Người Con đã vĩnh biệt Mẹ ra đi...

LẶNG THẦM NGƯỜI MẸ...

Thương nhớ Nguyễn Trọng Hoàn

Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn là người yêu mẹ, thương mẹ hết mực. Anh cùng vợ con sống ở Hà Nội, mẹ anh sống ở quê nhà, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Nghĩ tới người mẹ ngoài tuổi tám mươi sống một mình lui cui lọ mọ trong căn nhà trống trải ở quê, anh không đành, luôn thấp thỏm âu lo. Cứ hở một chút thời gian là anh lại tranh thủ đáo về thăm mẹ, dù quãng đường chả gần gặn gì, cũng phải sáu bảy chục cây số. Gần đây, khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, dường như anh linh cảm thời gian ở bên mẹ, nhìn thấy mẹ chẳng còn nhiều, anh càng năng về quê hơn, chăm chút mẹ nhiều hơn. Trên trang Facebook (FB) của mình, anh lấy hình ảnh mẹ già làm ảnh đại diện.
Ảnh đại diện của TS. Nguyễn Trọng Hoàn trên FBẢnh đại diện của TS. Nguyễn Trọng Hoàn trên FB
Cũng trên FB, người đọc gặp những câu anh nói về mẹ, tiếng nói tự đáy lòng, như: "Mẹ ơi, con yêu mẹ! Hơn ba tháng nay con mới được một nụ cười của mẹ!" (ngày 29/2/2020); hoặc "Mẹ đã cho con cả tận thu đời mẹ quả cà, con cá, lá rau…" (8/3/2020)...

Trong bài tản văn - hồi ức "Con yêu mẹ!", anh vừa như một đứa trẻ bé bỏng thốt lên những lời âu yếm, nũng nịu bên người mẹ, lại vừa như một người có tuổi đầy trải nghiệm nghĩ về mẹ với những thương cảm, xót xa, ân hận khi nhắc lại những năm tháng đói khổ, túng thiếu cùng những vất vả, gian nan của mẹ. Anh bồi hồi nhắc lại:

"Con nhớ… Mỗi khi ba đứa chúng con có lỗi, mẹ thường không nói gì, chỉ buồn rầu đi về phía bếp… Thường những khi như vậy, chúng con mỗi đứa ngồi im một góc nhà. Cho đến một lần, thấy mẹ ngồi lâu dưới bếp, mâm cơm đã sắp lâu để nguội, con xuống mời mới biết mẹ đang khóc một mình. Suốt cả tuổi thơ như thế, mẹ đã không dạy chúng con bằng roi vọt, mà dạy bằng biết bao lặng thầm nước mắt.
… Tết năm 1975. Sắp giao thừa, mọi nhà đì đùng pháo nổ. Hai đứa em cứ hỏi: mẹ đi đâu nhỉ? Con thầm đoán được nhưng không nói. Gần giao thừa thì mẹ về, reo lên từ cổng “Có tết rồi các con ơi!”. Ba đứa bật ra cửa, thấy mẹ một tay lủng lẳng hai cái bánh chưng và tay kia đang ghì rá gạo. Mẹ cười rất vui, mà khi vào đến trong nhà, dưới ánh đèn dầu con mới thấy, trời ơi, mẹ bị vấp ở đâu mà đầm đìa máu, móng chân cái lại bật ra thế này? Mẹ bảo: chắc đầu mải nghĩ làm sao vay được gạo ăn tết cho các con mà không biết vấp lúc nào. Con chạy ra bờ ao, rứt nắm lá chuối khô nhai vội để rịt quấn vào những ngón chân mẹ cho cầm máu mà lòng xót xa quặn thắt…
… Và bây giờ, khuya, ngồi viết những dòng này, tuy chỉ cách mẹ hơn một giờ xe, và vừa buông điện thoại với mẹ xong, con đã thấy cồn cào, lại muốn sà vào lòng mẹ như thuở ấu thơ. Lúc nào nhớ, kể cả khi bất chợt, lòng con cũng thỏ thẻ thốt lên: Mẹ ơi! Con yêu mẹ!...” (Mùa Vu Lan, 2019).
Bức ảnh "Mẹ", được con trai đưa lên FB ngày 26/1/2020Bức ảnh "Mẹ", được con trai đưa lên FB ngày 26/1/2020
Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Trọng Hoàn khi được phổ nhạc, đổi thành "Lặng lẽ mẹ tôi", cũng có những câu thơ, những ca từ đầy ám ảnh, xúc động:
Heo hút một khung trời gió
Nắng se gốc rạ trên đồng
Mẹ ngồi tựa cửa ngóng con…
Mẹ tôi lặng lẽ bên đời
Một đời dâu bể long đong
Bữa cơm một mình thắp lửa
Một mình nghe gió trở qua đêm…
Bài thơ trên được hai nhạc sĩ là hai anh em ruột Bùi Anh Tú và Bùi Anh Tôn phổ nhạc. Giai điệu mượt mà; giọng hát sâu lắng, truyền cảm; lời thơ chất chứa nỗi niềm… khiến người nghe khó kìm nén cảm xúc dâng đầy.

Trong bài thơ "Mẹ ơi, con ước…" của Hoàn, có những câu thơ, những chi tiết xúc động về người mẹ một đời vất vả sớm hôm:
"Những bờ vùng bờ thửa cỏ năn cỏ lác những chuôm những hố gồng gánh gập ghềnh
Nắng bạc áo sờn mẹ tất tưởi bước thấp bước cao.

Góc vườn nhà mình tua tủa gai bồ kết
Mỗi lần ngạt mũi lạnh bụng đau đầu không tiền mua thuốc, mẹ quây áo nướng quả hít hà hương thơm xộc lên tận óc…”

Để luôn được ở bên mẹ mỗi ngày mỗi giây phút, người con hiếu thảo chu đáo Nguyễn Trọng Hoàn đã gắn lắp camera trong nhà ngoài sân nhà mẹ ở quê. Một cách để bớt những lo âu khi con không thường xuyên bên cạnh mẹ. Thời đại công nghệ và tình mẫu tử đã hòa quyện tuyệt vời! Trên FB, Nguyễn Trọng Hoàn viết "Cuối tuần con không về. Nhưng vẫn được ngắm mẹ yêu!", đăng kèm hình ảnh người mẹ già đang lui cui với những mớ rau, chùm quả… Cũng trên FB, Nguyễn Trọng Hoàn đưa rất nhiều hình ảnh về mảnh vườn nhà ở quê mà anh gọi là "Vườn mẹ", với những luống rau xanh rờn, những cây ớt lúc lỉu quả, những thân cau tạo dáng quê, có cả cái ao nhỏ với những bông súng tím ngát…, kèm theo lời dẫn: "U bảo: phải chăm chỉ trồng rau cho cỏ khỏi mọc!",...
Bức ảnh về thăm mẹ đăng ngày 29/2/2020Bức ảnh về thăm mẹ đăng ngày 29/2/2020
Lại nữa, gần đây (ngày 6/10/2019), sau khi tập thơ dày dặn, sang trọng "Phút rành rang sống chậm" của Nguyễn Trọng Hoàn được xuất bản, trong một lần về quê thăm mẹ, nhà thơ hồ hởi khoe mẹ tập thơ thứ 12 vừa được in xong. Trên FB, Hoàn viết: "U hỏi: thế có tốn kém không để U còn liệu?" Hoàn mỉm cười thẽ thọt: "Sách nhà nước đặt hàng, mẹ ạ. Không phải bán lợn bán vịt bán gà hay tát ao bán cá như những lần trước đâu!". Thế là U mừng và hỏi đi hỏi lại cho chắc. Cảm giác là bữa cơm trưa nay U thấy ngon hơn.
Có thể nói tập thơ hoành tráng "Phút rành rang sống chậm" với 220 trang in, 188 bài thơ cùng Lời giới thiệu trang trọng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… được xuất bản vào cuối năm 2019 là niềm vui lớn, niềm an ủi cuối đời đối với thi sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Hoàn - tác giả của 12 tập thơ đã xuất bản.
Những câu chuyện đời thường như vậy "mộc mạc thôi mà sao bồi hồi"... cũng khiến ta xúc động về tình mẫu tử.
Bìa tập thơ thứ 12 của Nhà thơ Nguyễn Trọng HoànBìa tập thơ thứ 12 của Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn
Trước khi khép lại bài viết, xin được kể thêm chuyện nhỏ. Dịp Tết nguyên đán vừa rồi, được tin Nguyễn Trọng Hoàn ốm, tôi đến nhà riêng của Hoàn ở Làng Quốc tế Thăng Long hỏi thăm sức khỏe Hoàn. Chỉ hỏi qua Xuân, vợ Hoàn, vì lúc đó Hoàn nói năng đã khó khăn. Cả câu chuyện, Hoàn chỉ nói một câu, giọng đã thào thào rất khó nghe. Hoàn nói đại ý: Chỉ lo cụ ở quê. Từ khi mẹ em biết em bị bệnh, cụ sốc, cụ suy sụp… Trong câu nói, dường như Hoàn lo lắng cho mẹ nhiều hơn cho chính bản thân. Tôi xao xác buồn, thương và cảm phục tấm lòng, tình cảm Hoàn dành cho người mẹ già ở quê nhà.
TS. Nguyễn Trọng Hoàn và TS. Lê Hữu Tỉnh đứng hai bên người bạn TS. Nguyễn Trọng Hoàn và TS. Lê Hữu Tỉnh đứng hai bên người bạn
Lời kết: Đọc, nghe những điều Hoàn nghĩ về mẹ, viết về mẹ, ta có dịp hiểu thêm về một khía cạnh tâm hồn, tình cảm của một người bạn vừa mới đi xa mãi mãi, để từ đó thêm trân quý anh: nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn.

Ecopark, ngày 30 - 4 - 2020

Lê Hữu Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.