Được thành lập từ năm 1959 với tên gọi Trường Đại học Sư phạm Vinh trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, từ một trường đại học sư phạm đến nay Trường đã trở thành một trường đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực trên quê hương Bác.
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường Đại học Vinh đã trải qua những chặng đường phát triển vô cùng gian khổ nhưng cũng rất vinh quang. Nhà trường đã trải qua 8 năm sơ tán, gian nan tột bậc, chịu tổn thất nặng nề nhất trong hệ thống các trường đại học. Đến năm 1973, Nhà trường mới quay trở lại thành phố Vinh và phải xây dựng lại hoàn toàn. Trong những năm tháng khó khăn chung của đất nước trước đổi mới, Nhà trường đã ra sức khắc phục mọi khó khăn, thử thách, bằng ý chí tự lực tự cường, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thi đua dạy tốt, học tốt.
Từ những năm 1990, tiếp thu tinh thần đổi mới của Đảng, đường lối, chính sách của Nhà nước, Nhà trường đã từng bước ổn định và mở rộng phát triển theo hướng đa ngành. Năm 2001, ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của tập thể Nhà trường trong việc chuyển từ một trường đại học sư phạm trở thành một trường đại học đa ngành, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh.
Tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm Quốc gia. Hiện nay, Trường Đại học Vinh là 1 trong 8 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; là 1 trong 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của cả nước; là 1 trong 10 trường tham gia Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Trường được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục vào năm 2017.Lễ khai giảng khóa đào tạo thứ 60, kỷ niệm 60 năm thành lập Trường và đón nhận các phần thưởng cao quý
Cơ cấu tổ chức của Trường hiện có 6 viện, 7 khoa đào tạo, 12 phòng ban, 12 trung tâm, trạm, 2 văn phòng đại diện với 55 ngành đào tạo đại học; 37 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 17 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với trên 40.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Trường THPT Chuyên trực thuộc Trường Đại học Vinh là 1 trong 20 trường trung học phổ thông có uy tín nhất trong cả nước. Trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh với các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là một trong những cơ sở giáo dục có uy tín nhất trên địa bàn thành phố Vinh.
Từ khi thành lập đến nay, Nhà trường đã đào tạo và cung cấp cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước trên 180.000 cử nhân sư phạm, cử nhân khoa học, kỹ sư; 13.366 thạc sĩ và 244 tiến sĩ. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 80%. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Vinh được đào tạo toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, kỹ năng sống... nên khi ra trường sớm khẳng định được năng lực chuyên môn, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã trở thành các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, công nghệ, kinh tế lớn trong nước và quốc tế.
Cùng với hoạt động đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đội ngũ giảng viên tích cực tham gia các dự án khoa học - công nghệ của Chính phủ, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước. Nhà trường có quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với hàng chục cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức khoa học quốc tế từ Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ và Châu Úc. Trong những năm gần đây, Nhà trường đã chủ trì tổ chức nhiều hội thảo khoa học khu vực và quốc tế; tạo lập được các nhóm nghiên cứu với các nhà khoa học đầu ngành. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Trường triển khai hàng trăm đề tài khoa học các cấp; tổ chức trên 100 hội thảo khoa học; có trên 2.000 bài báo của cán bộ được công bố ở các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Trường luôn nằm trong tốp 10 trường đại học có bài công bố quốc tế nhiều nhất ở Việt Nam.
Với phương châm: "Nuôi dưỡng say mê - Khuyến khích sáng tạo - Tôn trọng khác biệt - Thúc đẩy hợp tác", trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ 17 cán bộ giảng dạy và một số cán bộ hành chính đầu tiên, đến nay Trường có 1.046 cán bộ, viên chức (trong đó có 731 cán bộ giảng dạy), 56 giảng viên cao cấp, 4 giáo sư, 59 phó giáo sư, 256 tiến sĩ, 504 thạc sĩ. Chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay của Nhà trường đáp ứng và vượt mức bình quân chung của cả nước.
Về cơ sở vật chất, với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự giúp đỡ của tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh, Trường Đại học Vinh hiện nay có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Nhà trường trong thời kỳ hội nhập.Tòa nhà Điều hành của Trường Đại học Vinh
Đảng bộ Trường Đại học Vinh là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Hiện nay, Đảng bộ có 10 đảng bộ bộ phận, 42 chi bộ (trong đó có 13 chi bộ cán bộ, 10 chi bộ học viên, sinh viên trực thuộc đảng bộ bộ phận, 19 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Trường). Toàn Đảng bộ có 923 đảng viên, trong đó có 626 cán bộ, 297 sinh viên, học viên cao học. Đảng bộ Nhà trường nhiều năm liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Với những kết quả toàn diện trong 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể Nhà trường, các đơn vị và cá nhân trong Trường đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2009, năm 2014), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1992, năm 2019), Huân chương Lao động hạng Ba của Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (năm 2019), Huân chương Hữu nghị của Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (năm 2009, năm 2011 và năm 2017) và nhiều phần thưởng cao quý khác.Sinh viên Trường Đại học Vinh: Bản lĩnh - Trí tuệ - Văn minh - Tình nguyện
Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia. Trường Đại học Vinh tuyển sinh đại học hệ chính quy 4.500 chỉ tiêu với 5 phương thức xét tuyển. Với hình thức xét tuyển linh hoạt, chương trình đào tạo tiếp cận CDIO, Trường Đại học Vinh đã và đang mở ra cơ hội lớn hơn cho thí sinh trúng tuyển, được lựa chọn học tập một cách linh hoạt trong quá trình học tập.
Đối tượng tuyển sinh: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Phạm vi tuyển sinh: Tuyển sinh trong cả nước và quốc tế.
Chỉ tiêu năm 2020: 4.500 chỉ tiêu.
Mã trường: TDV
Xét tuyển theo nhóm ngành
Năm 2020, Trường Đại học Vinh tuyển sinh theo khối ngành; thí sinh được đăng ký một số nguyện vọng chọn ngành đào tạo theo thứ tự ưu tiên như sau:
Các ngành đào tạo đại học chất lượng cao
- Quản trị kinh doanh; Mã ngành: 7340101; Chỉ tiêu: 35.
Các mã tổ hợp môn xét tuyển: A00; A01; D01.
- Công nghệ thông tin; Mã ngành: 7480201; Chỉ tiêu: 35.
Các mã tổ hợp môn xét tuyển: A00; B00; D01; A01.
- Sư phạm Toán học; Mã ngành: 7140209; Chỉ tiêu: 35.
Các mã tổ hợp môn xét tuyển: A00; A01; B00; D01.
+ Học phí thu theo quy định của Bộ GD&ĐT, đồng thời Nhà trường áp dụng mức học phí và lộ trình tăng học phí cho từng năm theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Ngành Sư phạm Toán học hệ chất lượng cao không thu học phí.
+ Sau khi thí sinh trúng tuyển và nhập học Nhà trường tổ chức xét tuyển vào lớp chất lượng cao dựa vào nguyện vọng, năng lực của thí sinh.
Phương thức tuyển sinh
- Phương thức 1: Dựa vào kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
- Phương thức 2: Dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 kết hợp với thi tuyển năng khiếu (ngành Giáo dục Mầm non và ngành Giáo dục Thể chất).
- Phương thức 3: Dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (trừ các ngành sư phạm).
- Phương thức 4: Dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi tuyển năng khiếu (ngành Giáo dục Thể chất).
- Phương thức 5: Tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT và theo Quy định của Trường Đại học Vinh.
Nguyên tắc xét tuyển
+ Xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia
- Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi/môn thi của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020.
- Lấy điểm từ cao xuống đến hết chỉ tiêu của nhóm ngành nhưng không có môn thi nào trong tổ hợp môn xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.
- Thí sinh có nguyện vọng và nạp hồ sơ xét tuyển.
- Riêng các ngành đào tạo sư phạm: Ngoài kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh phải có hạnh kiểm của 3 năm học (lớp 10, 11, 12) THPT đạt từ loại Khá trở lên.
+ Xét tuyển kết hợp thi tuyển năng khiếu
a) Ngành Giáo dục Mầm non - Mã ngành: 7140201
- Lấy kết quả thi THPT Quốc gia các tổ hợp bài thi môn Toán, Ngữ văn hoặc Toán, tiếng Anh.
- Thi tuyển môn năng khiếu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quy trình, tiêu chí tuyển sinh năng khiếu của Trường Đại học Vinh.
- Điểm môn thi năng khiếu nhân hệ số 2 (gồm: Hát; Đọc - kể diễn cảm).
- Thí sinh có nguyện vọng và nạp hồ sơ xét tuyển.
b) Ngành Giáo dục Thể chất - Mã ngành: 7140206
- Lấy kết quả thi THPT Quốc gia của tổ hợp xét tuyển: T00; T01; T02; T05.
- Thi tuyển môn năng khiếu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quy trình, tiêu chí tuyển sinh năng khiếu của Trường Đại học Vinh, hoặc sử dụng kết quả thi năng khiếu cùng nội dung của các trường đại học trên toàn quốc cấp để xét tuyển.
- Điểm môn thi năng khiếu nhân hệ số 2 (gồm: Bật xa tại chỗ, chạy luồn cọc 30m (chạy zich zắc) chạy 100m).
- Thí sinh có nguyện vọng và nạp hồ sơ xét tuyển.
+ Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (không xét tuyển đối với các ngành sư phạm trừ ngành Giáo dục Thể chất)
Không quá 30% chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh, với các tiêu chí sau:
+ Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
+ Tổng điểm các môn theo tổ hợp các môn đăng ký xét tuyển của năm lớp 12 lấy trung bình từ 6.00 điểm trở lên.
+ Ngành Giáo dục Thể chất: Kết quả thi năng khiếu và điểm trung bình cộng lớp 10, 11, 12 của 2 môn thuộc 1 trong 4 tổ hợp xét tuyển (T00; T01; T02; T05) tối thiểu là 6,5 trở lên; kết quả học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên.
+ Ngành Điều dưỡng: Điểm trung bình cộng lớp 10, 11, 12 của 3 môn thuộc 1 trong 4 tổ hợp xét tuyển (B00; B08; D07; D13) tối thiểu là 6,5 trở lên; kết quả học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên.
Trên cơ sở đăng ký xét tuyển của thí sinh và điểm chuẩn xét tuyển đối với các tổ hợp môn thi, bài thi của khối ngành, Hội đồng tuyển sinh Nhà trường xét tuyển thứ tự theo tổng điểm (kể cả điểm khu vực và điểm ưu tiên nếu có) từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng và giữa hai khu vực theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- Trong các đợt xét tuyển bổ sung, sau khi đã đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.
- Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào một trường duy nhất.
- Nạp Giấy chứng nhận kết quả thi và phiếu đăng ký xét tuyển theo một trong các phương thức sau:
+ Nạp trực tiếp tại trường.
+ Qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh.
+ Nạp tại Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc trường THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
(Đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện và nạp trực tiếp tại trường cần kèm theo bản photo Giấy chứng nhận kết quả thi, một phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh).
- Lệ phí xét tuyển: Theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- Hồ sơ không đúng quy định sẽ không được xét tuyển.
Chi tiết xem tại các website:
http://tuyensinh.vinhuni.edu.vn/
trang facebook: Tư vấn tuyển sinh Đại học Vinh
https://www.facebook.com/tuvantuyensinhdhv/
Hoặc liên hệ: Phòng Đào tạo, Tầng 1, Nhà Điều hành, Trường Đại học Vinh
Địa chỉ: Số 182, đường Lê Duẩn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0238.8988989
Ý kiến bạn đọc: