Nhà giáo, nhà báo Lê Khắc Hân là học trò của Thầy Văn Như Cương. Khi nhóm làm phim về Thầy Văn Như Cương kêu gọi mọi người góp thêm tư liệu về Thầy thì học trò Lê Khắc Hân đã gửi 2 bài viết và một số ảnh kỷ niệm với Thầy. Xin chia sẻ với các bạn...
Cả hai câu chuyện này đều viết trước ngày 9/10/2017.
Trong tất cả những người thầy đã dạy tôi nên người, THẦY dạy tôi nhiều nhất, lâu nhất. Đặc biệt lắm, thầy dạy chữ cho tôi khi tôi học khoa toán Đại học Sư phạm. Với cái “đường tròn C tâm O”, chỉ bằng một cái khoa tay điệu nghệ là trên bảng đã có ngay một đường tròn như được vẽ bằng compas. Cứ thế, cả lô đường tròn tiếp xúc nhau, cái to cái nhỏ và cái nào cũng tròn thật là tròn. Thầy dạy tôi làm người thầy dạy toán từ ngôn ngữ, cử chỉ, cách trình bày, lập luận...
Thầy Văn Như Cương tới thăm THPT Vũng Tàu
Và các bạn biết không, thầy dạy cả tiếng Nga cho lớp chúng tôi nữa. Hồi đó, thầy chưa đi Nga, chỉ tự học tiếng Nga để làm toán nhưng giọng đọc của thầy chẳng khác gì mấy người Nga đã đến trường nói chuyện với chúng tôi. Với trình độ ngữ pháp cùng vốn từ vựng phong phú, thầy đã thành người dạy ngoại ngữ chính khóa giỏi.
Khi đội lớp tôi đấu bóng chuyền với các thầy thì thầy trò tôi trở thành đấu thủ, lúc đó thầy dạy tôi đạo đức thể thao: chơi hết mình để bảo vệ “màu cờ sắc áo”, không phân biệt thầy, trò. Ở đâu, với tôi, thầy cũng là một tấm gương.
Báo tường, có thầy trình bày, làm thơ, viết văn. Văn nghệ trường, thầy là diễn viên kịch nói có hạng và đặc biệt thầy có một giọng hát truyền cảm mang nặng âm hưởng miền Trung.
Sau này ra trường đi dạy, tôi đã cố học thầy để từ trong các hoạt động toàn diện ấy mà tỏa tác dụng đến học sinh.
Có một dạo, báo ngành giáo dục đăng vế xuất câu đối :
“VĂN NHƯ CƯƠNG, TOÁN NHƯ CƯƠNG, LÝ NHƯ CƯƠNG, HÓA VỪA NHU VỪA CƯƠNG”.
Tác giả thật tài tình. Đúng là thầy tôi rồi, thầy Văn Như Cương (giáo sư khoa toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, hiệu trưởng trường PTTH dân lập đầu tiên, đang rất nổi tiếng vì đào tạo được nhiều học sinh giỏi ở Hà Nội: trường Lương Thế Vinh). Theo dõi trong hồi hộp mà vẫn chưa đọc được một vế đối lại cho hay. Tôi cũng tự giận mình tài hèn sức mọn...
Thầy Văn Như Cương với 2 cháu nội của trò Lê Khắc Hân
Có thời gian, tôi làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cho tỉnh nghèo Bình Trị Thiên. Biết chuyện, thầy đã đánh đường xa ngàn dặm đến giúp tôi. Thầy dạy cho học sinh tôi - trong đó có Lê Bá Khánh Trình và nhiều học sinh đoạt giải cao các kỳ thi Olympic Toán Quốc tế - mà thực ra thầy dạy tôi cách dạy cho học sinh giỏi.
Rồi tôi được điều về phụ trách công tác bồi dưỡng giáo viên ở TP Hồ Chí Minh. Thầy lại đến với tôi, giúp tôi bồi dưỡng cho giáo viên dạy một cuốn sách giáo khoa, do thầy viết. Thầy lại dạy tôi một cách làm việc thật khoa học mà hiệu quả: buổi nào thầy cũng dành khá nhiều thời gian để đối thoại với người nghe thầy giảng.
Thế rồi tôi rời bục giảng về làm báo, anh bạn phụ trách cuộc thi Truyện rất ngắn đưa cho tôi đọc truyện Hoa chanh trái vụ. Tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào câu chuyện chỉ có 866 âm tiết ấy. Tôi tấm tắc nhủ thầm: “Đúng văn học là nhân học”. Lúc cuộc thi kết thúc, tên tác giả được công khai, tôi sung sướng đến tột độ bởi truyện ngắn ấy là của thầy tôi...
Ôi, mãi đến lúc ấy, trong lĩnh vực có vẻ ngoại đạo này, thầy cũng đã dạy tôi...
*
Đã ba năm nay thầy lâm bệnh nặng. Những giáo sư bác sỹ chữa bệnh cho thầy đều hết sức khâm phục tinh thần lạc quan yêu đời ý chí kiên cường hợp tác để khắc phục bệnh nan y của thầy. Thời gian chữa bệnh thầy vẫn làm việc điều hành quản lý trường học, trả lời phỏng vấn rồi viết những bài báo thuộc các vấn đề nóng của giáo dục do báo chí yêu cầu. Đặc biệt thầy tiếp tục là tác giả những cuốn sách giáo khoa, đi bồi dưỡng trao đổi những vấn đề chuyên môn khoa học giáo dục do Bộ GD&ĐT hoặc các địa phương mời. Lạ thay, chương trình "Giai điệu tự hào" phát trực tiếp trên Đài truyền hình nhiều tháng vẫn mời thầy làm bình luận viên cao tuổi và với tri thức uyên thâm và nhạc cảm của mình thầy được người nghe thích thú và thán phục.
Nửa tháng nay bệnh tình trở nặng, thầy phải nhập viện. Chúng tôi hết sức xúc động khi xem một video clip của 4000 học sinh trường Lương Thế Vinh đồng ca cầu mong thầy chóng khỏi bệnh trở về với chúng em, cảnh học sinh xếp 19000 con hạc giấy cũng vì sức khỏe của thầy… Mong muốn của các cháu cũng là mong muốn của chúng tôi, những học trò của thầy trên khắp đất nước này.
Theo dõi thầy bình tĩnh chiến đấu với bệnh nan y, những học trò già chúng tôi khâm phục vô cùng. Ngay cả những lúc này với hoàn cảnh thật đặc biệt thầy vẫn đang dạy tôi.
Thầy Văn Như Cương từ kết luận “thoát hiểm”của các thầy thuốc ở một lần điều trị con bệnh hiểm nghèo của mình đã nhận lời với VTV vào TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình Giai điệu tự hào tháng 6 chủ đề Hạt gạo làng ta.
Thầy có hơn hai ngày ở Thành phố thì một ngày kết thúc lúc 0 giờ để chuẩn bị và thực hiện ghi hình ở trường quay. Tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại, những học trò cũ hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh - ông dạy chúng tôi ngay từ năm đầu tiên được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy Đại học sư phạm - mời thầy đi Củ Chi tham quan Trung tâm Dưỡng lão Bình Mỹ - do con rể của một học trò trong nhóm tạo dựng.
Kỷ niệm tại Trung tâm Dưỡng lão (trò Lê Khắc Hân đứng bên Thầy)
Tôi nói vui: "Thầy là một chuyên gia giáo trẻ bây giờ chúng em mời thầy đi thăm một cơ sở dưỡng già”.
Ô tô phải từ từ len lỏi qua các đường phố nhộn nhịp xe cộ qua lại nên chúng tôi đề nghị thầy tranh thủ nhắm mắt dưỡng thần nghỉ ngơi bù lại những mệt nhọc do làm việc và di chuyển vừa qua.
Thầy lắc đầu: "Lâu lắm mới có được cuộc gặp gỡ này thì bây giờ là lúc để hàn huyên tâm sự chứ!".
Nói vậy nhưng cuộc hàn huyên tưởng như sẽ thật sự "rôm rả" của chúng tôi đã luôn bị ngắt quãng bởi tiếng chuông réo rắt liên tục ở chiếc điện thoại của thầy. Có nhiều cuộc gọi thầy nhìn số rồi giảm âm thanh và tiếp tục chuyện trò mà không hề tắt máy, có cuộc thầy lịch sự trả lời đại loại: "Thưa…theo quy định của Sở Giáo dục đã được thông báo và tiêu chuẩn chi tiết của riêng trường đã được duyệt nên …" hoặc "… xin mời đến trường để đươc trao đổi cụ thể”, riêng tin nhắn thầy luôn bấm trả lời. Những cuộc điện thoại này chúng tôi biết thường là những người thân quen hoặc có những mối quan hệ đặc biệt với trường và những gửi gắm của ông nọ bà kia.
Tôi ghé tai thầy bỏ nhỏ: "Phụ trách trường trung học tư thục Lương Thế Vinh cực quá thầy nhỉ?” .
Thầy cười: "Mình nghiên cứu đầu tư chăm sóc dạy trẻ đạt kết quả tốt ngay từ khi thành lập trường dân lập mà chủ quản là báo "Giáo dục & Thời đại" cho đến lúc ra riêng rồi đến tận bây giờ nên mới có một thương hiệu Lương Thế Vinh. Cực nhiều, chứ chỉ với việc nhỏ tuyển sinh là tất nhiên, phải biết điều hành xử lý cho vẹn cả đôi đường...".
Thầy trầm ngâm: "Thực tế nhiều năm qua không hiếm những sự nhờ vả mà mình kiên quyết từ chối bởi không thể phá vỡ những qui định tiên quyết của nhà trường không ít là sự gởi gắm của nhiều mối mối quan hệ...".
Đột nhiên thầy vui vẻ hẳn lên: "Không phải chỉ toàn là chuyện đối phó mà đây là một chuyện rất vui”. Rồi ông kể : Lần đó tôi nhận được một cuộc điện thoại số lạ bấm nghe thì được biết của một vị lãnh đạo cao cấp, ông nói vắn tắt: Tôi có hai việc xin nhờ anh, một là tôi có đứa cháu năm nay xin vào trường anh, hai là mời anh đến chỗ tôi để tư vấn một vấn đề về giáo duc. Tôi trả lời ngay ...công tác tuyển sinh đã xong nên tôi không thể giải quyết được, còn vấn đề thứ hai xin anh hẹn ngày giờ để tôi được đến làm việc. Đúng hẹn tôi đến và chúng tôi say sưa bàn về một vấn đề của giáo dục mà tịnh không nghe anh nhắc đến chuyện xin học cho đứa cháu.
Thầy Văn Như Cương bên biểu tượng của cơ sở nuôi gà Bình Châu
Chuyện nhỏ tuyển sinh trong cả qui trình giáo trẻ thành công của thương hiệu Lương Thế Vinh đang rôm rả thì cổng Trung tâm dưỡng lão Bình Mỹ đã hiện ra trước mắt. Chúng tôi - những hành khách đều đã qua lứa tuổi "cổ lai hi" - vui vẻ xuống xe hòa vào các hoạt động của trung tâm. Tại đây có các dãy nhà ở được ngăn thành từng phòng riêng chứa từ 1 đến 6 người trong phòng có những chiếc giường sắt cá nhân trải ra đệm sạch sẽ, có tủ đựng đồ dùng cá nhân bàn ghế tivi máy lạnh quạt máy toilette...Tại một phòng ở của các cụ bà: cụ nằm nhắm mắt dưỡng thần, cụ được dìu tập đi, cụ được cắt móng chân...Tại nhà sinh hoạt tập thể có cụ ngồi đọc báo,xem các sách tranh ảnh, có cụ tiếp khách nhà đến thăm. Nơi đây chủ yếu để các cụ sinh hoạt văn nghệ, nghe nói chuyện chuyên đề thời sự hay sức khỏe hoặc để tiếp khách chung của trung tâm. Tại phòng tập vật lý trị liệu có cụ tập quay tay, kéo dây ròng rọc, ngồi đạp xe cụ thì có nhân viên hướng dẫn tập đi lại giữa hai thanh gỗ song song... Tất cả các dãy phòng đều có lan can song sắt cao bao quanh. Bên ngoài là một không gian thoáng mát với nhiều cây xanh, những bộ bàn ghế để các cụ tiếp khách hoặc ngồi chơi. Đặc biệt ở đây có một nhà bếp dùng chế biến thức ăn phù hợp cho ba bữa chính và một bữa xế do những đầu bếp chuyên nghiệp đã được đào tạo phụ trách. Đã đến bữa ăn trưa các cụ đến phòng ăn riêng cho từng dãy nhà bằng xe lăn, dìu đi hoặc tự đi. Những người nuôi đem đến cho từng cụ những khẩu phần tương ứng thích hợp để tự xúc ăn hoặc người nuôi đút.
Tôi đến chỗ một cụ ngồi riêng biệt trên xe lăn ở một góc phòng cụ tự xúc ăn gần hết phần và nói với tôi ở đây ăn ngon hơn ở nhà. Bữa ăn thường là lúc ồn ào nhất. Đang xem các cụ ăn ở phòng này thì nghe những tiếng la hét ở phòng bên. Số là một cụ bà tâm thần không ổn định đẩy xe lăn đến cụ khác gây sự cãi cọ rồi cởi quần ném vào cụ kia, một số cụ gần đó đến can ngăn nhặt quần mặc cho cụ nọ nhưng bị kiên quyết cự tuyệt và cuộc cãi vã lại càng ầm ỹ hơn. Một cô điều dưỡng xuất hiện trật tự tự nhiên lập tức được vãn hồi, bà cụ gây sự ngoan ngoãn để cô mặc quần rồi đẩy xe lăn ra một chỗ khác và đặt phần ăn lên bàn ở tay ghế, bà cụ cắm cúi xúc ăn ngon lành. Điều đáng ghi nhận là sự nuôi dưỡng người cao tuổi hoặc còn minh mẫn nhưng bị tai biến không tự chăm sóc hoặc bị lẫn loạn thần tuổi già có một qui trình khá khoa học mà thân thiện. Hiện đang có 40 cụ (từ 46 đến 96 tuổi) được chăm sóc bởi 30 nhân viên mà những người trực tiếp chăm nuôi đều tốt nghiệp những khóa học về điều dưỡng y sỹ và được huấn luyện thử thách qua công việc cụ thể. Phải nói rằng đội ngũ này đã kinh qua một quá trình sàng lọc thử thách phải thật sự yêu người, gắn bó với công việc mới trụ lại được (thường khoảng 20 người đủ trình độ dự tuyển thì chỉ còn 1).
Cái khó khăn của những trung tâm ngoài công lập này là hoàn toàn tự túc kinh phí để tạo lập cơ sở vật chất cho công việc chăm nuôi người cao tuổi, phí thu vào cho mỗi cụ là từ 6 đến 8 triệu để làm đủ mọi chuyện như ta biết. Vì vậy chủ các cơ sở này không xuất phát từ cái tâm từ thiện thì không thể làm được.
Thầy Văn Như Cương với Giám đốc Bùi Anh Trung
Giám đốc Trung tâm Bùi Anh Trung cho biết ở đây đã từng nuôi những giám đốc đã nghỉ hưu, nghệ nhân có tiếng không thích sống ở nhà và nuôi miễn phí cụ Võ Thị Oanh là con Mẹ Việt Nam anh hùng. Thấy được thân nhân và những người được nuôi khen ngợi ủng hộ Trung tâm đang xây dựng dãy nhà thứ ba hiện sắp được đưa vào sử dụng để có thể nuôi được đến 100 cụ sống thoải mái. Anh Trung mong muốn các cơ sở từ thiện này được nhà nước quan tâm có chính sách cụ thể phụ giúp cơ sở vật chất để các anh làm thật tốt nghĩa cử từ thiện này.
Trước khi rời trung tâm Thầy Văn Như Cương thân mật đặt tay lên vai giám đốc Bùi Anh Trung tâm sự:
- Việc giáo trẻ của chúng tôi cho tốt đã cực khó mà đến thực tế này thấy việc dưỡng già lại khó gấp bội. Thay mặt mọi người cùng đi trong lần tham quan này cám ơn anh nhiều.
Lê Khắc Hân
Ý kiến bạn đọc: