Thương nhớ Nguyễn Trọng Hoàn: SỐNG và VIẾT

  • 03/05/2020 | 16:35 GMT+7
  • 2.031 lượt xem

Đây là bài thứ 2 của TS. Lê Hữu Tỉnh viết về một người em yêu quý vừa mất ở tuổi 58. Đọc bài viết này ai cũng thực sự xúc động và khâm phục trước một khối lượng quá lớn mà TS. Nguyễn Trọng Hoàn đã viết trong những ngày tháng cuối cùng của đời mình.

Xin cảm ơn TS. Lê Hữu Tỉnh và trân trọng chia sẻ với các bạn.

TS. Lê Hữu TỉnhTS. Lê Hữu Tỉnh

SỐNG và VIẾT

Thương nhớ Nguyễn Trọng Hoàn

Từ mấy chục năm nay, "người lao động chữ nghĩa" sung sức, tráng kiện Nguyễn Trọng Hoàn có cái thú đặc biệt, đó là Đọc và Viết. Khi Hoàn còn giảng dạy ở khoa Văn ĐHSP Hà Nội 2 Xuân Hòa thời cuối bao cấp, người ta thường thấy Hoàn lấy đêm làm ngày "Khép cửa buồng văn hì hục viết", căn phòng nhỏ sáng đèn thâu đêm, để rồi ngày qua tháng lại, sòn sòn cho ra đời hết bài này bài khác, cuốn này cuốn khác, nào thơ, nào dạy học Ngữ văn, nào bài báo, kịch bản phim… Đến nay, riêng thơ đã 12 tập, sách dạy học Ngữ văn dăm cuốn, bài báo kể tới hàng trăm…
TS. Nguyễn Trọng Hoàn nhận Giải thưởng Tác phẩm Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật TS. Nguyễn Trọng Hoàn nhận Giải thưởng Tác phẩm Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật
Hoàn từng viết một bài thơ rất lạ, có tên "Giờ thứ hai lăm". Giờ thứ 25 được hiểu là sau 24 giờ, thời khắc của ngày mới. Lúc đó đêm sâu, vạn vật tĩnh lặng, mới là thời điểm lí tưởng cho việc viết lách. Có khi Hoàn viết thâu đêm. Những sản phẩm chữ nghĩa, những đứa con tinh thần của Hoàn chủ yếu ra đời vào khoảng thời gian khi thiên hạ đang say giấc nồng. Thói quen này ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của Hoàn. Gần đây, Hoàn vẫn giữ thói quen "lấy đêm làm ngày" như vậy. Trên Facebook (FB) ngày 23-11-2019, Hoàn viết: "Giờ thứ 25, như mọi khi, vẫn là đọc và viết”.
Đọc và Viết… với Hoàn như khí trời, như cơm ăn nước uống thường ngày vậy!
Ảnh đăng 29/1/2020 trên FB cá nhânẢnh đăng 29/1/2020 trên FB cá nhân
Hoàn rất thích một cuốn sách mới được xuất bản, có tên "Không thể SỐNG mà không VIẾT" (Phỏng vấn, Nhiều tác giả, Phan Triều Hải chọn và dịch, NXB Hội Nhà văn). Cuốn sách gắn với những tên tuổi lớn của văn học thế giới như Gabriel Marquez, Pablo Neruda… Thì ra, nhiều cây bút lớn nhỏ - cổ kim - đông tây đều gặp gỡ nhau ở quan niệm về Sống và Viết.

Những tháng gần đây, thật lạ, khi tình hình sức khỏe của Hoàn ngày một giảm sút, Hoàn càng viết nhiều hơn. Dường như Hoàn muốn nói cho hết, cho đã những điều từng chiêm nghiệm, từng tâm đắc… cả về chuyên môn dạy học Ngữ văn cũng như về văn chương nghệ thuật. Nhiều tờ báo, nhất là báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, liên tục đăng tải các bài viết của Hoàn. Cách đây khoảng hai tháng, Hoàn nhắn tin cho tôi, trong đó có câu khiến tôi giật mình: "Em viết giữa những cơn đau, và cả trong cơn đau, anh ạ!" Tôi lặng người, bùi ngùi thương cảm và nể phục ý chí của Hoàn, nể phục sức viết, sức sáng tạo không ngừng nghỉ của Hoàn, bất chấp cả sự đau đớn thân xác…
Những cuốn sách, bài báo được xuất bản, đăng tải gần đây, những sản phẩm lao động gần đây là minh chứng rõ nét về ý chí nghị lực có thể nói là phi thường, về sức làm việc, sức sáng tạo cho tới những ngày tháng cuối đời của Nguyễn Trọng Hoàn.
"Giờ thứ hai lăm" - Hình ảnh thường thấy của Hoàn"Giờ thứ hai lăm" - Hình ảnh thường thấy của Hoàn
Dưới đây là sự liệt kê không đầy đủ những bài Hoàn viết, kể từ khi anh biết mình mang trọng bệnh (kể cả hai cuốn sách được viết trước đó, nhưng mới được xuất bản):

1. Về khoa học giáo dục, về dạy học môn Ngữ văn:
- Cuốn sách "Dạy học Ngữ văn theo định hướng năng lực" (NXB Chính trị QG ST, quý 4/2019).
- Các bài viết: Những vấn đề đặt ra từ dạy học trên truyền hình và dạy học trực tuyến (báo Văn nghệ, Hội NVVN, 11/4/2020); Phát triển kĩ năng chuyển đổi, thực hiện hiệu quả chương trình GDPT (Báo điện tử Đảng CSVN, 7/4/20); Một số kĩ năng tư duy của HS trong quá trình dạy học Ngữ văn (Văn nghệ, 26/3/20); Mô hình giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực cá nhân (tạp chí "Hồ sơ và sự kiện", 10/3/20); Đánh giá kết quả hoạt động viết – môn Ngữ văn (trang thông tin điện tử Bộ GD&ĐT, 10/3/20); Đánh giá kết quả đọc hiểu văn bản môn Ngữ văn (trang TTĐT Bộ GD&ĐT, 18/2/20); Hoạt động trải nghiệm - Một đổi mới hình thức tổ chức dạy học (Văn nghệ, 7/3/20); Dạy học Ngữ văn theo định hướng năng lực (báo điện tử Đảng CSVN ngày 3/2/2020); Lựa chọn ngữ liệu vào đề Ngữ văn (báo Tuổi trẻ, 3/1/20); Kết nối hệ thống tri thức trong một thế giới học tập (Báo điện tử Đảng CSVN, 20/11/2019)…
2. Thơ:
- Tập thơ "Phút rành rang sống chậm", NXB Hội NV, quý 4/2019).
- Các bài thơ: Hoa của tháng Tư này (đăng trên FB, 1/4/20); Giấc mơ (FB, 29/3/20); Lên núi (báo Thanh niên, 29/3/20); Nghĩ về cỏ trong ngày hạnh phúc (FB, 20/3/20); Bởi thế… (FB, 1/3/20); Tháng Ba (FB, 29/2/20); Độ dôi của nghĩa (FB, 21/2/20); Nghe gió (FB, 9/2/20); Tháng Hai (FB, 3/2/20); Đầu xuân vãn cảnh (FB, 28/1/20); Nặng tình chùm khế quê hương (tạp chí "Tri thức khoa học", Hưng Yên, số Xuân 2020); Miền thơ ấu (báo Nhân Dân, 14/1/20); Con yêu bố (Văn nghệ, tết Canh Tý 2020); Khoảng lặng (FB, 26/12/2019); Một phía chân trời (FB, 21/12/19); Kỷ niệm (FB, 6/12/19); Phiên dịch (FB, 21/11/19); Chiều vỡ (FB, 6/11/19)…
Chùm thơ trên tạp chí số Xuân 2020 của quê hươngChùm thơ trên tạp chí số Xuân 2020 của quê hương

3. Nghiên cứu, phê bình văn học:
Một số bình diện tiếp cận và cắt nghĩa truyện ngắn "Bức tranh" của Nguyễn Minh Châu (tạp chí "Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật", số 2/2020); Có một Sa Pa lặng lẽ (Viết và đọc, NXB Hội NV, số xuân 2020),…
4. Tản văn, tùy bút, hồi ức:
Những dòng sông thao thiết (báo Lao động cuối tuần, 13/2/2020); Khế ước của tâm hồn (báo Nhân Dân cuối tuần, 9/2/20); Con yêu mẹ! (FB, 26/1/20)…
5. Các bài báo khác:
Cảm hứng nguồn cội trong thơ viết về Đền Hùng (báo Văn nghệ, 2/4/2020); Người đọc, hoạt động đọc và văn hóa đọc (Văn nghệ, 11/2/20); Bạch Đằng Giang thương nhớ (báo Hạ Long, số xuân 2020); Bao nhiêu, giá một chuyến đi? (Lao động cuối tuần, 7/2/20); Chạm vào ký ức (báo Thanh Niên ngày 9/2/2020)…Bìa cuốn sách xuất bản quý IV, 2019Bìa cuốn sách xuất bản quý IV, 2019
Để khép lại bài viết, xin trích dẫn vài đoạn văn, khổ thơ mà Nguyễn Trọng Hoàn mới viết cách đây chừng hai tháng:
- Trong bài tản văn - tùy bút "Những dòng sông thao thiết" (viết ngày 5/3/2020, đăng báo Lao động cuối tuần, 13/3/2020):
"Việt Nam là đất nước của hàng vạn con sông… Không biết có thống kê nào, rằng trong suốt cuộc hành trình, mỗi dòng sông đã dào dạt chảy qua, ru vỗ sẻ chia đầy vơi ấm lạnh cùng biết bao cuộc đời trong lưu vực của mình?

Và, lại ước, bao giờ trở lại dòng Kỳ Cùng đắm say lễ hội, để chìm vào thế giới những câu sli câu lượn mê hồn? Bao giờ trở lại thức trọn một canh ví dặm ân tình bên dòng Lam lặng chảy; bao giờ trở lại trắng đêm theo tiếng hò sông Hậu mênh mang?"
Đó thực sự là những câu thơ văn xuôi đầy sức gợi.
- Trong bài thơ "Tháng Ba" (đăng FB, ngày 29/2/2020):
"Tháng ba mênh mông ngày rộng tháng dài
Ở lại nhé, xao xuyến mùa xuân ấy
Lửa đã thắp bập bùng hoa gạo cháy
Giật mình, thầm gọi bến quê…"

Thấp thoáng lời nhắn gửi cuối cùng của Hoàn: Ở lại nhé, những tháng ba ngày rộng tháng dài nơi trần thế…

Ecopark, chủ nhật 3 - 5 - 2020

Lê Hữu Tỉnh

Kính báo: Lễ viếng, lễ truy điệu và đưa tang TS. Nguyễn Trọng Hoàn được tổ chức từ 13h30' đến 14h45' ngày 4/5/2020 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.