Thủ khoa tốt nghiệp Đại học vì sao không xin được việc làm?

  • 08/10/2017 | 23:32 GMT+7
  • 14.607 lượt xem

Báo chí và mạng xã hội thỉnh thoảng lại đưa tin và trao đổi về một thủ khoa thất nghiệp. Ngày hôm nay cũng thế, bạn Bùi Thị Hà thủ khoa xuất sắc của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2015 nhưng vẫn chưa được làm nghề dạy học mà phải nuôi lợn, làm đồng.

Xin được chia sẻ với các bạn suy nghĩ của mình về việc này như tiêu đề của bài viết. Có rất nhiều nguyên nhân mà tốt nghiệp thủ khoa Đại học vẫn không xin được việc như đã được đào tạo.

Cơ quan tuyển dụng của các đơn vị nhà nước không ưu ái?

Ở đây ta bỏ qua những tiêu cực trong việc tuyển dụng mà chỉ nói về quy chế tuyển dụng. Một số tỉnh. thành đã có quy chế riêng cho những thủ khoa, thậm chí là tốt nghiệp Đại học loại giỏi, nhưng đây chưa là quy chế chung cho cả nước. Bởi vậy những địa phương chưa có quy chế ưu tiên tuyển dụng thì bắt buộc các thủ khoa hay tốt nghiệp Đại học loại giỏi vẫn phải phụ thuộc vào các kỳ tuyển dụng công chức. Do đó, Sở GD&ĐT Hà Giang hay UBND tỉnh Hà Giang không có gì để chúng ta có thể "trách móc". Bạn Bùi Thị Hà vẫn phải đợi đợt tuyển dụng theo quy chế của tỉnh Hà Giang.

Gợi ý cho bạn Bùi Thị Hà: Tại sao 2 năm đã trôi qua, bạn không nghĩ đến xin dạy học ở các trường dân lập? Nếu Hà Giang không có trường dân lập thì bạn có thể xin phép mẹ xin ở các địa phương khác có được không? Một cô giáo hiện đang dạy ở THPT FPT đã tâm sự trên FB của mình:

Thủ khoa tốt nghiệp Đại học vì sao không xin được việc làm?

Bạn phải xét tình huống: Nếu bạn thi tuyển và trượt thì bạn vẫn đợi để thi lại hay sao?

Kiến thức học ở Đại học có đáp ứng cho nhà tuyển dụng không?

Chúng ta bỏ qua không nói tới các yếu tố tiêu cực ở trường Đại học về điểm số thì các kiến thức mà các bạn học được trong khuôn khổ giáo trình còn thiếu nhiều điều mà các nhà tuyển dụng cần đến, thậm chí cần hơn cả các điểm số. Quá nhiều công ty lớn nhỏ đã nhận xét: "Nhìn điểm học thì tốt nhưng khi phỏng vấn mới thấy kể cả năng lực chuyên môn và những kỹ năng cần thiết không đạt yêu cầu. Nhu cầu tuyển rất cần mà vẫn rất khó tuyển được người mình muốn!".

Đôi khi chỉ là một biểu hiện rất nhỏ nhưng nhà tuyển dụng đã loại ngay ứng cử viên. Câu chuyện mà thầy Phạm Phú Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống trường Việt Mỹ mà BigSchool đã chia sẻ: Khi hỏi: "Bạn yêu cầu mức lương bao nhiêu?" mà ứng cử viên nói: "Để em về trao đổi với bố mẹ đã..." thì thầy đã loại ngay vì thấy rằng bạn ấy không đủ điều kiện để dạy học sinh của trường.

Một số giáo trình ở trường Đại học đôi khi còn lạc hậu so với thực tế, chẳng hạn học một loại máy dệt mà ngoài đời không còn dùng nữa,..

Nhiều kỹ năng quan trọng để làm việc trong thời kỳ này có khi chưa được một số trường Đại học quan tâm dạy đến: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng khám phá bản thân, kỹ năng tự học,...

Thời gian phân bổ cho các hoạt động thực hành, trải nghiệm nghề nghiệp ở một số trường Đại học chưa hợp lý mà thường dồn nhiều cho những lý thuyết có tính sách vở, hàn lâm.

Một số trường Đại học đã hợp tác tốt với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng và trong đào tạo đã lưu ý tốt tới những yêu cầu cần thiết nên sinh viên ra trường nhanh chóng có việc làm.

Đây là vấn đề mà trong đổi mới đào tạo bậc Đại học, các nhà trường cần lưu ý.

Gợi ý cho các bạn sinh viên: Đừng coi thường những môn học liên quan tới nghề của mình, chẳng hạn sinh viên sư phạm đôi khi không thích các môn Tâm lý học, Giáo dục học. Chịu khó đọc để biết rằng những kỹ năng của con người trong thời kỳ này còn có những điều gì? Nếu trường Đại học không dạy thì các bạn nên tìm cách học: theo các lớp đào tạo ngoài trường hoặc học qua anh chị đã có kinh nghiệm, thậm chí tự học. Đừng để cho ai đó nói rằng: Thủ khoa đôi khi chỉ là người cắm cúi vào giáo trình và lo thi cử mà thôi!

Cung cầu thừa thiếu cục bộ làm cho khó xin việc ?

Ở đây ta bỏ qua những tiêu cực trong việc xin việc mà chỉ nói đến việc cân đối giữa cung và cầu. Ngay ngành sư phạm, ngành mà bạn Bùi Thị Hà học thì dự báo về dư sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong tương lai sẽ lên con số hàng vạn. Chưa nói đến nơi thừa, nơi thiếu, môn thừa, môn thiếu,..

Các nhà hoạch đinh chính sách về đào tạo cần giải quyết bài toán này.

Gợi ý cho các bạn sinh viên và các bạn đang chờ việc:

- Đừng câu nệ mình phải là công chức, viên chức nhà nước. Nếu nghĩ thế thì có nhiều con đường hơn cho các bạn. Hãy quan tâm tới thông tin tuyển dụng của các đơn vị ngoài nhà nước. Nếu bạn giỏi thì có thể đến với những đơn vị lớn, còn chưa giỏi có thể tìm đến các đơn vị nhỏ. Nhưng năm đầu tiên đi làm, dù ở đơn vị nào thì bạn cũng nên nghĩ là mình đang đi học. Bởi vậy, đừng quá quan trọng để đi tìm những nơi trả lương cao. Có bạn ở công ty mình chỉ trong một năm được 2 lần tăng lương 50%, như vậy bạn ấy đã tăng bao nhiêu phần trăm so với mức lương ban đầu?

- Đừng câu nệ quá về nghề mình đã học. Nếu nghĩ thế thì bạn vẫn có thể tìm ra nhiều con đường tìm việc làm và có thể làm tốt. Đôi khi việc làm chỉ cần có liên quan tới nghề được học là quý rồi. Con gái mình học Thiết kế nội thất nhưng vẫn là cô giáo dạy Mỹ thuật tốt. Nhiều bạn học kiến trúc nhưng lại làm truyền thông giỏi. Mình chỉ học nghề dạy toán mà lại có lúc kiếm sống chính bằng những nghề khác và bây giờ hơn 9 năm cũng không dạy toán nữa nhưng vẫn đang làm việc.

- Thay bằng xin việc, các bạn có thể khởi nghiệp nếu bạn có ý tưởng sáng tạo. Những năm qua phong trào khởi nghiệp đang lên mạnh và có những bạn thành công. Muốn vậy các bạn cần tìm hiểu thêm về khởi nghiệp qua từ khoá "Startup" sẽ có nhiều thông tin bổ ích.

Ngoài ra, có những bạn do chọn nghề không hợp với tính cách của mình nên không xin được việc và có khi đã xin được việc mà phải xin nghỉ việc hoặc bị đơn vị chấm dứt lao động. Đây cũng là bài học cho các bạn lớp 12 lưu ý khi chọn nghề cho mình.

Hy vọng chia sẻ của mình sẽ chút nào gợi ý cho không chỉ bạn Bùi Thị Hà mà cho các bạn sinh viên và các bạn đang chờ... việc làm. Ngoài ra cũng mong các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo suy nghĩ thêm về những bất cập làm cho nhiều bạn tốt nghiệp Đại học mà vẫn khó xin việc.

Nói thêm: Mình cũng đã nhờ nhắn tin cho bạn Bùi Thị Hà là sẽ nhận bạn ấy vào làm ở BigSchool với điều kiện vừa làm nhưng phải vừa học - đây không chỉ là yêu cầu riêng với bạn mà là yêu cầu cho tất cả cán bộ công ty mình. Bạn nào có biết cách liên lạc với bạn Hà thì báo cho bạn ấy giúp mình. Cảm ơn nhiều.

TS. Lê Thống Nhất

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.

Đề thi mới nhất

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 8

Tống Phước Hiển

149 lượt thi

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 9

Tống Phước Hiển

108 lượt thi

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 6

Tống Phước Hiển

129 lượt thi

Toán học & kết nối tuần 3

Môn Toán học - Lớp 7

Tống Phước Hiển

113 lượt thi

Bài kiểm tra cuối kì II (Cuối năm)

Môn Toán học - Lớp 5

xtoan78

83 lượt thi

Xem thêm

Bài giảng mới nhất

Ghi số tự nhiên

Ghi số tự nhiên

Nguyễn Sáng

Toán học - Lớp 6

Xem thêm