Sau những vụ việc đau lòng, mất lòng tin vào kỷ cương thi cử cùng với bao ý kiến của những nhà giáo tâm huyết với giáo dục đã chia sẻ rất nhiều trên báo chí. Mọi người đều chờ mong giây phút Bộ trưởng xuất hiện trên truyền hình quốc gia. Nhưng...
Vâng...thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!
Nhưng khi thấy và nghe những gì Bộ trưởng trả lời các câu hỏi của phóng viên Kim Hải, tôi và biết bao người thực sự thất vọng. Tôi đã phải vào VTVGO để ghi riêng lại toàn bộ đoạn trả lời phỏng vấn này và xem đi, xem lại cùng ngẫm đi, ngẫm lại để viết bài này chia sẻ với Bộ trưởng.
Khi nhận nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chắc chắn Bộ trưởng phải biết những trách nhiệm to lớn mà mình phải gánh vác. Với vị trí người đứng đầu một ngành rất quan trọng liên quan tới từng gia đình như Giáo dục thì sự đòi hỏi về trách nhiệm lại càng to lớn hơn.
Sự việc xảy ra ở các tỉnh với những kết luận ban đầu đã công bố là một thất bại nặng nề của một kỳ thi quốc gia và ai cũng thấy phẫn nộ, đau xót. Niềm tin vào một kỳ thi quan trọng với gần triệu thí sinh, hàng triệu người thân, hàng triệu giáo viên tự dưng tổn thương và mất mát. Báo chí sôi sục suốt bao nhiêu ngày và biết bao người đã lên tiếng.
Tất cả đều chờ một câu XIN LỖI của Bộ trưởng, bởi chuyện lớn như thế thì trách nhiệm đầu tiên phải là Bộ trưởng!
Khi phóng viên hỏi: "Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết trách nhiệm của Bộ chủ quản khi xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương như Hà Giang và Sơn La?"
Cứ tưởng phóng viên đã gợi ý để Bộ trưởng nhận trách nhiệm về mình và XIN LỖI nhưng Bộ trưởng đã trả lời:
"Trước hết, trên phương diện quản lý ngành, tất cả các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT thì Bộ phải có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm."
Bộ trưởng đã không hiểu ý của phóng viên nên đã nói về trách nhiệm xử lý vụ việc, không nhận trách nhiệm về mình nên tất nhiên cũng không XIN LỖI!
Một lời XIN LỖI sẽ làm giảm cú sốc trong xã hội. Thật đáng tiếc cho một cơ hội trên Truyền hình quốc gia. Xin không dẫn những thái độ rất đáng làm gương của nhiều Bộ trưởng trên thế giới mỗi khi ngành mình phụ trách có sự cố bởi tôi biết chắc chắn rằng Bộ trưởng cũng đã từng biết. Những tấm gương như thế rất nhiều thế mà đáng tiếc Bộ trưởng lại không noi theo.
Ngay sau khi Bộ trưởng trả lời xong phỏng vấn, biết bao nhiêu người trên cộng đồng đã bày tỏ thái độ thất vọng về điều này.
Bộ trưởng rất nhấn mạnh đã "chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm" thông qua việc thành lập các tổ công tác để phối hợp với Bộ Công an tiến hành điều tra sự việc.
Đây là việc làm đúng và hiển nhiên phải làm nên không phải là công, đồng thời vẫn chưa nhìn ra khuyết điểm trong việc này.
Bằng kiến thức rất đơn giản về thống kê thì lẽ ra Bộ GD&ĐT và đặc biệt là những cán bộ phụ trách thống kê điểm thi phải biết đầu tiên về những bất thường của điểm thi. Nhưng hoặc là không biết hoặc là biết nhưng vẫn "phớt lờ" để mải công bố những "quả chuông đẹp" về phổ điểm các môn.
Chính các tham mưu của Bộ trưởng đã "tô hồng" thống kê điểm nên Bộ trưởng tưởng rằng "kỳ thi cơ bản thành công".
Thậm chí hàng loạt điểm cao môn Toán đã được những tham mưu của Bộ trưởng dùng để chống lại những ý kiến về đề thi. Không chịu nghe phân tích mà còn liều lĩnh "phản pháo" lại những nhà khoa học, những người thầy giỏi trước cả những giọt nước mắt của họ thì thật là vô cảm đến cùng!
Dư luận càng mất niềm tin hơn khi biết rằng: sự việc ở Hà Giang đã được báo cáo về Bộ từ ngày 7/7/2018 nhưng không hiểu có tới Bộ trưởng hay không mà để Bộ trưởng khẳng định thành công của kỳ thi bởi không có sai phạm gì xảy ra?
Bộ trưởng cần xem xét lại những lãnh đạo của Bộ nằm trong Ban Chỉ đạo kỳ thi đã không kịp thời phân tích đúng sự thật, báo cáo đủ thông tin làm cho Bộ trưởng đánh giá sai về kỳ thi.
Vì phóng viên chỉ nói tới Hà Giang, Sơn La nên Bộ trưởng cũng chủ yếu nói về tiêu cực ở khâu chấm thi. Khi phóng viên hỏi: "Vì sao lại xảy ra sai phạm như thế này, có phải do quy trình chấm thi chưa chặt chẽ?". Bộ trưởng đã nhấn mạnh: "Qua từng năm, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích."
Chúng ta đã biết rằng: Quy trình tốt là để chống lại những hành vi tiêu cực của con người. Con người vẫn gian dối được chứng tỏ quy trình chưa tốt và thậm chí là sai sót và kém! Đánh giá bất cứ quy trình nào cũng thế!
Để xảy ra tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La có 2 nguyên nhân:
- Trước hết là con người cố tình làm sai kể cả người nâng điểm, phi tang đĩa sao phiếu trả lời gốc và người giám sát.
- Quan trọng hơn ở quy trình là: Phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách (theo TS. Quách Tuấn Ngọc) và phần mềm chấm thi kém khi mà toàn bộ thông tin thí sinh hiện lên và việc sửa đáp án quá dễ dàng. Những cán bộ giúp việc cho Bộ trưởng bộc lộ yếu kém hoặc thậm chí tiêu cực đã tạo ra sơ hở "chết người" này của việc chấm thi. Nhiều chuyên gia đã phân tích kỹ ở điểm này: lỗi bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm là lỗi sơ đẳng mà bất cứ ai làm trong ngành công nghệ thông tin đều không thể không biết. Quá nhiều người, không cần giỏi đều có thể tránh được lỗi này.
Bộ trưởng khi trả lời phỏng vấn vẫn chưa nhìn ra nguyên nhân rất quan trọng của phần mềm chấm thi: "Năm nay, chúng ta phát hiện tiêu cực trong khâu chấm thi tại một số địa phương. Bộ sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là quy trình chấm và bảo quản bài thi, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kỳ thi đảm bảo an toàn, chính xác, khách quan hơn."
Nhưng tiêu cực trong một kỳ thi đâu chỉ ở khâu chấm thi? Tất cả các khâu khác: In sao đề thi, coi thi đều có thể tiêu cực nếu như ở những khâu này có những cán bộ cố tình tiêu cực và có cán bộ lơ là trách nhiệm giám sát. Đặc biệt là tiêu cực bằng cách giải và đưa bài trót lọt cho thí sinh - đây là tiêu cực đã bùng phát vào những năm trước đây, thậm chí đến mức người ta còn photocopy lời giải để đưa cho nhiều thí sinh trong phòng thi. Liệu hình thức tiêu cực này đã chấm dứt chưa? Hay vẫn còn nhưng tinh vi hơn.
Nhân nói đến hình thức làm giúp thí sinh bài thi cũng cần nói rõ 2 điều:
- Chấm thẩm định bài thi là mất công khi bài thi do chính thí sinh làm trong thời gian làm bài nhưng được trợ giúp của người khác.
- Bài thi điểm không cao không có nghĩa là không có tiêu cực. Bởi vì với đề thi năm nay ở các môn Toán, Tiếng Anh, tổ hợp KHTN thì những người giải đề, kể cả hợp tác cả nhóm cũng khó lòng mà vượt qua 7 điểm trong thời gian quy định, đó là chưa kể khi phải xử lý nhiều mã đề khác nhau.
Lý do bỏ bớt các đợt thi, tổ chức thi ở địa phương, chúng ta đã từng phân tích trước đây để đi đến kỳ thi "2 trong 1". Tất cả những lập luận ấy đều có lý và từ Chính phủ đến xã hội đều thấy rõ.
Nhưng điều quan trọng hơn: con đường đúng đắn đó chúng ta có đủ năng lực để thực hiện hay không?
Bộ trưởng cho rằng các kỳ thi "2 trong 1" đã "ngày càng tốt hơn" (ở phát biểu ngoài cuộc phỏng vấn trên), nghĩa là cái tốt đang "đồng biến" (hiểu như thuật ngữ toán học). Nhưng trong toán học khi mà tại thời điểm sau lại kém hơn thời điểm trước thông qua các sự việc tiêu cực mà trước đó không có hoặc không phát hiện ra thì không thể gọi là "đồng biến".
Qua các năm thực hiện cho thấy:
- Học sinh tốt nghiệp THPT chủ yếu là nhờ vào điểm học bạ, còn điểm thi THPT quốc gia chỉ chiếm tỷ trọng khá bé. Bởi vì thực tế cho thấy thi THPT quốc gia kém mà vẫn tốt nghiệp và tỷ lệ tốt nghiệp cả nước vẫn 97,57% mặc cho tỷ lệ số điểm dưới trung bình của nhiều môn rất cao, thậm chí tới hơn 80%.
- Việc giám sát ở các địa phương lỏng lẻo, bằng chứng là ngay giám sát khâu chấm thi mà còn tắc trách đến thế thì liệu các khâu khác việc giám sát có nghiêm túc không?
- Chủ trương thi trắc nghiệm để tránh những tiêu cực khi chấm tự luận và giải quyết chấm thi nhanh đã không đạt được mục tiêu đầu. Tôi là người ủng hộ thi trắc nghiệm môn Toán nhưng đến nay đã thấy mình đã sai, nhưng Bộ lại chưa thấy sai. Sai bởi vì:
+ Năng lực ra đề trắc nghiệm quá kém, thậm chí có thể nói Bộ GD&ĐT chọn các tổ ra đề trắc nghiệm chưa tốt. Chúng tôi vẫn chờ đối thoại với các tổ ra đề thi trắc nghiệm một cách đàng hoàng, khoa học. Đây là một mắt xích phá vỡ việc thi trắc nghiệm.
+ Quy trình và phần mềm chấm thi quá sơ hở như phân tích ở trên
Khắc phục triệt để 2 điều trên thì mới thi trắc nghiệm được.
- Kết quả thi THPT quốc gia đang bị mất niềm tin của nhiều cán bộ các trường Đại học. Một số trường đã từng phải tổ chức thêm việc khảo sát năng lực học sinh mới yên tâm để quyết định tuyển sinh.
Qua thời gian thưc hiện, chúng ta không chỉ nên tranh luận trên mặt báo, đôi co khá mất thời gian. Tôi đề nghị trước hết là Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu nhiên Nhi đồng với chức năng giám sát, tổ chức Hội thảo mời các chuyên gia giáo dục để trao đổi kỹ về hình thức thi này.
Xin chia sẻ thực lòng sự thất vọng của tôi với Bộ trưởng.
Mong Bộ trưởng và các bạn chỉ giáo thêm về những cảm nhận có thể chưa thấu đáo của tôi.
Có thể khi đã hưu trí thì sự minh mẫn khó được như xưa.
Trân trọng cảm ơn.
Nhà giáo Lê Thống Nhất (đã hưu trí từ tháng 1/2015)
Ý kiến bạn đọc: