"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo

  • 19/11/2017 | 10:30 GMT+7
  • 3.945 lượt xem

Đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Sở GD&ĐT Nghệ An, Công đoàn Giáo dục Nghệ An và Hội Cựu giáo chức Nghệ An đã phối hợp xuất bản cuốn "Thơ Nhà giáo Nghệ An - tập 2" với 331 bài thơ của 255 tác giả là các nhà giáo quê Nghệ An.

Bìa cuốn "Thơ Nhà giáo Nghệ An - tập 2"Bìa cuốn "Thơ Nhà giáo Nghệ An - tập 2"

Trong các tác giả đã có những nhà giáo đã mất, nhiều thầy cô đã về hưu cùng với các tác giả đang làm trong ngành giáo dục. Tuyển tập thơ được biên tập công phu và sách gồm 552 trang với bìa cứng trang trọng. Xin chia sẻ với các bạn Lời giới thiệu của Tuyển tập thơ và chùm bài từ những trang thơ này.

Một phiên làm việc của Ban Chỉ đạo, Ban Biên tậpMột phiên làm việc của Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập

LỜI GIỚI THIỆU "THƠ NHÀ GIÁO NGHỆ AN - tập 2"

Trên tay bạn đọc quí mến trong Ngành và ngoài Ngành Giáo dục - Đào tạo là cuốn Thơ Nhà giáo Nghệ An, tập 2 vừa xuất bản, nối tiếp cuốn Thơ Nhà giáo Nghệ An, tập 1 ra mắt tháng 10 năm 2012 được không ít độc giả mến mộ. Nghề dạy học, cũng chưa có lý giải nào chính thức, đầy đủ, rất có duyên với thơ ca.
Ban biên tập đã nhận được 1168 sáng tác của 451 nhà giáo đương chức hoặc đã nghỉ hưu,… từ bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học; đáng trân quí hơn, có thơ của những nhà giáo lão thành đã qua đời, các nhà giáo Liệt sỹ; có nhà giáo là người Nghệ An sinh sống, công tác ở tỉnh bạn, hoặc đã từng công tác ở Nghệ An hiện đang ở các địa phương khác gửi về, v.v… Quá trình làm việc chân chỉ, Ban biên tập đã tuyển chọn được 331 bài của 255 tác giả, trong đó có một số nhà thơ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội VHNT Nghệ An và một vài địa phương khác.
 
Mở tập thơ này, bạn đọc gặp chân dung tinh thần Nhà giáo Nghệ An - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh thành nhiều Văn nhân, Thi sỹ, Nhạc sỹ,… nức danh trong nước và quốc tế.

1. Thơ ca là chuyện của tâm hồn.

Vẻ đẹp tâm hồn nhà giáo lấp lánh ở mỗi bài thơ. Danh ngôn C.Mác ưa thích nhất: "Không có gì liên quan đến con người mà xa lạ đối với tôi". Sống trong vòng tay rộng mở của cuộc đời, của con người - trước hết là các bậc phụ huynh và học sinh bao thế hệ, nhà giáo quan tâm, chia sẻ, xúc cảm rất nhiều chuyện quanh mình. Bởi thế, biên độ cảm xúc và đối tượng thẩm mỹ rất rộng mở trong tập thơ này. Nổi bật rõ nét một số thi đề, thi cảm sau đây.

1.1. Lòng yêu đời, yêu người, yêu nghề.

Bởi nặng lòng với đời, với học sinh nên nhà giáo yêu nghề sâu nặng. Thầy giáo Hà Trọng Bàng đã 84 tuổi, đang sống ở thành phố PLeiku, Gia Lai chia sẻ Niềm vui trên trang giáo án với tất cả bạn dạy văn THCS nỗi lòng luôn "Nghĩ mình trên bục giảng/ Mấy chục trò thương đang chăm chú nghe lời". Vượt qua những tơ vò cuộc sống, những lúc thở dài bất lực chán nản, cậy nhờ không gì khác là những "Đôi mắt tròn trong veo ngời sáng/ Những bước chân lẫm chẫm", bao cô giáo mầm non đinh ninh Con đường đã chọn (Nguyễn Thị Vị). Cái huyền diệu của nghề dạy - học: đến đâu dù xa lạ đều biến thành quê:
 
Chẳng phải quê cha, chẳng là quê mẹ
Tôi chọn nơi này sống trọn một đời thơ
(Thành Vinh của tôi - Nguyễn Viết Hiền)

Cả khi lên miền sơn cước, với học trò dân tộc miền núi, nhà giáo trút gan ruột nhóm lên ngọn lửa từ buổi đầu leo lét trong lòng đối tượng giáo dục mà mình hết lòng thương mến. Bài thơ Học đi em của tác giả Hoàng Văn Hiến, bằng hình ảnh thơ mang tính cụ thể - tượng trưng lấy ngay ở vùng cao, khích lệ các em học! Học để "Đời đói nghèo tụt hậu sẽ qua đi", nhất là "Để đời người không lẫn lộn vàng thau"
Con đường tu nghiệp của nghề dạy học ở những nhà giáo chân chính hết sức gian khổ, cam go. Một nhà giáo ở trường CĐSP Nghệ Tĩnh trong buổi liên hoan nghỉ hưu, tâm niệm: "Giáo lộ trường hành tri khốn đạo" (Đi trên con đường dài của nghề dạy học mới biết đó là con đường khó). Đã bao lao tâm, khổ tứ với nghề nhưng nhà giáo vẫn luôn day dứt Mắc nợ đời, mắc nợ "Bảng đen, phấn trắng" (Hoàng Tư An). Trong Việt ngữ chữ "Tương tư" thường chỉ dành nói về tình trai gái. Nhà giáo về hưu lại Tương tư một mái trường (Lê Thế Lạp) v.v.

1.2. Tình cảm đồng nghiệp, tình thầy - trò.

Nhà giáo thường nặng lòng chia sẻ mọi vui, buồn của nhau. Đọc Khúc biệt ly của Nguyễn Quốc Khánh, mấy ai có thể cầm lòng. Trần Thị Anh Đào viết Cô giáo người mẹ đơn thân thầm lặng làm xúc động lòng ta. Nhà giáo Lê Xuân Đồng viết Tiểu đoàn đồ Nghệ hồi ức bao kỷ niệm đẹp và mất mát hy sinh của những đồng nghiệp: "Đồ Nghệ kiên cường/Đồ Nghệ văn nhân". Trong thơ nhà giáo đạo nghĩa thầy - trò thật sâu nặng! Nhiều bài thơ viết về cảm hứng này và đó là những bài vào loại hay nhất. Khi là cô giáo, họ tâm nguyện sắt son làm Người mẹ thứ hai của tuổi trẻ (Nguyễn Thị Thu Trang). Lời mùa thu của Tiến sỹ Toán học, nhà thơ Lê Quốc Hán, ngôn ngữ thơ chắt gạn, kết tinh, diễn tả vừa sâu sắc vừa rất xúc động hành trang của nhân vật trữ tình chỉ là "Trang sách mỏng", "viên phấn trắng gầy mòn""Thầy đi suốt cả vạn ngày bên con", luôn "Lấy nhân làm trọng, lấy tình làm sang". Suy nghĩ sâu bằng trái tim, nhà thơ không ưa ẩn dụ quen thuộc: nghề giáo - nghề chèo đò:
Nghĩa đâu chỉ chuyến đò ngang
lời khuyên rứt ruột đá vàng thấm chi!
 
Đã xa về thời gian, không gian Miền sóng hát (Lê Xuân Đồng) vẫn khắc ghi từng kỷ niệm về mái trường, mỗi gương mặt học trò lớp D, khóa 1970-1973 trường Cấp 3 Đô Lương 2, v.v…

1.3. Tình cảm mái ấm gia đình nhà giáo.

Nhà giáo luôn dưỡng nuôi ngọn lửa tốt lành của truyền thống đạo hiếu. Tiếng thơ nhà giáo làm xúc động, ám ảnh người đọc bao hình ảnh ông, bà, cha mẹ của chính mình. Tác giả Hoàng Tư Hậu nghe trong Tiếng võng và lời ru những giọt sữa ngọt lành cho tâm hồn mình lớn lên trong sáng cả cuộc đời. Rồi "Trưa nay gió lào/ Từng cơn nóng bỏng", "Mát lạnh điều hòa" nhưng "Không: võng, quạt nan", lòng tác giả "Nôn nao ký ức/ Mẹ, bà đã xa". Vu lan tháng Bảy, người mẹ hiện về thật xót xa, cực nhọc:
Áo rách ôm hở vai gầy
Váy sờn xắn lệch trộn ngày vào đêm
(Vu lan nhớ mẹ, Nguyễn Quang Phục)
 
Vào tuổi 80, nhà giáo Lê Trọng Quýnh oặn lòng chữ Mẹ; xào xạc lá ngoài sân tưởng mẹ hiện về, đêm đêm khóc thầm thương nhớ, thốt nên lời "Đau lòng con lắm mẹ ơi…". Và có lẽ không chủ quan khi nói rằng: trên thế gian không có bài thơ nào như Nhớ ngày giỗ Mẹ của nhà giáo liệt sỹ Phan Đình Hồng (bút danh Vũ Giang) nguyên là Giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đi B từ 1964, hy sinh ở Cần Thơ. Anh biết "Hôm nay giỗ Mẹ" nhưng ở chiến trường xa "Không về, phủ lên mộ Mẹ một nhành xanh”. Người mẹ hiện lên trong anh "Váy cộc, tay dao mót chét quanh năm" nuôi con ăn học bởi "Nhà ta năm đời lấy bút nghiên làm ruộng"… Bài thơ kết lại mà mở ra bao ý nghĩa sâu xa:

Con, chiếc lá Trường Sơn nhỏ bé
Mẹ là thân cành, cho sức trẻ con vươn

Thơ nhà giáo cũng viết nhiều và xúc động về tình cha con. Nói với con của Tiến sỹ Lê Thống Nhất - bài thơ dài, là lời tâm tình, căn dặn, động viên cô con gái Lê Việt Ngọc Mai từ khi bước vào nghề dạy học - đồng nghiệp với cha mẹ.

Tình cảm vợ chồng trong tập thơ thật đẹp! Đẹp bởi tình cảm muôn đời này ở nhà giáo gắn với lòng yêu nghề nghiệp, với sự chấp nhận hy sinh vì tôn trọng niềm say mê dạy học của vợ, của chồng. Tâm tình chiều thứ bảy (Trần Xuân Bình), (Trần Hữu Dinh) viết rất có duyên về cảm hứng ấy. Độc giả đọc Xem hoa quỳnh nở của nhà giáo Lê Văn Bằng (Minh Tâm) sẽ ngạc nhiên, thích thú và được thanh lọc tâm hồn từ tình cảm tao nhã của người vợ trong đêm hoa quỳnh nở vắng chồng đang đi dạy học xa "Vồng ngực tròn căng hương", "Mong sao hương ấp ủ/ Ngày anh về thơm hơn".

Thơ tình nhà giáo có không ít bài rất tinh tế, đọc lên man mác, bâng khuâng… Cô giáo Thái Dương Liễu, "Trái tim ngỡ ngủ yên rồi" về Bến nhớ lại bao thao thức, bồi hồi. Tác giả Nguyễn Sỹ Lan đòi hỏi "Với chồng, một năm em có 364 ngày/ Còn hôm nay hãy để dành anh nhé"… Trái tim là thế "Đập nhịp bây giờ, loạn nhịp ngày xưa" (Loạn nhịp). Xa biển của Nguyễn Đình Học, độc giả thật tinh mới nhận ra đây là bài thơ tình, bởi toàn bài biển là ẩn dụ kín đáo về kỷ niệm một mối tình thầm kín, tác giả hết lòng nâng niu, nhưng… không thành! Bài thơ tình Mùa thu và Lời ru trong đêm của nhà giáo hay thơ Nguyễn Đức Cảnh gieo ra những phút xao lòng của người thầy giáo với nữ học sinh "Áo dài bay, tóc đuôi gà"…Lời thơ xao động nhưng vẫn đẹp và thơ bởi trái tim còn "Trong tầm kiểm soát" !

1.4. Tình cảm với quê hương và Lãnh tụ.

Lật giở tập thơ, bạn đọc gặp nhiều sáng tác về quê hương, nói đúng hơn về hồn quê. Ví, Giặm xứ Nghệ, những dòng sông, bốn mùa trên đất mẹ… là những thi đề đi về trong thơ nhà giáo Nghệ An. Nhà giáo trẻ sinh năm 1982 Trần Văn Mười (Đinh Hạ) nhận ra, hơn thế chiêm bái những Di sản làng ngàn đời còn sót lại sau bao cuộc bể dâu của thời cuộc…Tiếng quê (Đinh Trọng Thuật) cảm thức sâu ý nghĩa văn hóa, nguồn sống và bí mật của sức mạnh quê hương, dân tộc qua những "Răng rứa, mô tê" từ ông cha xuyên năm, xuyên tháng vọng về hôm nay và mai sau… Thơ nhà giáo Nghệ An có nhãn lực sáng tỏ về nơi chôn rau, cắt rốn ngày hôm nay. Mừng những đổi thịt, thay da, Buồn bao sắc quê mai một. Đào Văn Liên nhớ về dòng La giang xưa thơ mộng, nay "Một màu đục ngầu đất đỏ"; cùng dòng sông, tác giả kêu cứu "Người đâu rồi, sao không đến ngăn can?" (Dòng sông quê tôi).
Thơ Nhà giáo Nghệ An, tập 2 viết nhiều về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các danh nhân xưa: Ức Trai, Nguyễn Du,… Dư âm lời Bác (Ngô Minh Hớn) nhìn đâu trên mảnh đất Yên Thành hôm nay cũng nhận ra sự đổi thay diệu kỳ từ chuyến Bác Hồ đặt chân lên Rú Tháp, Vĩnh Thành. Học tập đạo đức Bác Hồ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật của nhà giáo lão thành nay gần bách tuế, NGƯT Phạm Nhượng, lời thơ trịnh trọng, tôn kính ngợi ca trí tuệ sâu sắc và lối sống "Giản dị đến kinh người" (Chữ dùng của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Bác) của Bác. Như ý nghĩa tựa đề, từ vốn đời lịch lãm, từ cái nhìn sâu phong trào đang sôi nổi hiện thời: Học tập tư tưởng, đạo đức, lối sống Bác Hồ, câu kết như là lời khuyên răn: Học Bác, chân tâm mới nhiệm mầu.

Tập thơ có những sáng tác rất mực xúc động viết về Anh hùng liệt sỹ ở Thành cổ Quảng Trị, ở đảo Gạc Ma - Trường Sa,v.v,… Sâu nặng nhất là tiếng thơ cảm khái viết về đồng nghiệp và học trò đã hy sinh. Cô giáo và anh chiến sỹ, bài thơ xúc động sâu xa của của cô giáo Lê Thị Tiến viết về người học trò của mình, liệt sĩ N.B. Ba lần gặp lại trò: lần đầu trò trong đơn vị hành quân vào Nam, lần hai trên chiếc xe trở ra Bắc chở đầy mộ chí có tên trò…, lần ba "Cô giáo già mảnh khảnh bước chênh vênh" thắp nén nhang trên mộ trò ở Nghĩa trang Trường Sơn…

Đọc Thơ Nhà giáo Nghệ An, tập 2 chắc bạn đọc quý mến sẽ nhận ra không ít bài xúc động, ám ảnh sâu xa tâm hồn mình.

2. Nghệ thuật nói chung, nhất là thi ca

Loại hình nữ hoàng của văn chương, là sự quyện hòa, tương hỗ của hai vẻ đẹp: nội dung và hình thức nghệ thuật. Bạn đọc sành điệu sẽ thích thú những Vẻ đẹp nghệ thuật thơ nhà giáo không dễ có trong tập thơ này. Sự dồi dào, độ căng cảm xúc hàm chứa trong mỗi bài thơ có trên tay bạn là rất quí, bởi thơ ca không chấp nhận sự nhợt nhạt của xúc cảm. Nhiều nhà giáo làm thơ như ngược về nói chuyện với người xưa: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, v.v… Tác giả Nguyễn Khắc Tuệ đi xa hơn về miền cổ tích, huyền thoại: Trương Chi, Mị Châu, cô Tấm, Sơn Tinh, Chữ Đồng Tử trong Độc thoại với người xưa. Thơ anh triết lý - tư tưởng nhưng giọng điệu chan chứa xúc cảm, sẻ chia. Nhiều lắm những sáng tác rung cảm sâu những vui buồn thế cuộc hiện thời. Cô giáo Hồ Thị Phương Thảo hồ hởi theo bước chân Xáo la đi học; niềm hồ hởi của người chị, người mẹ, nhà giáo dục với Xáo la (con gái út) bước vào ngưỡng cửa trường học, với em là một thế giới mới lạ. Bài thơ Có một thời như thế (Hà Thúc Song) hoài niệm, tiếc nuối đến xót xa cái thời nghề dạy học đầy khó khăn nhưng vô tư, sống đẹp mà bây giờ nghe "xa lạ quá, khó lọt vào tai!". Cô giáo Trần Thị Nhi từ câu chuyện thật của cháu Trần Đình Nhật xúc cảm thành thơ với nhân vật trữ tình là cháu bé bất hạnh làm động thấu lòng người (Viết cho bé Trần Đình Nhật). Chân gỗ của Xuân Chuẩn nói được rất nhiều về tổn thất chiến tranh, quả có lý khi cho rằng nhiều khi hình tượng nghệ thuật lớn hơn tư tưởng: khi nhập liệm người chiến sỹ, không lắp chân gỗ cho anh, nên nỗi:
Chiếc chân gỗ không theo anh về được
Bơ vơ Một mảnh Đời người!

"Suy nghĩ bằng trái tim và cảm xúc bằng bộ óc" (lời L.Tônstôi nói về sáng tác của M.Gorki). Có thể mượn nhận xét độc đáo này để nói về thơ của mấy nhà giáo Tiến sỹ. Tiến sỹ Lê Thống Nhất tài hoa, nghe tin Nhạc sỹ xứ Nghệ - An Thuyên - qua đời, thấu cảm từng câu, từng chữ trong những nhạc phẩm của Nhạc sỹ; hầu như tên các bản nhạc của Nhạc sỹ quá cố đã được nhắc đến - không phải là thứ “chơi chữ” mà là rung động, sẻ chia trong Thơ em Anh có nghe không. Thấu cảm giữa người dạy và tác phẩm, giữa giáo viên và học trò trong dạy học Văn là một yêu cầu nghề nghiệp, yêu cầu tư tưởng - thẩm mĩ rất cao. Giọt nắng sân trường (Phan Văn Tình) và Cõi thiêng (Đinh Hạ) viết rất hay và thâm thúy chuyện Văn là Đời.

Nhà thơ Thạch Quỳ, nhà thơ hàng đầu trong Thơ ca xứ Nghệ đương đại, từng có những tác phẩm đậm chất trí tuệ, trong đó có sáng tác từng gây bão một thời, nhưng ở chùm ba bài Hoa sen; Mạ non; Quạt cho bà ngủ gửi đến Ban biên tập lại rất trẻ, rất đỗi hồn nhiên về cách nhìn và lối xúc cảm,… Phải chăng cốt cách Thi nhân vốn là Nhi đồng?!

Thơ hay mang trong nó chất suy nghĩ, vẻ đẹp lấp lánh của trí tuệ. Ở Thơ Nhà giáo Nghệ An, tập 2 không ít bài mở ra trong bạn đọc, cùng xúc cảm cho tâm hồn là "bữa tiệc" về nhận thức và trí tuệ… Đoàn Quang Lạc với Mặt trời .@. Mặt trăng mượn hình tượng hai thiên thể để nói những qui luật bất biến của tự nhiên, xã hội và Đạo người cho dù khách thể có bao nhiêu là biến động. Nhà giáo ưu tú Phạm Quí Hùng gửi trong Không trở lại thông điệp:

Thành công và thất bại
Rồi cũng dần đi xa.

"Cổ kim hận sự thiên nan vấn" (Nguyễn Du). Nhà giáo Lê Đình Hòa hỏi Trời: Tạo hóa ơi? rằng: con người sinh ra nhược bằng cười trước thì "Khổ sướng làm sao tạo hóa ơi?". "Một câu hỏi lớn không lời đáp" (Huy Cận).
Nhiều sử gia, chính trị gia viết rằng: Lịch sử Việt Nam là thanh gươm tự vệ đẫm máu. Đúng. Nhưng ở góc nhìn văn hóa, nhà giáo Nguyễn Tài Hoài lại cảm thức Tấm bia hình trang sách mà bao đời mẹ, bao đời cha gom nước mắt, mồ hôi tạc nên từ bốn nghìn năm "Nguyên khí ở người hiền". Với bài thơ Trước ngôi nhà lịch sử, nhà thơ Nguyễn Thị Vân Anh cảm thức sâu những tổn thất tột cùng của dân tộc và triết luận:

Xin hậu thế để nguyên những cái gai
khi cắm hoa hồng chiến thắng
vào bình lịch sử!

Thơ Thiền của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng là triết lý rất sâu về Thiền, về đạo Phật và rộng ra các tôn giáo khác ở phần chân thực, chân chính của chúng:

Khi toàn vẹn cái nhìn thấm sâu vào nội lực
Đấy, bài thơ Thiền hay nhất của đời anh!

Nguyễn Văn Hòa đề nghị Kiểm duyệt những lời thề bởi "Lời thề trơn như mỡ" "Tôi và anh nữa/ Nuốt khan bao lời thề!". Sống sâu với nghề dạy học, nhiều nhà giáo viết nên những bài thơ thâm thúy về đạo giáo dục tuổi trẻ. Chùm hai bài Nghịch lýQui luật muôn đời của Lê Ngọc Hiển khái quát "Sách vở phẳng phiu, cuộc đời mấp mô rất thực" là bài giảng say sưa, đích thực của nhà giáo giúp các em hiểu đúng về Đất nước và Nhân dân. "Sự đói nghèo như dòng sông vừa rộng, vừa sâu"- lời đề từ bài thơ. Cũng như mọi người, nhà giáo "Suốt tháng năm mải miết bơi sông", đã bao lần mệt mỏi đứng lại rồi ước ao cứu rỗi… nhưng rồi chỉ duy nhất cậy nhờ tình đồng nghiệp, nụ cười con trẻ học trò… nên:

Ta vẫn bơi
Qui luật của muôn đời

Những nhà giáo từ chiến trường đánh giặc trở về, cảm nhận được cái gian khổ, đắng đót trên bục giảng. Chiến hào và bục giảng của Đoàn Mạnh Tiến, nguyên cán bộ giảng dạy khoa Văn, Đại học Vinh chiêm nghiệm thật sâu bục giảng hôm nay - chiến trường "Đánh quân thù bằng chiều sâu kiến thức". Lính cũ giữa sân trường (Hoàng Văn Hân) có nhiều triết lý mở cần suy ngẫm sâu và xa mới "ngộ" được.

Nhà giáo nhìn đời, nhìn người, nhìn nghề sâu sắc song không bao giờ khắc bạc, buồn bã. Nhà giáo - Nhà thơ Phan Huy Huyền áp tuổi 90 đã rất đỗi tin yêu cuộc đời trong Cuối nẻo đường xuân:

Tóc không xanh lại màu năm ấy
Ta sưởi lòng nhau trong mắt nhau…

Cách tân hình thức nghệ thuật Thơ là việc một số tác giả trong tập thơ này đã đi những bước đầu mới mẻ, táo bạo. Em có về không của Nguyễn Hữu Quyền, từ tình huống tâm trạng khắc khoải "Hội lớp học trò về đông. Chỉ vắng một người" - một nhưng trên tất cả - rơi rơi những dòng thơ đứt nối từng mảng tâm trạng của tác giả. Bài thơ không bộc lộ cảm xúc theo lối thơ quen thuộc mà viết theo dòng ký ức - thứ thơ đang lạ với số đông. Cách tổ chức, tết dính các khổ thơ mà thuật ngữ Văn học gọi là kết cấu cũng khá đặc biệt: không chỉ là dài ngắn khác nhau mà có khổ thơ chỉ hai chữ tưởng là đơn độc, kỳ thực nó là kết quả, kết tinh những xúc cảm, dòng ký ức ở khổ kề trước …

"Người thơ phong vận như thơ ấy" (Hàn Mặc Tử). Đọc Tập thơ, bạn đọc có thêm cơ hội hiểu hơn và chia sẻ với đời sống, lối sống, tâm hồn v.v…nhà giáo trên quê hương. Trong đời sống thường nhật, bạn có thể thấy người giáo viên chưa thật đẹp ở một vài biểu hiện (chắc bạn đọc đồng tình gạt ra ngoài những phần tử mang danh giáo viên nhưng lạc loài mà truyền thông lên án!). Nhưng, nói như Thi hào Nadim Hítmét (Thổ Nhĩ Kỳ): Thơ ca và tiếng hát thật hơn con người; Thơ Nhà giáo Nghệ An là tiếng nói giản dị từ cõi lòng bản chất nhất của họ…
Trong bài thơ hay có thể có câu chưa đẹp, huống gì cả tập thơ, dĩ nhiên khó tránh khỏi một đôi bài còn những "hạt sạn”"về câu chữ, thiên về diễn ý, thiếu tứ - phần sáng tạo của người làm thơ…
Nhân tập thơ Nhà giáo Nghệ An, tập 2 ra đời, chúng tôi xin có lời cám ơn các tập thể, cá nhân đã tận tình giúp đỡ để ấn phẩm sớm đến với công chúng độc giả.
 
BAN BIÊN TẬP
-----------
BigSchool: Xin chia sẻ một số bài thơ từ Tập thơ:
 

LÊ QUỐC HÁN

"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Năm sinh: 1949
Nhà giáo ưu tú - Phó giáo sư - Tiến sĩ
Giảng viên Đại học Vinh
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Lời mùa thu

 
Một trang sách mỏng cầm tay
thầy đi suốt cả vạn ngày bên con
một viên phấn trắng gầy mòn
vạch cho con thấu vuông tròn đầy vơi
 
Dẫu con đi suốt cuộc đời
đi làm sao hết những lời thầy khuyên
lòng người sớm trắng chiều đen
con ơi gắng giữ bình yên tâm hồn
 
Thước nào đo được dại khôn
vui chi làm một cánh buồm lẻ loi
nguyện thành một tấm gương soi
tránh sao khỏi hạt bụi rơi lấm mình
 
Trọn đời dâng hiến trái tim
lấy nhân làm trọng lấy tình làm sang
nghĩa đâu chỉ chuyến đò ngang
lời khuyên rứt ruột đá vàng thấm chi
 
Đường xa thầy mở con đi
trái yêu đã chín ngại gì gian nan
mai sau về chốn thanh nhàn
lời mùa thu kết hào quang dâng thầy
 
 
HÀ THÚC SONG
 
"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Sinh năm: 1937
Quê quán: Kỳ Anh - Hà Tĩnh.
Trú quán: P. Nghi Hải - thị xã Cửa Lò.

Có một thời như thế!


Có một thời ta đã sống bên nhau
Giàu không mấy, xềnh xoàng thế cả
Cái thời ấy bây giờ ... xa lạ quá
Lớp cháu con ... nghe ... khó lọt vào tai.

 
Thời bấy giờ ai cũng quý như ai
Chẳng phân biệt giáo viên, hiệu trưởng
Lòng sáng trong, hồn tươi xanh như lá
Dù khó khăn vẫn dạy tốt như thường.
 
Thời bấy giờ sống rất tin... yêu
Tin ở mình... tin quanh ta... tin thật
Yêu người thân, yêu cả người mới gặp
Để cùng chung một chí dạy người.
 
Thời bấy giờ sống rất vô tư
Hầm chữ A cùng nằm chung nam, nữ
Sách vở gối đầu, sẵn sàng bật dậy
Đi cứu xe "ban" cùng lấp hố bom.
 
Thời bấy giờ một thuở vàng son
Ai cũng xứng là giáo viên tiên tiến
Đã cùng qua một thời như thế
Có thế nào? Lại dễ dàng quên.
 
VŨ THỊ NHỤY
 
"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Sinh năm 1949
Nguyên quán: Quỳnh Bá - Quỳnh Lưu;
Trú quán: Q. Gò Vấp - TP. HCM

Một thời

Một thời phấn trắng, bảng đen
Cùng trang giáo án bên đèn phòng không
Gian nan, bền bỉ tấm lòng
Chèo đò chở khách qua sông tháng ngày.
 
Một thời đói khổ lắt lay
Bát cơm sắn lát, ngô xay đã từng
Đường làng in dấu đôi chân
Thay giờ, đổi tiết, gian truân theo cùng.
 
Một thời ai có nhớ không ?
Đọc thư Bác gửi mà lòng sướng vui
Dù cho bom Mỹ lấp vùi
“ Dạy tốt, học tốt” khắp nơi rộn ràng
Học sinh đi học trường làng
Mũ rơm vàng với khăn quàng đỏ tươi…
 
Một thời in đậm trong tôi
Về hưu còn nhớ quãng đời vinh quang.
 
 
 
THÁI DƯƠNG LIỄU
 
"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Năm sinh: 1974
Quê quán: Đô Lương
Địa chỉ: Hưng Lộc - Thành phố Vinh
Giáo viên Trường Tiểu học Phúc Thọ - Nghi Lộc
Hội viên Hội VHNT Nghệ An

Khúc hát trên cánh đồng

 
Trên cánh đồng thời gian
Người nông dân mải miết những đường cày
Mải miết trồng cây gieo hạt…
 
Ngày mong trời
Đêm đợi đất
Chẳng kịp nghĩ những gì được mất
Chỉ mong cây biết đón ánh mặt trời
Biết vươn cành tỏa ngọn nơi nơi…
 
Đi hết tuổi xuân
Người nông dân dâng hiến đời mình
Cho những vụ mùa dẻo thơm no đủ
Buông cuốc rồi
Vẫn trở trăn trước đường cày đã cũ
Vẫn nặng lòng trước hạt rụng hạt rơi.
 
Và tôi
Hát cho em nghe khúc hát cuộc đời
Thủy chung bảng đen phấn trắng
Bằng nỗi niềm của người nông dân hai sương một nắng
Sớm hôm lặn lội trên đồng
 
Đợi những vụ mùa lúa nặng trĩu bông.
 
Tháng 10/2013
 
TRẦN THỊ NĂM
 
"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Năm sinh: 1957
Quê quán: Thanh Hà - Thanh Chương
Nơi ở hiện nay: K08/54 Trần Xuân Lê, Đà Nẵng
 

Nỗi niềm từ trang giáo án

Trang giáo án ngày mai tôi lên lớp
Chuyện về người con gái Nam Xương
Trong lòng tôi trĩu nặng tình thương
Xin gửi đến người đã xa trần thế.
 
Vũ Nương ơi, em đẹp người đẹp nết
Sống hết mình đạo hiếu thủy chung
Tháng năm xa mòn mỏi ngóng trông chồng
Ngày sum họp chưa thỏa tình chăn gối.
 
Sao Trương Sinh lại ghen tuông…nóng vội…
Nỡ giày vò tan nát một đời hoa
Nỡ gây nên giông tố phong ba
Con xa mẹ, vợ chồng cách biệt.
 
Nhưng em ơi! Người đời đã biết
Một chàng Trương ít học, đa nghi
Em chẳng nên vướng bận làm gì
Để nên nỗi sự đời thêm cay đắng.
 
Em còn con, tình thương yêu sâu nặng
Ấp ủ niềm tin và mơ ước ngày mai
Hãy nhìn vào phía trước tương lai
Sao em nỡ gieo mình tự vẫn?
 
Trương Sinh ơi! Dù chàng hối hận
Chẳng thể nào có lại được Vũ Nương
Chẳng thể nào có được tình thương
Như những ngày đầu trong mối tình chồng vợ!
 
Trang giáo án nghẹn lời dang dở…!
Chia sẻ nỗi niềm với người con gái Nam Xương
Xin gửi nỗi niềm tới cả muôn phương
Một ước mong đời bớt đi cay đắng!
 
HỒ THANH TÙNG
 
"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Năm sinh: 1946
Địa chỉ: Quỳnh Nghĩa - Quỳnh Lưu.

Khi con là cô giáo 

 
Cha đi dạy - Con còn trong bụng mẹ
Khi ra đời - Cha vất vả nuôi con!
Lương nhà giáo nuôi cha đã khó
Thế mà con cũng đã lớn nên người
 
Lớn lên rồi, con chọn nghề: Nhà giáo
Nghề của cha – nghề của nghĩa tình!
Cùng chí hướng, theo cha con bước tiếp
Vun đắp cho đời mãi mãi tươi xanh…
 
Cha vẫn biết nghề cha nghèo lắm
Chỉ giàu tình, giàu nghĩa thôi con.
Sống đạm bạc, cuộc đời thanh thản,
Không sang giàu nhưng thắm đẹp lòng son!
 
Con hãy say sưa như thời xưa cha đó,
Dẫu có nghèo nhưng chan chứa tình yêu.
Ríu rít đàn em mỗi sớm, mỗi chiều
Hạnh phúc đó dễ gì có được…
 
Vui biết mấy, hôm nay “ Ngày Nhà giáo”
Cha cùng con vui bước đến trường
Xao xuyến trong lòng , dào dạt yêu thương!
Hãy nhớ nhé, con của cha – CÔ GIÁO!...
 
NGÔ THỊ VÂN
 
 
"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Năm sinh: 03/9/1983
Quê quán: Nghĩa Trung – Nghĩa Đàn
Địa chỉ: Trường Mầm non Nghĩa Mỹ - Thị xã Thái Hòa

Bài giảng hôm qua

 
Bài giảng ấy từ hôm qua vọng tới
Đến hôm nay em bỗng thấy bồi hồi
Phía trước mắt muôn nẻo bước vào đời
Phía sau lưng một lối về xa mãi
 
Con đò xưa vẫn ngày đêm nhẫn nại
Rẽ sóng vượt dòng chở khách sang song
Cô vẫn không nguôi trăn trở nỗi lòng
Bụi phấn trắng, trắng một đời tất bật
 
Cô lặng lẽ chắt chiu dòng nước mát
Tưới cho cây đời mãi mãi xanh tươi
Và cho em những ngọn lửa sáng ngời
Cháy bừng lên một niềm tin tuổi trẻ
 
Em bỗng nghe trái tim mình nhắc khẽ
Một tiếng thôi, một tiếng gọi tên cô
Mái chèo ai khua nhịp đâu đây
Lại có thêm một chuyến đò rời bến
 
Có những con đường không bao giờ kịp đến
Có những con đường không nhớ nổi tên
Nhưng có một con đường mãi mãi không quên
Con đường ấy đưa em vào cuộc sống
 
Em ngước nhìn lên bầu trời hy vọng
Bỗng thấy dấu chân mình đã bước hôm qua
Dòng sông xưa vẫn đỏ nặng phù sa
Cô vẫn tần tảo đưa đò trên bến cũ
 
Hiện tại đứng lên bằng đôi chân quá khứ
Em lớn khôn từ vất vả đời cô
Bài giảng hôm qua vọng tới mãi hôm nay
Nhắc em nhớ và vững vàng bước tiếp…
 
THIỀU THỊ THÚY HẰNG
 
 
"Thơ Nhà giáo Nghệ An" - Món quà gửi các nhà giáo
Ngày sinh: 28/10/1981
Quê quán: Hưng Nhân - Hưng Nguyên;
Giáo viên Trường Mầm non Tây Hiếu - Thị xã Thái Hoà

Em là cô giáo mầm non 

 
Em ươm mơ ước cho đời
Ươm từng lời hát, nụ cười trẻ thơ
Ươm vào trong những giấc mơ
Cô như người Mẹ vô bờ yêu thương !

Em ươm hàng vạn tình thương
Đôi chân chập chững bước đường đầu tiên
Em ươm lời nói dịu hiền
Nàng tiên, cô tấm cả miền ca dao
 
Em ươm câu hát ngọt ngào
Có bầu trời rộng, trăng, sao, nắng hồng
Em ươm bài học cánh đồng
Quê hương, đất nước, dòng sông thanh bình
 
Em ươm trên nét môi xinh
Biết câu lễ giáo, và tình yêu thương
Những điều giản dị bình thường
Mà em ươm cả một vườn hoa xinh
 
Em ươm cho cả chính mình
Thơ, ca, nhạc, họa tầm nhìn bao la
Bàn tay năm tháng... đơm hoa
Em nâng niu bước tuổi thơ diệu kỳ ...!
 
BigSchool: Các bạn muốn có tập thơ xin liên hệ qua hộp thư: [email protected]
       

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.