Theo đề án thì tổng thu nhập của giáo viên tăng không đáng kể so với các ngành khác

  • 11/05/2018 | 13:10 GMT+7
  • 56.058 lượt xem

Chiều 9/5, Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khóa XII) thảo luận về “Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu đề xuất về lương giáo viên.

Vấn đề về lương giáo viên đã được khẳng định như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển GD&ĐT là "Quốc sách hàng đầu". Nghị quyết Trung ương 2, Khóa VIII đã xác định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc. Nghị quyết Trung ương 29, Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tiếp tục khẳng định lại quan điểm này.

Thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tiền lương nói riêng, thu nhập nói chung của nhà giáo ngày càng được cải thiện. Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên thông qua việc bổ sung một số phụ cấp đặc thù như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề; mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục...

Chính sách tiền lương và các loại phụ cấp theo lương hiện hành đã góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chuyên tâm công tác, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT nước nhà, nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa XII).Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa XII).
Theo Đề án "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" trình Hội nghị Trung ương lần này, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng sẽ được điều chỉnh tăng lên.

Tuy nhiên, xét về tổng thể cơ cấu tiền lương theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên tăng không đáng kể so với mức hiện nay, nhất là giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đề xuất về lương giáo viên tại Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng Khoá XII

Cho dù lương cơ bản như dự kiến trong Đề án tăng thì tổng thu nhập từ lương (lương + phụ cấp) của giáo viên sẽ tăng nhưng tăng không đáng kể so với hiện nay, trong khi tổng thu nhập từ lương của các ngành khác tăng đáng kể khi thực hiện theo Đề án này.

"Điều này có thể tạo ra sự lo lắng trong đội ngũ giáo viên, nhất là trong bối cảnh đông đảo đội ngũ giáo viên và dư luận xã hội đều mong muốn lương của nhà giáo sẽ được tăng lên khi chúng tôi xin ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Khẳng định đội ngũ nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung của công việc, giáo viên cần được động viên để gắn bó, tâm huyết với nghề, phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong quá trình dạy học.

Đặc biệt, cần động viên xứng đáng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các điểm trường lẻ ở thôn/bản xa xôi, hẻo lánh. Giáo viên nơi đây không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, mà nhiều trường hợp còn như những người cha, người mẹ chăm sóc học sinh, đem con chữ đến với đồng bào ở những vùng khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, hiện nay, có rất ít học sinh giỏi muốn vào ngành sư phạm, vì vậy cần có chính sách thu hút, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, trước hết là các chính sách về lương, thưởng.

Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án và nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Những ý kiến thảo luận sâu sắc về Đề án cải cách chính sách tiền lương

Toàn cảnh phiên thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương. Ảnh: TTXVNToàn cảnh phiên thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận. 
Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong Đề án; nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này. 
Các ý kiến phát biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án cải cách chính sách tiền lương được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao. Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách tiền lương trong từng giai đoạn: 2018 – 2020; 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đối với khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đa số đại biểu nhấn mạnh chính sách tiền lương làm một bộ phận quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách. 
Trong Đề án đã đưa ra vấn đề huy động nguồn lực, tinh giản biên chế, tiết kiệm… nhưng theo đại biểu hai vấn đề quan trọng nhất là nguồn lực và tinh giản bộ máy, biên chế. 
Bảng lương ưu tiên cho công chức, viên chức, chuyên gia có trình độ cao; công chức viên chức chuyên gia giỏi lương sẽ cao hơn lãnh đạo quản lý. Điều này cần phải làm tốt công tác tư tưởng và xác định thay đổi tâm lý lãnh đạo là lương luôn luôn cao hơn mọi người.
Tuy đã tính toán nguồn lực cải cách tiền lương với tinh thần tích cực nhất, nhưng so với nhu cầu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo dự thảo Đề án vẫn còn có khoảng cách. 
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị hướng thiết kế thang lương theo các bậc lương nửa đầu lũy tiến và nửa sau lũy thoái. Việc thiết kế nửa sau lũy thoái vẫn đảm bảo được chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức có thâm nhiên, năng lực thông qua chính sách lương linh hoạt đã nêu trong Đề án. 
Chi tiết hơn về các ý kiến, xin các bạn xem thêm tại đây.

Nguồn Bộ GD&ĐT và TTXVN.

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.