Cô giáo Thu Hồng đã có nhiều bài viết về tầm quan trọng của việc trẻ ham đọc sách. Đọc sách giúp các em tăng vốn từ vựng cũng như kiến thức nền, liên quan chặt chẽ tới việc các em học và tiếp thu các môn học nói riêng hay kiến thức học thuật nói chung.
Câu hỏi mà nhiều người băn khoăn là làm thế nào để tạo cho các em thói quen đọc sách, làm thế nào để giúp các em mê đọc sách? Phần viết sau đây được trích từ cuốn sách "Học kiểu Mỹ tại nhà" của tác giả Thu Hồng:
Thu Hồng và học sinh Mỹ trên bìa cuốn sách của mình
Trước khi bàn về việc dạy và học đọc cũng như đọc hiểu, hãy cùng xem những cách phụ huynh có thể khơi gợi và nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho bản thân mình và nhất là cho các con. Tôi muốn nhấn mạnh rằng môn đọc nói chung hay đọc hiểu nói riêng là nền tảng cực kỳ quan trọng cho thành quả học tập, bất kể môn nào.
Đã có nhiều bài viết và số liệu về lợi ích của việc đọc sách thường xuyên, tôi không nhắc lại nữa. Ở đây, tôi chỉ nêu cụ thể những cách nào để khiến việc đọc sách không chỉ trở thành thói quen mà còn thành niềm đam mê. Vì một khi đã là đam mê thì tự khắc các con, hay bản thân phụ huynh, sẽ chủ động tìm đến với sách, biến sách thành bạn.
a. Biến đọc sách thành hoạt động cuốn hút
Để đọc sách không có nghĩa là học bài, nghĩa vụ phải làm, bố mẹ có thể làm những điều sau:
Khi đọc cho con, thay đổi giọng theo nhân vật, thay đổi chỗ/địa điểm/thời gian đọc. Nếu có điều kiện thì biến góc đọc hay vài chỗ trong nhà/lớp thành những chỗ ngồi thoải mái và ấm cúng. Ví dụ như dựng túp lều bằng chăn rồi chui vào đọc, hay mua ghế đu đưa, hoặc thậm chí chỉ cần tựa vài cái gối lên ghế sofa rồi ngồi dựa vào. Coi thư viện hay tiệm sách như một trong những địa điểm đi chơi, cùng với những nơi quen thuộc khác như cửa hàng, công viên, rạp chiếu phim...Góc đọc sách đáng yêu
Nếu có điều kiện thì lập tủ sách nhỏ, vài kệ sách, thành thư viện nhỏ trong phòng ngủ của con, để con dễ dàng tiếp cận với sách - nhất là những cuốn con thích - vào bất cứ lúc nào.
Đọc sách cho nhiều khán giả, đối tượng khác nhau nghe: khi các em đã rất thích một cuốn sách nào đó, hãy để các em thể hiện tài kể lại hay đọc lại câu chuyện, cuốn sách cho nhiều người khác nhau nghe. Khán thính giả có thể là những người thân trong gia đình, bạn bè, hay thậm chí những con vật, đồ vật gắn liền, thân thiết với các em. Ví dụ, để các em đọc lại cuốn sách hay truyện cho búp bê, đồ chơi của mình hay vật nuôi trong nhà (nếu có). Thậm chí các em có thể tự tạo khán giả cho mình bằng cách dùng đầu ngón tay vẽ mặt người lên hay dùng rối ngón tay. Những con rối nhỏ dễ thương này còn có tác dụng nữa là có thể biến thành các nhân vật trong truyện các em đọc.
Trang web sau có nhiều mẫu rối đầu ngón tay rất dễ làm:
https://www.template.net/design-te…/…/finger-puppettemplate/
Kết hợp đọc sách với những hoạt động khác kèm theo, hay đem diện mạo mới cho việc đọc sách với nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ khi con phải làm bài tập cho môn KHTN hay KHXH thì rủ con, khuyến khích con đọc sách liên quan đến bài tập đó để mở rộng kiến thức. Từ đó con dần định hình được thói quen hay quan niệm rằng: đọc sách không chỉ cho môn đọc hay cho điểm số mà còn cho việc tích lũy kiến thức nói chung.
"Thay áo mới" cho việc đọc: mọi người còn nhớ thời xưa khi điện khan hiếm thì phải đọc dưới ánh sáng tù mù? Hoặc bắt đom đóm làm đèn chơi? Tôi đã thử ý tưởng này và các em lớp tôi thích mê mệt: đó là Flashlight Friday. Cứ thứ sáu cuối tuần, nếu cả lớp ngoan, tôi sẽ cho các em dùng đèn pin để đọc sách."Thay áo mới" cho việc đọc sách
Lần nào cũng thế, lớp im phăng phắc, ai nấy đều đắm chìm vào trang sách. Các em phát biểu cảm tưởng như sau:
"Dùng đèn pin đọc làm con tập trung vào các dòng chữ hơn."
"Nếu đọc sách hay truyện ma, kinh dị thì hợp quá cô ơi!"
"Đọc trong bóng tối làm con hình dung như đang ở rạp chiếu phim mà bộ phim chính là những cảnh trong truyện."
Đó chỉ là vài trong số rất nhiều lý do tại sao các em thích đọc sách dưới đèn pin đến thế. Mọi người thử tối nào đó tắt hết điện đi chỉ dùng đèn pin rồi cùng nhau đọc. Làm thường xuyên mới sợ hại mắt chứ tuần một hai lần không đáng ngại lắm.
b. Đóng kịch
Biến những con chữ khô khan thành màn kịch sống động. Sách nào cũng có thể trở thành kịch bản (role-play hay reader’s theater). Sách truyện thì dễ, vì có các nhân vật, chỉ cần phân vai. Sách thông tin hay khoa học thì cần tìm hay tự tạo hình ảnh, đạo cụ để dựng thành kịch. Các em lớp tôi mỗi khi làm dự án đều diễn kịch được, từ cảnh uống trà kiểu Trung Hoa cho đến cách những nhà thám hiểm người châu u thế kỷ 16 đi khám phá. Đó là những dịp các em được dịp thỏa sức sáng tạo.
Lý tưởng nhất là bố mẹ đóng cùng con, không được thì các con đóng với nhau, có thể rủ một nhóm các bạn đồng lứa tuổi rồi cùng nhau đọc một truyện, rồi phân vai. Trẻ em vốn rất thích đóng kịch, thích biến thành nàng tiên hay công chúa, hoàng tử, hiệp sĩ mà!Đóng kịch theo truyện "Bác Gấu đen và 2 chú Thỏ"
Trang web cung cấp rất nhiều kịch bản hay, dễ, phù hợp cho các em nhỏ là:
http://www.teachingheart.net/readerstheater.htm
c. Dùng các dạng sách khác nhau, không chỉ là bản in đơn giản trên giấy
- Dùng thêm các sách mang tính tương tác cao, bằng vật liệu các em sờ và chạm như sách pop-up 3D.
- Sử dụng sách nghe và nhìn (audio và video): có nhiều trang web cung cấp sách online như Story Nony, Unite for Literacy, Just Books Read Aloud v.v...
d. Chọn các đề tài đa dạng
Không đóng khung ở truyện hư cấu (fiction) mà bất cứ sách gì cũng được, từ báo tạp chí đến từ điển, từ sách giáo khoa đến sách tham khảo, miễn là đọc được.
e. Người lớn vui vẻ đọc cùng con
Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ bản thân bố mẹ hoặc những người trong gia đình. Không nhất thiết chỉ bố hay mẹ mới đọc được cho con; ông bà, anh chị hoặc cô chú cũng có thể đọc cùng con. Không chỉ đọc sách tiếng Anh, hãy đọc cả sách báo bằng tiếng Việt cho con. Sách truyện, báo chí tiếng Việt giúp các em có kiến thức nền rất tốt, cần thiết cho sự thành công học thuật sau này.Đọc sách cùng con
f. Đọc sách đúng, không quá khó hay quá dễ
g. Khuyến khích con tìm hiểu thêm về cuốn sách đang đọc
Khuyến khích bằng cách gợi con đặt câu hỏi.
h. Chia sẻ những gì mình đọc được với người khác
Đọc, viết, vẽ về cuốn sách, hoặc làm báo cáo về cuốn sách.
Hy vọng tám điều trên sẽ giúp cả phụ huynh lẫn học sinh có được niềm đam mê đối với sách. Còn một lưu ý nhỏ nữa: tôi luôn nhắc các em lớp mình "hãy coi sách như những người bạn". Không được giẫm lên sách, ngồi lên sách, quăng quật sách, làm bẩn hay xé rách sách. Và từ nhà trẻ, các em nhỏ đã được dạy phải cầm nâng niu một cuốn sách như thế nào: ôm sách trước ngực (hug your books), mỗi lần mang sách đi đâu là phải ôm như thế.
Đọc thêm về những bài viết/post khác liên quan đến việc đọc sách:
1. Những chiến thuật đọc hiểu:
https://www.facebook.com/1369440936405733/posts/1705430076140149/
2. Danh sách truyện cho từng lứa tuổi:
https://www.facebook.com/1369440936405733/posts/2375387462477737/
3. Tổng hợp các trang web nghe truyện online miễn phí:
https://www.facebook.com/1369440936405733/posts/2709826982367115/
Chúc cả nhà ngày vui!
Thu Hồng
Ý kiến bạn đọc: