Liên tiếp vụ việc nhà giáo vi phạm về đạo đức tạo nên bức xúc trong xã hội. Hình ảnh nhà giáo bị xấu đi một phần không nhỏ làm phai dần truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Bộ GD&ĐT cần tìm ra nguyên nhân chứ không chỉ ra văn bản quy định, đôn đốc.
- Ngày 16/4/2008 ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT về đạo đức nhà giáo.
- Ngày 7 tháng 5 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.
- Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 4/9/2018 và Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thay cho chuẩn nghề nghiệp giáo viên năm 2007 cho cấp TH, năm 2009 cho cấp THCS, THPT có hiệu lực từ ngày 10/10/2018. Trong các tiêu chuẩn, tiêu chí của 2 Thông tư này có nhiều quy định về đạo đức nhà giáo.
- Ngày 6/12/2018, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn chỉ đạo đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.
Công văn số 5553/BGDĐT-NGCBQLGD
Ngoài ra các tiêu chuẩn về Trường đạt chuẩn Quốc gia đều có những tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan tới đạo đức nhà giáo. Không những thế, Bộ GD&ĐT còn dự thảo sửa đổi Quy định xử phạt hành chính với những vi phạm của giáo viên mà hầu hết liên quan tới đạo đức nhà giáo.
Như vậy về mặt pháp quy mà nói Bộ GD&ĐT đã ra nhiều văn bản liên quan tới đạo đức nhà giáo. Nhưng tại sao những vi phạm về đạo đức lại vẫn diễn ra? Đâu là căn nguyên của những vi phạm này?
1) Trước hết phải là nguyên nhân từ chính những nhà giáo đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Thử đưa ra những nguyên nhân sau:
- Nhà giáo không có những phẩm chất làm giáo dục: thiếu tình thương yêu học sinh, thiếu sự kiên nhẫn khi giao dục.
- Nhà giáo thiếu kiến thức về giáo dục, chưa được học tập tìm hiểu những biện pháp giáo dục đối với những học sinh bị thiểu năng về trí tuệ hoặc đã lãng quên các kiến thức của môn Giáo dục học, Tâm lý học đã được học từ các trường đào tạo giáo viên.
- Nhà giáo thiếu sự điều khiển cảm xúc cá nhân, đặc biệt trong những hoàn cảnh đặc biệt của gia đình hay giai đoạn biến động tâm sinh lý cá nhân.
- Nhà giáo thiếu quan hệ phối hợp với phụ huynh học sinh và tập thể giáo viên trong trường.
- Nhà giáo thiếu sự rèn luyện trau dồi, học tập thường xuyên để lấp sự thiếu hụt trong các nguyên nhân kể trên.
2) Vai trò của tổ chuyên môn mà trước hết là của tổ trưởng trong sinh hoạt thường xuyên đã không sâu sát hoặc không nhắc tới vấn đề đạo đức nhà giáo của mỗi giáo viên mà có khi chỉ sinh hoạt thuần tuý về chuyên môn.
3) Vai trò của Hiệu trưởng là nguyên nhân có tác động mạnh nhất trong các nguyên nhân. Thử đưa ra những nguyên nhân:
- Hiệu trưởng tạo ra sự mất dân chủ trong trường học nên ít nghe được ý kiến phản ánh về biểu hiện vi phạm đạo đức của giáo viên, đến khi để xảy ra vụ việc nghiêm trọng mới biết.
- Hiệu trưởng tạo ra ức chế, áp lực cho giáo viên làm cho giáo viên rối trí dẫn đến vi phạm.
- Hiệu trưởng chưa tạo ra những sinh hoạt thường xuyên để cập nhật kiến thức xử lý tình huống sư phạm hoặc trao đổi kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt.
- Hiệu trưởng chưa quán triệt quy trình xử lý các vi phạm của học sinh làm cho giáo viên không nắm vững quy trình nên đã hành động nóng vội, sai nguyên tắc.
- Hiệu trưởng chưa có mối gắn kết với phụ huynh để phụ huynh có thể mạnh dạn phản ánh sự việc, từ đó có thể ngăn chặn kịp thời những vi phạm đạo đức có thể xảy ra của giáo viên.
- Hiệu trưởng chưa tạo ra những biện pháp tốt để đẩy mạnh giáo dục học sinh trong nhà trường. Nếu học sinh chăm ngoan thì là giải pháp tích cực nhất để giáo viên không bị áp lực dẫn đến xử lý sai, vi phạm đạo đức nhà giáo.
4) Vai trò của Hội phụ huynh cũng tác động đến việc hạn chế giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Hội phụ huynh cần trao đổi kinh nghiệm với phụ huynh về việc phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em mình, đặc biệt là tinh thần cầu thị với giáo viên. Khi phụ huynh coi thường hoặc có hành động xúc phạm giáo viên thì rất dễ dẫn đến ức chế giáo viên và từ đó giáo viên để xảy ra những phản ứng vội vàng, thiếu kìm chế vi phạm đạo đức nhà giáo.
5) Các trường đào tạo giáo viên chưa cập nhật vào chương trình đào tạo các tình huống ứng xử trong môi trường sư phạm cho sinh viên, chưa chú trọng nhiều đến việc uốn nắn kịp thời những sinh viên chưa đủ các phẩm chất để trở thành thầy cô giáo trong tương lai.
Hy vọng bài viết là những gợi ý để các đơn vị rà soát cùng có những giải pháp cụ thể nhằm chấm dứt những vi phạm đạo đức của nhà giáo để hình ảnh các thầy cô luôn đẹp trong xã hội, góp phần khôi phục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" đang bị phai dần. Bài viết này xin chưa bàn tới giải pháp mà chỉ dừng ở việc "khám bệnh".
Rất mong các bạn trao đổi tìm ra các nguyên nhân để từ đó đưa ra các giải pháp tốt về vấn đề này. Cảm ơn.
Lê Thống Nhất
Ý kiến bạn đọc: