Tác giả sách giáo khoa lớp 1 liệu có kịp viết để thí điểm trong năm học mới?

  • 18/01/2018 | 05:43 GMT+7
  • 8.497 lượt xem

Cả xã hội chờ chương trình các môn học nóng ruột bao nhiêu thì các tác giả giáo khoa lớp 1 còn cháy lòng bấy nhiêu. Bởi Dự thảo đang lùi hơn tuần chưa công bố, rồi "chốt" cũng phải đến tháng 3 theo như kế hoạch (nếu không bị hoãn).

Một số tác giả đang nằm trong diện viết sách giáo khoa lớp 1 không khỏi băn khoăn: Làm sao để viết có chất lượng sách giáo khoa kịp thí điểm trong năm học tới và sẽ triển khai toàn quốc chính thức vào năm học 2019 - 2020.

Tuy Bộ GD&ĐT chưa công bố chính thức Dự thảo các Chương trình môn học nhưng một số "tiết lộ" từ các Tổng Chủ biên chương trình môn học cũng làm các tác giả lo lắng.

- Chương trình môn học có tính mở bao nhiêu thì khó cho người viết bấy nhiêu. Chẳng hạn như môn Tiếng Việt/ Ngữ văn, chương trình chỉ chốt 6 tác phẩm còn ngữ liệu cho các tác giả viết sách giáo khoa là để mở. Có tác giả tâm sự: Mở bao nhiêu lại khổ bọn mình bấy nhiêu. Chọn ngữ liệu đưa vào sách viết còn qua bao nhiêu sự thẩm định, liệu có "trót lọt" hay không? Nếu có nhiều ý kiến mà phải chọn lại ngữ liệu thì tốn thêm bao nhiêu công sức.

- Riêng tiếng Việt lớp 1 hiện nay có 2 cách đánh vần (theo tài liệu công nghệ giáo dục và chương trình năm 2000), vậy chương trình môn Tiếng Việt mới có khẳng định theo cách nào hay vẫn để mở?

- Sách giáo khoa không chỉ là sản phẩm của các tác giả viết mà còn của các tác giả trình bày sách, nhất là sách dành cho học sinh lớp 1, với kênh hình khá lớn. Vậy các tác giả trình bày và minh hoạ sách có bị áp lực lớn không? Chưa kể quy trình ra một cuốn sách phải qua biên tập đọc, sửa chi tiết đến mấy lần, lại còn in thử, ...

- Sau khi chọn xong sách giáo khoa thí điểm cho lớp 1 thì còn một công đoạn khá quan trọng là viết tài liệu tập huấn cho giáo viên dạy thí điểm, thậm chí còn có những tiết dạy mẫu để định hướng khi dạy thí điểm. Liệu các tác giả có "chạy" kịp không? Khi thí điểm có cần tới các thiết bị dạy học kèm theo không? Các nhà sản xuất thiết bị có kịp đáp ứng ở một diện nhỏ ngay không?

- Việc tổng kết thí điểm cũng là một khâu rất quan trọng, mất nhiều khảo sát, thống kê, trao đổi, hội thảo để đi đến thống nhất điều chỉnh sách giáo khoa trước khi triển khai toàn quốc.

Mới khái quát qua như vậy mới thấy, bất cứ công đoạn nào chậm chễ thì càng gây áp lực cho các tác giả và kể cả xã hội trong việc chung tay cùng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chúng ta vẫn hy vọng và quyết tâm, nhưng sự điều hành quả là cần quyết liệt hơn, tạo điều kiện cho niềm tin lớn hơn về một sự thay đổi căn bản và toàn diện cho giáo dục phổ thông Việt Nam. Mong các nhà điều hành nhớ câu của các cụ đã dạy: "Dục tốc bất đạt"!

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.