Sao em vội ra đi? Còn mãi bao kỷ niệm...

  • 01/05/2020 | 11:33 GMT+7
  • 2.611 lượt xem

Người báo tin cho BigSchool khi nhà giáo, nhà thơ, TS. Nguyễn Trọng Hoàn vừa mất là nhạc sĩ Bùi Anh Tú. Trong những năm cùng công tác tại Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT hai anh em có nhiều kỷ niệm mà có chuyện bây giờ chúng ta mới biết.

Xin chia sẻ với các bạn, những người đã từng biết, từng học, từng làm việc, từng yêu quý nhà giáo, nhà thơ, TS. Nguyễn Trọng Hoàn những tâm sự của nhạc sĩ Bùi Anh Tú.

 

SAO EM VỘI RA ĐI? CÒN MÃI BAO KỈ NIỆM...
(Thương nhớ em - TS. Nguyễn Trọng Hoàn)


Thế là đã sang ngày thứ 4 rồi (kể từ 28/4/2020), em không còn hiện hữu trên cuộc đời này nữa.

Em, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, TS Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã vội vã rời xa cuộc đời. Em ra đi khi sự nghiệp giáo dục, những công việc cùng biết bao niềm đam mê trong lĩnh vực Văn học- Nghệ thuật... đang còn dài ở phía trước. Em đã đưa ra ý tưởng và nói với anh là hai anh em sẽ làm một số dự án về Thơ - Nhạc với nhau sắp tới nữa. Bao dự định, ý tưởng còn dở dang mà em vội ra đi.

Ôi! Mấy ngày nay anh không thể làm được việc gì cho ra hồn cả. Lúc nào cũng nghĩ đến em, trong bữa ăn, giấc ngủ ngay cả lúc đi xe máy trên đường phố đông đúc trong đầu vẫn luôn lởn vởn về hình ảnh của người em thân thương.
Anh em cùng về thăm mẹ ngày 28/2/2020Anh em cùng về thăm mẹ ngày 28/2/2020
Trong cuộc sống ai cũng có những người bạn, người đồng nghiệp gần gũi thân thiết. Với em và anh còn có những kỉ niệm đặc biệt riêng tư nữa. Em là Phó Vụ trưởng, là lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo công việc chuyên môn Âm nhạc của anh, anh là cấp dưới của em. Nhưng em đã từng nói với anh: Ngoài giờ làm việc Trọng Hoàn luôn coi anh Tú là một người anh, một đồng nghiệp, một nghệ sĩ (Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và Trọng Hoàn cũng là cũng là một thi sĩ (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam). Vì thế trong những đợt cùng em đi công tác địa phương em cứ gọi anh Tú và xưng em, nhiều người ngạc nhiên vì Lãnh đạo sao gọi như thế và Trọng Hoàn cười nói: "Anh Tú hơn tuổi Trọng Hoàn nên xưng thế."

Là lãnh đạo nhưng em lại là thi sĩ nên hai anh em có những quan điểm, sở thích giống nhau. Anh đã từng nói với em: Bùi Anh Tú chỉ đóng 2 vai diễn thôi đã khó rồi. Vai diễn thứ nhất trong công việc chuyên môn hành chính của cơ quan và thứ hai là vai diễn của một nghệ sĩ, một người sáng tác nhạc. Trọng Hoàn phải đóng 3 vai diễn ngoài 2 vai diễn như anh Tú, Hoàn còn thêm một vai diễn khó hơn nữa là vai cán bộ lãnh đạo, quản lý. Em cười công nhận. Em gần gũi, thân thiện với tất cả mọi người, không phân biệt trên dưới, với cơ quan cũng như các địa phương…tất cả vì công việc. Đi công tác nước ngoài hay các địa phương về em hay tặng anh quà như chiếc cà vạt từ nuớc Anh, bộ ấm chén, những chai rượu, gói chè, bao thuốc lá, điếu xì gà… và nhiều thứ nữa. Những tập thơ của em, tạp chí, báo có đăng bài viết của em tặng anh, tất cả những thứ đó vẫn hiện hữu trong nhà anh đây.

Với em và anh có biết bao kỉ niệm không thể kể hết được. Kỉ niệm với em trong công việc của cơ quan, trong những chuyến đi công tác địa phương và kỉ niệm trong sự kết hợp những tác phẩm thơ, nhạc và kỉ niệm về cuộc sống riêng tư…
Về thăm mẹ tháng 2/2020Về thăm mẹ tháng 2/2020
Anh là người chuyển công tác về Bộ GD&ĐT sau em rất nhiều năm. Em giao cho anh một số công việc, có những việc ngoài chuyên môn âm nhạc, lạ lẫm đối với anh, cần phải am hiểu về tài chính, kinh tế, luật... mới làm được. Anh đã có lần viết đơn xin phân công người khác nhưng em không đồng ý và nói: Anh cứ làm rồi sẽ quen dần, công việc sáng tác của anh có khi còn khó hơn nhiều anh còn làm được mà, cần gì em sẽ hướng dẫn anh Tú cụ thể. Và anh phải làm, lúc đầu bỡ ngỡ nên có việc làm ngô nghê, buồn cười quá. Em đã hướng dẫn anh làm lại và nhớ mãi, sau này em vẫn nhắc lại việc đó và cười rất vui như một kỉ niệm. Trong công việc tại cơ quan là như thế, còn trong những đợt cùng em đi công tác lại nhiều kỉ niệm thật khó quên. Anh và em đã cùng nhau rong ruổi đi khắp mọi miền của đất nước, từ biên giới đến hải đảo, từ miền núi đến đồng bằng... Nhớ lần đi công tác cùng em tại cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang anh và em đã làm việc với địa phương, đến những ngôi trường, leo lên tận đỉnh cao chân cột cờ của Tổ quốc nhìn sang biên giới Trung Quốc chụp ảnh. Hết ngày làm việc, sau khi liên hoan cùng địa phương, mọi người trong đoàn đã mệt về khách sạn  ngủ, nhưng em lại gọi anh tiếp tục đi giao lưu cùng các thầy giáo tại địa phương nhiều cuộc nữa và sau đó về một ngôi trường có thầy hiệu trưởng biết chơi đàn ghi ta, có sẵn đàn, anh và em tiếp tục cùng thầy hiệu trưởng hát, đàn cả đêm. Đến 2 giờ sáng lúc đó mất điện trời tối om, anh và em phải lần mò trong đêm tối mới về khách sạn được.
Kỷ niệm chuyến công tác Lai Châu năm 2016Kỷ niệm chuyến công tác Lai Châu năm 2016
Rồi trong các chuyến đi công tác tại Cần Thơ, Tây Nguyên, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, đảo Phú Quốc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng... và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước nữa. Lần công tác gần đây và là những lần cuối đi cùng em là Thanh Hóa, Đà Nẵng và Kon Tum. Em lại gọi anh tối đi giao lưu ca nhạc với các anh em đồng nghiệp, học trò của em và ngồi tâm sự cùng anh đến khuya. Mỗi đợt đi công tác cùng em, mỗi địa phương anh và em đều có những kỉ niệm đẹp với nhau.
Nhớ lần ở Đà Nẵng, sau khi tổ chức Hội thảo, tối giao lưu với lớp tập huấn xong, em lại kéo anh đi ngồi với các văn nghệ sĩ của Đà Nẵng. Anh và em còn ngồi ngắm sông Hàn, ngắm cầu Thuận Phước (lúc đó chưa có cầu Rồng) suốt đêm và sau đó em có bài thơ để anh phổ nhạc thành bài hát "Đà Nẵng - Một tình yêu" do ca sĩ Anh Thơ thể hiện. Bài này những lần đi công tác anh và em được nghe nhắc đến và trong danh mục Karaoke bài hát này được sử dụng nhiều.

Em là một người viết nhiều, viết khỏe ở nhiều lĩnh vực: Thơ, văn, báo chí, lý luận phê bình, sách giáo khoa, kịch bản văn học, kịch bản phim ảnh, truyền hình… Anh và em có duyên trong thơ và nhạc. Rất nhiều bài thơ của em đã được anh phổ nhạc thành công, đã được giới thiệu trên Đài THVN, Đài TNVN, Đài TH Hà Nội, các phương tiện thông tin đại chúng, in trong sách giáo khoa từ cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, những bài hát về Mẹ, về tình yêu quê hương đất nước, về nghề dạy văn như: "Em đến trường mầm non" (Ngọc Linh-Kim Anh hát), "Lớp Một của em" (Sách GK Tiếng Việt lớp 1 mới), "Vì cuộc sống đẹp tươi" (VTV, Tốp ca THCS Chu Văn An, Hà Nội), "Lặng lẽ mẹ tôi" (VTV1, ca sĩ Lê Anh Tuấn), "Đà Nẵng - Một tình yêu" (ca sĩ Anh Thơ), "Gửi tới đảo xa" (VTV1, ca sĩ Thanh Bình) , "Gửi người yêu văn" (ca sĩ Việt Hoàn), "Thanh Xuân trường em" (Tốp ca NVH Ba Đình, Hà Nội), "Bài ca Trường THPT Đồng Đăng, Lạng Sơn" (tốp ca) và một số bài thơ của em được các nhạc sĩ khác phổ như: "Gửi từ Hà Nội" (VTV1, nhạc sĩ Khánh Vinh, ca sĩ Lê Anh Dũng), "Từ bàn tay cô" (Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn), "Chiều hoa sen" (VTV1. Nhạc sĩ Ngọc Khuê - Ca sĩ Thanh Nga), "Huế xưa trở lại" (Nhạc sĩ Hoàng Long), Hẹn hò Quan họ (Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn - Ca sĩ Trang Nhung),...
Nhớ lần anh và em đi quay hình bài hát "Lặng lẽ mẹ tôi" do VTV1 thực hiện tại làng cổ Đường Lâm từ sáng đến tối, một kỉ niệm về sự kết hợp bài hát giữa anh và em thật khó quên.

Em đam mê đi và viết, luôn thức đêm, ít ngủ vì em làm cán bộ quản lý phải dốc hết sức lực để cho công việc của cơ quan, chỉ có đêm em mới có thời gian để làm thơ, viết sách, báo... Em có bài thơ rất lạ: "Giờ thứ hai lăm". Đúng thật, với em chỉ có giờ thứ 25 là dành riêng cho mình để viết và mong một ngày có 25 giờ chứ không phải 24 giờ nữa.

Về cuộc sống riêng tư, em cũng có một số quan điểm giống anh. Em ít nói về gia đình, chỉ kể về người vợ mà em rất yêu quý, các con yêu ngoan ngoãn, học giỏi và đặc biệt là người mẹ già 80 tuổi sống một mình ở quê nhà em rất yêu thương. Anh biết chủ nhật tuần nào em cũng thuê Taxi về thăm bà, có lúc đi riêng, lúc cùng vợ con (trừ lúc em phải đi công tác) hoặc có việc quan trọng ở cơ quan. Bài hát "Lặng lẽ mẹ tôi" (Nhạc: Bùi Anh Tú - Bùi Anh Tôn) là từ bài thơ "Hình dung" em viết tặng mẹ với tất cả tình cảm yêu thương chân thành nhất.

Em thích thuốc lá, chè, rượu, bia chủ yếu là để ngồi cho vui, đàm đạo thơ, văn, nhạc, họa... Anh cũng cùng sở thích hút thuốc lá, uống bia nhưng thua em. Và thế nên trưa hoặc chiều em và anh hay đi uống, ăn trưa đặc biệt là em thích ngồi xe máy anh đèo để tránh tắc đường (tuy nhiên em vẫn đi taxi đi làm và công việc khác). Nhiều lúc em nói anh đèo em về nhà bằng xe máy để ngắm phố phường, tâm sự chứ không đi taxi. Vì thế ở cơ quan anh có 2 chiếc mũ xe máy. Một mũ anh đội và một để chuyên đèo em đi ăn trưa, ngồi uống hoặc lúc đi chơi hay công việc khác cho tiện lợi và nhanh. Xong anh lại cất 1 mũ trong tủ cơ quan, lúc nào đèo em lại lấy ra. Cũng vì cái mũ dùng đèo em mà anh bị ngờ vực vì khi đèo em đi ăn buổi tối xong muộn rồi thì về nhà chứ vòng lại cơ quan làm gì nữa để cất mũ. Khi về nhà xe máy của anh có treo 2 mũ và bị đánh dấu hỏi. Anh kể cho em, em cười và bảo hôm nào đến nhà giải thích: Mũ này chuyên đèo Nguyễn Trọng Hoàn đi uống bia thôi. Vậy đó.
Biển Hồ, Pleiku tháng 8 năm 2019Biển Hồ, Pleiku tháng 8 năm 2019
Có những tối em cùng anh tiếp khách bạn bè ở các địa phương về Hà Nội, hôm ở Hồ Tây, lúc ở quán ngay gần nhà em, đặc biệt có một lần ngồi đến quá 12 giờ đêm. Em bảo anh ngủ lại nhà nhưng anh cứ về. Đêm muộn, cũng do uống nhiều nên đáng ra phải rẽ trái về nhà anh ở phía Ngã Tư Sở, anh lại rẽ phải đi ngược sang gần cầu Thăng Long ra phía sân bay Nội Bài. Đang hoang mang, may quá không hiểu sao mới 3 giờ sáng mà có mấy chị "sồn sồn" chắc không ngủ được đi bộ tập thể dục sớm thế. Liền hỏi, mấy chị đó nói anh về Ngã Tư Sở phải rẽ trái chứ. May mà về đến nhà được. Con trai anh thương và nói bố đi về đêm nguy hiểm sao ko gọi con đến đón. Hôm sau anh kể em cười nói: "Người nghệ sĩ lang thang ngoài hiên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường" (Phú Quang). Sau lần đó khi uống ở gần nhà em, nếu muộn, uống nhiều, anh đều gọi con trai đến đón, nhiều lần về em luôn quan tâm gọi điện hỏi anh Tú về nhà an toàn rồi chứ. Em hay đùa: "Về nhà sau 12 giờ đêm là "về sớm" (vì là sáng sớm của một ngày mới), về nhà trước 12 đêm giờ là "về muộn"".
Hai anh em một chiều Lai Châu năm 2016Hai anh em một chiều Lai Châu năm 2016

Là người đam mê, trách nhiệm với công việc nên khi bị bệnh nặng đang nằm viện nếu có cuộc họp em vẫn đi taxi về cơ quan họp khi có thể. Họp xong em gọi anh đến phòng làm việc của em để trao đổi một số công việc còn dở dang và trưa em cùng anh đi ăn trưa. Em chỉ ngồi nhìn anh ăn uống với mọi người vì em ko thể ăn được gì chỉ muốn mọi người vui. Vẫn còn ảnh chụp lần cuối cùng với em ở phòng làm việc của em tại Bộ GD&ĐT khi em có bài thơ phổ nhạc và nói anh đàn hát cho em nghe để cùng nhau chỉnh sửa (ảnh do em Thái yêu quý của Trọng Hoàn luôn đưa đón em đi hằng ngày lúc em ốm chụp tại phòng em). Sau lần đó em còn đến cơ quan 1 lần cuối làm việc, em gọi anh đến trao đổi và sau đó anh đèo em đi ra hàng gội đầu vì em nói ngứa đầu quá. Anh bảo em cắt tóc nữa luôn vì tóc dài rồi. Em nói: "Hôm nay ngày 1 Âm lịch kiêng không nên cắt tóc (1/3 Âm lịch). Anh chiều em chỉ để em gội đầu". Xong anh đèo xe máy đưa em về bảo em đi ăn trưa nhưng em nói giờ ko ăn được vì đau lắm, về viện ăn theo chế độ và truyền thôi. Em nói để em ở cổng viện rồi em tự vào vì đang dịch bệnh Covit-19 bệnh viện không cho vào đâu. Hôm đó, lúc đón em ở cơ quan Bộ, khi đưa cái mũ chuyên dùng đèo em đi để em đội em nói: mũ đã cũ quá rồi mấy hôm nữa cho anh Tú cái mũ mới khác. Anh nói là vẫn còn cái mũ mới khác nữa mà Hoàn đưa anh hôm trước để đèo em đi. Anh có hẹn Hoàn: Cứ một tuần 2 lần (hoặc 1 tuần 1 lần) anh Tú đến viện đèo em đi gội đầu vì ở viện không thoải mái, chủ yếu là anh em đi cho vui. Em nói Cảm ơn anh. Ai ngờ đó là lần cuối cùng được đèo em đi xe máy trên đường Hà Nội. Sau một tuần, đúng hẹn anh có nhắn cho em nói hôm nay anh Tú đến viện đèo Hoàn đi gội đầu nhé. Hoàn nhắn tin: ""Nội bất xuất, ngoại bất nhập" đang dịch bệnh không thể đi được đâu. Cám ơn anh Tú". Sau đó không thấy em lên Facebook, điện thoại, Zalo gì nữa. Sinh nhật em 8/4 chúc mừng em chỉ nhận được câu ngắn gọn: "Em cảm ơn anh!". Dự đoán em nguy kịch, anh gọi cho Xuân vợ em và đúng thế. 
Trong những ngày nằm viện, em đã rất vui khi anh cho em xem video ca khúc "Gửi người yêu Văn" do cô giáo Bích Ngọc, chính là cô giáo dạy Văn hát:

Em ra đi vội vã khi còn biết bao công việc nghĩa tình chưa thực hiện được. Hai nhạc sĩ Hoàng Long-Hoàng Lân là hai nhạc sĩ em rất kính trọng và yêu quý (NS Hoàng Long đã phổ nhạc bài hát: "Huế xưa trở lại" từ bài thơ của em). Hai nhạc sĩ đã cộng tác nhiều chương trình với Bộ GD&ĐT, các Dự án của UNICEF mà em là cấp trên phụ trách, anh lo về chuyên môn. Trong những lần làm việc, gần đây hai nhạc sĩ đáng kính của ngành giáo dục có nói cho đến ngày hôm nay chưa đặt chân đến Điện Biên một lần. Anh ngỡ ngàng quá và kể với em. Em cũng ngạc nhiên vô cùng vì không ngờ là hai nhạc sĩ lớn của ngành giáo dục đã đặt chân đi khắp mọi miền đất nước mà sao lại chưa hề đến Điện Biên, trong khi đó Trọng Hoàn và anh Tú đến không biết bao lần và em khẳng định luôn: "Trọng Hoàn sẽ tổ chức một chuyến đi mời hai nhạc sĩ lên Điện Biên tham quan du lịch và giao lưu với các trường, với thầy cô giáo và các em học sinh trên mảnh đất lịch sử này". Em bàn với anh là sẽ tổ chức chuyến đi với tư cách cá nhân (không đi máy bay mà thuê ô tô riêng và nên đi vào muà xuân để cho hai nhạc sĩ được ngắm phong cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, ngắm hoa đào, hoa ban, hoa mận…). Lịch trình sẽ đi qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu rồi đến Điện Biên, tiện đâu nghỉ đó. Em còn dặn anh lo thức ăn, nước uống, thuốc men và đồ dùng đầy đủ dùng dọc đường cho hai nhạc sĩ lão thành. Anh đã nói với 2 nhạc sĩ nguyện vọng của em, hai nhạc sĩ rất xúc động. Em còn nói sẽ đưa anh Tú đi cùng em đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mà em cho là một địa điểm lý tưởng, đẹp em đã từng đến. Nhưng thật buồn sao. Bao nguyện vọng, những dự định tốt đẹp của em và anh đang lên kế hoạch thực hiện thì em bất ngờ bị bệnh nặng rồi ra đi!

Ôi! Cuộc đời em sao mà ngắn ngủi quá.
Bức ảnh cuối cùng chụp tại phòng làm việcBức ảnh cuối cùng chụp tại phòng làm việc
Không thể nào quên được những tháng ngày làm việc, những tình cảm và những kỉ niệm vô cùng đẹp với em. Còn nhiều và nhiều nữa… nước mắt ngập tràn, không thể kể hết được. Ngồi đàn, hát những bài hát anh phổ thơ em mà nghẹn lòng không thể đàn, hát tiếp được nữa.

Nhớ thương em. Cầu mong em siêu thoát và thanh thản nơi cõi Vĩnh hằng!

BigSchool: Theo nhạc sĩ Bùi Anh Tú, có một nhầm lẫn từ lâu mà nhà giáo, nhà thơ, TS. Nguyễn Trọng Hoàn đã tâm sự với anh là rất muốn đính chính: "Ca khúc "Tạm biệt búp bê" mà nhiều người cho rằng nhạc sĩ Hoành Thông phổ thơ của Nguyễn Trọng Hoàn là không đúng!". Vừa qua rất nhiều báo cũng đã nhầm như thế. Nhân bài viết này, xin được chia sẻ mong muốn đính chính của TS. Nguyễn Trọng Hoàn. 

Xin mời các bạn nghe lại những ca khúc mà các nhạc sĩ đã phổ nhạc cho thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn:
1. Em đến trường mầm non 


2. Vì cuộc sống đẹp tươi

3. Gửi tới đảo xa 

4. Gửi người yêu Văn

5. Gửi từ Hà Nội

6. Chiều hoa sen

7. Huế xưa trở lại

8. Hẹn hò Quan họ 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.