Đang trong thời điểm trao đổi về sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì có câu chuyện của nhà giáo Phạm Phúc Thịnh kể cùng quan điểm của mình. Nhà giáo Tô Thuỵ Diễm Quyên cũng cho biết quan điểm của bản thân để trả lời đồng nghiệp.
"Sách giáo khoa là pháp lệnh!"
Những bạn nào từng là giáo viên của những năm 80, 90 thế kỷ 20 chắc hẳn không quên được câu nói này.
Hồi đó, mấy lãnh đạo về thanh tra nhà trường, kiểm tra, dự giờ giáo viên hoặc chỉ đạo chuyên môn thường hay có mấy câu chỉ đạo cửa miệng luôn được nhắc đi nhắc lại :
- Sách giáo khoa (SGK) là pháp lệnh
- Phải bám sát SGK khi lên lớp (mỗi lần nghe câu này, mình lại liên tưởng đến hình ảnh con thằn lằn bám vào vách tường)
- Phải thực hiện đủ 5 bước lên lớp, không được thiếu bước nào (chắc là bước thiếu một bước hụt chân té lăn quay).
- Giáo án không có ngày soạn là hổng đảm bảo tính chuyên môn (Ủa... giáo án người ta soạn lúc nào chả được, miễn là trước khi lên lớp là OK rồi, hổng lẽ phải chọn ngày tốt mới được soạn sao ta???)
v.v...Thầy giáo Phạm Phúc Thịnh
Tóm lại là rất nghiêm túc, rất chuẩn mực và rất ràng buộc!!!
Nhớ hồi đó (1983), mình mới ra trường đi dạy được 1 tháng, thì trường mình đón đoàn thanh tra toàn diện của Sở về.
Mình ngạc nhiên quá đỗi khi thấy các bậc tiền bối của mình nháo nhào chuẩn bị giáo án, đồ dùng dạy học, các loại sổ sách v.v... Mình thì cứ tỉnh khô như không có chuyện gì xảy ra.
Bữa đó, tự nhiên thấy có một cô lớn lớn tuổi - mình chưa gặp bao giờ - đi với 2 ông chuyên viên phòng phổ thông vào dự giờ dạy của mình.
Giờ dạy đó mình cũng dạy như mọi khi: cho học sinh khởi động giờ học bằng trò chơi, vào bài bằng một vấn đề thực tế, trong giờ học thì học sinh chia "phe" để tranh cãi đưa ra ý cá nhân v.v... Tóm lại là hổng có bám SGK mà cũng hổng bước đúng 5 bước bài bản... Bọn học sinh thì vẫn quậy nhiệt tình như mọi khi!!!
Dự giờ xong, mình thấy cô già già đó chỉ dừng lại hỏi mình 2 câu :
- Em ra trường mấy năm rồi ?
- Ngày nào lên lớp em cũng dạy như vậy hay bữa nay có cô em mới dạy như vậy?
Hai bác chuyên viên của Sở thì có vẻ lo lắng ra mặt, kiểu như giờ dạy của mình có gì đó sai sai hay sao á ^_^
Ngày hôm sau, mình có giấy gọi lên Sở, gặp GĐ Sở...phen này cầm chắc trở về vỉa hè thân yêu tiếp tục sự nghiệp bơm vá xe đạp rồi :-(
Hic, lên Sở, theo 2 ông chuyên viên, bước chân vào phòng GĐ mình mới phát hiện ra cái cô già già hổng quen biết hôm qua là cô Q. giám đốc Sở hồi đó.
Cô hỏi han mình học sư phạm ở đâu ra, có thật là mới bóc tem không, hồi học sư phạm môn phương pháp giảng dạy mình có kết quả thế nào v.v... sau đó phán một câu làm mình hết hồn :
- Cô thấy con dạy hôm qua hổng có bám SGK gì hết, cũng hổng có thực hiện đúng các bước lên lớp, hổng giống với phương pháp giảng dạy con được học gì hết!
Tới đó, cô dừng lại bảo mình uống ly trà đi, trà ngon lắm đó - kiểu này giống với kiểu bữa ăn trước khi xử bắn quá - , hic, nhìn mặt 2 ông chuyên viên sở là thấy cầm chắc mình tiêu rồi.
Chờ mình uống xong tách trà ân huệ, cô chậm rãi nói tiếp:
- Nhưng cô thích cách dạy của con, cô chưa bao giờ thấy một tiết học mà thầy trò học dzui như vậy, cô đánh giá giờ dạy của con là giờ giỏi, cố gắng duy trì cách dạy mãi như thế nhé!
Hic, quên mất mình là ai, đang ở đâu, mình nhảy phắt ra khỏi ghế ngồi, ôm cô GĐ Sở và nói:
- Cho con hôn cô một cái nha, cô nói dzị là con mừng rồi...
Dzị là nhờ có "thánh chỉ" của giám đốc Sở, mình thoát được cuộc mổ xẻ - cầm chắc là gay gắt - của 2 ông chuyên viên Sở.
Hi hi, từ đó về sau, mình cứ dạy theo cách "vô thiên vô pháp" như vậy, vì đã có "khẩu dụ của thánh thượng" rồi. :-)
Hi hi, vậy đó, sau này, lăn lộn trong ngành qua nhiều vị trí khác nhau mình phát hiện ra một vài điều khá hay :
1. Có những lãnh đạo muốn thay đổi, nhưng họ không có được đội ngũ giúp việc ủng hộ.
2. Những quy định đôi lúc hổng phải khắt khe như người ta tưởng tượng.
3. Thật ra SGK chả là pháp lệnh đâu, đúng ra phải là khung phân phối chương trình và chuẩn kiến thức kỹ năng mới là pháp lệnh chứ nhỉ?
Vậy nên, nói gì thì nói, theo mình thì CÓ MỘT BỘ SGK CŨNG TỐT, NHIỀU BỘ SGK THÌ TỐT HƠN, MÀ KHÔNG CÓ BỘ SGK NÀO CÓ KHI LẠI LÀ TỐT NHẤT (kiểu như good - better - The best trong tiếng Anh í mà).
Từ câu hỏi của bạn Phạm Phúc Thịnh: "Bạn có dùng sách giáo khoa để dạy không?” Tôi chợt giật mình và phải thú thật với mọi người rằng: không!
Từ nhiều năm trước khi mà những người đi dự giờ người khác còn hung hăng phán rằng "sách giáo khoa là pháp lệnh" đồng thời vặn vẹo người bị dự đến khốn khổ khốn nạn thì tôi đã không dùng sách giáo khoa để soạn bài rồi.
Có lần tôi dạy bài phân bón. Vào những năm 97 nếu bạn làm phim hoạt hình để dạy thì bạn sẽ bị buộc tội rất nặng như tôi: dạy cái quái gì vậy? Sao không có 5 bước lên lớp? Sao không kêu lên trả bài? Cho coi hoạt hình sao tụi nó ghi bài lấy đâu để học?
Hàng trăm lý lẽ bủa vây người thầy, đè nén người thầy không cho bước ra khỏi chiếc hộp với cái vòng kim cô trên đầu: Sách giáo khoa! Nếu bạn lấy ví dụ bên ngoài sách bạn cũng sẽ bị buộc tội là "dạy ngoài chương trình". Bạn bỏ qua ví dụ nào thì bị gọi là "cắt xén chương trình".
Trời ơi có ai đủ kiên nhẫn ngồi 8 tiếng một ngày để nghe hết những gì thầy cô giáo dạy không?
Nếu mọi thứ y như sách giáo khoa, thế thì ông thầy chính là cuốn sách nói, là robot. Mà nếu thế thì chả cần ông thầy bởi Google chính là "Ông Biết Tuốt" đáng gờm.
Vậy thì thầy cô phải nên thế nào?Cô giáo Tô Thuỵ Diễm Quyên
Muốn cho trò ăn thịt, thầy cô phải chế biến nó thành những món ăn đa dạng và pha chế nó sao cho tăng giá trị dinh dưỡng. Không thể nào vì quy chế mà ngày qua ngày thịt chỉ được luộc để nhìn rõ là thịt.
Bạn sẽ thụ động ngồi chờ thầy rót từng chút vào đầu bạn hay bạn sẽ tự mình đi tìm kiếm những gì bạn cần để trở thành hùng mạnh?
Câu hỏi thật quá dễ để trả lời và càng dễ hiểu hơn với chuyện "kiến thức ở đâu?".
Kiến thức không chỉ nằm trong bộ sách giáo khoa bé nhỏ chật hẹp. Kiến thức là biển trời mênh mông mà đứa trẻ có thể tìm thấy ở Google, ở các kênh truyền thông, ở mọi trang web, ở chợ hay trên xe bus.
Quay trở lại với câu hỏi đầu tiên để trả lời: Tôi chỉ xài mục lục trong sách giáo khoa để biết lộ trình, tôi không cần SGK để bám theo vì sợ tự tạo lối mòn.
Thế kỷ này mà ôm cuốn sách giáo khoa trong tay rồi yên tâm bước lên bục giảng thì xin thưa: các bạn đang cản đường của bọn trẻ rồi! Xin hãy tránh sang một bên vì thế giới không cần bạn nữa!
Thế giới cần bạn nếu bạn là một người thầy có thể làm những đứa trẻ bình thường thành phi thường với trái tim và khối óc của bạn.
Xin hãy để cho thầy trò chúng tôi tự đi tìm kiến thức. Các chuyên gia chỉ cần cung cấp bản đồ (Khung chương trình). Đừng trói thầy trò chúng tôi lại và dán bùa sách giáo khoa lên trán: chúng mày chỉ được học từng này thôi nhé! Đất nước còn nghèo cấm đòi hỏi sách này sách nọ.
Hãy đặt những người có chuyên môn và tầm nhìn vào đúng vị trí, có vậy thế hệ trẻ của chúng ta mới ngóc đầu lên được!
BigSchool: Trên đây là câu chuyện và trao đổi của 2 nhà giáo đã từng có trải nghiệm nhiều trong giáo dục. Tuy nhiên để đi tới những kết luận mang tính thực sự khoa học thì đòi hỏi các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục hãy nghiêm túc cho ý kiến. Cũng mong muốn các tác giả của SGK đưa ra thêm quan điểm của mình. Trên thế giới cũng đã có nước xem nhẹ chuyện giáo khoa và đòi hỏi các giáo viên phải soạn được bài giảng của mình từ chương trình môn học, từ các tài liệu, kiến thức của mình. Tuy nhiên để đi tới chặng đường đó, theo suy nghĩ của chúng tôi cần phải có một đội ngũ giáo viên đầy đủ chất lượng. Giáo viên trình độ kém thì dù có trang bị sách gì đi nữa cũng khó mà giảng dạy thành công. Bởi vậy cốt tử cho đổi mới chương trình phổ thông vẫn phải là đội ngũ nhà giáo. Mong các bạn có ý kiến thêm.
Ý kiến bạn đọc: (4)
Dạy học mà quy định từng bước, nhiều sổ sách vô lý. Trong khi giáo viên lo chuyện giáo án và sổ sách nhưng chuyên môn lại không cao. Buồn cho tầng lớp gọi là làm giáo dục!
Tôi đi dạy gần như chưa bao giờ cầm giáo khoa và cũng không dùng!