Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học". Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị từ Thường vụ Quốc hội: chưa thực hiện việc đó trong giai đoạn này.
Xin có vài vấn đề cùng bàn luận xoay quanh câu chuyện sách giáo khoa (SGK):
- Đến ngày thống nhất đất nước, miền Bắc vẫn theo chương trình phổ thông 10 năm, trong khi miền Nam là 12 năm. Mỗi miền lại sử dụng một bộ sách giáo khoa riêng. Đến năm 1979, cải cách giải dục được tiến hành theo hướng thống nhất chương trình học 12 năm. Hai năm sau, những cuốn sách SGK đầu tiên theo chương trình mới được đưa vào sử dụng và từ đó chúng ta thống nhất một bộ SGK cho cả nước.Sách Học vần lớp 1, tập 1, NXB Giáo dục ấn hành năm 1981
- Năm học 2006 - 2007 là năm đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo chính thức triển khai phương án THPT phân ban nên SGK mới gồm hai loại: SGK theo chương trình chuẩn dành cho ban cơ bản; SGK theo chương trình nâng cao (gồm tám môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) dành cho hai ban: ban khoa học xã hội - nhân văn và ban khoa học tự nhiên. SGK theo chương trình nâng cao bám sát nội dung cơ bản như chương trình chuẩn và có một số nội dung nâng cao để phân hóa, độ chênh lệch khoảng 20%. Tuy nhiên, nội dung và cách thức trình bày của hai bộ SGK về cơ bản là thống nhất, bảo đảm các chuẩn về kiến thức, kỹ năng và các yêu cầu về mục tiêu cấp học.
- Lần thay sách thứ nhất theo cách cuốn chiếu mỗi năm thay 1 lớp, kéo dài từ 1981 đến 1992. Lần thay sách thứ 2 chính thức kéo dài từ 1996 đến 2008. Theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 thì từ năm học 2020 - 2021 thay sách giáo khoa lớp 1 và theo lộ trình đến năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn thành việc triển khai SGK mới ở phổ thông.
- Tuy không gọi là SGK mà chỉ là tài liệu nhưng sách hướng dẫn học của VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đã thay thế những cuốn SGK ở những lớp, trường thực hiện các chương trình này.
Sách VNEN của mô hình chương học mới
Điều 11 của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định: Người biên soạn sách giáo khoa phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
a) Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được biên soạn;
b) Có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt;
Có thể thấy quy định này khá chung chung. Để thấy rõ hơn, chúng ta tham khảo những gợi ý của UNESCO về năng lực của tác giả sách giáo khoa khá chi tiết:
1. Kiến thức về môn học và phải biết làm thế nào để chia nội dung thành các thành tố nhỏ hơn có thể kiểm soát được.
2. Kỹ năng để thực hiện nghiên cứu tìm tòi những thông tin mang tính nền tàng đi thẳng vào nội dung mà phạm vi môn học sẽ được thể hiện.
3. Kiến thức hiểu biết về cách học cuả học sinh và những điều kiện thuận lợi cho học tập
4. Kiến thức về các phương pháp dạy học khác nhau và biết làm thế nào để tránh được sự đơn điệu trong quá trình dạy và học
5. Hiểu biết về việc áp dụng các phương tiện nghe nhìn, các công cụ trợ giúp dạy và học khác và phải biết chuẩn bị công cụ như thế nào để có hiệu quả.
6. Khả năng đổi mới, sáng tạo và ứng biến linh hoạt
7. Quen thuộc với những kiến thức học sinh đã có theo lứa tuổi và khả năng khác nhau
8. Khả năng truyền thông hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên
9. Kiến thức về bối cảnh ở dó SGK được sử dụng bao gồm địa lý, dân tộc, chúng tộc. Đặc điểm nông thôn/ thành thị, những nhóm kinh tế xã hội và sự đa dạng về tôn giáo tín ngưỡng.
Ước mơ của các nhóm viết SGK mới là sách của mình sẽ được sử dụng rộng rãi nhất bởi vậy các tác giả chắc chắn sẽ mang hết năng lực, kiến thức của mình để tâm huyết cho "đứa con" mà mình sẽ đưa ra cho xã hội lựa chọn.
Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế giáo dục Việt Nam, ta thấy năng lực học sinh ở các vùng miền là khác nhau, rất cần những bộ SGK hợp với từng vùng miền.
Do các nhóm tác giả khá độc lập nhau khi viết nên rất có thể tất cả các bộ sách đều hướng tới một đối tượng chung chung. Đây sẽ là điều đáng tiếc, nếu như không nhóm tác giả nào khoanh lại chỉ một đối tượng, chẳng hạn học sinh vùng khó khăn hay học sinh chuyên. Chắc chắn với mỗi đối tượng đặc biệt hơn này rất cần một bộ sách giáo khoa phù hợp với mình.
Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể tìm hiểu 4, 5 nhóm đã hình thành để cho ra 4, 5 bộ sách giáo khoa mới đang xác định đối tượng chung hay có khoanh vùng đối tượng? Nếu chưa có nhóm nào nghĩ tới đối tượng hẹp hơn thì có nên gợi ý thêm các nhóm để viết sách cho đối tượng này hay không?
Bộ SGK trước đây từ những năm mà công nghệ thông tin còn chưa xâm nhập mạnh cuộc sống. Nhưng đến thời 4.0 thì sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đã rất mạnh để giúp cho việc dạy và học hấp dẫn hơn rất nhiều.
Các nhóm tác giả cần tìm hiểu thêm thật kỹ hiệu quả của công nghệ thông tin để cuốn sách của mình khi chuyển thành cuốn sách giáo khoa điện tử sẽ thực sự tận dụng được sức mạnh công nghệ này, chẳng hạn các kênh video, kênh âm thanh, hình 3D, thực tế ảo,...
Sách giáo khoa điện tử sẽ phải là xu thế tất yếu cho những bộ SGK sắp ra đời. Bởi vậy bên cạnh các tác giả viết sách cần có thêm các chuyên gia về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu không có hiểu biết về điều này thì chúng ta chỉ có những bộ SGK của thời 2.0 hay 3.0 như trước đây...sẽ là điều rất đáng tiếc! Được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có bản sách điện tử (sơ khai dạng PDF) cho bộ SGK do chính Bộ chỉ đạo.
Xu hướng chống độc quyền là điều tất yếu và tích cực không chỉ ở lĩnh vực SGK. Chính phủ cũng đã quyết tâm việc xoá bỏ độc quyền về SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực xem xét để cấp giấy phép xuất bản SGK cho một số nhà xuất bản thuộc một số trường Đại học. Tuy nhiên, thực tế là mới chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã vào cuộc thực sự cho công việc quen thuộc của mình với việc mời các tác giả và đã bắt đầu triển khai những công việc đầu tiên. Trong khi đó một số nhà xuất bản được cấp phép hoặc chuẩn bị được cấp phép xuất bản SGK đang khá lúng túng trước việc này ngay từ khâu mời tác giả cho đến hệ thống cán bộ biên tập nội dung, mỹ thuật cho những cuốn sách giáo khoa. Có thể các nhà xuất bản này không làm đủ bộ SGK mà chỉ chọn một số môn hoặc cấp học nào đó mà thôi.
Trước báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc lỗ trên dưới 40 tỉ đồng mỗi năm cho việc in và phát hành SGK, một số nhà xuất bản được phép xuất bản SGK cũng đang tính toán đến hiệu quả kinh tế khi triển khai công việc này.
Trong thực tế các đơn vị đã đầu tư cho việc làm SGK mới cho thấy chỉ có một đơn vị không thuộc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Đương nhiên đơn vị này không có chức năng xuất bản SGK nên chắc chắn sẽ phải ký hợp đồng với một nhà xuất bản có chức năng này. Tuy nhiên, nhà xuất bản nếu sợ rủi ro cho mình thì rất dễ xảy ra tình trạng việc liên kết đôi khi chỉ là hình thức "bán giấy phép" nếu như nhà xuất bản này không tham gia vào quá trình biên tập xuất bản - khâu rất quan trọng đối với việc xuất bản. Đây cũng là kẽ hở lâu nay về xuất bản sách. Thậm chí có những tư nhân đã làm toàn bộ các khâu của quá trình xuất bản, phát hành sách và nhà xuất bản chi có mỗi việc cấp giấy phép để hưởng lợi.
Chính vì để chủ động trong thực hiện lộ trình triển khai SGK mới, Bộ GD&ĐT đã đề nghị với Quốc hội được chủ trì tổ chức một bộ sách giáo khoa. Với bộ sách giáo khoa này, Bộ GD&ĐT sẽ đấu thầu công khai về in và phát hành, đồng thời bình đẳng với các bộ sách giáo khoa khác về mặt lựa chọn sử dụng trong các trường học.
Chiều 28/2, tại cuộc họp với các đơn vị khối giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo: Về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết Quốc hội giao. Khâu biên soạn nội dung phải tách bạch với in ấn, phát hành.
Với việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, một số ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT khó mà có thể làm được việc này mà Bộ nên giao cho một nhà xuất bản thực hiện việc này trong khâu tổ chức biên soạn (việc in ấn, phát hành thì thông qua hình thức đấu thầu như Bộ đã khẳng định và Phó Thủ tướng đã chỉ đạo).PGS. TS. Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: VNN
PGS. TS. Bùi Mạnh Hùng đã chỉ ra những khó khăn lớn khi Bộ thực hiện tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mới (trên báo Vietnamnet):
- Thứ nhất: Đến nay, chúng ta không còn có cơ hội để tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ theo đúng nghĩa của nó. Đúng nghĩa có nghĩa là tác giả của bộ sách này phải là tác giả của Bộ, trong khi hiện nay, gần như tất cả các nhà giáo, nhà chuyên môn có khả năng biên soạn SGK mới đều đã thuộc về các nhóm biên soạn SGK cho các NXB và tổ chức đầu tư khác nhau. Công việc biên soạn, biên tập, thiết kế đã triển khai hơn một năm nay. Cho nên, việc thành lập một nhóm tác giả mới hoàn toàn, độc lập với lợi ích của các nhà đầu tư là điều không thể vì không có đủ tác giả có năng lực soạn một bộ SGK.
- Thứ hai, nếu thành lập nhóm tác giả gọi là "của Bộ" từ tác giả của các nhóm khác nhau thì: 1) Khó có thể nói là những tác giả đó không còn là ràng buộc lợi ích với các tổ chức mà họ đã kí hợp đồng và đã được đầu tư; 2) Mỗi nhóm biên soạn SGK đều có một "triết lí" riêng, việc triển khai một bộ SGK đòi hỏi những kết nối dọc (giữa các cấp trong một môn) và ngang (giữa các môn trong một cấp, lớp); việc "lắp ghép" tác giả của các nhóm chắc hẳn sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng SGK. Đó có thể chỉ là tập hợp SGK các môn, các lớp, chứ không phải là một bộ sách thống nhất.
- Thứ ba, có một phương án khác là lựa chọn một NXB có đội ngũ tác giả, biên tập viên, họa sĩ,… có năng lực và kinh nghiệm tốt nhất đảm nhiệm việc tổ chức biên soạn một bộ SGK, có triết lí thống nhất, có sự kết nối dọc và ngang, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các khâu của quá trình biên soạn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ phương án khả dĩ, chưa phải là phương án tối ưu.
Về ý kiến này, tôi cũng đã điện thoại trực tiếp trao đổi với tác giả bài viết. Xin chia sẻ chúng với các bạn:
- Ý kiến "gần như tất cả các nhà giáo, nhà chuyên môn có khả năng biên soạn SGK mới đều đã thuộc về các nhóm biên soạn SGK cho các NXB và tổ chức đầu tư khác nhau" của tác giả là hoàn toàn chủ quan, chỉ cần chỉ ra rằng riêng môn Toán là môn mà tôi khá hiểu nhiều về năng lực giảng dạy, kiến thức sư phạm và khả năng viết của nhiều thầy cô giáo qua quá trình làm tạp chí Toán học & Tuổi trẻ, tạp chí Toán Tuổi thơ, tiếp xúc trực tiếp, làm diễn đàn BigSchool thì có thể khẳng định: còn nhiều người đủ năng lực viết sách giáo khoa tốt. Thực tế hiện nay với việc làm sách nói chung, đôi khi rủ nhau viết chỉ là do hợp nhau, chứ không phải "rủ" những ai có khả năng nhất. Mỗi nhóm tác giả viết sách giáo khoa mới cũng hầu như có tiêu chí "hợp nhau" mà thôi. Thử đối chiếu lại tiêu chuẩn tác giả viết SGK của Bộ GD&ĐT đã đưa ra thì không thể nói các nhóm đang viết SGK mới đã vét cạn tác giả!
- Về triết lý riêng của từng nhóm khi viết SGK cũng chỉ là của nhóm mà thôi, chắc gì đó đã là triết lý tốt nhất. Thử phản biện giữa các nhóm thì sẽ rõ ngay. Bộ GD&ĐT hoàn toàn thuận lợi hơn khi tổ chức những toạ đàm, thậm chí Hội thảo về vấn đề này với nhiều chuyên gia hơn là việc thảo luận ở mỗi nhóm. Khi đó các nhóm vẫn có thể đến để trao đổi và Bộ sẽ có định hướng về triết lý của bộ SGK. Không thể nói đội ngũ tác giả mà Bộ GD&ĐT là một sự "lắp ghép" bởi chỉ các mảnh ghép phù hợp với tiêu chí của Bộ thì mới được lựa chọn. Bản thân các nhóm tác giả hiện nay cũng xuất phát từ việc "lắp ghép" mà đôi khi theo tiêu chí "hợp nhau" nên có khi dễ thoả hiệp với nhau mà thôi. Chỉ khó khăn cho các tác giả khi đã ký hợp đồng với các nhà tổ chức viết sách giáo khoa với những cam kết chặt chẽ sẽ ngăn cản họ tham gia viết SGK mà Bộ GD&ĐT tổ chức. Nhưng nếu giai đoạn này chỉ có một bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức mà thôi thì các hợp đồng này sẽ rơi vào tình trạng bất khả kháng nên nhà tổ chức cũng không thực hiện được những cam kết với tác giả thì tác giả sao lại phải thực hiện các cam kết với nhà tổ chức?
Một điều cần nhấn mạnh là: Chương trinh mới cho từng môn học đã khá chi tiết và Hội đồng biên soạn chương trình đã thể hiện rõ những kết nối dọc (giữa các cấp trong một môn) và ngang (giữa các môn trong một cấp, lớp) nên các tác giả sẽ thuận lợi khi cụ thể hoá từ chương trình môn học ra thành cuốn SGK.
Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT việc tuyển chọn tác giả viết bộ SGK sẽ được mời công khai và ai thấy có thể tham gia sẽ nộp hồ sơ để Bộ tuyển chọn. Bộ GD&ĐT cũng đã có tiến độ thực hiện, đặc biệt là đối với SGK lớp 1 để đảm bảo có SGK chất lượng triển khai từ năm học 2020 - 2021 với toàn bộ quy trình cần phải có. Để bộ sách giáo khoa này có chất lượng tốt, ngoài việc tuyển chọn tác giả tốt cần phải huy động lực lượng biên tập biên giỏi, học sỹ có kinh nghiệm và đặc biệt phải có Hội đồng thẩm định đủ công tâm cùng năng lực sư phạm, kiến thức bộ môn.
Việc "có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học" có thực hiện hay không cần có quyết định bằng văn bản để có định hướng rõ ràng cho các nhóm tác giả hiện này chứ không chỉ dừng lại ở các ý kiến của các nhà lãnh đạo. Nếu trong giai đoạn này, chỉ có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn thì mong rằng các nhà giáo tâm huyết hãy vì công cuộc thực hiện chương trình phổ thông mới để tập trung nguồn lực cùng Bộ GD&ĐT thực hiện và Bộ GD&ĐT cần lắng nghe, hội tụ đủ sức mạnh trong ngành để tổ chức tốt bộ SGK đang được chờ đợi.
Với góc độ của mình xin trao đổi với các bạn và mong được mọi người có quan tâm cùng bàn luận.
Lê Thống Nhất.
Ý kiến bạn đọc: