Dân làm toán một thời, ai cũng biết cái tên "Lê Quốc Hán" trên báo "Toán học và Tuổi trẻ". Rồi dân làm văn thơ giật mình khi thầy giáo toán ra liên tiếp mấy tập thơ, bước chân vào Hội Nhà văn Việt Nam và thầy đã đạt những giải thưởng Văn học.
Chuẩn bị vào tháng 11 - tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam - thầy Lê Quốc Hán đã ngồi nhớ lại những người thầy đầu tiên cho mình một ngọn lửa văn thơ và toán để có được thành công cho tới hôm nay. Xin trân trọng chia sẻ với các bạn.
Tuy không phải là phật tử, nhưng tôi rất tâm đắc "chữ duyên" trong Phật giáo: cá không gặp nước cá chết, diều không gặp gió diều rơi, học trò không gặp thầy giỏi khó mà phát triển hết năng lực trí tuệ và nhân cách mình. Hôm nay, sắp bước vào tháng 11 với ngày kỷ niệm nhà giáo Việt Nam, mình xin chia sẻ một vài kỷ niệm về một thầy giáo giỏi may mắn được học, người đã góp phần nhen lên ngọn lửa yêu văn học trong tâm hồn niên thiếu của mình.
Thầy Phan Công Thi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Khi học cấp một (tương đương với Tiểu học ngày nay) mình học văn rất kém vì ba lý do: nói ngọng (phát âm sai nhiều từ), chữ xấu và mải chơi nên các môn tập đọc, tập viết và tập làm văn đều bị điểm thấp. Bước vào học cấp hai (PTCS) mình may mắn được học văn với thầy Phan Công Thi. Mới tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, thầy những muốn truyền hết những kiến thức mới mẻ vừa lĩnh hội cho lớp trẻ chúng tội. Mỗi giờ lên lớp của thầy như có lửa, tôi có cảm giác như thầy đặt trái tim mình lên bàn trước khi giảng bài. Nhà thầy ở cách nhà tôi chưa đầy cây số, với cơ man sách kim cổ. Thầy bảo tôi chiều chiều xuống chơi, đọc sách và tập đánh cờ. Khi thầy trò đã khá thân, thầy mới tâm sự rằng tôi có hai cái nhục cần rửa: một là mang danh nam nhi mà học kém nữ giới, hai là mang danh con nhà trí thức mà học dốt văn. Mình cú lên muốn chứng minh cho thầy mình không phải như vậy.
Từ đó, chiều chiều bắt chước triết gia Hy Lạp Đêmôxten, mình ra bờ sông Trí ngậm sỏi luyện giọng, đêm đêm luyện chữ, và thay vào đọc sách kiếm hiệp Tây Tàu là những cuốn sách hướng dẫn viết văn. Kết quả thật bất ngờ, cuối lớp 5 (tương đương với lớp 6 bây giờ) mình viết được một bài văn kể chuyện khá hay, được thầy cho điểm tối đa và đọc cho cả lớp nghe. Cả lớp ngạc nhiên vì sự lột xác quá nhanh của mình.
Sang lớp 6 mình tiếp tục say sưa học văn. Cũng cần nói thêm rằng ở các lớp dưới, mình học toán khá nhẹ nhàng. Nhưng khi gặp môn hình học, mình khá lúng túng vì không biết cách kẻ thêm đường phụ khi cần thiết. Cuối năm ấy mình đi thi học sinh giỏi tỉnh cả hai môn. Khi nhà trường được tin mình đỗ giải nhất, ai cũng khẳng định môn toán. Không ngờ đó lại là văn, còn toán trượt vỏ chuối.
PGS. TS. Lê Quốc Hán bên thầy Trần Đức Thịnh ngày 13/2/2016
Lên lớp 7, mình lại may mắn được gặp thầy Trần Đức Thịnh - một con người tài hoa. Thầy dạy toán mà hấp dẫn như dạy văn, giọng thầy khi lên bổng khi xuống trầm như đọc thơ, và khi gặp từ nào cần nhấn mạnh thì giọng thầy cao vút lên. Thi thoảng thầy gây ấn tượng chẳng hạn dùng hai tay cầm hai viên phấn vẽ hai vòng tròn tiếp xúc nhau và cho chúng mình dùng compa kiểm tra lại mà chẳng sai lệch chút nào. Học với thầy chúng mình không còn ngại vẽ thêm khi chứng minh hình học hay biến đổi các biểu thức đại số phức tạp nữa. Kết quả năm ấy mình đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc và đạt giải toán nhưng trượt văn. Đề thi năm ấy mình còn nhớ từng chữ:
Dưới bức ảnh anh hùng Nguyễn Văn Trôi, Bác Hồ tự tay ghi lời đề: "Vì Tổ quốc vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trôi đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng".
Bằng những hiểu biết của em về văn học và cuộc sống hãy phát biểu cảm nghĩ của em về lời đề của Bác.
Cả phòng thi ngớ ra, vì không cập nhập kịp thời thông tin nên hầu như không biết gì về anh hùng Nguyễn Văn Trôi (mãi đến tháng 10 năm ấy mới biết bài thơ "Hãy nhớ lấy lời tôi" của Tố Hữu, sau đó mới biết tên chính xác của anh là Trỗi). Cả bắc miền Trung không ai đạt giải. Toàn miền Bắc không có ai đạt giải nhất nhì, chỉ có bạn Huỳnh Bút người Hà Nội làm một bài thơ trường thiên đạt giải ba (không biết sau này anh có theo nghiệp văn không).
Thầy Thi hơi buồn nhưng không trách mình. Thầy tự nhận phần lỗi là chỉ chăm chăm trang bị kiến thức sách vở mà sao nhãng trang bị kiến thức cuộc sống cho trò. Dấu vết ấy in dấu ấn rất đậm trong sáng tác văn học của mình sau này.
Thầy lấy vợ khá muộn, được ba người con (hai trai và một gái). Thầy đặt tên cho hai con trai là Phú, Quý với hy vọng các con sau này không nghèo khổ như mình.
Ngày thầy ra đi mình ở xa không về kịp. Sau đó mình về thắp hương cho thầy. Chị Nga - vợ thầy - tâm sự: em luôn là niềm tự hào của thầy. Thầy thường lấy em làm tấm gương cho các con noi theo. Tôi ngước lên nhìn lên bàn thờ, bắt gặp đôi mắt lúc nào cũng như cười của thầy, cả khi vui hay buồn.
Kể từ khi học vỡ lòng (mẫu giáo lớn) đến khi bảo vệ xong luận án TS, mình đã trải qua 18 lớp và được bao nhiêu thầy cô chăm sóc dạy dỗ nên người. Trong số đó đã có hơn 10 người về chốn cực lạc. Thi thoảng, ngược dòng thời gian về quá khứ, hình ảnh từng thầy cô lại hiện lên với từng giọng nói, động tác và tính cách khác nhau. Tất cả đã hòa quyện vào nhau giúp mình hoàn thiện một con người. Và mình lại khe khẽ ngâm mấy câu thơ trong bài thơ "Lời mùa thu":
Một đời dâng hiến hy sinh
lấy nhân làm trọng, lấy tình làm sang
....
Mai sau tới cõi thanh nhàn
lời mùa thu kết hào quang. Dâng Thầy
31/10/2017
Lê Quốc Hán
(Đại học Vinh)
BigSchool: Hy vọng nhận được nhiều bài thơ, những cảm xúc của các bạn viết về thầy cô - tri ân những nhà giáo Việt Nam. Cảm ơn các bạn.
Ý kiến bạn đọc: