Sau khi một tờ báo điện tử đăng ý kiến phê phán sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách "Cánh diều" và được cộng đồng giáo viên chia sẻ trao đổi rất nhiều, chúng tôi đề nghị GS Nguyễn Minh Thuyết Tổng Chủ biên cho ý kiến nhưng chưa nhận được bài viết.
Tuy nhiên chúng tôi đã nhận được bài viết của cô giáo Nguyễn Thu Hương gửi về BigSchool. Xin chia sẻ với các bạn.
PHÊ BÌNH SÁCH CẦN HIỂU BIẾT VÀ XÂY DỰNG
Sáng nay, khi vào trang Chúng tôi là giáo viên tiểu học, tôi vô tình đọc được bài báo giật tít khá ấn tượng: Sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều có như những lời ca ngợi tận mây xanh? của Cao Nguyên. Theo thói quen, tôi lướt qua nhưng rồi nhanh chóng kéo lại và click vào đọc, đơn giản chỉ vì tò mò xem nội dung bài viết có thật sự như cái tít đập vào mắt những độc giả như tôi hay không. Hơn nữa, với tư cách là giáo viên tiểu học, thời gian qua có theo dõi vấn đề thay đổi sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, dự giờ dạy thực nghiệm sách và tiếp cận với những bộ sách đã được thông qua hội đồng thẩm định để công bố rộng rãi khắp cả nước, tôi đánh giá cao những công trình tri thức của các bậc học giả ấy. Nhưng sau khi đọc bài báo của tác giả Cao Nguyên, tôi thật sự ngạc nhiên, tự hỏi liệu tác giả bài báo có am hiểu về giáo dục không, hoặc đơn giản chỉ là, liệu tác giả đã đọc kĩ về sách chưa trước khi viết bài báo ấy. Cá nhân tôi không bênh vực hay ca ngợi bất kì ai, cũng không muốn phản biện, tranh luận hay gây hiềm khích gì, chỉ xin nêu một vài cảm nhận riêng của mình sau khi đọc bài báo này.
Tiêu đề bài báo khiến người ta chú ý là vậy, nhưng đáng tiếc là tác giả Cao Nguyên lại không đưa ra nhận xét nào về những vấn đề cơ bản như việc thực hiện mục tiêu giáo dục của chương trình; cấu trúc sách; nguyên tắc sắp xếp chữ, vần; những đổi mới về nội dung giáo dục; các kiểu bài học, bài tập v.v… mà chỉ chú mục vào một vài từ ngữ mà đối với những người có chuyên môn về tiếng Việt và giáo dục tiểu học, như tôi chẳng hạn, thấy rất bình thường:
1. Tác giả bài báo cho rằng tên bé Li ở Bài 13 (trang 29, Tiếng Việt 1 tập 1) phải viết là "Ly" mới đúng tiếng Việt và bảo đảm thẩm mĩ. Trong khi đó, chính tác giả cũng thừa nhận phải "tôn trọng cách đặt tên riêng cho người, vì đó là quyền riêng tư của cha mẹ, gia đình". Mặt khác, tác giả lại cho rằng tên "Li" giống như tên người nước ngoài (dĩ nhiên là tên phiên âm sang tiếng Việt). Như vậy, chính tác giả đã tự giải thích cho mình rồi: Viết tên riêng thế nào là quyền của công dân (Ví dụ, nhà văn Thy Ngọc không dùng "i ngắn" mà dùng "y dài" sau chữ "Th"; nhà văn Hồ Dzếnh cũng có bút hiệu không theo chính tả thông thường; một người dân bình thường tên là Vị hay Vỵ cũng có thể viết tên mình theo nguyện vọng). Còn nếu cho rằng phải viết "Ly" mới bảo đảm thẩm mĩ thì sao lại chấp nhận phiên âm tên người nước ngoài là "Li"? Chẳng lẽ đối với tên người nước ngoài thì không cần thẩm mĩ? Tôi chỉ muốn nói là vào thời điểm học bài 13 trong sách Tiếng Việt 1, học sinh (HS) mới nhập học gần 3 tuần, chỉ học được vẻn vẹn 13 chữ cái, còn chữ “y” thì mãi 4 tuần sau mới được học. Tác giả SGK đặt tên nhân vật là "Li" vừa củng cố được những chữ đã học vừa phù hợp với quy định về chính tả trong SGK tại Thông tư số 1989 của Bộ GD&ĐT.Trích trang 29 Tiếng Việt 1 tập 1
2. Tác giả bài báo cho rằng Bài 24 (trang 47) cần bổ sung chú thích "cá quả" là "cá chuối", "cá lóc", "cá sộp", "cá tràu",… Theo tôi hiểu, ở bài này, SGK dùng từ "cá quả" là để dạy chữ "qu". Sách Tiếng Việt lớp 1 không thể thực hiện yêu cầu chú thích từ ngữ như đòi hỏi của tác giả bài báo vì có chú thích HS cũng không đọc được. Người viết SGK sẽ đưa các chú thích này vào sách giáo viên để giáo viên (GV) giải thích miệng cho HS ở những địa phương có cách gọi khác. Tác giả cũng đề nghị SGK chú thích từ “gà nhép” ở bài 41 (trang 75) như sau: "Gọi là Gà Nhép vì loại này chỉ có cân nặng 1,2 -1,8 kg khi xuất bán. Nó có hình dáng gần với gà Ri lai, chân vàng, mỏ vàng, lông vàng óng và thời gian nuôi chỉ từ 2,5 – 3 tháng". Chú thích này có thể thích hợp với SGK môn Khoa học tự nhiên cấp trung học nhưng cũng không thể viết dài và viết hoa sai chính tả như tác giả bài báo gợi ý được.
Trích trang 47 Tiếng Việt 1 tập 1
3. Trong khi đòi đưa các từ địa phương đồng nghĩa với "cá quả" vào sách, tác giả bài báo lại không đồng tình sử dụng các từ "má", "mi", "ngó" vì cho đó là từ địa phương. Thực ra, ngày nay, những từ này đã trở nên phổ biến, chứ không còn giới hạn ở những địa phương nhất định nữa. Đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỉ, người vùng nào cũng hiểu các từ "ba", "má". SGK Tiếng Việt 1 dùng cho cả nước, cho nên có hệ thống nhân vật ở các vùng miền khác nhau. Nhân vật sống ở các tỉnh phía Bắc sẽ gọi "bố", gọi "mẹ"; nhân vật sống ở các tỉnh phía Nam sẽ gọi "ba", gọi "má". Như vậy HS sẽ thấy nhân vật, bài học trong sách gần gũi với mình hơn. Về từ "mi" thì việc dùng từ này để gọi người đối thoại với thái độ coi thường (như con sư tử gọi con chó xù trong bài tập đọc) cũng đã trở nên phổ biến, không hoàn toàn giống như cách dùng từ "mi" trong phương ngữ Trung Bộ. Từ "ngó" cũng đã phổ biến qua các cách nói "ngó qua", "ngó ngàng", "nhìn trước ngó sau",… Cuối học kì I và đầu học kì II, khi HS đã học được nhiều vần hơn, như vần "em", vần "in", vần "ông", tôi thấy sách Tiếng Việt 1 đã chuyển sang sử dụng các từ "xem", "nhìn", "trông".Trích trang 57 Tiếng Việt 1 tập 1
Trích trang 64 Tiếng Việt 1 tập 1
4. Tác giả bài báo cho rằng từ "cuỗm" ở các bài 53, 57 (trang 99, 105) là từ khó đối với HS. Nhưng đặt trong một câu chuyện cụ thể, có hình vẽ minh họa, lại có GV giải thích, chắc chắn HS hiểu được. Hơn nữa, mục đích của các bài này là dạy và ôn vần "uôm", dùng từ "cuỗm" theo tôi là phù hợp.Trích trang 99 Tiếng Việt 1 tập 1
5. Tác giả bài báo chê tên bài "Chú gà quan trọng" (trang 11, 13, Tiếng Việt 1, tập hai) là thô vì cho rằng "nội dung bài học miêu tả tiếng gà gáy và vai trò của tiếng gà trong cuộc sống thì có thể đặt một nhan đề khác gần gũi hơn, hay hơn". Đọc đến đây, nói thực là tôi phải bật cười. Câu chuyện trong bài tập đọc này không hề miêu tả và ca ngợi tiếng gà gáy như tác giả bài báo viết. Đó chỉ là chuyện về một chú gà cứ tưởng mình quan trọng nên luôn sai khiến người này, dạy dỗ người kia, chỉ bảo người nọ phải làm theo ý mình, đến khi bị bác chó tức mình đợp cho một cái mới chừa. Thiết tưởng nội dung bài tập đọc lớp 1 này không có gì phức tạp; tác giả bài báo nên đọc lại để hiểu đúng hơn.Trích trang 11 Tiếng Việt 1 tập 2
Trích trang 13 Tiếng Việt 1 tập 2
6. Cũng với một cách thẩm văn chủ quan như trên, tác giả bài báo còn cho rằng lời thơ trong bài tập đọc "Cá và chim" (Bài 103, trang 21, Tiếng Việt 1, tập hai) là "khó đi vào cảm thức của HS vì vần điệu (có vẻ) chưa suôn sẻ". Phải chăng chính tác giả cũng còn nghi ngờ khả năng cảm thụ văn học của mình nên mới đặt từ "có vẻ" trong ngoặc đơn? Thực chất, đây là một văn bản kết hợp thơ và văn xuôi của tác giả Nguyễn Thị Thảo. Lời văn súc tích, lời thơ suôn sẻ, nhẹ nhàng, có vần có điệu, ngôn ngữ nhí nhảnh, đáng yêu, rất hợp với HS lớp 1. Giáo viên trường tôi đã dạy thực nghiệm quyển Tiếng Việt 1 này và ngược với suy đoán của tác giả bài báo, HS rất thích bài tập đọc "Cá và chim".Trích trang 21 Tiếng Việt 1 tập 2
7. Tác giả bài báo không đồng tình với việc đưa bài thơ của Đỗ Nhật Nam vào SGK chỉ vì Đỗ Nhật Nam là "một thần đồng". Nếu vậy thì chắc phải loại khỏi SGK tiểu học thơ thiếu nhi của "thần đồng" Trần Đăng Khoa nữa? Theo tôi hiểu, bài thơ của Đỗ Nhật Nam chỉ là một ví dụ ở mục "Tự đọc sách" (kí hiệu M thể hiện rõ điều này). Khi tìm sách để tự đọc, HS có thể chọn bài thơ của một thiếu nhi nổi tiếng như Đỗ Nhật Nam hoặc chọn một bài thơ khác, tùy ý thích của mỗi em. Thêm nữa, theo tôi, SGK chọn bài thơ của Đỗ Nhật Nam còn là một cách giáo dục khéo léo, có hiệu quả, vì qua tìm hiểu về tác giả bài thơ (hỏi GV hoặc phụ huynh chẳng hạn), HS sẽ được khích lệ trước tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện của "thần đồng" này. Đưa hoạt động tự đọc sách vào giờ học chính khóa là một điểm mới của SGK Tiếng Việt 1 (bộ SGK Cánh Diều), nhằm xây dựng cho HS thói quen đọc sách, thói quen tự học và hoàn toàn phù hợp với tính chất mở của Chương trình GDPT mới. Tôi tin chắc là GV cũng như phụ huynh HS đều đồng tình.Trích trang 118 Tiếng Việt 1 tập 2
8. Tác giả bài báo dựa vào việc SGK Tiếng Việt 1 (bộ SGK Cánh Diều) sử dụng lại 5 văn bản đã sử dụng ở SGK hiện hành để kết luận: "Nhìn chung, nếu không kế thừa nhiều tác phẩm của sách Tiếng Việt 1 sau năm 1975 thì sách Tiếng Việt 1– bộ "Cánh Diều" cũng không có gì nổi trội". Ai cũng hiểu, đổi mới giáo dục không có nghĩa là xóa sạch cái cũ. Việc SGK mới kế thừa những nội dung tích cực của SGK hiện hành là cần thiết. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Để đánh giá một quyển SGK, chắc chắn phải đánh giá toàn diện những vấn đề cơ bản như tôi đã nói ở phần đầu bài viết này, chứ không thể kết luận một cách dễ dãi trên cơ sở thống kê xem SGK mới sử dụng lại bao nhiêu bài văn từ SGK hiện hành. Đó là chưa kể số liệu thống kê của tác giả bài báo rất xa thực tế: Theo thống kê của tôi, toàn bộ 2 tập sách Tiếng Việt 1 (bộ SGK Cánh Diều) có 153 bài tập đọc, riêng phần Luyện tập tổng hợp có 32 bài; ngoài ra còn có 31 bài kể chuyện. SGK Tiếng Việt 1 (bộ SGK Cánh Diều) sử dụng lại 5 bài đã có trong SGK hiện hành, đều là những bài thơ, bài văn hay của các tác giả có tên tuổi như Võ Quảng, Quang Huy, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai, Minh Chính thì đó là điều đáng hoan nghênh.
Cuối cùng, tôi rất tiếc phải bày tỏ thái độ không đồng tình với tác giả Cao Nguyên khi tác giả vội vàng đánh giá một bộ SGK được biên soạn và thẩm định rất công phu mà chỉ "đọc lướt qua", đến mức liệt kê tên tác giả sách thiếu đến 3 người!
NGUYỄN THU HƯƠNG
(Giáo viên Hà Nội)
BigSchool: Thực ra bài "Sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều có như những lời ca ngợi tận mây xanh?" của Cao Nguyên đăng trên báo điện tử GDVN đã được giáo viên Phan Thế Hoài chia sẻ trong nhóm "Chúng tôi là giáo viên tiểu học" trên FB. Vì bài viết của cô giáo Nguyễn Thu Hương đã nêu đủ các ý kiến phê phán ở bài báo và trao đổi nên chúng tôi cũng không dẫn lại bài báo trên GDVN. Mong các thầy cô đã từng đọc SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách "Cánh diều" cho thêm ý kiến.
Các bạn có thể xem sách giáo khoa Tiếng Việt 1 tập 1 của bộ sách "Cánh diều" tại đây và Tiếng Việt 1 tập 2 tại đây.
Ý kiến bạn đọc: