Những vấn đề liên quan tới văn bằng, chứng chỉ, chế độ

Xin tổng hợp các câu hỏi về văn bằng, chứng chỉ và chế độ đối với giáo viên đã được Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng trả lời để các bạn tìm hiểu.

1. Mất bằng tốt nghiệp THPT

Tôi bị mất bằng tốt nghiệp bản gốc và đã được cấp lại, nhưng chỉ được cấp bản sao. Vậy khi nhập học tôi có thể nộp bản sao này được không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cấp bản chính một lần. 
Vì vậy, khi làm mất thí sinh chỉ được cấp lại bản sao, khi nhập học thí sinh nộp bản sao đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp cho trường.

2. Thất lạc Giấy chứng nhận kết quả thi

Tôi đã gửi Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường trúng tuyển nhưng bị thất lạc. Xin hỏi giờ tôi cần làm gì để làm thủ tục nhập học?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ngành sư phạm) hiện hành: "Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh". Nếu bị thất lạc, thí sinh mang Phiếu xác nhận của bưu điện đã nhận chuyển phát nhanh để kiểm tra và cùng phối hợp giải quyết.

3. Giấy chứng nhận kết quả thi cấp lại

Tôi bị mất Giấy chứng nhận kết quả thi và đã xin cấp lại, nhưng khi nộp ở trường đại học, tôi được yêu cầu chịu trách nhiệm về quét mã vạch. Xin hỏi, Giấy chứng nhận kết quả thi được cấp lại như vậy có ảnh hưởng gì không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Trường hợp bị mất và đã được Hội đồng thi xác nhận lại kết quả thi, thí sinh sẽ nộp cho trường xét tuyển để được xem xét giải quyết.

4. Quy định về công nhận chứng chỉ ngoại ngữ của giáo viên

Tôi là giáo viên THCS dạy môn Âm nhạc. Tôi có chứng chỉ ngoại ngữ B1 do Đại học Sài Gòn cấp vào năm 2017. Tôi nộp chứng chỉ cho cơ quan nhưng được thông báo phải là chứng chỉ của 10 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mới được công nhận. Xin hỏi, chứng chỉ ngoại ngữ B1 của Đại học Sài Gòn cấp cho giáo viên không dạy môn ngoại ngữ có được công nhận hay không và ai là người có thẩm quyền công nhận, UBND thành phố hay đơn vị tôi đang công tác?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức và viên chức được quy định trong các thông tư liên tịch (số 20/2015/TTLT-BGĐT-BNV; số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập là căn cứ vào Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014).
Trong khi chờ xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức, triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu 10 đơn vị: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm SEAMEO RETRAC (Thông báo số 826/TB-BGDĐT ngày 5/8/2011); Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ (Thông báo số 896/TB-BGDĐT ngày 24/8/2011); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh (Thông báo số 42/TB-BGDĐT ngày 11/1/2013) được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Ngoài ra, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có thể xem xét các chứng chỉ khác như TOEFL, IELTS hoặc TOEIC… để đánh giá năng lực tiếng Anh của cán bộ, công chức và viên chức.
Ngày 29/9/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo quy định tại Điều 24 về quản lý cấp phát chứng chỉ thì Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi quy định tại Điều 4 của Quy chế này cấp chứng chỉ cho thí sinh đủ điều kiện, trong đó có ghi rõ bậc năng lực ngoại ngữ của thí sinh đạt được qua kỳ thi.
Việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu được Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc (Công văn số 3755/BGDĐT-GDTX ngày 3/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo).

5. Không có quy định hạn chế giáo viên học tập nâng cao trình độ

Tôi là giáo viên THCS. Hiện tôi muốn học lấy bằng Thạc sĩ theo hình thức tự túc chi trả chi phí học tập. Căn cứ các văn bản hiện hành thì tôi chỉ được học ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, lớp cao học tôi tham gia lại tổ chức học trong giờ hành chính. Xin hỏi, có văn bản nào có điều khoản tạo điều kiện cho tôi được tham gia học hay không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Đến nay không có văn bản nào hạn chế giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ. Nhà giáo cần xem xét điều kiện của cá nhân theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để đề nghị với nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, liên hệ trực tiếp với cơ sở đào tạo giáo viên để được xem xét, hướng dẫn.
Trường hợp nhà giáo không thuộc diện được cơ quan quản lý trực tiếp cử đi học thì phải tự sắp xếp công việc, bố trí thời gian và tự túc kinh phí để tham gia khoá học và phải bảo đảm không ảnh hưởng đến công việc được giao.

6. Hướng dẫn về quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Tôi đã tốt nghiệp đại học sư phạm ngành mầm non từ tháng 2/2014 và hiện hưởng lương bậc 4 hệ cao đẳng. Vừa qua nhà trường thông báo việc đăng ký học các chứng chỉ Tin học, tiếng Anh để phục vụ cho thăng hạng chức danh nghề giáo viên mầm non.Theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tôi được biết giáo viên mầm non hạng II phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 2 của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, nhưng hiện nay tôi đã có chứng chỉ tiếng Anh, tin học trình độ B. Xin hỏi, tôi có cần thiết phải đi học tiếp để lấy chứng chỉ tiếng Anh và tin học mới không? Nếu không đăng ký học 2 loại chứng chỉ này mà vẫn dùng chứng chỉ cũ thì tôi có đủ điều kiện dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên mầm non hạng III lên giáo viên mầm non hạng II không?

Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh trả lời vấn đề này như sau:
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trước đây được quy đổi tương đương với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mới.
- Về ngoại ngữ: Trình độ B, A2 cũ tương đương bậc 2 của Khung ngoại ngữ 6 bậc.
- Về tin học: Các trình độ A, B, C trước đây tương đương với trình độ Chuẩn công nghệ thông tin cơ bản.
Như vậy, nếu đã có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trình độ B thì không nhất thiết phải đi học tiếp để lấy chứng chỉ mới để đủ điều kiện nộp hồ sơ thăng hạng giáo viên mầm non từ hạng III lên hạng II.

7. Trường hợp nhà giáo được bảo lưu phụ cấp ưu đãi

Tôi có thời gian làm giáo viên tại một trường thuộc xã đặc biệt khó khăn. Tôi đã được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP và theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP. Thời gian hưởng chế độ theo 2 Nghị định trên của tôi chưa đủ 5 năm. Đến tháng 9/2013, tôi có quyết định điều động về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện công tác và làm chuyên viên (không có chức vụ), hưởng lương tại Phòng.
Vậy theo Quyết định 42/2011/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tôi có được bảo lưu 70% phụ cấp không?

Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ trả lời vấn đề này như sau:
Ngày 5/8/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.
Theo đó, nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục có quyết định điều động, biệt phái về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo trong khoảng thời gian từ tháng 9/2010 đến hết tháng 5/2015, nếu không giữ chức vụ lãnh đạo thì được bảo lưu phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) tối đa là 36 tháng.
Như vậy, đối với trường hợp của ông, được điều động về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo tháng 9/2013, không giữ chức vụ lãnh đạo, không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì được bảo lưu phụ cấp ưu đãi, thời gian hưởng đối đa 36 tháng.

8. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Tôi làm công tác giảng dạy từ năm 1985 đến năm 1990 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, sau đó tôi làm đơn xin nghỉ việc và được cấp thẩm quyền ra quyết định thôi việc theo nguyện vọng (hưởng trợ cấp một lần bằng 2,5 tháng lương). Sau khi nghỉ việc, tôi học Đại học Sư phạm và trở lại làm công tác giảng dạy tại Trường cấp II-III Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang từ năm 1996 đến nay. Tôi muốn hỏi, theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì tôi có được cộng dồn phụ cấp thâm niên 5 năm trước đây không? Nếu được thì phải bổ sung những hồ sơ nào (do thời gian quá lâu, tôi chỉ còn giữ quyết định điều động năm 1985, quyết định thôi việc năm 1990 và giấy xác nhận thời gian giảng dạy 5 năm lúc đầu)?

Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng BHXH là:

"1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH".

Đối chiếu Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT- BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là “a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ thì trường hợp ông Nguyễn Văn Chính đã được giải quyết trợ cấp thôi việc một lần (2,5 tháng lương) theo Quyết định số 1338/QĐ-UB ngày 9/10/1990 của UBND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Do đó, thời gian công tác từ năm 1985 đến năm 1990 không tính là thời gian có đóng BHXH (do đã giải quyết trợ cấp thôi việc một lần) nên khoảng thời gian này không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là đúng theo quy định pháp luật.

9. Giáo viên học xong cao học có được nâng ngạch?

Tôi được tuyển dụng vào ngành giáo dục và giữ ngạch giáo viên THCS từ năm 2006 đến nay. Hiện tôi đã học xong cao học, vậy tôi muốn chuyển lên ngạch giáo viên THPT có được không? Nếu chuyển được thì tôi cần những giấy tờ, chứng chỉ gì?

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai trả lời vấn đề này như sau:
Vấn đề ông hỏi đã được quy định tại Điều 6 Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Cụ thể:

"Điều 6. Xét chuyển chức danh nghề nghiệp
1. Việc xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức phải bảo đảm các điều kiện sau:a) Viên chức được bố trí sang vị trí việc làm mới có yêu cầu chức danh nghề nghiệp chuyên ngành khác cùng hạng với chức danh nghề nghiệp đang đảm nhiệm;b) Viên chức đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp mới.
2. Việc xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức được tiến hành như sau:a) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức xem xét các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức; kiểm tra, sát hạch về hiểu biết, về chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu khác theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm mới bằng hình thức phỏng vấn hoặc thực hành;b) Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm mới thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp mới.
3. Khi xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng không kết hợp nâng bậc lương đối với viên chức".

10. Giáo viên nghỉ sinh con có được tiền BHXH thời gian nghỉ bù?

Tôi là giáo viên ở trường trung học phổ thông. Theo Công văn số 1125 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài 6 tháng nghỉ thai sản theo luật, tôi được nghỉ bù thêm 2 tháng, vì thời gian nghỉ thai sản của tôi trùng với thời gian nghỉ hè. Vậy cho tôi hỏi, tôi có được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong 2 tháng nghỉ bù này hay không?

BHXH TP Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau:
Trường hợp của bà căn cứ theo Luật BHXH thì chỉ giải quyết chế độ thai sản theo quy định là 6 tháng nghỉ việc hưởng chế độ BHXH, còn việc nghỉ bù thêm 2 tháng là quy định của ngành Giáo dục vì vậy cơ quan BHXH không thể giải quyết thêm tiền BHXH trong 2 tháng nghỉ bù này vì không có trong quy định của Luật BHXH.

11. Hướng dẫn thực hiện chế độ nghỉ thai sản của giáo viên

Tôi là giáo viên THPT, có thời gian nghỉ thai sản từ tháng 5/2017 đến hết tháng 10/2017, trùng với thời gian nghỉ hè. Tôi được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn về việc nghỉ bù trong trường hợp này. Xin hỏi, tôi có được nghỉ bù không? Chính sách trên triển khai trên cả nước hay tuỳ từng tỉnh?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã có Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/8/2017 về việc hướng dẫn giải quyết chế độ thai sản của giáo viên trùng với thời gian nghỉ hè.

Theo đó, giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hàng năm sau khi nghỉ thai sản (trong điều kiện làm việc bình thường, số ngày nghỉ hàng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ luật Lao động là 12 ngày làm việc và cứ 5 năm làm việc thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 1 ngày) hoặc thanh toán tiền nghỉ hàng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên).

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng nhà trường bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn) 

 

Ý kiến bạn đọc: (4)

Mai Phương Lan Tôi dạy hợp đồng không được đóng bảo hiểm từ năm 1998 đến năm 2009 thì tôi được công chức. Vậy cho tôi hỏi 11 năm dạy hợp đồng của tôi có được tính vào thâm niên nhà giáo không? Có được tính để xét kỉ niệm chương nhà giáo không? (Tôi vẫn có đủ quyết định của UBND Huyện những năm tôi đi dạy hợp đồng)

· Trả lời · · 4 năm trước

Bich Ngoc Bui Ong pham huy quyen hieu truong truong tieu hoc quang duc quang xuong thanh hoa tham o tham nhung tien trong ngan sach nha nuoc lan tien ngoai ngan sach thu them cua phu huynh hoc sinh to chuc day them ca o nha lan truong thu tien,lay may tinh lioa nha truong ve nha dung,o day vam huong tien dung lop an chan tien coi thi truc he truc he truc tet lam them cua giao vien khai khong cac khoan lam ho so gia de lay tien dut tui hau nhu cac khoan tien cua nha truong hieu truong ke toan thu quy deu lam khong tien dut tui,tien nong o minh bach

· Trả lời · 5 năm trước

BigSchool.vn Nghe đã vô lý rồi bạn ơi! Đã chuyển vào tài khoản của bạn thì tại sao lại còn thu về?

· Trả lời · 5 năm trước

Manh Ha Tôi công tác tại một trường tiểu học tư năm 2006 .Hàng năm nhà trường có khoàn tiết kiêm chi tiêu ở ngân sách . Cuối năm nhà trường chuyển vào tài khoản của chúng tôi theo tiêu chí thi đua.sau đó nhà trường tổ chức đi tham quan nghỉ mát hè .vì điều kiện tôi k đi được .nhà trường bắt đóng vào cho người khác đi tham quan .vậy có đúng k .chúng tôi có đươc giwux lại và tự chi tiêu k ạ.

· Trả lời · · 5 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.