Những kỷ niệm không quên nơi mái trường xưa

  • 17/11/2017 | 08:20 GMT+7
  • 5.626 lượt xem

Mỗi khi trở về thăm trường xưa, các cựu học sinh đều dâng tràn nỗi nhớ về một thời đi học trước đây. Kỷ niệm của mỗi bạn là khác nhau nên tâm sự cũng khác nhau. Nhưng với nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, câu chuyện kể, lời tâm sự đã trở thành ca khúc hay về nhà trường.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương sinh ngày 13-5-1957, quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã qua các lớp đào tạo khoa Toán trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (1976-1980), Đại học Sáng tác Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (1983-1988). Ông có nhiều hoạt động đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng ở các mặt: sáng tác, dàn dựng, biên tập chương trình và tổ chức nhiều đêm nhạc của nhiều nhạc sĩ. Ca khúc tiêu biểu của Phạm Đăng Khương là: Như cơn gió vô tình, Khung trời mơ ước, Con đường đến trường, Nhớ ai, Ngọn nến, Nhớ nụ hôn cao nguyênVầng trăng cổ tích, …

Bản nhạc "Con đường đến trường" do nhạc sĩ Phạm Đăng Khương gửi BigSchool Bản nhạc "Con đường đến trường" do nhạc sĩ Phạm Đăng Khương gửi BigSchool

Ca khúc "Con đường đến trường" được sáng tác vào tháng 11/1984 đã được nhiều nhóm ca sĩ và ca sĩ biểu diễn: Nhóm Apple, Lưu Hương Giang, Hồ Hoài Anh, Cẩm Ly, Dương Khắc Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Minh Thuận.

Nhưng điều hạnh phúc nhất của tác giả là ca khúc đã được các bạn sinh viên, học sinh chào đón và đã hát ở biết bao nhiêu chương trình kỷ niệm về một thời đi học.

Dù ca khúc không dành riêng cho chủ đề tri ân thầy cô nhưng chỉ một câu hát thôi cũng đủ nói lên điều đó: "Nhớ tiếng nói thầy cô, chắp cánh ta bay, bay vào cuộc sống."

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương khi 48 tuổiNhạc sĩ Phạm Đăng Khương khi 48 tuổi

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 36, ngày 14/11/2917 tác giả đã tâm sự:

"Trong cái xui nó cũng có cái hên, vì không được đi dạy học sau khi ra trường, nên mỗi lần trở lại trường cũ thấy vô vàn cảm xúc hiện ra mà mình đã gởi gắm trong bài hát. Nhớ nhất là mới vào năm 1, mình được phân công làm lớp trưởng, mà hồi đó nói nguyên xi giọng Quảng Ngãi nên không ai hiểu gì, bị chọc hoài!
Nhớ những ngày ham viết nhạc, xách đờn đi hát, quên học bài nên mỗi lần tới kỳ thi là run gần chết, vậy mà nhờ đó mới có được câu "Nhớ mỗi mùa thi qua, là một lần ghi dấu trong cuộc đời". 
Huhu, may phước là hổng bị ở lại lớp lần nào, chắc nhờ trời thương!

Nhớ nhứt là mỗi lần đi học phải đem theo chén đũa để tới bữa trưa hoặc chiều là vào nhà ăn tập thể để ăn (cái này chỉ dành cho sinh viên ở tỉnh lên, sinh viên ở thành phố không được hưởng), vì sinh viên cứ đập chén dĩa hoài, ai sắm cái mới cho xuể. Đang giữa giờ thi học kỳ hay đang lúc thầy giảng bài, cả lớp im phăng phắc, mấy cái chén nó rớt xuống đất, kêu cái chảng, cả lớp cười cái rần, dù thầy cô khó tính đến mấy cũng phải cười theo...
Mới đó mà đã mấy chục năm rồi, những người bạn cũ ở Đại học Sư phạm ngày xưa cũng lần lượt chia tay với trường lớp về sống cuộc đời bình dị... Cách đây mấy ngày, bạn Nguyễn Việt Cường là hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học Nguyễn An Ninh TPHCM vừa về hưu là bay thẳng tới cõi vô ưu! Đời sao mà ngắn quá!

Nhớ mãi ngày chia tay
Nụ cười còn xao xuyến lòng ai!
Nhớ mãi ngày chia tay
Cùng bạn bè đến những miền xa!

Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Đăng Khương Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Đăng Khương

Mình ngồi lục lại video bài Con Đường Đến Trường do các đài Truyền hình khắp nơi gởi tặng, ghép lại thành cái video này, do nhiều ca sĩ thể hiện: Nhóm Apple, Tứ ca: Hồ Hoài Anh, Cẩm Ly, Lưu Hương Giang, Dương Khắc Linh; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng... Đặc biệt vô cùng cảm động là coi lại clip do Ca sĩ Minh Thuận hát mà mình đã trực tiếp thu âm cho Thuận mười mấy năm trước, thật là xót xa khi anh chia tay cõi đời quá sớm!
Mời các bạn xem cái MV thập cẩm này, dài 6’18”, có cả phần phát biểu của Nhạc sĩ Lê Trọng Hà đang trên giường bệnh, cùng phần đọc lời bài hát của Cô giáo Nguyễn Xuân Minh".

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ bản beat dành cho giọng Nữ, giọng Nam:

Xin chúc mừng và cảm ơn nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã cho chúng ta một ca khúc sẽ đi cùng năm tháng với những kỷ niệm tuổi học trò!

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.