Những câu hỏi liên quan tới tiền lương

  • 15/04/2019 | 05:29 GMT+7
  • 15.312 lượt xem

Nhiều bạn gửi tới những câu hỏi liên quan tới tiền lương, trong đó có liên quan tới khái niệm cơ bản và đặc biệt là các điều liên quan tới tiền lương năm 2019. Xin chia sẻ với các bạn về những vấn đề này.

Lương cơ bản là gì?

Lương cơ bản không phải là một khái niệm được quy định trong luật. Tuy nhiên, đây vẫn là tên gọi quen thuộc với nhiều người lao động, cũng như với cán bộ, công chức, viên chức.

Lương cơ bản được hiểu là mức lương thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, tùy thuộc vào tính chất, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Mức lương cơ bản không bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi và các khoản thu nhập bổ sung khác. Do đó, trong nhiều trường hợp, lương cơ bản chưa bao là lương thực nhận của người lao động.

Hiểu một cách chính xác hơn, lương cơ bản là mức lương thấp nhất mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đó.

Cách tính lương cơ bản năm 2019

Do với tính chất là mức lương tối thiểu người lao động nhận được, nên mức lương cơ bản đối với khối doanh nghiệp và khối Nhà nước cũng có sự khác biệt.

Cụ thể như sau:

- Lương cơ bản 2019 của người lao động trong doanh nghiệp:

Lương cơ bản của người lao động làm việc trong doanh nghiệp chính là mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Căn cứ Nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương cơ bản 2019 của đối tượng này như sau:

Mức lương tối thiểu vùng 2019 như sau:

+ Lương cơ bản vùng 1: 4,18 triệu đồng/tháng

+ Lương cơ bản vùng 2: 3,71 triệu đồng/tháng

+ Lương cơ bản vùng 3: 3,25 triệu đồng/tháng

+ Lương cơ bản vùng 4: 2,92 triệu đồng/tháng.

- Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Nhà nước

Mức lương cơ bản của đối tượng này được tính theo công chức:

Lương cơ bản =  Lương cơ sở x Hệ số lương

Trong đó, mức lương cơ sở năm 2019 có sự điều chỉnh như sau:

+ Từ 01/01 – 30/06/2019: 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP)

+ Từ 01/07 – 31/12/2019: 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 70/2018/QH14).

Đóng bảo hiểm xã hội được quy định thế nào?

Trước đây, lương cơ bản thường được lấy làm "mốc" để đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, hiện nay, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) yêu cầu từ năm 2018, mức đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức đóng BHXH bắt buộc 2019 của người lao động  Mức đóng BHXH bắt buộc 2019 của người lao động Mức đóng BHXH bắt buộc 2019 của người sử dụng lao động  Mức đóng BHXH bắt buộc 2019 của người sử dụng lao động

Bảng lương cán bộ, công chức năm 2019?

Mức lương cơ sở ở thời điểm 01/01/2019 - 30/06/2019 được áp dụng theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP là 1,39 triệu đồng/tháng; từ 01/07/2019, mức lương này sẽ được điều chỉnh lên 1,49 triệu đồng/tháng. Theo đó, Bảng lương cán bộ, công chức năm 2019 cũng được điều chỉnh tương ứng. Các thầy cô xem cụ thể phân loại của mình để đối chiếu. Bảng lương giảng viên, giáo viên được quy định từ tháng 7/2018.
Các bạn tải về để xem chi tiết.

Mức lương năm 2019 của giáo viên mầm non?

Cùng với việc điều chỉnh lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng từ ngày 01/07/2019, mức lương của giáo viên mầm non trong các trường công lập cũng có nhiều thay đổi.
Theo văn bản hợp nhất 01/VBHN-BNV năm 2016, giáo viên mầm non cao cấp thuộc Viên chức loại A1 và các đối tượng giáo viên mầm non còn lại thuộc viên chức loại A. Theo đó, mức lương của hai đối tượng viên chức này cũng có sự khác biệt.
Mức lương của giáo viên mầm non cao cấpMức lương của giáo viên mầm non cao cấp
Mức lương của giáo viên mầm nonMức lương của giáo viên mầm non

Như vậy: Mức lương của giáo viên mầm non từ thời điểm 01/07/2019 là hơn 2,7 triệu đồng/tháng và cao nhất là hơn 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, giáo viên mầm non còn được hưởng một số loại phụ cấp nhất định.

Quy định về trả lương trong doanh nghiệp?

Dưới đây là một số quy định về tiền lương mà doanh nghiệp, người sử dụng lao động (NSDLĐ) cần nắm rõ:

Nguyên tắc trả lương

1. Mức lương của người lao động (NLĐ) không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho NLĐ phải căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. NSDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.

4. NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và NSDLĐ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Việc NSDLĐ không trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn là một trong những căn cứ để NLĐ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

5. NSDLĐ không được dùng hình thức cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định.

Hình thức trả lương

Tiền lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. NSDLĐ có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm hoặc khoán và phải duy trì trong một thời gian nhất định. Trường hợp thay đổi hình thức trả lương, NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 10 ngày.

1. NLĐ hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Trường hợp NSDLĐ trả lương theo giờ, ngày, tuần thì phải trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Đối với hình thức trả lương theo sản phẩm và theo khoán, các bên sẽ tự thỏa thuận về thời hạn trả lương. Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Cách tính tiền lương trong một số trường hợp cụ thể:

1. Tiền lương thử việc:

Tiền lương trong thời gian thử việc do NLĐ và NSDLĐ tự thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

2. Tiền lương làm thêm giờ:

Tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a. Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c. Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.

3. Tiền lương làm việc vào ban đêm (được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau)

NLĐ làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

4. Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm:

NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định về việc làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm như nêu trên, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

5. Tiền lương trong thời gian ngừng việc

a. Trường hợp phải ngừng việc do lỗi của NSDLĐ thì NLĐ vẫn được trả đủ tiền lương.

b. Trường hợp do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương; những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

c. Trường hợp vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của ai hoặc xảy ra nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm,… hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

6. Tiền lương khi tạm thời chuyển đổi công việc

NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ. NLĐ được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

7. Tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ công việc

Trong quá trình xác minh vi phạm của NLĐ để xem xét xử lý kỷ luật lao động, NSDLĐ có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ. Trong thời gian này, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động thì NLĐ cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Nhưng nếu không bị xử lý kỷ luật lao động thì NSDLĐ phải trả đủ tiền lương cho NLĐ trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

8. Tiền lương trong trường hợp học nghề, tập nghề

Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được NSDLĐ trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.

9. Tiền lương trong trường hợp NLĐ nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH)

Trong thời gian NLĐ nghỉ việc được hưởng chế độ BHXH, NSDLĐ không phải trả lương cho NLĐ. Đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Nguồn: Theo Luật Việt Nam

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.