"Năm bông hồng trắng" của nữ thi sĩ Đỗ Bạch Mai là một trong nhiều thành công của bà. Tình yêu của bà với chồng - nhà thơ Bế Kiến Quốc - chính là một tình yêu vĩnh cửu, kể cả khi ông đã đi xa.
Nhân ngày Valentine, xin chia sẻ với các bạn bài thơ "Năm bông hồng trắng" cùng câu chuyện tình yêu của tác giả, lời bình của PGS. TS. Nhà thơ Lê Quốc Hán và ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Tuyên với sự thể hiện của ca sĩ Thanh Lam.
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai
Nói chuyện nho nhỏ
Bên bông hồng đỏ
Bên bông hồng xanh...
Trò chuyện cùng anh
Năm bông hồng trắng
Này bông xa vắng
Này bông nhớ thương
Bông này giận hờn
Bông này chờ đợi...
Còn một bông cuối?
Còn bông cuối cùng
Em không dám nói
Còn bông cuối cùng
Anh không dám hỏi
Còn một bông cuối
Dịu dàng tỏa hương
10. 10. 1984
Đỗ Bạch Mai
Tôi thích cắm hoa. Hôm đó tôi mua 5 bông hồng trắng về cắm trong cái lọ nhỏ. Bế Kiến Quốc thấy tôi lúi húi cắm hoa, anh nhìn thấy đầy chất thơ, vì lúc nào anh ấy cũng lãng mạn, có biết đâu vợ vất vả thế nào. Anh ấy bảo: "Em làm thơ về 5 bông hồng trắng đi". Đó là lời động viên, cũng là lời thách thức.
Tôi chợt nhớ đến bài Bói hoa của Đoàn Lê. Tôi nghĩ để bài thơ sâu sắc thì mỗi bông hoa nên là một câu chuyện. Và thế là tôi bắt đầu:
"Nói chuyện nho nhỏ
Bên bông hồng đỏ
Bên bông hồng xanh
Trò chuyện với anh
Năm bông hồng trắng".
Có người thắc mắc vì sao lại là "bông hồng xanh". Thực ra bông hồng xanh chỉ là đơn giản là bông hồng còn non thôi".
Nữ thi sĩ còn nguyên cảm giác khi câu cuối cùng của bài thơ khép lại: "Mình run rẩy. Mình viết dễ như thế trước ông thầy của mình. Mình không đủ tự tin đó là một bài thơ nên hỏi chồng: "Anh thấy có phải một bài thơ không?". Chồng bảo: "Thơ đây chứ còn gì nữa". Đỗ Bạch Mai tổng kết: "Những bài thơ thành công bao giờ tôi cũng làm trong một sự run rẩy".
Bà viết "Năm bông hồng trắng" khi đã ngoài 30 tuổi.
PGS. TS. Nhà thơ Lê Quốc Hán
Số 5 có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh người phương Đông: bàn tay năm ngón, ngôi sao năm cánh, vũ trụ được tạo thành từ năm nguyên tố đầu tiên: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa ứng với năm hành tinh trong hệ mặt trời.
Phải vì vậy mà nữ thi sĩ Đỗ Bạch Mai đã dùng hình ảnh "năm bông hồng trắng" để đặc trưng cho các cung bậc tình cảm của người trinh nữ trong phút trao yêu? Có xa vắng nhớ thương, có giận hờn chờ đợi. Tình cảm của họ đã được thử thách qua thời gian. Nhưng để vượt qua cái vạch cuối cùng giữa tình bạn và tình yêu, họ vẫn còn ngập ngừng e ngại. Câu thơ đứng tách một mình: còn một bông cuối? với một dấu hỏi lơ lửng giữa chừng như cố tình tạo ra một khoảng trống cả không gian lẫn thời gian để mỗi người lắng hồn lại, tìm thêm chút can đảm vượt qua cái vạch ngăn cách kia. Thế mà rốt cuộc: còn bông cuối cùng/ em không dám nói/ còn bông cuối cùng/ anh không dám hỏi. Phải vì họ còn quá trẻ, hay vì họ quá tế nhị, kín đáo? Và người có lỗi gây ra tình cảnh này không phải ai khác mà chính chàng trai, bởi vì dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh và thời đại nào người con gái cũng không bao giờ tỏ tình trước, huống chi người trinh nữ. May sao cô gái cũng mở ra cho chàng trai một con đường, một hy vọng: còn một bông cuối/ dịu dàng tỏa hương...
Bài thơ kể lại một chuyện tình kín đáo, duyên dáng, nhẹ nhàng mà xao động lòng người. Dù tác giả không cho ta biết câu chuyện xảy ra ở đâu, vào lúc nào nhưng ta vẫn linh cảm được nó xảy ra vào một ngày rất trọng đại: ngày lễ thánh Valentine hoặc ngày sinh nhật của cô gái, bởi xung quanh cô tràn ngập hoa hồng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu: một bên hồng đỏ, một bên hồng xanh và ở giữa là năm bông hồng trắng. Hơi thơ như lời thủ thỉ tâm tình, ngắn gọn mà giàu tình cảm, thi thoảng đứt đoạn rất phù hợp với ngôn ngữ của người trinh nữ trước ngưỡng cửa tình yêu.
(Theo "Thơ trong ký ức", NXB Văn học, 2002).
Bài thơ của thi sĩ Đỗ Bạch Mai đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc và trong đêm nhạc của Ông, ca sĩ Thanh Lam đã thể hiện ca khúc này. Xin mời các bạn xem video:
Ý kiến bạn đọc: