Nhân bài thơ Đường luật năm Tuất cách đây đúng một giáp, tìm hiểu luật thơ này

Làm thơ Đường luật là thú vui của rất nhiều người. Bởi ngoài những quy định của luật thơ tạo ra như một luật chơi hấp dẫn thì những người làm thơ Đường luật còn gắn kết với nhau bằng cách hoạ thơ của nhau.

Xin chia sẻ với các bạn bài thơ Đường luật cách đây đúng một giáp viết nhân dịp năm Tuất:

Một biểu tượng của năm TuấtMột biểu tượng của năm Tuất

Thơ năm Tuất

Năm Tuất làm thơ tặng chú mày
Ngẫm ra nhiều chuyện thật là hay
Khi yêu trẻ nhỏ, kêu : Con Cún
Lúc ghét quân gian, gọi : Lũ Cầy
Vì chủ trung thành không lạc bước
Giữ nhà dũng cảm biết quên thây
Sống ăn xương xẩu, cơm canh cặn
Chết để cho đời bảy món say

Năm Tuất – 2006

Lê Thống Nhất

BigSchool: Nhân đây xin chia sẻ với các bạn sơ lược về thơ Đường luật.

THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT 

 
Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 tiếng trong một bài thơ thất ngôn bát cú.
Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì có hai loại: thơ vần bằng và thơ vần trắc.
Tuy nhiên, các thi nhân thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.

1. Luật bằng thơ vần bằng

Luật bằng thơ vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và đều là vần bằng (với thơ vần trắc thì phải vần với nhau là vần trắc).

2. Luật trắc thơ vần bằng

Luật trắc thơ vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và phải là vần bằng.

3. Bố cục một bài thơ

- Câu số 1 dùng để mở bài (gọi là phá đề), câu số 2 dùng để chuyển tiếp vào bài (gọi là thừa đề). Hai câu này có tên là hai câu đề.
- Hai câu 3 và 4 dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng. Hai câu này có tên là hai câu trạng (có nơi gọi thuật hay thực). Hai câu này phải đối nhau (tức là một câu đối).
- Hai câu 5 và 6 dùng để bàn rộng nghĩa đề tài và được gọi là hai câu luận. Hai câu này phải đối nhau.
- Hai câu 7 và 8 dùng để tóm ý nghĩa cả bài và được gọi là hai câu kết.
 

4. Yêu cầu về niêm

- Các tiếng thứ 2, thứ 6 trong mỗi câu phải cùng vần bằng hoặc cùng vần trắc.
- Tiếng thứ 2 của câu 2 và câu 3, câu 4 và câu 5, câu 6 và câu 7 phải cùng vần bằng hoặc cùng vần trắc.
- Tiếng thứ 2 của mỗi cặp câu (đề, thực, luận, kết) phải khác nhau về vần bằng trắc.
Từ đó ta có 2 bảng về vần bằng trắc của thơ thất ngôn bát cú Đường luật:
 
 
LUẬT BẰNG VẦN BẰNG
 
B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu 4)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)
B - B - T - T - B - B - T (đối câu 6)
T - T - B - B - T - T- B (vần) (đối câu 5)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)
 
 
LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
 
T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T (đối câu 4)
T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu 6)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 5)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)
 

4. Luật xướng hoạ phóng vận  

Chơi xướng hoạ thơ thường chỉ đặt ra với loại thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Một bài thơ hoạ theo/lại một bài thơ Đường luật phải đảm bảo:

- Là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- Các tiếng cuối các câu: 1, 2, 4, 6, 8 phải trùng tương ứng với tiếng cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 của bài thơ xướng. Nếu các tiếng 1, 2, 4, 6, 8 trùng tương ứng với tiếng cuối các câu 8, 6, 4, 2, 1 thì gọi là hoạ đảo vận. Trước đây người ta quy định bài hoạ phải cùng đề tài, thậm chí tên bài và các tiếng trên không chỉ giữ đúng về âm mà phải cả về nghĩa với bài xướng. Tuy nhiên sau này có khi người ta lại cho rằng giữ nguyên âm các tiếng này mà khác nghĩa mới hay hơn. Điều này cũng cần làm rõ trước mỗi cuộc thi.

- Các tiếng thứ 6 của các câu trên không được trùng với tiếng thứ 6 của bài xướng và các bài hoạ trước mình.

- Bài thơ hoạ có thể làm theo luật trắc hoặc luật bằng không nhất thiết phải theo luật của bài thơ xướng, tuy nhiên vẫn có những khi người ta quy định bài hoạ phải khác luật bằng/trắc với bài xướng.

- Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm. Tuy nhiên sau này người ta cho phép mở rộng đề tài để dễ làm hơn, tuỳ theo quy định của mỗi cuộc thi hoạ.

5. Một số thí dụ

- Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam

Bài Xướng:

TÔN PHU NHÂN QUI THỤC 
   (của Tôn Thọ Tường)

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông 
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc 
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi 
Đá vàng chi để thẹn non sông 
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn 
Thà mất lòng anh được bụng chồng


Bài Họa:

TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
     (của Phan Văn Trị) 

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng 
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất 
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết 
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.

- Bài thơ của thầy Lê Quang Phan (nguyên cán bộ Khoa Toán, ĐH Vinh và Viện Khoa học Giáo dục)

70 tự vịnh

Bạn hữu mừng ta được bảy mươi

Riêng ta cũng tự gật đầu cười

Ơn Trời, lạy Phật cho duyên phận

Cậy Mẹ, nhờ Cha được kiếp người

Nghĩa vợ, tình chồng luôn gắn kết

Nhà con, phố bạn thoảng rong chơi

Bảy mươi xuân ấy đà đà vẹn

Ba chục thu này sẽ sẽ tươi !

25/1/2014

Chú thích: Bài này làm theo luật trắc vần bằng.

Bài thơ hoạ lại của thầy Lê Thống Nhất:

Mừng thầy Lê Quang Phan

Bảy mươi mà ngỡ vẫn ba mươi
Mãi trẻ bởi không vắng nụ cười
Học vị đâu màng, lo dạy Toán
Quyền sang chẳng hám, nguyện trồng Người
Đung đưa với bạn còn say chán
Sảng khoái cùng trò vẫn hát chơi
Một thế kỷ đời chưa biết ngán
Hình thầy mãi sáng, mãi vui tươi !

Chiều 3 Tết Giáp Ngọ tức 2/2/2014

Chú thích: Bài hoạ lại theo luật bằng vần bằng.

- Bài thơ của thầy Văn Như Cương:

Về hưu

Thân tặng các bạn đồng nghiệp Tổ Hình học

Ta phải về thôi, tuổi xế chiều
Dẫu còn gian díu chút Tình yêu
Bài ca Sư Phạm chưa dừng lại
Công việc Trồng Người vẫn đuổi theo
Sức khoẻ Trời cho còn đủ mạnh
Lương hưu Vợ quản vẫn thừa tiêu!
Đời người vốn dĩ không dài lắm,
Sự nghiệp thôi thì chỉ bấy nhiêu

Hà Nội, tháng mưa nhiều – 3/2001. 

Bài thơ hoạ lại của thầy Lê Thống Nhất:

Được bao nhiêu?

Về hưu vẫn được các em chiều

Mang rượu đến mời mấy chén yêu

Râu bạc thế gian còn muốn đọ

Trán cao thiên hạ khó đòi theo

Nhân tình thơ phú gieo vần khó

Thế sự  luận bàn thả hạt tiêu

Sách Toán gánh đời đâu dễ bỏ

Trên đời như thế được bao nhiêu?

16/12/2014

6. Luật hoạ hạn vận

Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải: 
- Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn. 
- Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định. 
Thí dụ 1: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau: 
a. Ðầu đề (nội dung) là: 

Trống treo ai dám đánh thùng 
Bậu không ai dám dở mùng chun vô 

b. Năm vần hạn định theo thứ tự là:  xô - cô - vô - ô - rô. 
Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu... như sau đây: 

Nào phải là ai dám giục xô 
Thuận tình trước hết tự nơi cô 
Có cho mới dám trao dùi đánh 
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô 
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa 
Ham vui quên hết chuyện dâm ô 
Thói hư thuần thước xưa còn lạc 
Đừng học làm chi gióng nhảy rô

Thí dụ 2: Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó, xin kể lại một câu chuyện như sau: Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:
- Đầu đề: Xuân Khuê
- Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
- Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:

Xuân Khuê

Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ.

Thí dụ 3: Mùa xuân Tân Mùi (1991) anh Nguyễn Văn Tân, đi bộ đội về học cùng lớp với thầy Lê Thống Nhất có tổ chức mừng thọ cho bố mình và có muốn xin một bài thơ Mừng thọ. Thầy Nhất đã tự ra đề cho mình một yêu cầu: Bài thơ phải có đủ tên 2 ông bà Cương, Hương và tên 8 đứa con (Tuý, Tân, Kỳ, Thuỷ, Hoài, Ngọc, Hà, Thắng). Bài thơ đã đúng yêu cầu này:

Mừng thọ ông Cương tuổi 70

Mừng thọ bảy mươi tuổi Ngọc vàng
Tân Mùi pháo nổ cực Kỳ vang,
Cháu con cộng mãi tài tinh Tuý
Bầu bạn chia Hoài nghĩa chứa chan
Tay thợ nào muôn khó nhọc
Nghiệp nhà vẫn Thắng những gian nan.
Thuỷ chung chồng vợ Hương thơm ngát
Lên tuổi kim Cương bước nhẹ nhàng.

Lời mời: Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất sắp đến, thầy Lê Thống Nhất xin mời các bạn gần xa hoạ bài "Thơ năm Tuất" và xin gửi về địa chỉ: nhat@bigschool.vn hoặc có thể đăng ở phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết này.

Ý kiến bạn đọc: (1)

Mộc Gia Trang Các Bạn đam mê thơ Đường có thể sử dụng máy kiểm tra thơ Đường luật để hỗ trợ việc kiểm lỗi nhanh hơn:

+ Tự động kiểm được bốn thể thơ: thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn tứ tuyệt. Máy kiểm tra niêm luật, trùng từ và các lỗi bệnh cơ bản của thơ Đường, bao gồm: dùng từ; niêm luật; gieo vần; phong yêu; hạc tất; đại vận; tiểu vận; chánh nữu; bàng nữu; điệp thanh; điệp điệu; bình đầu; thượng vĩ; kiểm tra hai cặp đối.
Nếu người tham gia muốn làm thơ theo kiểu đơn giản thì có thể bỏ qua một số tiêu chí kiểm tra của máy.
Hiện tại, máy có thể xác định một số dạng thơ đặc biệt như: ngũ độ thanh, thủ vĩ ngâm,…

+ Bảng luật: công cụ tra cứu bảng luật của tất cả các thể thơ Đường.

Chi tiết xin xem ở các link sau:

https://xuonghoa.mocgiatrang.net/intro.html
https://youtu.be/Dn2iBH3Qhe0

· Trả lời · 4 năm trước
Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.