Bây giờ mùa Xuân lại nghe hát Mùa xuân đầu tiên... Nhưng mấy ai biết cái ca khúc tuyệt phẩm ấy lận đận hai mươi năm, trước khi nó thành bài hát rất phổ biến được gọi là "Xuân ca đất nước" như hôm nay. Phải nói rằng người nghệ sĩ tài năng thường có khả năng dự cảm và những tuyệt phẩm phải ra đời trong tâm thức như vậy. Với Mùa Xuân đầu tiên, Văn Cao đã trở lại với âm nhạc sau gần ba mươi năm làm nốt lặng giữa cuộc đời. Và một ngày nọ sau khi đất nước thống nhất, không kìm lòng trước niềm hân hoan rạo rực của đất trời và muôn người, không thể dửng dưng trước niềm vui và những trăn trở của lòng người ngày toàn thắng, ông đã viết lòng mình theo một cách riêng. Không reo vui mang tính chất hùng ca như những ca khúc thời ấy, mà lắng đọng, thiết tha, mà sâu sắc và xúc động lòng người. Văn Cao đã đặt giữa cuộc đời một điệu valse nhẹ nhàng, tình cảm...
Nhà văn Triệu Bôn từng viết rằng, từ lâu, tận bên Nga người ta đã phổ biến Mùa Xuân đầu tiên và nhạc Văn Cao. Ông kể người cháu của mình thời làm ăn ở Nga vẫn thường nghe Mùa Xuân đầu tiên. Chàng trai ấy nghe nhạc Văn Cao bởi "thấy lòng mình sạch sẽ trở lại, thấy quê hương đất nước như ở bên mình"...
... Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Câu chuyện về sự ra đời của nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên, anh Văn Thao - con trai nhạc sĩ bảo: Cha tôi viết bản nhạc ấy trong tâm thức an vui sau ngày đất nước thôi chinh chiến ba mươi năm máu lửa, khi đất nước hòa bình, Tổ quốc sum họp. Nhưng tại sao bài hát ấy lại được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng, khi đất nước vừa yên hàn? Tại sao không biết, chỉ biết rằng những người làm tờ báo ấy khi ấn phẩm chưa đầy tuổi nhưng đã có tâm thế đoàn viên để rồi cuộc trùng phùng ấy đã cho chào đời một tuyệt phẩm... Nhà thơ Thanh Thảo viết: "Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ào ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, như báo trước một điều gì".
Vâng! Một điệu valse sang trọng, vui nhẹ nhàng như hơi thở mùa Xuân, nhưng khi lắng lại tâm hồn, ta cảm được những gì bên trong sự tươi vui ấy có chút gì như là cay đắng ngậm ngùi về một quá khứ của dân tộc oanh liệt và đau thương, bi hùng... Đất nước qua bao nhiêu dâu bể, thăng trầm ly loạn. Những biến cố lịch sử ấy hiện diện trong từng ngôi nhà, trong vô vàn thân phận. Và Mùa Xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên, mở ra những khát vọng về hòa bình, yên ấm...
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người...
Bâng khuâng và rạo rực lắm, lòng người Việt trước mùa xuân đầu tiên ấy. Và Văn Cao đã nói hộ lòng người Việt Nam bằng tuyệt bút cuối cùng của đời mình sau bao nhiêu năm im lặng, mong chờ trong đau đớn... Bây giờ thì giai điệu ấy đang làm xao xuyến lòng ta trước mùa Xuân... Văn Cao đã đi xa gần 20 năm và tôi tin khúc hoan ca ấy, cũng như những tuyệt bút khác của ông mãi ở lại với lòng người yêu nhạc...
HN ngày đầu Xuân 2014
Tân Linh
Nguồn: Báo Hà Nội mới - Ảnh trong bài của Nguyễn Đình Toán.
Ý kiến bạn đọc: