Nhạc sỹ Phạm Tuyên với tráng ca "Hà Nội - Điện Biên Phủ"

  • 25/12/2017 | 12:46 GMT+7
  • 4.102 lượt xem

Chúng ta đều nói: "Nhạc sỹ Phạm Tuyên là người viết sử bằng âm nhạc", điều đó đã chứng minh bởi hàng loạt ca khúc của ông gắn với từng mốc lịch sử của dân tộc.

Ca khúc "Hà Nội - Điện Biên Phủ" đã ra đời trong trận chiến 12 ngày đêm của Hà Nội với những trận tập kích bằng pháo đài bay B 52 của Mỹ. 45 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nghe lại ca khúc này, những người yêu Hà nội như sống lại 12 ngày đêm hào hùng đó. 

Nhạc sỹ Phạm Tuyên - Người viết sử bằng âm nhạcNhạc sỹ Phạm Tuyên - Người viết sử bằng âm nhạc
Ánh mắt ông vẫn ngời sáng và nụ cười vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nhắc tới hoàn cảnh ra đời bài hát “Hà nội - Điện Biên Phủ”. Ông kể: Đúng tối 18/12/1972, không quân Mỹ bắt đầu ném bom Hà nội. 4h sáng ngày 19 thì ném bom ở Mễ Trì nhưng hình như chưa đạt yêu cầu. Ngày 20, lại ném bom ở đài truyền sóng Bạch Mai. Nhà tôi cũng bị bom Mỹ đánh tan tành, đàn piano tung lên, sách cháy cả.

Theo ông, những ngày tháng đó, cả Hà nội như oằn mình trong những trận bom của không quân Mỹ. Nhà cửa tan hoang, phố phường vắng vẻ nhưng không ai muốn rời xa Thủ đô.  Người dân Hà nội rất đặc biệt, nhà cửa đổ nát như thế, phải đi sơ tán như thế nhưng ở phố Khâm Thiên không nhà nào khóa cửa cả. Tất cả đổ xô ra dọn dẹp. Bệnh viện Bạch Mai cũng thế, đổ nát nhưng vẫn hoạt động. Trong hoàn cảnh đó, trông tôi tự dưng có cảm xúc khác lắm.

Nhớ lại thời gian cách đây 45 năm, nhạc sỹ Phạm Tuyên xúc động bảo rằng giữa các đợt oanh kích, ông vẫn thấy người dân Hà Nội thật gan góc, vững vàng. Những cặp mắt thâm quầng sau nhiều đêm không ngủ với hàng chục đợt báo động vẫn ánh lên một ý chí kiên định, tin tưởng. Và bài hát “Hà nội - Điện Biên Phủ trên không” ra đời trong hoàn cảnh đó. Ông viết vào đêm 27/12/1972 ngay dưới hầm trú bom của Đài tiếng nói Việt Nam. Ông tâm sự: Quân ủy khi đó có ý kiến là kiên quyết chống trả địch như trận Điện Biên Phủ. Nghe chữ Điện Biên Phủ, tôi thấy có gì đó hào hùng lắm. Thế nên tối về đã ngồi viết bài "Hà nội - Điện Biên Phủ trên không", hoàn toàn không du dương, mà quyết liệt lắm, để nhân dân biết quyết liệt thế nào. Đêm 29/12/1972 bài hát được phát. Căng thẳng như thế mà tiếng hát vẫn vang lên. Anh em trong Sài Gòn bảo Hà nội vừa đánh vừa hát, dứt khoát Mỹ thua. Quả nhiên ngày hôm sau Mỹ đã xuống thang.

Ảnh chụp bản nhạc gốc. Ảnh: Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sỹ.Ảnh chụp bản nhạc gốc. Ảnh: Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sỹ.
Buổi phát thanh đêm 29/12/1972 gây xúc động cho nhiều người. Còn bài hát đó, đến tận hôm nay vẫn lay động  tình cảm của nhiều thế hệ người con Việt nam, đặc biệt là những ai đã kinh qua cuộc chiến. Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, lúc đó ở trong chiến trường Quảng Trị, chia sẻ: Nhà tôi ở Ngọc Hà, qua một người bạn tôi biết nhà bị cháy trong đợt ném bom của giặc Mỹ. Khi nghe bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tất cả những người lính chúng tôi đã chảy nước mắt. Khi ấy tôi có cảm giác, tất cả những mất mát của tôi đã được đền đáp.

Còn nhà báo Nguyễn Lưu thì nói rằng: người Sài Gòn lúc ấy nghe "Hà Nội- Điện Biên Phủ" có nói "Hà Nội vừa chiến đấu vừa hát thế này, chắc chắn sẽ chiến thắng": Khi nghe bài hát đó thì có gì đó khác lắm, phấn chấn tinh thần. Chưa bao giờ ở Hà nội lại lạc quan như ngày tháng đó. Vô cùng tự hào về người Việt Nam.

Và Hà nội đã chiến thắng thật, chiến thắng một cách anh hùng. Sau đó không lâu, đế quốc Mỹ đã phải xuống thang, chấm dứt ném bom Miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán Paris.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên nói rằng sự tự tin đến mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc từ trận đánh "Hà nội - Điện Biên Phủ trên không” chính là mạch nguồn cảm xúc khiến không lâu sau đó, ông viết nên bài ca chiến thắng "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" năm 1975. Và ông tin rằng: Sứ mệnh của những người nhạc sĩ là phải ghi lại lịch sử dân tộc bằng âm nhạc. Đó là bài học lịch sử gần gũi nhất để đi vào lòng người./.

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.