Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo nói gì về cải tiến chữ quốc ngữ?

  • 04/12/2017 | 11:57 GMT+7
  • 6.329 lượt xem

Không phải nhà nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng là người sử dụng giỏi tiếng Việt trong các câu thơ, ca từ âm nhạc, nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã chia sẻ suy nghĩ của mình về câu chuyện cải tiến chữ quốc ngữ và muốn chúng ta thưởng thức ca khúc "Tiếng Việt"...

CHỮ VIẾT - TIẾNG VIỆT.

Cả tuần qua dân mạng và báo chí truyền thông ầm ĩ chuyện "cải tiến - cải lùi" chữ Quốc ngữ của FZX/PGS Bùi Hiền. Luận cứ ông đưa ra dù chỉ là một bài tham luận hay một công trình nghiên cứu "cải tiến - cải lùi" thì điều quan trọng là nó tác động trực tiếp đến người dân và quốc gia. Và tài trí của nhân dân được huy động để phản biện/phản đối hay đồng tình/bênh vực.

Ai cũng biết, tự do nghiên cứu, sáng tạo đều được tôn trọng. Nhưng phân biệt người điên thật/điên giả/người hiền tài/người bình thường theo cơ sở khoa học và có cả cơ sở cảm tính. Nhìn chung, nhận xét của từ người ít học đến nhà chuyên môn trong nước và nước ngoài đều cho ý kiến của FZX/PGS Bùi Hiền là "bất khả thi". Và nhà nước cũng lên tiếng là chưa có nhu cầu cải tiến chữ viết trong giai đoạn hiện nay.

Trong phạm trù chữ viết và ngôn ngữ thì lịch sử đã chỉ ra: Người không/chưa biết chữ vẫn có ngôn ngữ để giao tiếp. Có dân tộc có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Nghe nói người Việt có chữ viết từ thời Hùng Vương, nhưng luận cứ này có vẻ chưa thuyết phục. Từ khi nước Việt bị Tàu đô hộ thì người Việt dùng chữ Tàu (Hán tự) từ văn bản đến văn chương. Rồi sáng tạo ra chữ Nôm tượng hình theo kiểu chữ Hán nhưng giản lược. Đến khi người Tây phương đến truyền đạo và la tinh hóa tiếng Việt thì chữ Quốc ngữ ra đời.

Chữ Quốc ngữ ở ta từ khi xuất hiện (Thế kỷ 17) đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn cải tiến, đã bỏ đi khá nhiều phụ âm xuất hiện ban đầu. Theo nghiên cứu thì chữ Quốc ngữ năm 1645 chỉ giống chữ viết ngày nay khoảng 45%, và khá ổn định từ đầu thế kỷ 20 (1902) đến nay.

Thập niên 60 của thế kỷ trước, Bác Hồ kêu gọi "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" nhằm Việt hóa những từ ngoại như Hán - Việt nhưng vẫn còn nhiều từ chưa thay đổi được (ví dụ trong quân đội: nữ chiến sĩ = nữ quân nhân = bộ đội gái)?

Ý tưởng của FZX/PGS Bùi Hiền thay đổi các phụ âm ghép chỉ nghĩ đến giản tiện mà không nghĩ tới đại cục nên khi sắp đặt từ theo bảng chữ cái cải tiến của ông đã gây ra hàng triệu tiếng cười diễu là chuyện không thể cãi được bằng "chuyên môn" của ông. Thực tế không phải ai có học cũng nghĩ ra những điều hoàn toàn đúng đắn. Đấy là chưa nói tới sự bất cập như đời sau không đọc được văn bản chữ viết ngày nay, và phải thay đổi toàn bộ hệ thống phần mềm trong công nghệ thông tin, hệ thống giáo dục và hệ thống hành chính, v.v...

Tôi yêu tiếng Việt, chữ Quốc ngữ (Việt), nhưng tôi thấy FZX/PGS Bùi Hiền hơi bị ảo tưởng về ý tưởng của mình. Những lời biện hộ của ông và một số người khác được phát đi sau cơn "bão đá" đều không thuyết phục.

Và bạn hãy hát bài ca "Tiếng Việt" của Nguyễn Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ, bạn sẽ thấy đầu óc được nhẹ nhàng hơn:

Ôi Tiếng Việt như đất cày như lụa
Óng tre ngà mềm mại như tơ...

3/12/2017
Nguyễn Trọng Tạo

 

 
 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.