Tại hội nghị "Giao ban tổng kết mô hình trường học mới VNEN" ngày 22/11 vừa qua, nguyên thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có những ý kiến nhận xét, góp ý và làm rõ hơn về mô hình trường học mới VNEN.
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng trong quá trình chỉ đạo thực hiện mô hình trường học mới VNEN đã có nhiều nhận thức không đúng, gây ra hiểu nhầm và kết quả chưa được như mong muốn. Đồng chí đã nêu ra một vài những nhận thức sai lệch tiêu biểu, cụ thể:
1. Vì điều kiện còn hạn chế nên gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN.
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng chính mô hình trường học mới VNEN đã đặt ra nhu cầu để các địa phương phát triển về cơ sở vật chất và đầu tư cho Giáo dục nhiều hơn. Điều kiện thực hiện tốt nhất sẽ mang lại kết quả tốt nhất, nhưng điều kiện thực hiện còn thấp thì hiệu quả thực hiện không tốt bằng, chứ không phải là không thực hiện được.
2. Giáo viên yếu về phương pháp dạy học nên không sử dụng được mô hình này.
Đồng chí Nguyễn Vinh Hiển khẳng định phương pháp dạy học đã có sẵn trong từng bài học ở sách giáo khoa. Đây là phương pháp phổ quát nhất về nhận thức khoa học chứ không phải nhận thức cảm tính. Giáo viên yếu ở đây là yếu về kỹ thuật dạy học (như kỹ thuật tổ chức nhóm, kỹ thuật nêu vấn đề, trộn kiến thức…). Giáo viên chưa biết dùng những kỹ thuật ấy thì dạy học theo phương pháp cũ cũng không dạy tốt được.
Trong thời gian sắp tới, đồng chí cho rằng cần phải tổ chức tập huấn để nâng cao kỹ thuật dạy học cho giáo viên.
3. Nếu học sinh tiểu học không học mô hình này thì lên trung học cơ sở có học được không?
Nguyên thứ trưởng khẳng định không học tiểu học lên trung học vẫn học được. Tất nhiên, các học sinh ấy không bằng với các bạn đã học ở tiểu học, bởi bắt đầu chậm hơn chứ không phải hông học được.
Nếu học sinh Tiểu học học mô hình này nhưng lên Trung học cơ sở không học thì liệu có phí phạm không?
Nếu Tiểu học đa học mô hình này nhưng lên Trung học cơ sở không học thì cũng không hề lãng phí. Bởi năng lực tự học, năng lực lãnh đạo, năng lực hợp tác… là các năng lực cần cho suốt đời, chứ không phải cần riêng trong môi trường nào.
Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chính phải dùng mô hình này thì năng lực giáo viên mới tăng lên, năng lực học tập của học sinh được nâng cao và kéo được sự quan tâm của toàn xã hội tới Giáo dục.
4. Tại sao không học các nước tiên tiến khác mà lại học Colombia?
Đồng chí Nguyễn Vinh Hiển cho rằng việc học các nước tiên tiến như Anh, Mỹ… chỉ học về xu thế. Việt Nam không có đủ điều kiện để áp dụng toàn bộ như các nước tiên tiến đó. Trong khi đó, Colombia là nước có điều kiện tương tự như Việt Nam, họ đã làm được và thu được kết quả tốt và mô hình này là mô hình tiếp cận tiên tiến, hướng tới công dân toàn cầu, hướng tới những điều tốt đẹp nhất.
Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn mô hình này được phát triển một cách bền vững, tiếp tục thực hiện mô hình trên cơ sở thành công. Đồng chí mong muốn trong tương lai việc thực hiện mô hình tốt hơn nữa chứ không chỉ dừng lại như những gì đã triển khai.
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh mô hình trường học mới gồm 5 thành tố như sau:
- Trường học mới VNEN làm tốt nhất công tác xã hội hóa Giáo dục. Nhà trường gắn liền với Gia đình và xã hội, ai cũng có trách nhiệm với nhà trường và nhà trường cũng có trách nhiệm với xã hội, hướng tới dân chủ hóa Giáo dục.
- Nhà trường được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch giáo dục. Nhà trường tự chủ sắp xếp chương trình học, đảm bảo kết quả học tập của học sinh. Nhà trường cũng có quyền tự chủ về tài chính nhưng cần công khai, có quyền tự chủ về nhân sự, liên quan đến chế độ chính sách, phân công nhiệm vụ cho các giáo viên.
- Mô hình trường học mới VNEN giúp phát triển chuyên môn liên tục cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên cần biết học tập học hỏi lẫn nhau thông qua trao đổi chuyên môn, bởi giáo viên là những người học tập suốt đời.
- Học sinh được phát huy khả năng tự học tự quản có hướng dẫn. Các phương pháp giáo dục tiên tiến đều hướng đến việc học sinh tự quản, dưới sự hướng dẫn của giáo viên và sách hướng dẫn.
- Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng hướng dẫn, đánh giá toàn diện học sinh.
Đồng chí cũng cho rằng các nhà trường có thể không áp dụng toàn bộ, nhưng có thể áp dụng từng thành tố trên. Nếu chưa có điều kiện thì làm dần từng bước một, phát triển từng thành tố một, hướng tới đồng bộ để thành công.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng thể hiện sự quan tâm đối với việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN ở cấp Trung học cơ sở. Một số trường Trung học cơ sở đã áp dụng và thực hiện mô hình VNEN trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên vì thời gian thực hiện còn ngắn, kinh phí không nhiều nên chất lượng chưa bằng cấp Tiểu học.
Điểm khác của Trung học cơ sở ở chỗ học sinh Trung học cơ sở sẽ cần thi vào Trung học phổ thông. Nguyên thứ trưởng khẳng định việc thi vào Trung học phổ thông cần phải thi chung giữa những trường thực hiện VNEN và những trường không thực hiện. Tuy nhiên, cần xem xét về cách ra đề để đánh giá năng lực học sinh. Việc ra đề cần theo yêu cầu tổng hợp kiến thức, theo hướng vận dụng kiến thức nhiều hơn, hình thức kiểm tra đánh giá phong phú hơn.
Đồng chí Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ thực hiện dự án và các địa phương trong thời gian vừa qua. Đồng chí cũng hi vọng dự án sẽ tiếp tục có những triển khai trong thời gian tới có hiệu quả hơn.
Thanh Bình (BigSchool)
Ý kiến bạn đọc: