Trong chương trình Ngữ văn 12 có trích dẫn khá nhiều tác phẩm với nhiều thể loại phong phú: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, ký. Nhiều giáo viên tâm sự hơi "ngại" và ít có cảm hứng khi dạy tác phẩm thuộc thể loại ký. Xin chia sẻ kinh nghiệm của một cô giáo khi dạy thể loại này.
Việc giảng dạy ký đòi hỏi người dạy phải bám chắc đặc điểm cơ bản của thể loại ký, đó là tính xác thực. Tác phẩm ký thường không hư cấu mà tác giả chỉ lựa chọn ngay những sự việc, những con người vốn đã có giá trị nổi bật trong cuộc sống để phóng bút. Nếu thầy cô chỉ thỏa mãn với kiến thức có sẵn trong bài văn thì khó mà giảng hay được, dẫn đến giờ học bài ký muôn thuở vẫn khô khan, học sinh khó tiếp nhận được văn bản. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng: Giảng dạy một tác phẩm ký là sự khó khăn, vất vả, công phu đối với giáo viên.
Do đó để giảng dạy tốt 2 tác phẩm ký "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân và "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người giáo viên cần thay đổi phương pháp và tích cực đổi mới khiến học sinh thực sự thấy say mê, thẩm thấu tốt cái hay, cáo đẹp của văn bản. Để làm được nhiệm vụ cao quý và nặng nề này, thầy cô giáo cần có những phương pháp thích hợp, đồng thời phải biết cách sử dụng phối hợp các phương pháp phân tích tác phẩm một cách nhuần nhuyễn nhất, nhằm giúp học sinh vừa nắm bắt tri thức, vừa nắm bắt phương pháp học tập nghiên cứu.
Chú ý đến đặc trưng của thể loại vừa là một yêu cầu vừa là một nguyên tắc của quá trình phân tích và giảng dạy tác phẩm văn học. Với thể loại ký, việc tìm hiểu đặc trưng thể loại lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Nắm vững và bám sát vào đặc trưng của thể ký, người đọc sẽ khám phá được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Qua thực tế giảng dạy, tôi rút ra một số kinh nghiệm cơ bản khi dạy 2 tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường như sau:
– Sông Đà và sông Hương khi đi vào 2 tác phẩm của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở thành đối tượng thẩm mỹ của nhà văn. Con sông Đà nếu chỉ được Nguyễn Tuân ghi chép bằng những số liệu đơn thuần như một nhà địa lý (tên khai sinh, độ dài…) thì cái phần hồn hung bạo và thơ mộng của nó sẽ không được phát hiện. Dòng sông Hương của xứ Huế thơ mộng cũng vậy. Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ ghi lại các khúc đoạn trong dòng chảy của nó từ thượng nguồn về với Huế không thôi thì sẽ không có gì hấp dẫn, mà cái hấp dẫn chính là ở chỗ tác giả tưởng tượng sông Hương như một con người có số phận, có tâm hồn (cô gái Digan) có hành động cụ thể dưới những điểm nhìn khám phá khác nhau. Khi thì sông Hương như một cô gái mang trong mình tình yêu tha thiết với thành phố Huế, khi lại là một người mẹ sản sinh cho xứ Huế những giá trị văn hóa truyền thống cùng âm nhạc, thi ca, khi lại là một nhận chứng của lịch sử đầy oai hùng hiển hách.
Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân
Sức hấp dẫn của ký chính là ở khả năng tái hiện sự thật một cách sinh động của tác giả. Nếu chỉ đơn thuần là ghi chép thì tác phẩm ký hết sức khô khan không gây được ấn tượng với người đọc. Ở đây Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều rất “tài hoa”, luôn nhìn cuộc sống, sự vật, con người ở phương diện, góc độ văn hóa thẩm mỹ, nên phát hiện ra nhiều vẻ đẹp của hiện thực cuộc sống. Đồng thời cả 2 nhà văn cũng rất “uyên bác”: hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và có thể cung cấp, đóng góp, lí giải những kiến thức đó cho người khác
Nổi bật lên trong tác phẩm ký chính là tính chủ quan, chất trữ tình sâu đậm của cái tôi tác giả. Cho nên sức hấp dẫn của ký còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của cái tôi ấy (thường là những cái tôi phong phú, uyên bác, tài hoa, độc đáo)
– “Cái tôi” của Nguyễn Tuân trong “Người lái đò sông Đà”.
Sở dĩ Nguyễn Tuân tìm đến và thành công với thể tùy bút, bởi vì nó là thể văn phóng túng, tự do, đáp ứng được cá tính “ngông” trên trang viết của Nguyễn Tuân. Là nhà văn có phong cách nghệ thuật đặc sắc Nguyễn Tuân hấp dẫn người đọc bởi “cái tôi” độc đáo, sự tài hoa, uyên bác, giác quan sắc nhọn, tinh tế, nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, giàu hình ảnh, cảm xúc. Sức hấp dẫn của ngòi bút Nguyễn Tuân trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” là ở sự độc đáo, sự giàu có về chữ nghĩa, sự công phu trong quan sát và lựa chọn ngôn từ…
Chân dung nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
– “Cái tôi” trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
+ Cái tôi say mê kiếm tìm cái đẹp, dạt dào cảm xúc và luôn gắn bó với thiên nhiên.
+ Cái tôi yêu quê hương đất nước hướng về cội nguồn: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bài ca, ca ngợi sông Hương gắn với thiên nhiên văn hóa và con người xứ Huế. Bằng tấm lòng yêu thương gắn bó với quê hương đất nước, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trân trọng, tự hào về bề dày lịch sử, bề dày văn hóa và tâm hòn con người ở vùng đất cố đô.
+ Một cái tôi tài hoa uyên bác
Hoàng Phủ Ngọc Tường tỏ ra am hiểu tường tận những gì mình viết. Với xứ Huế dường như nhà văn hiểu sâu sắc những cành cây ngọn cỏ, tường tận từ tên đất, tên làng. Với sông Hương, nhà văn thông thuộc từng khúc sông, từng dòng nước, chỗ ghềnh thác cuộn xoáy, chỗ phẳng lặng như mặt hồ yên tĩnh. Nhà văn am hiểu sâu sắc về văn hóa Huế, nền âm nhạc cổ điển hay những trang thơ về sông Hương.
Môn Ngữ văn được coi là môn học công cụ, môn học bắt buộc ở cả 3 cấp học, hướng tới việc hình thành phát triển năng lực đọc, viết tiếng Việt (năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin, năng lực cảm thụ thẩm mỹ, năng lực trình bày, năng lực tạo lập các loại văn bản cần thiết trong cuộc sống). Dạy học đọc hiểu là một trong những nội dung cơ bản của đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn trong tiếp nhận văn bản. Nếu như trước đây chúng ta coi phân tích tác phẩm hay giảng văn là một phương pháp đặc thù của dạy văn, thì hiện nay đã có những thay đổi trong cách tiếp cận này. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu không có nghĩa là nhằm cảm thụ một chiều cho học sinh những cảm nhận của giáo viên về văn bản được học mà hướng dẫn cung cấp cho học sinh cách đọc, cách tiếp cận, khám phá những vấn đề về nội dung và nghệ thuật của văn bản, từ đó hình thành cho học sinh năng lực tự đọc một cách tích cực, chủ động, có sắc thái cá nhân. Hoạt động đọc hiểu của học sinh cần được thực hiện theo một trình tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đọc đúng, đọc thông, đến đọc hiểu, từ đọc tái hiện sang đọc sáng tạo. Khi hình thành năng lực đọc hiểu của học sinh cũng chính là hình thành năng lực cảm thụ thẩm mỹ, khơi gợi liên tưởng, tưởng tượng và tư duy.
Bản đồ tư duy bài "Người lái đò trên sông Đà" do học sinh lập
Bản đồ tư duy là phương pháp được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách ghi nhớ chi tiết để tổng hợp hay để phân tích một vấn đề thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Cách ghi chép này khoa học, giúp cho học sinh dễ nhớ và dễ ôn tập hơn. Việc nhớ và ghi lại các thông tin sau này sẽ dễ dàng, đáng tin cậy hơn so với khi sử dụng phương pháp truyền thống. Sử dụng phương pháp bản đồ tư duy sẽ có những ưu điểm sau:
– Ý chính sẽ ở trung tâm và được xác định rõ ràng
– Quan hệ hỗ trợ tương ứng giữa mỗi ý được chỉ ra tường tận. Ý càng quan trọng thì sẽ nằm vị trí càng gần ý chính.
– Liên hệ giữa các khái niệm then chốt sẽ được tiếp nhận lập tức bằng thị giác.
– Ôn tập và ghi nhớ sẽ rất hiệu quả và nhanh hơn.
– Thêm thông tin (ý) dẽ dàng hơn bằng cách vẽ chèn thêm vào bản đồ.
– Mỗi bản đồ sẽ phân biệt nhau tạo sự dễ dàng cho việc gợi nhớ.
– Các ý mới có thể được đặt vào đúng vị trí trên hình một cách dễ dàng, bát chap thứ tự của sự trình bày, tạo điều kiện cho việc thay đổi một cách nhanh chóng và linh hoạt cho việc ghi nhớ.
Như vậy, bản đồ tư duy là một công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy và trình bày các khái niệm trong lớp học. Bản đồ tư duy giúp cho giáo viên tập trung vào các vấn đề cần trao đổi cho học sinh, cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề mà không có thông tin thừa. Học sinh sẽ không phải tập trung vào việc đọc chép dài dòng, mà thay vào đó sẽ lắng nghe những gì mà thầy cô giáo diễn đạt. Hiệu quả bài học sẽ tăng lên.
Khi dạy học bài “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân, giáo viên có thể tóm tắt hoặc cho học sinh ghi lên bảng tóm tắt lại nội dung bài học theo bản đồ tư duy.
Giao ban chuyên môn tại THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc
Một trong những đòi hỏi thiết thực nhất của chất lượng giáo dục đối với môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hiện nay là nâng cao khả năng chủ động, tiếp thu tri thức và khả năng vận dụng tri thức vào đời sống. Có lẽ khi áp dụng những phương pháp đổi mới này sẽ khiến học sinh thích thú hơn với môn học và coi Ngữ văn như món ăn tinh thần không thể thiếu trong việc bồi đắp tâm hồn con người.
Lê Thị Luyên (Trường THPT Đồng Đậu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc).
Nguồn: Trang điện tử Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.
Ý kiến bạn đọc: