Trong cuộc gặp các chuyên gia với Phó Thủ tướng có bàn về việc "bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không?". Các ý kiến trái chiều nhau và quan trọng hơn cả là với Luật Giáo dục hiện hành thì "học sinh học hết lớp 12 phải thi để công nhận tốt nghiệp".
Bài viết của thầy Nguyễn Quốc Vương, người đã học tập, nghiên cứu và dịch rất nhiều cuốn sách về giáo dục ở Nhật Bản rất cần để các các nhóm soạn thảo, góp ý cho việc sửa đổi Luật Giáo dục, cũng như những ai quan tâm tới việc này tham khảo.
Nhiều người cho dù không là quan chức của Bộ GD&ĐT vẫn muốn duy trì kì thi THPT quốc gia với chức năng xét tốt nghiệp (tham khảo bài của Vietnamnet tại đây).
Lý do đưa ra là "Ngoài mục đích xét tốt nghiệp, kỳ thi còn có mục đích quan trọng khác là đánh giá kết quả dạy và học của từng trường, từng địa phương trên quy mô toàn quốc để có chuẩn mực chung, và có tác động lại quá trình dạy và học”
Có người lại viện dẫn rằng có thi học sinh mới học .
Cách lý luận đó có vẻ logic hợp lý nhưng nghĩ kĩ và đối chiếu với tình hình thực tế sẽ thấy nó dở.
Thứ nhất, động lực học phải là động lực tự thân. Việc dùng động lực ngoài bằng kì thi sẽ bóp chết động lực trong. Bao nhiêu năm nay học sinh phải thi biết bao nhiêu kì thi bắt buộc và chất lượng vẫn ngày càng be bét đấy thôi. Có năm nào là ổn?
Các giáo viên , các giảng viên dạy sử đã từng mong môn Sử thành môn bắt buộc thì học sinh sẽ học nhưng bắt buộc rồi mà kết quả vừa qua thế nào? Có phải là ngày càng tệ hơn không?
Thứ hai, Nhật Bản nghiêm khắc là thế, trọng học và thực tài là thế tại sao họ chẳng cần phải thi tốt nghiệp làm gì?
Thứ ba, cách dùng điểm một kì thi để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường, địa phương là ý tưởng vô cùng ngớ ngẩn và …phản động. Giáo dục là tạo ra con người không phải là tạo ra điểm số. Hơn nữa trong hoàn cảnh hành chính giáo dục quan liêu, tập quyền đầy lỗ hổng ở Việt Nam cho “thi đua” kiểu này chính là xúi người ta phạm luật như đã thấy ở Hà Giang, Sơn La vì đã làm lãnh đạo trường, sở, phòng tất yếu người ta sẽ phải lo thành tích để báo cáo với cấp trên. Khi thành tích không thể tạo ra bằng thực lực thì người ta sẽ dùng tiểu xảo.
Cách làm này gợi nhắc đến cách Pháp ngày xưa muốn diệt chuột nên dùng cách trả tiền cho dân Việt khi mang đuôi chuột đến. Kết quả chuột càng ngày càng sinh sôi vì người dân láu cá đem nuôi chuột chặt đuôi nộp lấy tiền (chuyện này là chuyện thật, tôi không bịa).
Nói thêm: Nước Nhật ban đầu cũng có ý tưởng ngớ ngẩn là dùng điểm thi khảo sát toàn quốc để đánh giá chất lượng giáo dục nhưng sau đó thấy cả nước lên đồng vì điểm và giáo viên, chuyên gia phản đối dữ quá nên thôi. Chẳng lẽ Việt Nam ta sau mấy mươi năm lại dẫm vào cái hố của họ?
Thật buồn, thật ngán ngẩm và bực khi nghe những giáo viên than thở kiểu "không có thi thì học sinh nó không học đâu" và lấy đó làm lý do để phản đối bỏ kì thi tốt nghiệp THPT.
Nghĩ như thế là hạ thấp ý nghĩa của việc học, hạ thấp học sinh và hạ thấp chính mình.
Nên nhớ xét trong lịch sử thì việc học có trước việc thi rất lâu đời, nghĩa là nhân loại đã học mà không cần biết đến thi. Con người cũng tiếp tục học cho đến khi về vũ trụ cho dù không còn kì thi nào nữa.
Nếu chỉ chờ thi mới học thì loài người đã diệt vong như loài khủng long to xác từ lâu rồi.
Thứ nữa, nếu học sinh chỉ học để thi thì cũng không thể trở thành những người thành công trong cuộc sống và sự nghiệp được vì khi ra đời sẽ chẳng còn kì thi nào nữa.
Tại sao giáo viên không mong không có thi cử hoặc chỉ còn kì thi khi thực sự cần thiết để mình có biên độ rộng hơn để mà "thỏa chí tang bồng" để mà dạy không biết mệt học không biết chán.
Tại sao lại cứ nghĩ đến dây buộc mà không nghĩ đến trời xanh?
Có lẽ nhà nước ta phải ra luật cho phép lựa chọn ví dụ như giáo viên nào thích lấy thi cử làm thanh gươm đa mô lốc mà đe dọa cho học sinh học thì về dạy các trường A, B, C, D còn các giáo viên nào muốn làm giáo dục hướng đến sự phát triển con người trong tinh thần khai phóng thì về trường E, F.
Tất nhiên học sinh và phụ huynh cũng được lựa chọn tương tự.
Khi đó, các bạn nghĩ trường nào sẽ có đông giáo viên và học sinh hơn?
BigSchool: Theo Luật Giáo dục hiện nay thì học sinh lớp 12 phải thi để xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT, bởi vậy muốn bỏ kỳ thi này phải sửa Luật Giáo dục. Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu, thảo luận để sửa đổi Luật Giáo dục. Rất mong có nhiều ý kiến phân tích thêm về việc này. Bài gửi về: [email protected] và cho xin thêm ảnh chân dung cùng ít nét tự giới thiệu. Cảm ơn các bạn.
Ý kiến bạn đọc: