Ký ức về cô giáo thời THPT được viết từ cảm xúc của một cô giáo tiểu học vừa gửi về diễn đàn để "thay lời tri ân sâu sắc của mình đến cô giáo" - "Kính chúc các thầy cô có nhiều sức khỏe, công tác tốt và đón ngày 20-11 tràn ngập niền vui."
(Kính tặng cô giáo Danh Hoa- Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Tĩnh)
Tác giả với cô giáo Danh Hoa của mình
Trong cuộc đời, tôi đã đi qua rất nhiều con đường. Có những con đường không để lại hình dung gì, cũng những có những con đường đôi khi bất chợt nhớ. Nhưng chỉ có một con đường in hằn vào tâm trí, ấy là con đường đến trường - con đường ghi dấu kỉ niệm những năm tháng ấu thơ, con đường nâng bước tôi vượt qua nhiều gian nan để càng ngày càng trưởng thành. Điều quan trọng nhất là, trên con đường ấy có hình bóng cô, người truyền cảm hứng thời niên thiếu, người luôn dõi theo học trò chúng tôi cho đến tận bây giờ.
Năm ấy, tôi chân ướt chân ráo vào lớp 10 với nỗi mặc cảm của con nhà nghèo. Việc tôi thi đỗ cấp 3 đã là điều gia đình không hề mong muốn. Do cuộc sống khó khăn và suy nghĩ rằng con gái học xong thì cũng đi làm, lấy chồng, bố mẹ đã không muốn tôi học lên chút nào. Chị gái tôi vì không vượt qua được áp lực từ bố mẹ nên phải bó học dở chừng. Còn tôi, ngày đầu vào trường, trong khi các bạn hào hứng với quần áo, xe đạp, sách vở mới thì tất cả của tôi đều là đồ cũ từ chị gái để lại. Điều an ủi duy nhất là tôi thi đỗ lớp Văn, được theo học bộ môn mình yêu thích. Nhưng, cô giáo chủ nhiệm tôi lại dạy môn Lịch sử.
Lần gặp cô đầu tiên, tôi vẫn nhớ, đó là hôm khai giảng. Cô mặc áo dài trắng, mái tóc dài, trìu mến nhìn cả lớp và gọi tên từng bạn lên giới thiệu về bản thân. Đến lượt tôi, thấy tôi nhỏ bé, cũ kĩ ngồi ở góc lớp. Cô cầm tay, dẫn tôi lên ngồi bàn đầu tiên. Tôi cảm nhận được hơi ấm bàn tay cô đang truyền sang tôi một thứ niềm tin kì lạ. Cuối buổi, dường như cô biết tôi có tâm sự, nên cô dành thời gian nán lại hỏi chuyện tôi về hoàn cảnh gia đình. Tôi đã kể với cô về gia đình tôi. Tôi nói với cô rằng: "Thưa cô, có thể, em sẽ phải nghỉ học, nếu bố mẹ em không đồng ý cho em tiếp tục". Hôm sau, tôi thấy cô đến nhà gặp bố mẹ. Hình ảnh cô và bố mẹ tôi ngồi nói chuyện trong một chiều hoàng hôn làm tôi cảm động vô cùng. Không biết cô nói gì mà hôm sau, bố tôi động viên tôi đến lớp. Được tiếp thêm niềm tin của cô và bố mẹ, tôi tự nhủ mình càng phải cố gắng. Vì chỉ có việc học mới giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó. Sau mỗi giờ tan trường, cũng trên con đường ấy, tôi không lầm lũi, tự ti mà vui vẻ, chan hòa với các bạn. Tôi có thêm nhiều bạn mới, điều đó làm tôi rất vui.
Cũng tháng 9 mùa thu năm ấy, có một ngày thực sự đặc biệt mà tôi không bao giờ quên. Cô và các bạn đã lặng lẽ, bí mật tổ chức sinh nhật cho tôi. Lần đầu tiên tôi được biết đến thế nào là ngày sinh nhật. Tôi đã khóc thật to, thật nhiều trên bờ vai cô. Những giọt nước mắt của hạnh phúc, tủi hờn dồn nén bấy lâu. Cô còn tặng cho tôi một chiếc áo ấm. Chiếc áo ấy đã theo tôi suốt những năm tháng học trò. Mỗi lần mặc nó tôi thấy ấm áp đến lạ. Có lẽ đó là do tình yêu thương của cô đã sưởi ấm trái tim tôi, thắp lên trong tôi ngọn lửa của niềm tin và hi vọng.
Không chỉ với tôi mà với các bạn khác cô đều thấu hiểu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Ngày mẹ bạn Mai mất, tôi cũng thấy mắt cô đỏ hoe... Những ngày sau đó cô và các bạn trong lớp chúng tôi thay phiên nhau đến nhà động viên, giúp đỡ để Mai nguôi ngoai và trở lại trường. Còn với Khánh, một học sinh “ siêu quậy” của lớp đã nhiều lần làm cô phải lên uống “nước trà” với thầy hiệu trưởng. Cậu này lúc nào cũng “lắm trò”: lúc thì vẽ bậy lên tường, khi thì xịt lốp xe bạn, có hôm lại gây gỗ với các bạn lớp khác. Thế nhưng chưa lần nào tôi thấy cô mắng Khánh hay phạt cậu ấy. Chỉ là nhắc nhở nhẹ nhàng thôi và cô còn cho Khánh tham gia vào đội ngũ Ban cán sự lớp . Được cô tuyên dương mấy lần, cậu ta “thay tính đổi nết”, tiến bộ rõ rệt. Tôi cảm giác như cô là người mẹ thứ hai, đang cố gắng làm những gì tốt đẹp cho những đứa con, cũng như mẹ tôi đối với chị em tôi.
Về việc học tập, lớp Văn của tôi dĩ nhiên là tất cả các bạn đều yêu văn, 50 tâm hồn học trò mơ mộng luôn luôn có thể đọc vanh vách cả tập thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử nhưng rất dễ quên các sự kiện trong môn Lịch sử. Điều đó khiến chúng tôi rất e ngại mỗi lần đến giờ giảng của cô. Nhưng cảm giác khó khăn nhanh chóng qua đi khi cô cất tiếng giảng bài. Cô làm cho các sự kiện lịch sử trở nên gần gũi, dễ nhớ vô cùng. Thay vì những tiết học khô khan, chúng tôi có thể hát, đọc thơ, bình luận về các sự kiện. Tôi yêu luôn bộ môn Lịch sử từ những giờ học bổ ích như thế. Lớp tôi có thể nhớ bài luôn mà không cần ra sức học thuộc. Biết tôi có hứng thú đọc sách nhưng nhà nghèo không thể mua sách cho tôi, cô mang đến lớp cho tôi mượn nhiều quyền sách, và còn hướng dẫn cách đọc sao cho hiệu quả. Nhờ vậy tình yêu đối với sách của tôi được hình thành. Từ những quyển sách của cô, việc học tập của tôi tiến bộ lên, tôi vượt qua kì thi tuyển học sinh giỏi ở cấp trường môn Lịch sử để vào đội tuyển dự thi cấp tỉnh. Những lần chúng tôi vào thị xã đi thi, cô đều lo lắng. Không phải vì thành tích của từng đứa, mà cô lo chúng tôi – những đứa trẻ ít khi xa gia đình liệu có quen với bữa ăn, giấc ngủ ở môi trường mới, liệu có đảm bảo sức khỏe. Việc đầu tiên khi đội tuyển trở về, cô hỏi han từng đứa, trước hết là về tình hình sức khỏe, sau đấy mới đến kết quả làm bài. Món quà tôi mang về tặng cô bao giờ cũng là các giải học sinh giỏi và cô tặng lại tôi một cái ôm. Điều này cô chỉ dành cho tôi, bởi vì cô hiểu, tôi phải vất vả hơn các bạn khi đạt được kết quả ấy.Chúng em có một nơi để trở về...
Năm chúng tôi vào lớp 12, cô có quyết định chuyển công tác. Nghe tin ấy, cả lớp tôi đều nghẹn ngào bật khóc. Còn tôi thì hụt hẫng vô cùng. Tôi đã nghĩ rằng, mình không thể học nổi nếu không có động lực từ cô. Buổi chia tay cô lòng ai nấy đều nặng trĩu, tôi cảm thấy mình cũng suy sụp. Cô dặn dò cả lớp nhiều điều. Sau đó, cô đến bên tôi, nắm chặt lấy tay tôi và nói: "Cô tin em là người giàu nghị lực, càng xa cô, em càng phải cố gắng lên, cô sẽ luôn ở bên cạnh để dõi theo những thành công của em".
Xa cô nhưng tinh thần hiếu học, nhân ái như ngọn lửa được cô thắp lên cháy mãi trong lòng những đứa học trò. Lớp tôi luôn đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống. Chúng tôi đã cố gắng, để thường xuyên dẫn đầu toàn trường về các hoạt động và phong trào học tập. Tôi vẫn là đứa học trò giàu nghị lực và tiếp tục mang về những giải thưởng học sinh giỏi để tặng cô.
Giờ đây tất cả chúng tôi đều đã khôn lớn, trưởng thành. Những cánh chim thơ ngây năm xưa đã bay về muôn phương xây ước vọng. Còn tôi, dẫu có nhiều cơ hội để lựa chọn việc làm, tôi vẫn quyết định theo nghiệp giáo viên, đơn giản vì tôi chỉ muốn được làm "người truyền cảm hứng" như cô. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại cùng nhau quay về con đường xưa, đến thăm cô như năm nào. Tất cả chúng tôi đều cảm nhận được rằng: mình thật may mắn vì trong đời có cô, có một nơi để trở về, tìm lại cảm hứng bằng thương yêu, để những điều tốt đẹp trong cuộc sống được nhân lên và kiến tạo mãi mãi.
Hồ Thị Quý
Giáo viên Trường Tiểu học Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc: