Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 8/11/2018 về sửa đổi Luật Giáo dục, các đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến về sách giáo khoa (SGK) mới. Nghị quyết 88/2014/QH13 đã khẳng định một chương trình có nhiều bộ SGK nhưng vẫn có ý kiến e ngại điều này.
Phiên thảo luận tại tổ chiều 8-11 về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
- Theo báo Nhân dân:
Đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn về việc mỗi môn học có thể có một hoặc một số sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục lựa chọn. Mặc dù các sách này đã được Hội đồng quốc gia về sách giáo khoa thẩm định nhưng theo ông, nếu quản lý không chặt chẽ thì dễ gây tình trạng xáo trộn và lãng phí.
"Nhiều sách giáo khoa quá thì liệu suốt ngày ta cứ chạy theo một thứ không ổn định?" – đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Thuận Hữu đề nghị chương trình và sách giáo khoa phải có sự ổn định tương đối. Ông cho rằng, nếu mỗi môn có nhiều sách giáo khoa, việc biên soạn sách giáo khoa lại được xã hội hoá, người ta cứ làm hoài, chúng ta cứ thẩm định hoài thì đến lúc nào mới ổn định được bộ sách giáo khoa?
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng cho rằng, phụ huynh vẫn e ngại nếu thực hiện một chương trình, một số bộ sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Hải Phòng) đóng góp ý kiến đối với một số môn liên quan đến khoa học, kiến thức nhân loại như: Toán, Lý, Hoá, Sinh,…nên tìm chương trình phù hợp để khai thác, áp dụng luôn. Đối với một số môn như: Ngữ văn, Lịch sử…thì chúng ta mới nên nghiên cứu để phù hợp điều kiện, mục tiêu của Việt Nam.
- Theo báo Hà Nội mới:
Đại biểu Nguyễn Anh Trí góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng vấn đề liên quan đến sách giáo khoa thời gian qua gây nóng dư luận xã hội. "Về nguyên tắc chung, sách giáo khoa nên có một bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định quốc gia đề xuất và Bộ GD&ĐT quy định. Bộ sách này được sử dụng trong nhiều năm, hằng năm có bổ sung và vài ba năm chỉnh sửa một lần. Về sách tham khảo cũng nên có quy định một lượng nhất định. Việc xã hội hóa sách giáo khoa chỉ nên ở khâu in ấn chứ không nên ở khâu biên soạn" - Đại biểu nêu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng khuyến cáo cẩn trọng với việc biên soạn sách giáo khoa và việc có nhiều bộ sách giáo khoa dễ dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách, gây thừa thiếu cục bộ, có nơi thừa sách giáo khoa môn này, có nơi thiếu sách giáo khoa môn khác.
"Tại Đồng Tháp vừa qua bị thiếu sách toán và tiếng Việt của lớp 1, lớp 10. Các phụ huynh lên tận TP Hồ Chí Minh, qua Hậu Giang, Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm không có. Vì đến lúc khai giảng, nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, sách giáo khoa này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa" - đại biểu phản ánh và lưu ý nếu thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa thì phải có quy định chặt chẽ.
- Theo báo VTC News:
Đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) đề nghị không nên xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa bởi nếu thực hiện xã hội hóa, vấn đề kiến thức, tính định hướng, tính thống nhất khó đảm bảo các mục tiêu đặt ra cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông.
"Mặc dù dự thảo Luật quy định chặt chẽ việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nhưng việc xây dựng, biên soạn sách cần được thực hiện, quản lý bởi cơ quan chuyên môn nhất định", đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa trong giảng dạy dễ dẫn đến tình trạng trong một địa bàn, một tỉnh có nhiều trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, dẫn đến trình độ học sinh; sự hiểu biết, thống nhất khác nhau.
Đối với quy định tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa, theo đại biểu, quy định này không khả thi vì bản thân học sinh, cha mẹ học sinh nhiều nơi cũng không có đầy đủ thông tin hay trình độ để lựa chọn.
Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định cơ sở giáo dục được tự lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào chương trình giảng dạy trên cơ sở ý kiến đề xuất của giáo viên và phụ huynh là không phù hợp với các vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Bởi tại các địa phương này, công tác giáo dục rất hạn chế, sự quan tâm của phụ huynh dành cho giáo dục còn rất ít. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên xem xét lại quy định này. Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc chạy thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa cần phải được triển khai song song ở các cơ sở giáo dục ở thành phố lớn lẫn các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa để có sự đánh giá toàn diện. Bởi khả năng nắm bắt kiến thức tại các địa phương thường chênh lệch khá lớn; không thể chỉ thực nghiệm ở một số địa phương mà đưa vào áp dụng chung cho cả nước.
Đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) nêu quan điểm: Khoản 3, 4, Điều 30 dự thảo Luật quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, các vấn đề liên quan đến đổi mới, chỉnh lý, căn chỉnh chương trình.
Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 3 Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ chỉ đạo, thực hiện và phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nên giao cho Chính phủ phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông.
Đại biểu đề xuất quy định rõ ràng và cụ thể hơn ngay trong Luật về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn sách giáo khoa để có cơ chế thực hiện. Về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, theo đại biểu, cũng nên nâng lên một cấp thẩm quyền, không giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo mà giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu, tổ chức hoạt động, các nội dung cơ bản nhất của Hội đồng.Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo trước khi thảo luận tổ
Trước khi thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Ban soạn thảo đã rà soát, luật hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 thành các quy định của Luật. Đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa.
Ý kiến bạn đọc: (1)