Lời bình của Thầy Trần Bá Giao về bài thơ "Nhớ Thầy"

  • 19/11/2017 | 17:53 GMT+7
  • 3.518 lượt xem

Những ngày này, có biết bao học trò xưa đến thăm, tặng hoa, điện thoại, nhắn tin để tri ân các thầy cô đã dạy dỗ mình. Nhưng thời gian trôi qua...có những Người Thầy mà chúng ta không thể làm được những điều đó. Chỉ còn biết tưởng nhớ từ nơi xa hoặc đến thắp nén hương mà thôi...

Từ cảm xúc ấy, nhà giáo Lê Thống Nhất đã viết bài thơ "Nhớ Thầy" và nhà giáo Trần Bá Giao, nguyên là một thầy giáo trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã đồng cảm qua lời bình gửi tới BigSchool. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chia sẻ tới các bạn lời bình của thầy.

Lời bình của thầy Trần Bá Giao

Thầy Trần Bá Giao, nguyên giáo viên THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam ĐịnhThầy Trần Bá Giao, nguyên giáo viên THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định

Tôi đọc bài thơ "Nhớ Thầy" của Lê Thống Nhất trên Facebook của anh ngày 7/11/2017. Bài thơ này có thể anh ấp ủ từ lâu nhưng gần đây khi có những Người Thầy của Lê Thống Nhất lần lượt đi xa, anh đã hoàn chỉnh bài thơ này đúng dịp tháng 11 - tháng có kỷ niệm về Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Lê Thống Nhất là tiến sĩ, nhà giáo dạy toán nhưng lại rất thích thơ văn - Anh là người sống rất tình cảm, Anh từng có bài thơ tặng vợ, tặng con khá hay và cũng có nhiều bài thơ về bóng đá, về Ngày Quốc tế Phụ nữ, về Ngày Phụ nữ Việt Nam,...được nhiều bạn biết đến.

Lần này bài thơ “Nhớ Thầy” lại ở một dạng khác, đó là một bài thơ trữ tình, sâu lắng tình thầy trò, thể hiện một nét đẹp trong tâm hồn của người học trò đồng thời cũng là đồng nghiệp với các thầy.

Bài thơ mở đầu là tâm trạng của người học trò nhớ thầy, nhắc lại cảm xúc thèm được nghe tiếng thầy, để rồi gọi điện thoại để được nghe tiếng thầy. Đó là lúc thầy còn sống. Nghe tiếng thầy qua điện thoại mà nhớ lại những lời thầy dặn. Tình cảm thầy với trò thật sâu đậm, diễn tả đúng tâm lý nhớ ơn thầy của người học trò đã trưởng thành.

          Xưa kia Thầy vẫn còn đây

Thèm nghe tiếng nói, gọi Thầy sớm mai

         Dù xa cách mấy đường dài

Tiếng Thầy gợi lại những bài học xưa

Nỗi nhớ ấy là hoài niệm về một thời trò được học Thầy. Đó là những buổi Thầy "tới lớp gió mưa” là những buổi Thầy giảng "gần trưa cháy lòng". Cái nhớ nhất trong chuỗi hoài niệm đó là nhớ về hình ảnh của một người Thầy bất chấp mưa gió hay lúc trưa muộn, mà vẫn say sưa giảng bài.

Nhiều khi những lúc ở trên lớp học trò chưa hiểu hết tấm lòng Thầy khi Thầy vượt qua những gian khó đời thường để làm tròn trách nhiệm của một người Thầy. Sau này khi trưởng thành và đến tuổi tri thiên mệnh, người trò mới hiểu hết được lòng người Thầy.

Tác giả bài thơ đã nối tiếp con đường của Thầy đã đi; anh viết bài thơ này khi đã ở tuổi ngoài 60, cũng đã từng phải vượt qua bao gian khó của đời dạy học thời bao cấp. Vì thế anh đã viết ra những câu thơ gan ruột:

          Những đêm trăn trở chưa xong

Những đêm thao thức từng dòng lời phê

Theo mạch cảm xúc; Lê Thống Nhất nhớ lại lời Thầy, hình dáng Thầy với cảm xúc trào dâng lòng biết ơn sâu sắc:

         Lời Thầy chỉ biết vỗ về

Ánh mắt Thầy thắp đam mê bao người

         Bàn tay phấn trắng một đời

Nét chữ chắt cả một đời mật hoa

Đây là 4 câu thơ hay nói về Thầy, khái quát được tấm lòng nhân văn rộng mở của một người Thầy. Câu thơ hay nhất được tác giả khái quát về tình người, tình thầy trò:

Nét chữ chắt cả một trời mật hoa

Hình tượng thơ thật đẹp! Nét chữ - nét người. Nét chữ của Thầy mang bao tình người, đó là "một trời mật hoa"...

"Nhớ Thầy" là hoài niệm về một thời Thầy - Trò ở mái trường xưa ấy. Tình cảm của Trò với Thầy bộc lộ qua những vần thơ chân thành, đầy thương nhớ. Cả một trời thương nhớ được gửi gắm ở đoạn thơ cuối bài thơ:

          Bây giờ ngơ ngẩn nhìn ra

Mây bay cũng ngỡ như là Thầy tôi

         Gọi Thầy không được nữa rồi

Tiếng Thầy thấy vọng từ hồi ngày nao

 

         Lần cuối con đã cúi chào

Thầy như cười trước khi vào cõi tiên

         Vẫn mái tóc bạc dịu hiền

Vẫn vầng trán ấy, dậy nên bao trò

 

         Bây giờ mới hết nỗi lo

Bến nào để lại con đò... Thầy ơi!

Tình cảm của trò với Thầy được bộc lộ một cách sâu sắc hơn ở đoạn kết của bài thơ: Người đọc thấy được hình ảnh của người Thầy được tái hiện sinh động. Đó là tiếng Thầy, là nụ cười, là mái tóc, là vầng trán của Thầy. Những nét khái quát vẻ đẹp trí tuệ và tình cảm của người Thầy được tác giả khắc họa thành công. Trong con mắt của trò, hình ảnh của Thầy thật đẹp. Đó là người Thầy đầy tình yêu thương trò, là người Thầy hết lòng vì học sinh thân yêu. Hình tượng người Thầy trong bài thơ có sức hút với trò, để trò luôn nhớ đến Thầy nhất là khi Thầy đã về với đất mẹ; theo như suy nghĩ của trò là Thầy đã đi "vào cõi tiên".

Cuộc đời Thầy thật đẹp, kể cả khi đã ra đi rồi thì dù người đời có hay ví von là người chở đò thì con đò đó đã để lại cho đời là con đò chở trí tuệ và tình thương. Câu cuối bài thơ là tiếng gọi thấm đượm tình thương nhớ, đó là tiếng gọi của sự kính yêu, lòng biết ơn sâu sắc với công lao dạy dỗ của Thầy.

Lãnh đạo Hội Cựu học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong chúc mừng ThầyLãnh đạo Hội Cựu học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong chúc mừng Thầy

Cám ơn Tiến sĩ, Nhà giáo Lê Thống nhất đã nói hộ biết bao người về lòng biết ơn sự kính yêu đối với những người thầy trong sự nghiệp trồng người ở nước ta hiện nay.

Nhà giáo Trần Bá Giao

BigSchool: Thầy Trần Bá Giao là người yêu thơ, làm thơ và vẫn thường bình thơ của các tác giả, kể cả khi là Phó Chánh Thanh tra của Bộ GD&ĐT - một công việc khá xa thơ. Hội Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định rất quý Thầy bởi Thầy rất thân thiện, tâm hồn trẻ trung gần gũi với học trò. Trong cuộc sống, Thầy Lê Thống Nhất luôn coi mình là người em của Thầy Trần Bá Giao.

Thầy Trần Bá Giao và Thầy Lê Thống Nhất trong Ngày Hội thơ VN Đinh DậuThầy Trần Bá Giao và Thầy Lê Thống Nhất trong Ngày Hội thơ VN Đinh Dậu

Cảm ơn Thầy đã chia sẻ lời bình của mình với bài thơ "Nhớ Thầy". Còn Thầy Lê Thống Nhất thì tâm sự: "Lời bình của Thầy Giao còn hay hơn cả bài thơ mình viết!".

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.