Kết quả nghiên cứu từ Nhật Bản: Làm thế nào để con thích đọc sách?

  • 15/12/2017 | 12:35 GMT+7
  • 10.119 lượt xem

Muốn con trở thành người thích đọc sách có lẽ ước mong của nhiều bậc cha mẹ, kể cả các bậc cha mẹ không biết chữ hoặc không bao giờ đọc sách. Nhưng biến ước mơ đó thành hiện thực không dễ.

Trên sách báo, mạng xã hội đã có rất nhiều người chia sẻ bí quyết giúp con thích đọc sách dựa trên trải nghiệm của gia đình họ và kinh nghiệm của chính họ. Điều đó rất bổ ích. 
Ở đây, tôi chỉ xin khái quát vài nét về chủ đề này thông qua việc tóm tắt một vài nghiên cứu khoa học của người Nhật.

Người Nhật Bản thường hướng cho con đọc sách ở nơi công cộngNgười Nhật Bản thường hướng cho con đọc sách ở nơi công cộng
Ta hãy xem ở góc độ khoa học, các học giả Nhật lý gợi ý những biện pháp nào để giúp cho trẻ thích đọc sách.

Ở Nhật cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khảo sát về mối liên quan giữa hành động đọc sách của trẻ em và môi trường đọc sách. Từ đó, họ đã chỉ ra những yếu tố tác động tới việc đọc của trẻ em như :

- Mối liên quan mật thiết giữa thái độ yêu mến của người mẹ đối với sách và mức độ yêu mến sách của trẻ (Fukutani, 1978);

- Mối quan hệ giữa lượng sách cha mẹ đọc và lượng sách các con đọc trong độ tuổi tiểu học (Fukutani, 1983);

- Hầu hết những trẻ em tiểu học đọc nhiều sách là con trong các gia đình bố mẹ chăm mua sách cho con (Viện nghiên cứu giáo dục Fukutake Shoten, 1991), trong số các trẻ em thích đọc sách thì tỉ lệ trẻ em được bố mẹ mua sách cho từ nhỏ chiếm tỉ lệ cao (Viện nghiên cứu giáo dục Fukutake Shoten, 1991);

- Việc bố mẹ nói cho con nghe về nội dung của sách có ảnh hưởng đến lượng đọc sách của con (Điều tra dư luận xã hội của báo Mainichi, 1991);

- Việc trẻ em nhận thức rằng bố mẹ là người đánh giá hành động đọc sách của mình sẽ giảm đi cùng với tuổi tác (Akita và Muto, 1991)

Đặc biệt Akita (1992) đã coi môi trường gia đình liên quan đến việc đọc sách gồm các yếu tố:

- (1) Sự chuẩn bị môi trường có tính chất vật lý (lượng sách tích trữ của gia đình);

- (2) Hình mẫu của con (lượng sách mà cha mẹ đọc);

- (3) Việc tạo ra động cơ trực tiếp (đưa con đến nhà sách, thư viện).

Trẻ em Nhật Bản đọc sách ngay ở hiệu sáchTrẻ em Nhật Bản đọc sách ngay ở hiệu sách
Akita đã khảo sát bằng điều tra thực tiễn thông qua bảng hỏi với đối tượng là học sinh tiểu học và trung học cơ sở để phân tích ảnh hưởng của các yếu tố trên tới việc đọc sách ở trẻ em. 
Kết quả phân tích cho thấy:

Thứ nhất, cha mẹ thích đọc sách sẽ có ảnh hưởng và khuyến khích con đọc sách.

Thứ hai, việc cha mẹ đưa con tới thư viện, nhà sách, đọc sách cho con nghe - tức là những việc có liên quan trực tiếp tới việc đọc sách của con sẽ có ảnh hưởng tới cảm xúc (tình cảm) của trẻ đối với việc đọc sách hơn là lượng sách tích trữ hay lượng sách mà cha mẹ đọc.

Thứ ba, lượng sách mà gia đình có (tích trữ) cũng ảnh hưởng đến lượng sách mà trẻ đọc.

Thứ tư, ảnh hưởng của việc đọc sách cho trẻ sẽ giảm đi theo độ tuổi nhưng vai trò của việc đưa trẻ tới thư viện, nhà sách thì lại không phụ thuộc vào tuổi tác.

Kết luận: Việc bố mẹ thích đọc sách có thể nói là phương pháp thích hợp nhất để làm cho con thích đọc sách.

Như vậy, chúng ta thấy việc đọc hay không đọc không phụ thuộc vào "gen" di truyền mà phụ thuộc vào môi trường gia đình và ý thức với văn hóa đọc của bố mẹ. Nếu bố mẹ muốn, hoàn toàn có thể làm cho con thích đọc sách.

Nói thêm: Với gia đình tôi thì một cách tự nhiên con tôi trở nên thích đọc, thậm chí thích đọc..quá mức khiến cho nhiều lúc đi làm về mệt muốn…cáu vì hắn cứ đòi đọc sách cho hắn nghe, đọc đi, đọc lại, hết cuốn nọ đến cuốn kia. Khi đọc hắn thích bố hoặc mẹ tập trung toàn bộ tâm trí vào việc đọc không được vừa đọc vừa làm việc khác (như cầm điện thoại, nói chuyện với người khác, lơ đễnh…). Ngay cả ngồi cũng phải ngay ngắn không được vừa nằm vừa đọc vì nếu không hắn sẽ bẻ cổ bố mẹ lên ngay.

Nguyễn Quốc Vương

BigSchool: Theo tìm hiểu thì Nhật Bản là một đất nước có nền giáo dục khuyến khích trẻ em phát triển tính tự lập ngay từ nhỏ lại không cho con cái phòng học riêng. Chúng ta vẫn thường thấy cảnh học sinh tại Nhật chăm chú đọc sách ở các nơi công cộng như ga tàu điện ngầm, sân bay, hay trong công viên mà không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.

Thông thường các gia đình ở Nhật chỉ có một phòng đọc sách, và vì là không gian yên tĩnh nên họ thu xếp cho con cái học tập ở đây. Nhưng sau đó họ nhận thấy nếu không có người lớn giám sát thì thường trẻ em ít tập trung vào việc học, mà chỉ học qua quýt rồi lại chơi điện tử hoặc điện thoại với bạn bè. Bên cạnh đó, nếu như dành phòng đọc sách duy nhất trong gia đình cho con học tập sẽ tạo cho con cái có thói quen suy nghĩ bản thân mình là trung tâm của gia đình, muốn gì được đấy. Như vậy con cái sẽ không biết được sự cực nhọc của cha mẹ.

Tuy nhiên đây chỉ là lý do bề mặt, người Nhật còn ẩn ý khác là khi cho rằng, con cái có một không gian độc lập sẽ dẫn tới sự xa cách với các thành viên trong gia đình. Rất nhiều gia đình sau khi dùng bữa tối xong, con trẻ buông bát xuống liền nói: “Con vào phòng đọc sách đây”, và không biết chủ động giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp, rửa bát, cũng như ít tiếp xúc, trò chuyện với cha mẹ. 

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.