Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM đã công bố trước đây về kỳ thi đánh giá năng lực. Khi Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ về việc chỉ tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020, nhiều trường Đại học lên phương án tuyển sinh mới.
Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phương án tuyển sinh 2020
Chiều ngày 22/4/2020, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020 xét tuyển bằng 3 hình thức:
- Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Xét tuyển hồ sơ thí sinh.
Nội dung thiđánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 2 bài thi bắt buộc là Toán (90 phút) và Viết luận (60 phút); các bài tự chọn gồm Ngoại ngữ (60 phút), Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (60 phút). Thời gian dự kiến tổ chức thi trong khoảng từ cuối tháng 7 đến trước khi thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ thi Viết luận , các bài thi khác là thi theo hình thức trắc nghiệm và thi trên giấy.
Các đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả 3 hoặc 4 bài thi để xét tuyển vào các ngành đào tạo. Tổ hợp xét tuyển vào từng ngành đào tạo được công bố trước 10/5/2020. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến vào Đại học Quốc gia Hà Nội từ ngày 1/6/2020.
Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ tổ chức thi trên địa bàn Hà Nội và phối hợp với các trường đại học trong việc ra đề thi, chấm thi và xét tuyển đại học chính quy.
Một số trường Đại học sẽ tham gia cùng Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội đã dự tính việc có những đơn vị khác sẽ tham gia cùng, hoặc sẽ tham gia ở mức độ sử dụng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hiện nay đã có Trường Đại học Ngoại thương chính thức đặt vấn đề hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội để thi tuyển sinh. Nhiều trường đại học khác cũng đã đặt vấn đề Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ.
Các trường cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ thống nhất với nhau để đưa ra quy định về ngưỡng nhận hồ sơ thí sinh dự thi. Đây là một kỳ thi nâng cao so với kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó không dành cho những thí sinh có học lực quá kém.
Học sinh lớp 12 có thể phải thêm ít nhất một kỳ thi
Từ năm 2015 khi Luật Giáo dục có hiệu lực, các trường Đại học đã có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Nhưng vì kỳ thi THPT quốc gia được giao nhiệm vụ thực hiện 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp và làm căn cứ quan trọng để các trường xét tuyển nên hầu hết các trường Đại học đều dựa vào kết quả kỳ thi này.
Với tình hình Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 mà chỉ tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp 2020 sẽ dẫn đến nhiều trường Đại học không dùng kết quả của kỳ thi này mà liên kết sử dụng kỳ thi do một số đơn vị tổ chức như Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Quốc gia Hà Nội.
Như vậy khi học sinh lớp 12 có nguyện vọng thi vào các trường Đại học nói trên sẽ phải thi thêm một kỳ thi nữa.
Một số ý kiến cho rằng chúng ta đang trở lại với tình hình thi trước đây khi mà các trường Đại học đều tự tổ chức thi. Tuy nhiên tại cuộc họp chiều 22/4/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phủ định điều này, điều quan trọng khác với trước đây là không phải tất cả các trường Đại học tổ chức thi mà nhiều trường sẽ đưa ra hình thức xét tuyển hoặc sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do một số đơn vị khác tổ chức.
Ý kiến bạn đọc: