Một sự cố mới xảy ra ở trường dân lập Marie Curie Hà Nội. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang có THƯ XIN LỖI tới toàn thể học sinh, phụ huynh của trường. Bức thư tạo nhiều cảm xúc trên cộng đồng mạng. Xin chia sẻ với các bạn.
Tôi có thời gian vài năm sống làm việc bên cạnh anh, thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang. Anh là một người giầu cảm xúc. Có lần tôi góp ý với anh về cách xử sự của một cô giáo dùng hình phạt bắt học sinh đứng dưới chân cột cờ giữa trời trưa nắng, bất ngờ anh khóc.
Đấy là về mặt tình cảm, còn cảm xúc với công việc thì anh là người cũng khá hiếm. Tôi luôn dặn bất cứ ai đến gặp anh: "Nếu nói về những quan niệm giáo dục thì hãy sẵn sàng chuẩn bị nghe anh nói trong vài giờ...". Không phải anh thích thuyết giáo mà anh tâm sự chia sẻ bằng cả sự nhiệt huyết của mình.Trường MRCR Hà Nội khi vừa vào cổng chính
Lần anh xây dựng xong ngôi trường khang trang (còn được giải thưởng về kiến trúc), tôi đến chơi và tôi cũng biết chủ đề hôm nay chắc chắn chỉ xoay quanh ngôi trường mới xây này. Đúng thế! Hết ngồi trong phòng rồi đi tới từng nơi trong ngôi trường anh dốc toàn bộ những gì anh nghĩ và đã làm thành hiện thực để chia sẻ với tôi. Bước trên một cái sân ở tầng cao mà học sinh ngỡ như đang bước trên những phím đàn piano khổng lồ với chân dung các nhạc sỹ nổi tiếng ở những hàng cột lớn. Trong không gian ấy, chắc chắn tôi tin là tâm hồn ai cũng trải ra rất nhiều. Chính thế mà trường đã tổ chức "Marie Curie's Got Talent" hàng năm để tìm kiếm tài năng nghệ thuật. Các bạn có thể xem một tiết mục tại đây nhé!
Bước vào nhà ăn của trường MRCR Hà Nội
Anh mời tôi một suất ăn trưa ở nhà ăn trong trường làm tôi nhớ lại những năm tháng đầu tiên gian khổ, khi đó đạm bạc và xềnh xoàng thôi, còn bây giờ các thiết bị hiện đại cùng các món ăn tự chọn phong phú hơn nhiều. Tôi đặc biệt giật mình khi anh giới thiệu về hệ thống báo cháy và thoát hiểm: "Hơn 20 tỷ đấy! An toàn là trên hết! Những gì hiện đại nhất phải đầu tư vào đây! Khói không ra đuổi theo người khi ra thang thoát hiểm nhé!". Ngay 2 cái tên mà anh đặt cho 2 cổng phụ của trường cũng thật ấn tượng: Trường Sa và Hoàng Sa!Một cổng phụ của trường
Biết là anh luôn sáng tạo và đổi mới nhưng tôi cũng quá bất ngờ về chương trình "Gala 25 năm" ngày thành lập trường. Bao giờ anh cũng nói ngắn gọn nhưng tạo xúc cảm cho người nghe. Anh xuất hiện đúng lúc trong tiết mục văn nghệ, anh cũng hát và hát say sưa nhất. Mỗi lần kỉ niệm là một màn thắp nến rất khác nhau. Anh bao giờ cũng là tổng đạo diễn những chương trình lớn như thế! Toàn bộ chương trình đã được ghi lại rất công phu.
Lần kỉ niệm nào anh cũng đưa tôi vào "diện" nhân vật gây ấn tượng cho trường với ca khúc tôi viết từ năm học đầu tiên đã trở thành bài hát truyền thống cho các thế hệ học sinh...Ca khúc luôn được vang lên tại các sự kiện của trường. Ở "Ga la 25 năm", đó là tiết mục kết thúc buổi lễ đầy ấn tượng:
Hôm gặp gỡ ở "Ga la 25 năm", anh nói nhỏ với tôi: "Lễ hội thì rất vui nhưng chúng ta vẫn phải có một không gian riêng...". Thế là ngay hôm sau chỉ có mấy anh em từ thủa hàn vi của trường chọn một quán ăn yên tĩnh tâm sự thật tình cảm. Anh chi tiết lắm, kể cả với việc không quên những người đã sát cánh với mình.Anh cùng 3 thầy giáo dạy Toán thời ban đầu sau ngày "Ga la 25 năm"
Anh là người thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình. Tôi đã nghe anh phát biểu tạo Hội thảo Giáo dục do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục và Thanh thiếu niên tổ chức. Anh đã nói: "Diễn văn của một số lãnh đạo không tạo cảm xúc cho tôi, không có cảm xúc thì không có sự thay đổi hay đổi mới!". Anh phát biểu tại Hội thảo "Giáo dục 2017 về Chất lượng giáo dục phổ thông"
Vừa qua có lẽ anh cũng là hiệu trưởng tiên phong khi dám "phá rào" không chịu tuân theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội và chấp nhận chịu hình phạt! Bởi tôi biết tính anh, đã dám nghĩ là dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Kể về anh sẽ có biết bao câu chuyện. Sau khi đọc bức thư xin lỗi của anh trên mạng thấy hơi mờ, tôi đã xin anh bản rõ hơn để chia sẻ với các bạn. Cảm xúc khi đọc lá thư ấy làm tôi viết vội những dòng trên. Còn bây giờ lá thư này sẽ nói chắc nhiều hơn về anh:
Anh vừa chia sẻ với tôi: "Trước tiên, cũng như cha mẹ học sinh, mình thương các con, xót các con không may bị dị ứng thuốc diệt muỗi (da mẩn đỏ, mắt bị ngứa...). Sau nữa là nhận thấy trách nhiệm của hiệu trưởng. Phải tập trung khắc phục hậu quả: tích cực xử lý môi trường và chăm sóc các con bị dị ứng. Ổn định tâm lý học sinh và cha mẹ học sinh. Các vị cha mẹ học sinh xót con là phải, mình cũng xót trò. Được cha mẹ học sinh hiểu và hợp tác với nhà trường rất cần vào lúc này. Không né tránh trách nhiệm nên từ chỗ cha mẹ học sinh rất gay gắt nay được các vị yêu quý và tin cậy mình thật sự cảm động và hạnh phúc! Vượt qua khó khăn mọi người xích lại gần nhau hơn!"
Đây cũng là cách xử lý tình huống mà không phải hiệu trưởng nào cũng chọn cách này. Cảm ơn Anh và chúc Anh luôn thành công! Điều đó là rất xứng đáng với Anh!
Lê Thống Nhất
Ý kiến bạn đọc: