Trò chơi "Thử thách Cá voi xanh" đã bắt đầu xuất hiện ở một số trường học trong huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tất cả chúng ta hãy lưu ý để ngăn chặn trò chơi nguy hiểm này lan tới con em.
"Thử thách Cá voi xanh" trở thành trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Theo ghi nhận của giới truyền thông nước Nga, đã có hàng trăm thanh thiếu niên xứ sở bạch dương, nơi ra đời trò chơi nguy hiểm này, đã tự tử để trở thành "người chiến thắng".
Từ nước Nga, trò chơi nguy hiểm mang tên "Thử thách Cá voi xanh" đã lan rộng sang vùng Trung Á, châu Âu và châu Mỹ. Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha… đã đưa ra lời cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm cho con em mình từ trò chơi "Thử thách Cá voi xanh".
Chỉ đến khi những cái chết bí ẩn được phát hiện ra có chung manh mối là chú cá voi xanh, người thân mới nhận ra nhưng đã quá muộn.
+ Nadia (tên giả do gia đình muốn giữ bí mật danh tính) là một thiếu niên Mỹ có sở thích hội họa. Chính vì thế mà khi cô vẽ quanh phòng mình rất nhiều bức tranh cá voi xanh, mẹ cô chỉ đơn giản nghĩ là cô tìm được nguồn cảm hứng. Trước khi nhảy từ trên cao tự tử, Nadia đăng tải bức hình cuối cùng xác nhận đã hoàn thành thử thách cuối.
Chỉ sau khi tai nạn thương tâm xảy ra, gia đình mới được biết về việc con gái mình đã bị trầm cảm từ lâu. Bạn bè cô bé ở trường kể rằng cô thường vẽ vời thứ gì đó trong tập. Khi lục soát tập vở của Nadia, gia đình phát hiện ra cô bé liên tục vẽ một cô thiếu nữ người Nga tên Rina Palenkova. Sau khi dò tên thì họ phát hiện cô gái này là một thiếu nữ 17 tuổi cũng đã tự tử vào tháng 11 năm 2015.Bức ảnh chụp khoảng khắc cuối của Rina, sau đó cô đã lao đầu vào xe lửa
+ Một thiếu nữ 17 tuổi ở Rajasthan, Ấn Độ tự tử vì tham gia trò chơi "Thử thách Cá voi xanh''. Theo báo cáo của Daily Mail, sau khi dùng dao rạch hình cá voi lên tay, cô gái này đã lao từ vách núi xuống hồ ở Jodhpur để hoàn thành thử thách 50 ngày của mình.
Sau khi điều tra, người ta biết được, vì bị đe dọa rằng sẽ giết những người thân trong gia đình mà cô gái này đã liền thực hiện ngay nhiệm vụ cuối cùng của mình. Ngày 4/9/2017, cô nói dối gia đình là ra ngoài mua đồ nhưng mãi không thấy về. Bố mẹ cô lo lắng nên đã tới cảnh sát báo mất tích.
Sau đó, cảnh sát xác nhận là cô đã tự tử ở một vùng hồ. Nhân chứng thấy sự việc - ông Om Prakash kể lại rằng, cô vừa chạy đi vừa khóc. Ông đã chạy theo để ngăn lại và hỏi lý do, thì cô bé bảo, nếu không hoàn thành việc này, mẹ cô sẽ chết. Nói xong cô đã gieo mình xuống hồ. May mắn là cảnh sát đã có mặt và cứu cô lên. Cô gái đã dùng dao rạch hình cá voi trên tay trước khi tự tử.
+ Kể từ sau vụ Rina, hàng loạt thiếu niên Nga đã bỏ mạng bằng cách lao từ các tòa nhà cao hay lao vào đầu xe lửa thiệt mạng. Rất nhiều manh mối dẫn về chú cá voi xanh kì bí. Tiêu biểu là vụ hai thiếu niên Yulia Konstaninova, 15 tuổi, và Veronica Volkova, 16 tuổi, đã tìm đến cái chết khi nhảy xuống đất từ mái khu nhà căn hộ cao tầng ở thành phố Ust-Ilimsk vùng Siberia của Nga. Yulia Konstaninova và Veronica Volkova
+ Không những châu Âu, châu Mỹ mà trào lưu này còn đã bắt đầu được phổ biến ở châu Á. Mới đây nhất là cậu bé Ankan Dey, 14 tuổi, đến từ Anandpur, Ấn Độ đã được phát hiện tử vong vì ngạt thở trong 1 chiếc túi ni lông trong phòng tắm.
Một thầy giáo đến từ ngôi trường Ankan theo học cho biết: "Cậu bé rất hiếu động và đã từng thừa nhận trước cha mẹ rằng cậu có tham gia trò chơi Cá voi xanh trên mạng. Cậu bé cũng chia sẻ với bạn bè về trò chơi đó".Cậu bé Ankan Dey
Sau quá trình điều tra, cảnh sát Nga đã bắt giam Philipp Budeikin (21 tuổi, người Nga) vì được cho là đã sáng lập trò chơi "độc dược" này, khiến nhiều người tìm đến cái chết. Philipp đã thừa nhận tội danh với cảnh sát.
Khi được hỏi liệu anh có thực sự muốn đẩy các bạn trẻ vào chỗ chết, Philipp thẳng thắn đáp: "Đúng, tôi đã làm thế. Đừng lo lắng, mọi người sẽ hiểu thôi. Họ chết trong hạnh phúc. Tôi chỉ cho họ những điều họ không có trong cuộc sống: sự ấm áp, kiến thức và kết nối".
Budeykin thừa nhận, đề tài tự tử bắt đầu được phổ biến trên mạng từ sau vụ tự tử của bé gái Rina Palenkova 13 tuổi, trú tại tỉnh Omsk vào tháng 11/2015 và Rina là nạn nhân đầu tiên của hắn. Philipp Budeikin
Với việc cha mẹ càng ngày càng thiếu quan tâm hơn đến con cái sẽ khiến các em tìm đến mạng xã hội để giải tỏa, để chứng tỏ mình là chuyện có thể hiểu được. Tuy nhiên trong những giây khắc đó, tình cờ các em sẽ bị tiếp cận với những thứ xấu xa, ảnh hưởng sâu sắc tới đầu óc.
Trò chơi "Thử thách Cá voi xanh” như một hồi chuông cảnh tỉnh đã tới lúc các cha mẹ bắt đầu quan tâm đến con cái nhiều hơn, không nên để chúng sống quá buông thả, kể cả trên mạng xã hội. Mạng xã hội như một con dao hai lưỡi vì thế nên cẩn thận, thậm chí nó nguy hiểm đến mức chỉ cần một cú click hay một trò chơi có thể thay đổi cuộc sống của con em mình mãi mãi.
Trong cuộc họp giao ban về thông tin, tuyên truyền, dư luận xã hội đầu tháng 4/2018 (do Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần), một số ý kiến ở cơ sở phản ánh một hiện tượng rất đáng lo ngại: Thời gian gần đây trong dư luận cha mẹ học sinh rất lo lắng trước sự xuất hiện của trò chơi "Thử thách Cá voi xanh" trong học sinh nhiều trường học trong huyện.
Cụ thể, có hiện tượng một số thanh thiếu niên trên địa bàn huyện, nhất là học sinh bậc THCS, có biểu hiện tham gia trò chơi này. Thậm chí còn có thông tin có học sinh đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên Internet.
Ngay sau khi được phản ánh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè đã có báo cáo đến Huyện ủy và UBND huyện. Đồng thời kiến nghị các địa phương, các ngành chức năng trong huyện, cha mẹ học sinh các trường quan tâm theo dõi, ngăn chặn học sinh, con em mình không tham gia trò chơi nguy hiểm này.
Trưa 9/5, trao đổi với PV VTC News, bà Ngô Thị Lanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè xác nhận, nơi đây đã có văn bản chỉ đạo ban giám hiệu các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm, theo dõi và ngăn chặn những học sinh tham gia vào trò chơi này.
Nguồn: Tổng hợp từ VTC News
BigSchool: Tuy nhiên theo nguồn tin khác, sau khi kiểm tra tại các trường trên địa bàn thì Ban Tuyên giáo, huyện uỷ Cái Bè, Tiền Giang khẳng định chưa có học sinh nào tham gia trò chơi trên.
Trích công văn của Ban Tuyên giáo, huyện uỷ Cái Bè. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc: