Hải Phòng miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT

  • 06/12/2019 | 10:48 GMT+7
  • 2.103 lượt xem

Chiều 5/12/2019, Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hải Phòng khóa 15 bế mạc, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng trong đó có quyết định miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT - đây là cơ chế riêng của Hải Phòng đi trước trong cả nước.

 

Ông Lê Văn Thành- Bí thư Thành ủy Hải Phòng Ông Lê Văn Thành- Bí thư Thành ủy Hải Phòng
Nghị quyết gồm 4 điều, đề xuất nội dung quy định chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% học phí cho các đối tượng trên theo mức học phí được HĐND thành phố quyết định.

Thời điểm thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở thực hiện từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông thực hiện từ năm học 2021-2022. Thời gian hỗ trợ: 9 tháng/1 năm.

Việc Hải Phòng ban hành cơ chế riêng của thành phố về việc hỗ trợ học phí đối với con em nhân dân sinh sống và học tập trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: Đây là những cơ chế, chính sách mới, riêng có của thành phố Hải Phòng, nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân thành phố.

Nguồn: haiphong.gov.vn 

BigSchool: Chúng ta tham khảo về vấn đề học phí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh:
Hà Nội: Ngày 8/7/2019, HĐND TP Hà Nội thông qua mức tăng học phí bậc mầm non (đối tượng không trong diện phổ cập mầm non 5 tuổi) và bậc THPT, giáo dục thường xuyên ở bậc THPT từ năm học 2019-2020. 

Theo đó, học sinh thuộc đối tượng trên ở địa bàn thành thị sẽ có mức học phí mới là 217.000 đồng/học sinh/tháng (mức cũ 155.000 đồng/học sinh/tháng).

Học sinh ở địa bàn nông thôn (trừ các xã miền núi) có mức học phí mới là 95.000 đồng/học sinh/ tháng (mức cũ là 75.000 đồng/học sinh/tháng).

Học sinh thuộc các xã miền núi có mức học phí mới là 24.000 đồng/học sinh/tháng (mức cũ là 19.000 đồng/học sinh/tháng).

Theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, học phí sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định; đến năm học 2020-2021, mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại khoản 1, điều 4 nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% đối mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi. 

Trình đề án tăng học phí như trên, UBND TP Hà Nội cho biết mức thu học phí của Hà Nội hiện nay ở một số cấp học, khu vực thấp hơn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đồng bằng sông Hồng, chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân cho giáo dục. 

Do đó, UBND TP đề xuất giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2018-2019 đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh cấp THCS, giáo dục thường xuyên cấp THCS, tăng mức thu học phí theo nguyên tắc đã được HĐND thông qua đối với các cấp học còn lại.

TP Hồ Chí Minh: Chiều 6/8/2019, UBND TP.HCM có văn bản về cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí từ năm 2019-2020 đến 2020-2021 trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM chấp thuận về phương án học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM sau khi xét đề nghị của Sở GD-ĐT và ý kiến của Sở Tài chính.

Đối với năm học 2019-2020, cụ thể từ tháng 9-2019 đến tháng 5-2020, tiếp tục thực hiện mức học phí theo quyết định 34/2016/QĐ-UBND của UBND TP và nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND của HĐND TP.

Cụ thể mức học phí năm học 2019-2020 như sau:

Đối với học sinh 5 huyện thuộc nhóm 2 (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ),  mức học phí mỗi tháng của nhà trẻ là 120.000 đồng; mẫu giáo 100.000 đồng; THCS và bổ túc THCS đều 30.000 đồng; THPT và bổ túc THPT 100.000 đồng.

Đối với 19 quận còn lại thuộc nhóm 1, mức học phí mỗi tháng của nhà trẻ là 200.000 đồng; mẫu giáo 160.000 đồng; THCS 60.000 đồng và bổ túc THCS đều 60.000 đồng; THPT và bổ túc THPT 120.000 đồng.

Riêng cấp tiểu học ở cả 2 nhóm đều không thu học phí.

Theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì quy định về miễn học phí như sau:

Điều 99. Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo

  1. Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định; đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học.
  2. Chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục. 
    Mức thu dịch vụ tuyển sinh mà người dự tuyển phải nộp khi tham gia xét tuyển, thi tuyển được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ.
  3. Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
  4. Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.
  5. Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
  6. Cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục được quy định như sau:
    a) Chính phủ quy định cơ chế thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập;
    b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
    c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học do địa phương quản lý sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua;
    d) Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật.

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.