Hà Tĩnh đã sẵn sàng cho triển khai chương trình mới lớp 1 như thế nào?

  • 21/05/2020 | 16:40 GMT+7
  • 3.066 lượt xem

Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2020-2021, đối với lớp 1. Ngành giáo dục Hà Tĩnh đã khẩn trương thực hiện nhiều hoạt động, trong đó việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) và bồi dưỡng giáo viên hết sức được chú trọng.

Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh, phát biểu khai mạc  Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh, phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018

Sách giáo khoa lớp 1: Nghiên cứu sâu, lựa chọn kỹ

Lựa chọn SGK là lựa chọn tri thức, lựa chọn tương lai cho học sinh. Với tầm quan trọng đó, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã quán triệt tinh thần "nghiên cứu sâu, lựa chọn kĩ" với các cơ sở giáo dục tiểu học trước khi bắt tay vào lựa chọn SGK lớp 1 mới.

Với tinh thần đó, trong hai ngày 27/02/2020 và 06/3/2020, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã phối hợp với các Nhà xuất bản (có bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt) tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu về SGK lớp 1. Đồng thời cung cấp bản mẫu SGK lớp 1 cho 100% trường tiểu học, trường TH&THCS và các trường TH, THCS&THPT trực thuộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 20/3/2020, ban hành Quy định "Bộ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 trong cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Hà Tĩnh".

Sau khi cung cấp bản mẫu và tổ chức Hội thảo, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức nghiên cứu, đánh giá ưu điểm và hạn chế của từng đầu SGK; đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu và đánh giá SGK.
Việc nghiên cứu sách đã được giáo viên các trường gấp rút thực hiệnViệc nghiên cứu sách đã được giáo viên các trường gấp rút thực hiện
Ngày 17/3/2020, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 433/SGDĐT-GDPT yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường TH, THCS&THPT trực thuộc báo cáo kết quả nghiên cứu sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở báo cáo kết quả nghiên cứu sách giáo khoa lớp 1 của các đơn vị, ngày 24/3/2020, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị về lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021 với thành phần là Lãnh đạo các Phòng GD&ĐT và đại diện Ban giám hiệu các trường TH, THCS, THPT trực thuộc. Sau Hội nghị, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản số 492/SGDĐT-GDPT ngày 27/3/2020 "Hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021.

Việc lựa chọn SGK lớp 1 tại các cơ sở giáo dục tiểu học được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai và minh bạch. Đến nay, các cơ sở giáo dục tiểu học của tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn xong sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018 cho năm học 2020-2021. Tỉ lệ số trường đã lựa chọn các bộ sách như sau: Cánh Diều (59,4%), Cùng học để phát triển năng lực (29,9%), Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (7,4%), Chân trời sáng tạo (2,6%), Kết nối tri thức với cuộc sống (0,7%).

Thống kê chọn SGK lớp 1 của Hà TĩnhThống kê chọn SGK lớp 1 của Hà Tĩnh
Sau khi các cơ sở giáo dục tiểu học lựa chọn xong SGK lớp 1, Sở GDĐT đã ban hành Công văn hướng dẫn các nhà trường thực hiện niêm yết công khai danh mục SGK lớp 1 (bao gồm cả SGK Tiếng Anh) năm học 2020-2021 trước ngày 15/5/2020. Đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo cho tất cả phụ huynh có trẻ 5 tuổi sẽ vào học lớp 1 tại nhà trường trong năm học 2020-2021 được biết.

Bồi dưỡng, tập huấn giáo viên là khâu then chốt

Xác định đội ngũ giáo viên là khâu then chốt trong việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, thời gian qua, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng và tập huấn giáo viên. Cụ thể là:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ giáo viên tiểu học cốt cán các cấp (cấp tỉnh có 56 người), đây là những người "thợ cả", là mắt xích quan trọng trong việc thực hiện đổi mới giáo dục. Đội ngũ giáo viên này thật sự đã phát huy tác dụng trong việc tập huấn, bồi dưỡng, tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về Phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó có chế độ đãi ngộ cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh, cấp huyện.

Thứ hai, phối hợp với các trường đại học tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn cấp tiểu học về Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới.

Từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã phối hợp với Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho 398 người. Đây là những giảng viên cốt cán, là hạt nhân để về tập huấn tại địa phương.

Quang cảnh Lễ Khai mạc đợt bồi dưỡng tại Đại học VinhQuang cảnh Lễ Khai mạc đợt bồi dưỡng tại Đại học Vinh
Thứ ba, xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 1 của các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

Trên cơ sở các đầu SGK đã được lựa chọn, Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học lập danh sách cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 (bao gồm cả giáo viên dự phòng) để tham gia tập huấn dạy học. Số lượng CBQL và GV tham gia tập huấn cụ thể là: Bộ sách Cánh Diều (1237 người), bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (727 người), bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (135 người), bộ sách Chân trời sáng tạo (130 người), bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (25 người).

Căn cứ vào số liệu đăng kí về nhu cầu số lượng SGK lớp 1 và tham gia tập huấn dạy học, Sở GDĐT phối hợp với các Nhà xuất bản có SGK được lựa chọn đảm bảo cung ứng đầy đủ SGK lớp 1 cho các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn dạy học cho CBQL và GV đảm bảo 100% cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 1 trên địa bàn toàn tỉnh được tham gia tập huấn.

Hành trình thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 1 mới đang ở chặng đường đầu, việc tiếp cận cái mới, tiên tiến từ bỏ cái cũ, cái không còn phù hợp đang còn nhiều khó khăn, thử thách. Trên hành trình đổi mới và vượt khó này để thành công đòi hỏi sự nổ lực rất lớn của các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên. Bên cạnh đó không thể thiếu sự đồng thuận, sự chung tay, tham gia tích cực của toàn xã hội.

Phan Duy Nghĩa

(Phòng GDPT, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)

 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.