Chiều 19/1/2018 Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Chương trình các môn học. Trước đó vấn đề 6 tác phẩm bắt buộc có trong chương trình môn Ngữ văn đã được Tổng chủ biên thông tin và giải thích. Tuy nhiên giáo viên dạy Ngữ văn vẫn thấy chưa thoả đáng.
- Trước hết cần khẳng định ngay rằng quy định học bắt buộc 6 tác phẩm này không có nghĩa là toàn bộ chương trình chỉ dạy 6 tác phẩm đó và cũng không phải là tất cả các tác phẩm khác (không bắt buộc) chỉ là tác phẩm đọc thêm. Tổng thời lượng dành cho môn Ngữ văn (12 năm) là 4.520 tiết, chẳng lẽ chỉ học chính 6 tác phẩm ấy. Sở dĩ có quy định bắt buộc một số tác phẩm vì xuất phát từ yêu cầu của việc đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực; một mặt cần thiết kế một chương trình mở, để vận dụng linh hoạt, mềm dẻo; mặt khác cần phải trang bị cho học sinh một số kiến thức cơ bản, cốt lõi của học vấn phổ thông. Ngoài ra như thế mới tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương 1 chương trình, nhiều sách giáo khoa đã nêu trong Nghị quyết 88 của Quốc Hội.
- Như thế cần dạy cho học sinh cách đọc, phương pháp đọc để các em dần dần có thể tự đọc và học suốt đời; chứ không chỉ chú ý dạy vào một số tác phẩm cụ thể, học tác phẩm nào chỉ biết tác phẩm ấy. Cũng vì vậy, cần thiết kế chương trình theo hướng dạy cho học sinh cách đọc các thể loại văn học và các kiểu loại văn bản khác (văn bản thông tin và văn bản nghị luận). Thông qua các tác phẩm tiêu biểu của các thể loại văn học ấy mà hình thành cách đọc. Đấy chính là lý do chương trình được thiết kế theo hướng lựa chọn các thể loại lớn (thơ, truyện, ký kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây. Cụ thể hơn, cần thiết kế chương trình theo hướng mở, lấy tiêu chí là các thể loại văn học, từ đó lựa chọn một số văn bản, tác phẩm tiêu biểu để dạy và học. Chương trình Ngữ văn phổ thông không phải là một bản tổng kết văn học nhằm nêu lên đầy đủ tất cả các tác giả, tác phẩm của tất cả các giai đoạn thuộc một nền văn học.
- Giải pháp mới được xác định là bên cạnh việc chỉ gợi ý một số văn bản tiểu biểu cho các thể loại văn học, dành quyền chủ động, sáng tạo cho các tác giả SGK và giáo viên thì cần quy định một số tác phẩm bắt buộc; coi đó là một trong những yêu cầu của kiến thức cơ bản, cốt lõi mà học sinh tốt nghiệp phổ thông phải có. Giải pháp này cũng được chương trình nhiều nước phát triển áp dụng. Một số chương trình môn học này ở những nước dùng tiếng Anh yêu cầu bắt buộc phải học một vài vở kịch của Secxpia là vì thế.
- Trong nền văn học dân tộc có rất nhiều tác phẩm văn học khác cũng có giá trị nhân văn, có tính giáo dục cao; nhưng như tôi nói ở trên, 6 tác phẩm này có những giá trị và vị trí đặc biệt mà các tác phẩm khác khó cùng loại. Cứ thử nêu thêm một tác phẩm nào đó cùng loại với 6 tác phẩm này sẽ thấy rất khó. Hơn nữa nếu đưa thêm sẽ mở ra hàng loạt các tác phẩm khác tương tự, tương đương và sẽ kéo theo số lượng rất nhiều, khó có thực hiện được định hướng mở của chương trình đã xác định.
- Có người băn khoăn, trong 6 tác phẩm ấy thì phần lớn đã thuộc về đề tài yêu nước và mang cảm hứng sử thi… “Vậy học sinh tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự, tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau?”. Chúng tôi thấy, nếu chương trình chỉ học mỗi 6 tác phẩm này thì đúng đây là một điểm cần băn khoăn. Nhưng như đã nói với hơn 4000 giờ Ngữ văn, SGK và giáo viên sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu đời thường ấy, cái yêu cầu mà chỉ có ở văn học Việt Nam sau 1986. Ngoài ra cần khẳng định cảm hứng yêu nước là cảm hứng chủ đạo, đáng được đề cao. Yêu nước, đánh giặc cũng là biểu hiện của nhân nghĩa, nhân văn “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” như Nguyễn Trãi đã khẳng định. Vả lại đó chính là thực tiễn lịch sử và thành tựu văn học nước ta.
Lí do vì sao lại chỉ bắt buộc có 6 tác phẩm đã nêu là thế. Tất nhiên đây cũng chỉ mới là dự thảo. Chương trình còn đăng tải, xin ý kiến của công luận và sau đó phải được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét, chấp nhận thì mới được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chính thức để thực hiện. Về các tác phẩm bắt buộc, chúng tôi rất mong bạn đọc suy nghĩ, góp ý, đề xuất thêm bớt các tác phẩm cụ thể cùng với lý do có sức thuyết phục để giúp ban soạn thảo hoàn thiện được chương trình Ngữ văn trong thời gian tới.
(Chi tiết bài viết của TS. Đỗ Ngọc Thống xem tại đây.)
Cô giáo Ngữ văn Phan Thanh Vân, THPT Huỳnh Thúc Kháng
Sau khi đọc giải thích của Tổng Chủ biên đăng 13/1/2018, chiều 19/1/2018, cô giáo Phan Thanh Vân đã chia sẻ:
Trước hết, tôi tán thành với định hướng cấu trúc chương trình môn ngữ văn mới gồm 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Điều này giúp cho giáo viên có cơ hội lựa chọn những những tác phẩm mình tâm đắc để dạy (Muốn dạy hay trước hết gv phải tâm đắc với tác phẩm mình dạy). Tuy nhiên, bất cập dễ nhận thấy là tính chất không đồng đều về năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, quan điểm dạy học... của giáo viên ở các vùng miền khác nhau sẽ dẫn đến chất lượng dạy học không đồng đều và không đạt được mục đích của môn học như định hướng đã nêu trong dự thảo.
Việc lựa chọn 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình môn văn THPT cần được xem xét dựa trên tiêu chí phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ mới.
Điều mà nhiều giáo viên chúng tôi băn khoăn ở đây là Ban dự thảo chương trình dựa vào cơ sở khoa học nào để lựa chọn 6 tác phẩm BẮT BUỘC mà không phải là 5,7 hay 10 tác phẩm? Việc lựa chọn 6 văn bản (VB) bắt buộc (Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập) vừa thừa lại vừa thiếu: Có đến 5/6 VB thuộc cảm hứng yêu nước, chỉ một VB mang cảm hứng nhân đạo; trong 6 VB có tới 3 VB thuộc thể văn chính luận, trong đó có 5 VB viết theo thi pháp truyền thống; Cả 6 VB đều thuộc giai đoạn từ thế kỷ X đến 1945. Như vậy, phần tác phẩm bắt buộc thiếu hẳn mảng VH hiện đại và cảm hứng thế sự đời tư.
Về phương diện thể loại, những tác phẩm thuộc thể loại văn học hiện đại như truyện ngắn , tiểu thuyết, thơ tự do, chính kịch không có trong chương trình bắt buộc .
Thiết nghĩ những vấn đề trên đây cần được Ban soạn thảo chương trình lý giải một cách tường minh hơn.
BigSchool: Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các bạn về các Chương trình môn học. Cảm ơn sự quan tâm từ các bạn!
Ý kiến bạn đọc: