Giáo viên - tài sản vô giá, chìa khoá thành công của giáo dục Phần Lan

  • 09/09/2017 | 11:50 GMT+7
  • 25.260 lượt xem

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công". Chúng ta thử tìm hiểu về giáo viên của nền giáo dục Phần Lan qua bài viết sau đây để thấy chìa khoá thành công của một nền giáo dục.

"Cách mạng giáo dục" của Phần Lan không tiến hành từ "trên xuống", mà từ "dưới lên". Sự đổi mới bắt đầu từ trong mỗi giáo viên, mỗi lớp học, mỗi ngôi trường, và đó mới chính là sự thay đổi căn cơ, triệt để. 

Không thể có nền giáo dục được thế giới ngưỡng mộ nếu thiếu đội ngũ giáo viên giỏi. Phần Lan rất tự hào về những thầy cô giáo của mình. 

Trong thế giới phương Tây, hiếm nước nào tôn trọng giáo viên như Phần Lan. Nghề giáo được xem là đáng mơ ước, không thua nghề bác sĩ, luật sư là bao, dù thu nhập thấp hơn đáng kể. Giáo viên còn được nghỉ trọn vẹn và hưởng lương 2 tháng hè (ở Phần Lan là nghỉ thật sự chứ không phải như Việt Nam).

"Hot" như vậy nên đầu vào ngành Sư phạm luôn vào hàng khó nhất, tỉ lệ 1 chọi mười mấy. Mà nên nhớ mười mấy thí sinh này cũng toàn "gà cứng cựa" mới tự tin thi vào Sư phạm.

Phần Lan tự hào về những thầy cô giáo của mìnhPhần Lan tự hào về những thầy cô giáo của mình

Vòng 1 thường là đưa cho thí sinh một cuốn sách để họ đọc, rồi thi viết về nội dung sách - kiểu "thi đại học" này rất phổ biến ở Phần Lan. Nếu qua được vòng 1 thì sẽ đến vòng 2, thí sinh được chia nhóm để soạn một giáo án (lesson plan) ngắn dạy một nội dung theo yêu cầu. Giám khảo sẽ quan sát cách họ thể hiện trong làm việc nhóm để đánh giá. Người quá rụt rè dĩ nhiên không được điểm cao, nhưng kẻ thích thể hiện, lấn lướt người khác, "tỏ ra nguy hiểm" sẽ bị loại đầu tiên. Ứng viên lý tưởng phải biết cách khơi gợi tiềm năng của mỗi thành viên trong nhóm, truyền cảm hứng cho mọi người, điều tiết cái tôi... Vòng 3 là phỏng vấn để hiểu thêm về cá tính, động cơ nghề nghiệp của thí sinh. 

Rất nhiều bạn trẻ vượt qua dễ dàng vòng thi kiến thức, nhưng phải dừng bước trước thử thách kĩ năng, hay đơn giản là tính cách không hợp với nghề thì không thể trúng tuyển. Có bạn kiên trì "luyện" lại, xin đi làm thêm ở các trường học để có cơ hội va chạm thực tế, hy vọng năm sau thuyết phục được Hội đồng tuyển sinh. 

Những thí sinh trúng tuyển phải học 5 - 6 năm, lấy bằng thạc sĩ thì mới có thể trở thành giáo viên. Các khoa Sư phạm gắn bó rất chặt chẽ với trường phổ thông trên địa bàn, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc thực tế giảng dạy suốt quá trình học. 

Sinh viên Sư phạm được đào tạo kĩ năng giảng dạy, đo lường - đánh giá kết quả học tập của học sinh theo những bài test tiêu chuẩn lẫn phi tiêu chuẩn, giáo dục đặc biệt... Họ có khả năng làm việc độc lập, có thể dạy bất cứ nội dung nào, không cần ai "cầm tay chỉ việc". 

Hiếm sinh viên Sư phạm nào bỏ học hay chuyển ngành (sinh viên ngành khác muốn chuyển vào Sư phạm thì nhiều), và 90% giáo viên trụ lại với nghề cả đời. Tôi từng gặp không ít người làm những ngành nghề được cho là "béo bở", nhưng cũng đi học lại để trở thành giáo viên. 

Tuyển chọn và đào tạo gắt gao nên nền giáo dục Phần Lan đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào giáo viên. Họ được toàn quyền chọn tài liệu giảng dạy (Phần Lan không có bộ sách giáo khoa bắt buộc nào, mà có nhiều bộ cùng lưu hành), phương pháp giảng dạy, tự xây dựng kế hoạch giảng dạy theo trình tự nào mà họ thấy hợp lí, miễn đảm bảo khung chương trình mà Bộ đề ra... Dĩ nhiên không có chuyện đến tuần 15, tiết 7, nhất định phải dạy đến bài Y, trong bài Y nhất định phải có 5 ý abcde này...

Tự do cũng đồng nghĩa với trách nhiệm cá nhân rất lớn. Nghề giáo ở đâu cũng vậy, chưa bao giờ là nghề nhẹ nhàng. Ngoài giờ đứng lớp, họ phải dành nhiều thời gian chuẩn bị bài, tổ chức hoạt động sao cho tiết học hiệu quả. 

Không có chuyện dạy thêm, học thêm ở đây, "giáo viên trù úm học sinh" là khái niệm kì quái. Ở cấp tiểu học (lớp 1 - 6), người Phần cho rằng sự thân thuộc với giáo viên có lợi cho trẻ, nên thường giáo viên sẽ theo các bé "lên lớp". Lớp 1 - 3 học với một cô/ thầy giáo, lớp 4 - 6 với một người khác. Như lớp 3I mà tôi có dịp dự giờ, cô giáo đã dạy các em từ lớp 1 đến giờ, thân thuộc từng thói quen của bọn trẻ, đứa nào thích ăn món gì hay dị ứng món gì, cô biết hết. 

Hình ảnh một lớp tiểu học ở Phần LanHình ảnh một lớp tiểu học ở Phần Lan
Phần Lan xây dựng một hệ thống giáo dục bình đẳng cho mọi người, bất chấp họ ở đâu, giàu hay nghèo. Đội ngũ giáo viên đồng đều về chất lượng cùng những trường học tiêu chuẩn góp phần quan trọng đảm bảo công bằng giáo dục. Không có "trường điểm" hay "trường chuyên" ở đây, nên không có chuyện "chạy trường". Phụ huynh cứ đơn giản cho con đi học trường gần nhà nhất. Những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa có thể thiệt thòi hơn trẻ thành thị về vui chơi giải trí, nhưng nền tảng giáo dục chúng có được qua trường phổ thông không hề thua kém bạn đồng trang lứa ở trung tâm Helsinki. 

Chẳng biết tôi có chủ quan không, nhưng tôi đã gặp trong những ngôi trường Tiểu học những phụ nữ dịu dàng, nền nã, nhân ái, tài năng, kiên nhẫn và xinh đẹp nhất Phần Lan. Nhìn cô ngồi bên bầy trẻ, thấy chúng nó có chuyện gì cũng chạy lại "méc" cô, không chút sợ sệt, ngăn cách, tôi hiểu câu "Cô giáo như mẹ hiền" ở đây không được vẽ trên khẩu hiệu, nhưng đã thành thực tế hàng ngày. Đào tạo được những giáo viên như thế thì giáo dục muốn thất bại cũng khó. 

Tuy nhiên, giáo viên giỏi muốn thành công thì phải được làm việc trong hệ thống tốt. Tiến sĩ Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng của Phần Lan, cho rằng nếu trao đổi giáo viên, mang hết giáo viên Phần Lan sang nước khác dạy (bỏ qua trở ngại ngôn ngữ) thì trong 5 năm cũng chẳng thay đổi được gì. Ông Sahlberg ví von giáo viên giỏi cũng như ngôi sao trong đội bóng, không thiếu những đội bóng toàn sao mà thi đấu chuệch choạc chẳng ra sao, vì hệ thống không đủ mạnh tương xứng với trình độ của họ.

Nguồn: Phần Lan 100 - lửa trời đuôi cáo

 
 

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.