Giáo viên sẽ dạy thế nào trong kỷ nguyên số?

  • 25/12/2017 | 03:57 GMT+7
  • 6.719 lượt xem

Không ngờ bài viết của PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống vừa đăng lên đã gợi ra câu hỏi cho cô giáo Nguyễn Thị Mai Loan và BigSchool rất vui khi nhận được chia sẻ của cô giáo để cùng trao đổi với các thầy cô.

Những phút suy tư của cô giáo Nguyễn Thị Mai LoanNhững phút suy tư của cô giáo Nguyễn Thị Mai Loan

Sáng, Sài Gòn lo lắng đón bão về, đọc bài Thầy Đỗ Ngọc Thống trên Bigschools bất giác nghĩ đến: giáo viên dạy thế nào trong kỷ nguyên số?

Vừa qua, một bài trên TT 19/11 có đoạn viết "Chúng ta đang sống trong thời điểm mà "thầy Google", "thầy YouTube", "thầy Internet" là "vô địch thiên hạ" về khía cạnh truyền dạy kiến thức, vậy nhà giáo dạy thế nào?

Đọc những dòng này,tôi bất giác liên tưởng đến stt của nhiều đồng nghiệp chia sẻ trong ngày 20/11. Đó là những niềm vui, hạnh phúc nghẹn ngào của người giáo viên khi được học trò cũ đến thăm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Bản thân người viết đã có hẳn một stt cảm ơn học trò sau 20 năm vẫn đến thăm cô. Nhà giáo chân chính mang trong mình thiên chức dạy người, nên tên gọi "giáo chức" đã là thiêng liêng và là nghiệp!

Chính vì lẽ đó,khi đặt vấn đề học hỏi giáo dục nước ngoài để thích nghi hay thay đổi, chúng ta nên nghiêm túc nhận diện: Bản chất mọi vấn đề trong giáo dục vẫn là Con người. Bởi cho dù công nghệ có phát triển, có hiện đại đến đâu chăng nữa, cũng không thể nào thay đổi được trái tim yêu thương của người thầy đối với học trò mình.

Một cú "click" chuột có thể mở ra cho bạn nhiều điều mới lạ, lý thú, tiện ích. Nhưng đôi tay ấm áp, ánh mắt động viên, nhịp tim cộng hưởng của người thầy với học trò mình thì không có công cụ hiện đại nào thay thế được!

Mấu chốt của mọi vấn đề trong giáo dục chính là trái tim người thầy, là cách người thầy ý thức chức phận của mình. Khi chúng tôi thật sự được sống bằng nghề, được trao niềm tin thì mọi thứ đều có thể thực hiện. Nhưng vấn đề là người thầy sẽ dạy những gì, dạy ra sao trong thời đại công nghệ đang chiếm ưu thế?

Xin đặt lên bàn những nhà hoạch định chuyên môn các câu hỏi đó.

Dưới góc nhìn của một nhà giáo, tôi xin chia sẻ những điều mà mình cảm nhận được trong nghề.

Tôi vô cùng ngưỡng mộ cô Phạm Thị Hai, giáo viên dạy môn Lịch sử trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11. Cô luôn chăm chút từng li từng tí vẻ ngoài của mình mỗi khi đến lớp. Từng bước đi, dáng điệu, từng tiết dạy của cô luôn được học trò yêu quý. Không chỉ nghiêm túc, chuẩn mực, môi cô luôn nở nụ cười thân thiện. Cô còn trau chuốt từng lời giảng, luôn tìm mọi cách để làm mới kiến thức chuyên môn. Vì thế, nếu "thầy Google", "thầy YouTube"có trả lời nhanh chóng, chính xác đến từng trận đánh, từng số liệu cũng không thể bằng công sức từ trái tim người thầy này. Khi đã lớn tuổi sắp nghĩ hưu, cô vẫn miệt mài đọc sách, nghiên cứu tư liệu mới để thu hút học trò học môn lịch sử. Sự ấm áp trong ánh mắt,nụ cười,cử chỉ của cô luôn tạo động lực cho học trò.

Thầy Nguyễn Tấn LộcThầy Nguyễn Tấn Lộc
Một người Thầy, đồng nghiệp khác của tôi: thầy Nguyễn Tấn Lộc giáo viên môn Toán trường Mạc Đĩnh Chi (nguyên hiệu trưởng trường THPT Bình Phú), quận 6 là một gương sáng khác. Thầy vừa ra đi hôm đầu tháng, bao lớp học trò tiếc thương Thầy, bởi từng nét vẽ hình học của Thầy không hề vô hồn như trên máy mà nó đều có gì đó bay bướm, đầy lãng mạn. Câu nói nổi tiếng của Thầy luôn tạo động lực cho học trò: "không có gì là không thể, nếu mình thật sự muốn làm".

Mấy hôm nay, một đồng nghiệp trẻ chia sẻ cùng tôi, bạn muốn làm một cái gì đó để cải thiện ý thức học tập, để 2 bé tự kỷ, 3 bé tăng động và 1 bé có dấu hiệu "ái kỹ" (chỉ yêu bản thân, không thích chơi với ai) ở lớp 7B gắn kết với bạn bè hơn. Chúng tôi lấy đề tài "tiếng ồn" với loạt 3 bài viết trên Tuổi trẻ gần đây để tạo hiệu ứng thời sự cho chuyên đề tích hợp liên môn Ngữ văn-Vât lý. Chuyên đề có tên "Ô nhiểm-(ôn dịch) tiếng ồn". Chính "thầy Google", "thầy YouTube"" sẽ đồng hành hỗ trợ chúng tôi về hiệu ứng hình ảnh, âm thanh..để tương tác tốt nhất,để học trò chúng tôi năng động nhất.

Một tiết học chuyên đề ở không gian thư việnMột tiết học chuyên đề ở không gian thư viện
Và phải chăng, khao khát đổi mới để được trò yêu thương, đồng cảm của chính người thầy như chúng tôi sẽ khiến không ông thầy máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế được!

Tâm huyết với nghề sẽ khiến người thầy vượt lên tất cả! Tâm huyết đó khơi nguồn cho sự sáng tạo. Tâm huyết đó luôn nâng đầy những yêu thương qua từng năm tháng. Bản thân những người giáo viên sống bằng nghề và hạnh phúc với công việc của mình ít bao giờ dậm chân tại chỗ!

Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao kiến thức chuyên môn, học tập sáng kiến kinh nghiệm và giữ gìn hình ảnh người thầy trên bục giảng. Và đó là cách chúng tôi bắt "thầy Google", "thầy YouTube"phải phục vụ cho thầy trò chúng tôi đắc lực nhất!./.

Nguyễn Thị Mai Loan

Giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống trường Việt Mỹ - VaSchool, TP HCM.

Ý kiến bạn đọc:

Bạn hãy Đăng nhập để gửi ý kiến của mình.