Sau những tranh luận về tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã tạo nên những quan ngại về sách giáo khoa ngay từ phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và lập tức cũng bùng nổ các ý kiến khác nhau trên mạng xã hội, báo chí.
Để hiểu thêm về vấn đề này, xin chia sẻ với các bạn các thông tin và mong có nhiều ý kiến trao đổi cùng nhau.
Theo báo Thanh Niên, trong ngày 6 - 7/5/2015, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện của VN.
Bà Sally Griffin, Giám đốc cao cấp về giáo dục vùng Cornwall, Anh quốc, cho biết từ tháng 9/2014, chương trình giáo dục quốc gia của Anh được thực hiện ở tất cả các trường tiểu học và trung học. Chương trình mới tập trung vào sự trải nghiệm học tập của HS. Bộ Giáo dục Anh cung cấp một khung nội dung bắt buộc và phần cho các nhà trường tự sáng tạo. Giáo viên đóng vai trò chủ đạo tổ chức các hoạt động trải nghiệm của HS.
Trước thắc mắc của GS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, về vai trò của SGK, bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành Công ty giáo dục Rising Stars and Hodder Primary của Anh, cho rằng khoảng 20 năm trước thì vai trò của SGK rất quan trọng nhưng xu hướng chung là càng ngày càng ít phụ thuộc hơn vào SGK. Nhiều môn học hiện nay thậm chí không cần đến SGK. "Nếu phụ thuộc quá nhiều vào SGK thì không tạo được sự sáng tạo trong HS", bà Andrea Carr nói.Học sinh tiểu học ở Vương quốc Anh
Cũng liên quan đến nội dung này, bà Andrea chia sẻ kinh nghiệm ở Anh: "Việc dạy và học hoàn toàn không chỉ dừng lại ở kiến thức trong SGK mà thông qua đó kích thích người học tiếp tục đào sâu, mở rộng kiến thức, kỹ năng. SGK giới thiệu những đường dẫn để người học tiếp cận được các nguồn học liệu khác cho mục đích bổ sung thông tin”.
Liên quan đến quy trình biên soạn SGK ở Anh, bà Andrea Carr cho biết ở Anh không có ban thẩm định quốc gia về SGK. Bộ Giáo dục Anh đưa ra các tiêu chí, các nhà xuất bản (NXB) căn cứ vào đó để biên soạn và phát hành SGK. SGK của NXB nào được các giáo viên, các trường lựa chọn nhiều thì bán được và NXB đó “sống” được. "Bộ Giáo dục không tham gia gì vào quy trình biên soạn và xuất bản SGK mà chỉ hướng dẫn bằng các tiêu chí để những cuốn SGK được biên soạn đảm bảo chất lượng", bà Andrea khẳng định.
Về quyền lựa chọn SGK, bà Andrea thông tin ở Anh, giáo viên chính là chuyên gia và người nắm được rõ nhất nhu cầu của HS. Do vậy quyết định lựa chọn SGK nào là tùy thuộc vào giáo viên và các trường học. Việc xây dựng tài liệu, SGK cũng theo xu hướng dành nhiều "không gian" để giáo viên và các trường có thể bổ sung, điều chỉnh các nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục của mình.
Cũng chính vì vai trò của giáo viên trong việc lựa chọn SGK như vậy nên theo bà Andrea, ở Anh, các NXB luôn lắng nghe và coi trọng ý kiến góp ý, nhận xét của giáo viên về SGK chứ không phải là một bộ, ngành nào đó.
Ở Hàn Quốc, theo Cho Jae Hyun và Bùi Mạnh Hùng, từ năm 1995, nước này bắt đầu xóa bỏ chính sách độc quyền về SGK. Theo đó, SGK gồm 2 loại:
- Loại thứ nhất là SGK quốc gia do Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (MOEHRD) tổ chức biên soạn, bao gồm tất cả SGK mầm non và tiểu học, sách Quốc ngữ (Tiếng Hàn), Quốc sử (Lịch sử Hàn Quốc), Đạo đức cho các lớp còn lại.
- Loại thứ hai là SGK do các NXB tư nhân tổ chức biên soạn, MOEHRD thẩm định, bao gồm SGK dùng cho các môn học khác ở trung học. Ở THCS có 32 bộ sách môn Toán, 9 bộ sách môn Khoa học và 10 bộ sách môn Xã hội. Ở THPT có 28 bộ sách môn Toán (trong đó có 16 bộ cho lớp 10 và 12 bộ cho lớp 11 và 12), 8 bộ sách môn Hóa, 9 bộ sách môn Vật lí, 6 bộ sách môn Lịch sử Hàn Quốc hiện đại, 8 bộ sách môn Sinh học, 8 bộ sách môn Địa lí Hàn Quốc, 8 bộ sách môn Xã hội, 11 bộ sách môn Khoa học, v.v…Trong một lớp học ở Hàn Quốc
Từ năm 2009, các NXB tư nhân được phép tổ chức biên soạn và phát hành SGK THCS và THPT kể cả các môn Quốc ngữ, Quốc sử và Đạo đức. Tất cả SGK tiểu học sẽ do MOEHRD tổ chức biên soạn, ngoại trừ SGK môn Thể dục, Âm nhạc, Nữ công gia chánh và Tiếng Anh dành cho các NXB tư nhân, MOEHRD chỉ kiểm tra và sửa đổi những chỗ cần thiết. Các trường học có thể lựa chọn một số sách không qua thẩm định của nhà nước, trừ SGK các môn Quốc ngữ, Đạo đức, Xã hội, Toán, Khoa học, Kĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Thậm chí MOEHRD khuyến khích các trường tự biên soạn SGK để càng ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào việc biên soạn những cuốn sách có chất lượng cao cho học sinh.
Theo tác giả Nguyễn Quốc Vương đăng trên tạp chí Tia Sáng:
Ở Nhật Bản, việc biên soạn SGK mọi cấp từ tiểu học đến THPT là do các NXB tư nhân và các tác giả tiến hành, không có sự tham gia trực tiếp của nhà nước. Các SGK mà chúng ta thấy học sinh Nhật Bản sử dụng trong trường là các cuốn sách được các NXB này biên soạn dựa trên bản "Hướng dẫn học tập" của Bộ Giáo dục. Văn bản này là văn bản chỉ đạo chính thức của Bộ Giáo dục về mục tiêu, nội dung, phương pháp của từng môn học ở các cấp phổ thông. Tuy nhiên bản "Hướng dẫn học tập" này của Bộ Giáo dục rất chung chung và chỉ nêu ra những điểm gợi ý mang tính chất khái quát. Do vậy để tiến hành biên soạn sách SGK, các NXB phải chủ động và dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu văn bản này và biên soạn nên nội dung của SGK. Sau khi biên soạn xong, NXB sẽ đăng kí xin thẩm định. Bộ giáo dục sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định các bản thảo được đăng kí và đưa ra quyết định nó có được trở thành SGK hay không. Thủ tục thẩm định được xác định bởi "Quy tắc kiểm định sách giáo khoa" và bản "Hướng dẫn học tập".
Những văn bản này đều được đăng tải công khai. Đảm nhận công việc này là Hội đồng thẩm định SGK do Bộ Giáo dục thành lập. Hội đồng này thường bao gồm các viên chức của Bộ, nhân viên thẩm định do Bộ chỉ định từ các giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông và đại học với số lượng khoảng vài trăm người. Các buổi thảo luận để đưa ra quyết định của Hội đồng được tiến hành công khai. Theo thông lệ, kết luận của Hội đồng thẩm định sẽ được đưa ra vào tháng 11 cùng năm tiếp nhận đăng kí. Trong trường hợp cuốn sách được công nhận là SGK, thông báo trúng tuyển sẽ được gửi ngay tới NXB . Tuy nhiên trên thực tế thì phần lớn các cuốn sách đăng kí không được Hội đồng thẩm định chấp nhận nguyên văn mà Hội đồng sẽ bảo lưu quyết định và yêu cầu sửa chữa với văn bản giải thích cụ thể các điểm. Đối với các trường hợp không đạt, Hội đồng phải đưa ra thông báo công khai. Trong trường hợp này, NXB có quyền phản biện ý kiến thẩm định và yêu cầu được tái thẩm định.Những cuốn sách giáo khoa ở Nhật Bản
Các SGK sau khi vượt qua vòng thẩm định sẽ được tuyển chọn đưa vào sử dụng. Các trường THPT và các trường tiểu học, THCS công lập có thể lựa chọn SGK từ danh sách các SGK đã qua kiểm định theo quy mô trường hoặc theo khu vực quy định. Tính ở thời điểm năm 2011 trên toàn nước Nhật phân chia làm 582 khu vực tuyển chọn SGK. Mỗi khu vực này sẽ chọn chung một bộ sách giáo khoa.
Cũng theo tác giả Nguyễn Quốc Vương, khi thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa cần phải lưu ý khi triển khai, bởi đây là lần đầu nước ta làm việc này:
Thứ nhất, cần lưu ý và đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng của toàn bộ quy trình thẩm định và lựa chọn SGK. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải có quy chế chặt chẽ đảm bảo không có những tiêu cực dưới dạng "ưu ái" hay "phân biệt đối xử" đối với các bản thảo đăng kí thẩm định. Các quy định này cần phải được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để giới chuyên môn và nhân dân theo dõi, giám sát. Các nội dung thẩm định, yêu cầu sửa chữa, lý do "đánh trượt"… cần phải được thông báo bằng văn bản đối với NXB và tác giả. Các tác giả và NXB có quyền phản biện, khiếu nại, bảo lưu ý kiến khi không cảm thấy thỏa mãn với quyết định của Hội đồng thẩm định. Các cuốn sách không vượt qua vòng thẩm định có thể xuất bản dưới dạng sách tham khảo hoặc sách phổ biến tri thức thông thường khác.Tác giả Nguyễn Quốc Vương với nhiều cuốn sách, bài viết về giáo dục Nhật Bản
Thứ hai, cần đảm bảo tính liêm chính, công bằng và tiêu chuẩn học thuật của Hội đồng thẩm định. Khi thực hiện cơ chế kiểm định SGK, đương nhiên Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước nhân dân trong việc tổ chức Hội đồng thẩm định. Vấn đề đặt ra là Hội đồng thẩm định sẽ gồm những ai? Quyết định cuối cùng đối với bản thảo SGK là quyết định của chủ tịch Hội đồng hay dựa trên kết quả của các lá phiếu độc lập từ mỗi thành viên? Theo kinh nghiệm của nước Nhật, thành viên của Hội đồng cần có sự tham gia của các thành phần như: quan chức quản lý giáo dục, các giáo sư ở các trường đại học, các nhà nghiên cứu độc lập, giáo viên giảng dạy trực tiếp tại trường phổ thông, đại diện hội đoàn xuất bản và truyền thông… Thành viên của Hội đồng phải là những người có uy tín về mặt khoa học và đạo đức học thuật. Hội đồng phải được giám sát chặt chẽ bởi công luận để tránh việc "đi đêm" giữa Hội đồng với phía biên soạn SGK.
Thứ ba, cần xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm lựa chọn SGK. Một khi chấp nhận và thực hiện cơ chế kiểm định SGK nói trên thì việc lựa chọn bộ SGK nào trong số các bộ SGK vượt qua vòng thẩm định theo định kì sẽ thuộc về ai? Giáo viên bộ môn, tổ chuyên môn, sở giáo dục và đào tạo hay hiệu trưởng nhà trường? Cần phải có "hàng rào pháp lý" để ngăn chặn sự lựa chọn dựa trên lợi ích phe nhóm thay vì dựa trên chất lượng SGK và mục tiêu giáo dục.
Tác giả Giang Sơn cũng chia sẻ trên báo Nhân Dân:
Vì vậy, để xây dựng những bộ sách giáo khoa tốt, điều trước tiên, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách cần tôn trọng đánh giá của Hội đồng thẩm định quốc gia; khi góp ý về các bộ sách cần mang tính xây dựng, với mục tiêu nâng cao chất lượng. Cần tránh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa dẫn đến tìm cách "hạ bệ", khen, chê không công bằng, thiếu chuẩn mực, khiến các trường cũng như phụ huynh, học sinh khó xác định được bộ sách nào tốt, phù hợp để sử dụng trong dạy học. Ðáng chú ý, Bộ GD và ÐT cần công bố kết quả thẩm định công khai, minh bạch, kịp thời chỉ rõ ưu điểm, hạn chế và bộ sách có đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu giáo dục hay không, để các trường, phụ huynh nắm bắt được và có sự lựa chọn hợp lý. Nếu không, khi triển khai chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ xảy ra tình trạng bộ sách còn nhiều hạn chế nhưng vì lý do nào đó, được đưa vào nhà trường rộng rãi; trong khi bộ sách tốt lại không được sử dụng giảng dạy. Như vậy, học sinh sẽ khó khăn và thiệt thòi trong quá trình học tập, dẫn đến khó đạt được mục tiêu giáo dục phẩm chất, năng lực cho các em.PGS. TS Bùi Mạnh Hùng chia sẻ trên VTV1
PGS. TS Bùi Mạnh Hùng chia sẻ trên VTV1 tối 13/9/2018: "Cần minh bạch hoá các quá trình triển khai biên soạn sách giáo khoa cũng như đưa sách giáo khoa vào nhà trường rồi kiểm tra đánh giá. Đặc biệt nâng cao công tác quản lý và giám sát của xã hội. Điều cần nhất lúc này là phải tăng cường công tác truyền thông để cho toàn xã hội hiểu được định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa sắp tới...Để cho mọi người tin thì người ta cần phải biết thực sự chúng ta đang làm gì."
(Trong chương trình này có hệ thống các mốc thời gian tiến hành việc đổi mới SGK và những ý kiến tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9/2018) - các bạn có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.)
Trần Phương Nam (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc: